VPB: Nguồn vốn dồi dào thúc đẩy tăng trưởng kinh doanh 16/04/22

VPB: Nguồn vốn dồi dào thúc đẩy tăng trưởng kinh doanh 16/04/22

Lượt xem: 132
  •  

Nguồn vốn tăng cao sẽ giúp hỗ trợ cho kế hoạch mở rộng kinh doanh. Với nguồn vốn dồi dào của VPB, chúng tôi ước tính dư nợ cho vay sẽ tăng trưởng +21% trong năm 2022E.

Chúng tôi kỳ vọng chi phí huy động vốn sẽ giảm do tiền gửi CASA tăng và sẽ hỗ trợ cho biên lãi ròng (NIM). Nếu ngân hàng bán vốn thành công sẽ giúp làm giảm thêm chi phí huy động vốn của ngân hàng trong tương lai.

Thu nhập phí được thúc đẩy bởi việc gia hạn thỏa thuận bancassurance độc quyền với AIA lên thành 19 năm (thời hạn cũ là 15 năm).

Hiệu quả sử dụng chi phí sẽ được cải thiện nhờ vào hiệu quả chuyển đổi số của ngân hàng.

Chúng tôi giả định rằng chi phí tín dụng của VPB sẽ tăng lên dù cho việc hoãn phân loại nhóm nợ. Chúng tôi tăng khoản dự phòng của nợ tái cơ cấu trong mô hình định giá và xem đây là một cách thận trọng khi định giá ngân hàng VPB.

Chúng tôi tăng dự báo LNST của CĐCT mẹ lên +7% đối với năm 2022E, với động lực thúc đẩy chính là sự gia tăng dự báo của thu nhập phí và giảm chi phí hoạt động; trong khi đó giả định trích lập dự phòng tăng. Chúng tôi kỳ vọng lợi nhuận năm 2022E tăng +25% YoY.

Dự báo LNST của CĐCT mẹ năm 2022E của chúng tôi thấp hơn 4% so với các bên. Chúng tôi cho rằng có thể là do giả định trích lập dự phòng của chúng tôi cao hơn so với các bên.

Nguồn vốn sẽ tăng mạnh (có thể đạt mức cao nhất ngành ngân hàng Việt Nam) sau khi thoái vốn FE Credit và hoàn tất các kế hoạch tăng vốn trong năm 2022E. Với điều kiện các yếu tố khác không thay đổi, chúng tôi ước tính tỷ lệ an toàn vốn (CAR) sẽ đạt 20% nếu thương vụ thoái vốn diễn ra thành công (vui lòng xem bảng 3).

Chúng tôi nâng khuyến nghị lên MUA. VPB đang giao dịch tương ứng với P/B năm 2022E là 1,7x, so với trung vị ngành là 1,6x. Giá mục tiêu của chúng tôi tương ứng với mức sinh lời +19%. Chất xúc tác có thể mang lại tác động tích cực lên giá cổ phiếu đến từ việc VPB dự kiến bán 15% cổ phần cho các nhà đầu tư nước ngoài trong năm 2022E, và chúng tôi kỳ vọng thương vụ này sẽ hoàn thành trong 1H22. Chúng tôi kỳ vọng giá bán có thể cao hơn 11-17% so với giá hiện tại (vui lòng xem bảng 2).

Mở rộng tốc độ tăng trưởng tín dụng do nguồn vốn dồi dào hơn

Chúng tôi nâng dự báo tăng trưởng tín dụng lên 6 điểm % (ppt) và kỳ vọng đạt 21% trong năm 2022E. Nguồn vốn của VPB được củng cố sau khi hoàn tất thoái vốn FE Credit và tiềm năng từ việc bán vốn cho đối tác nước ngoài trong năm 2022E, điều này sẽ giúp VPB nhận được hạn mức tăng trưởng tín dụng cao hơn.

Gia tăng vốn sẽ làm giảm đòn bẩy, từ đó làm giảm chi phí huy động vốn dài hạn

Tỷ lệ đòn bẩy (tài sản / vốn chủ sở hữu) của VPB là 6,3x – đây là mức thấp thứ hai trong ngành, và chúng tôi kỳ vọng tỷ lệ đòn bẩy sẽ giảm sâu hơn nữa khi nguồn vốn gia tăng thông qua kế hoạch bán 15% cổ phần cho các nhà đầu tư nước ngoài.

Chúng tôi dự báo biên lãi ròng (NIM) sẽ đạt 7,9%, tăng +10 điểm cơ bản (bps) so với cùng kỳ trong năm 2022E vì chúng tôi kỳ vọng chi phí huy động vốn sẽ giảm do CASA được cải thiện. Tỷ lệ CASA năm 2021 của VPB là 22%, khá thấp so với VCB (36%), MSB (36%), MBB (49%), và TCB (50%). Tuy nhiên, CASA của VPB đang trong xu hướng tăng và chúng tôi cho rằng tỷ lệ CASA của VPB sẽ tăng mạnh hơn nữa trong tương lai nhờ vào chiến lược số hóa của ngân hàng. Ngân hàng kỳ vọng tăng tỷ lệ CASA lên đạt mức 23-27% trong năm 2022E.

Chúng tôi không phản ánh lợi ích của việc giảm đòn bẩy từ việc tăng vốn do bán cổ phần cho đối tác nước ngoài vào dự báo NIM của chúng tôi. Tuy nhiên, chúng tôi kỳ vọng chi phí huy động vốn dài hạn sẽ giảm thấp hơn nếu kế hoạch bán cổ phần thành công, và điều này rõ ràng sẽ giúp hỗ trợ NIM tốt hơn.

Thu nhập phí có thể sẽ tăng. Như dự kiến, VPB và AIA đã quyết định gia hạn thỏa thuận bancassurance độc quyền lên thành 19 năm (so với thời hạn cũ là 15 năm) hồi tháng 3. Mặc dù chi tiết thông tin về giá trị của thỏa thuận này vẫn chưa được công bố, nhưng rõ ràng khoản phí ghi nhận trước sẽ thúc đẩy thu nhập phí của VPB.

Tăng giả định chi phí tín dụng

Chúng tôi tiếp tục kỳ vọng ngân hàng sẽ tăng trích lập dự phòng trong thời gian tới do nợ xấu được công bố có thể sẽ tăng trong tương lai. Đây rõ ràng là một chiến lược thận trọng, xét từ góc độ quản trị rủi ro hoạt động cũng như góc độ định giá của chúng tôi đối với cổ phiếu. Dự phòng cao hơn sẽ làm tăng tỷ lệ bao phủ của ngân hàng, nhưng với kỳ vọng nợ xấu cũng có thể sẽ gia tăng trong năm 2022E, các nhà đầu tư nên xem xét các số liệu này một cách cẩn trọng khi ước tính định giá của cổ phiếu.

Tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) của VPB chỉ đạt 61% (+16ppt YoY) tính đến cuối Q4/2021. Chúng tôi cho rằng tỷ lệ LLR của VPB hiện đang khá thấp, thậm chí tỷ lệ LLR công bố trong và ngoài bảng CĐKT cũng chỉ đạt khoảng 92%. Ngân hàng nên gia tăng dự phòng để hạn chế rủi ro chất lượng tài sản bị suy giảm, và VPB đã tăng dự phòng lên +31% YoY để củng cố chất lượng tài sản tốt hơn trong năm 2021.

Chúng tôi cho rằng VPB sẽ tiếp tục tăng dự phòng trong năm 2022E. Thậm chí nếu dự phòng của ngân hàng không thực sự tăng lên, thì các nhà đầu tư vẫn nên giả định dự phòng sẽ tăng khi thực hiện định giá cổ phiếu. Chúng tôi giả định chi phí tín dụng sẽ đạt 21,5 nghìn tỷ đồng (+12% YoY) trong năm 2022E.

Nguồn: FSC 

×
tvi logo