VND: Kết quả kinh doanh vượt trội và hưởng lợi từ tăng trưởng quy mô TTCKVN

VND: Kết quả kinh doanh vượt trội và hưởng lợi từ tăng trưởng quy mô TTCKVN

Lượt xem: 217
  •  

Cập nhật kết quả kinh doanh

Kết quả kinh doanh quý 3 và lũy kế 9 tháng đầu năm 2021 của VND ghi nhận tăng mạnh mẽ so với cùng kỳ, nhờ vào việc giá trị giao dịch TTCKVN liên tục duy trì ở mức cao và các mảng kinh doanh khác của công ty đều ghi nhận tăng trưởng tốt.

• Kết thúc quý 3/2021, VND ghi nhận 590.2 tỷ đồng lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL), gấp 2.5 cùng kỳ năm trước; lãi từ các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (HTM) tăng 50% lên gần 132.8 tỷ đồng; lãi từ các khoản cho vay và phải thu đạt 313.4 tỷ đồng (gấp 4.1 lần cùng kỳ). Doanh thu nghiệp vụ môi giới chứng khoán đạt 433.2 tỷ đồng, tăng 291.3%. Doanh thu nghiệp vụ bảo lãnh, đại lý phát hành chứng khoán đạt 150.6 tỷ đồng, gấp 7.1 lần cùng kỳ. Tổng doanh thu hoạt động đạt gần 1,626.3 tỷ đồng, gấp 2.9 lần mức thực hiện cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế 595.6 tỷ đồng, gấp 2.4 lần quý 3/2020.

• Lũy kế 9 tháng, VND ghi nhận tổng doanh thu hoạt động trên 3,962.9 tỷ đồng (+155.7% so với giai đoạn 9 tháng năm 2020), trong đó: 1,518.6 tỷ đồng lãi FVTPL (+151.7%); 344 tỷ đồng lãi HTM (+23.8%); 730.4 tỷ đồng lãi từ các khoản cho vay và phải thu (+193.8%); 55.9 tỷ đồng lãi AFS (-1.6%); 1,071.3 tỷ đồng doanh thu nghiệp vụ môi giới chứng khoán (+256.7%); 213.9 tỷ đồng doanh thu nghiệp vụ bảo lãnh, đại lý phát hành chứng khoán (+655.9%). Lợi nhuận sau thuế giai đoạn này ghi nhận ở 1,545.4 tỷ đồng, gấp 3.5 lần so với cùng kỳ năm 2020.

• Kế hoạch kinh doanh VND đặt ra cho năm 2021 ban đầu có mục tiêu doanh thu hoạt động 2,556 tỷ đồng, lợi nhuận trước và sau thuế lần lượt là 1,100 tỷ và 880 tỷ đồng. Vào tháng 9/2021, VND đã thông qua việc thay đổi kế hoạch kinh doanh năm 2021 với mục tiêu doanh thu hoạt động tăng 55% so với kế hoạch cũ lên mức 3,951 tỷ đồng; lợi nhuận trước và sau thuế tăng 82% lên lần lượt 2,000 tỷ đồng và 1,600 tỷ đồng. So với kế hoạch mới điều chỉnh này, sau 9 tháng hoạt động, VND đã hoàn thành được vượt mục tiêu doanh thu hoạt động đề ra và gần như hoàn thành mục tiêu lợi nhuận năm (96.6%).

• Cơ cấu doanh thu 9T/2021 :

• Tại Đại hội cổ đông bất thường của VND vào cuối năm, Bà Vũ Lam Hương, Giám đốc Tài chính, cho biết: theo dự kiến, lợi nhuận nhiều khả năng xác lập kỷ lục mới trong quý 4 này; lợi nhuận trước thuế năm 2021 dự kiến đạt 2,800 tỷ đồng.

Triển vọng doanh nghiệp

Triển vọng lợi nhuận của VND trong năm 2022 phần lớn đến từ sự tăng trưởng quy mô và động lực phát triển của Thị trường Chứng khoán Việt Nam (TTCKVN), được hỗ trợ bởi những mục tiêu về tăng trưởng kinh tế, nâng cao nội lực doanh nghiệp và kỳ vọng thăng hạng thị trường trong giai đoạn 2-3 năm tới. Bên cạnh đó, VND đang giữ vững được vị thế ổn định trong top các CTCK hàng đầu, tự doanh hoạt động hiệu quả với danh mục cổ phiếu nắm giữ tiềm năng, bản thân chính doanh nghiệp cũng có liên tục có những chính sách cải tiến, thay đổi tích cực để nâng cao chất lượng dịch vụ, theo kịp đà phát triển chung của thị trường.

• Quy mô TTCKVN tăng trưởng vượt bậc trong năm 2021 Năm 2021 đánh dấu bước phát triển bùng nổ của quy mô TTCKVN với những con số tăng trưởng kỷ lục kể từ khi thị trường được thành lập đến nay. Giá trị giao dịch trên HOSE liên tục tăng mạnh từ đầu năm, tháng 11 đạt mức cao kỷ lục hơn 714 nghìn tỷ đồng. Quy mô giao dịch trung bình mỗi tháng đạt hơn 430 nghìn tỷ. Giao dịch khớp lệnh chiếm 92.8% quy mô thị trường.

Số lượng tài khoản mở mới tăng cao kỷ lục, lũy kế 11 tháng đã lớn hơn tổng số tài khoản mở mới trong 4 năm 2017, 2018, 2019 và 2020 cộng lại (tổng 4 năm đạt 1.04 triệu tài khoản). Tháng 11 ghi nhận tài khoản mở mới đạt mức cao kỷ lục, tăng 70% so với tháng trước và tiếp nối chuỗi 9 tháng liên tiếp ghi nhận mở mới trên 100,000 tài khoản (kể từ tháng 2 năm nay). Lũy kế từ đầu năm có 1,311,916 tài khoản chứng khoán mở mới, gấp 3.31 lần kết quả năm 2020. Tổng số lượng tài khoản giao dịch tại thời điểm cuối tháng 11/2021 là 4.08 triệu tài khoản.

Cơ cấu dòng tiền đầu tư trên thị trường năm 2021 ghi nhận sự khác biệt tích cực so với các năm trước bởi sự chiếm lĩnh của nhóm đối tượng cá nhân trong nước. Tại một số thời điểm nhóm này là bên mua ròng đơn độc trên sàn, thậm chí nâng đỡ chỉ số, điều này được cho là có tác động khiến nhiều tổ chức điều chỉnh chiến lược đầu tư. Việc nhà đầu tư cá nhân chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu giao dịch của thị trường là yếu tố chủ chốt giúp một thị trường chứng khoán trở nên minh bạch và tăng sức thu hút dòng vốn từ các nhóm đối tượng khác, đặc biệt là nguồn vốn ngoại, khiến quy mô thị trường ngày càng được mở rộng và tính chuyên nghiệp được nâng cao.

• Động lực tăng trưởng chính của TTCKVN năm 2022 - Áp lực phục hồi kinh tế sau giai đoạn dịch bệnh kéo dài

Phục hồi kinh tế hậu Covid-19 đang là mục tiêu hàng đầu của Chính phủ. Vì lẽ đó ngay từ giai đoạn cuối năm 2021 sau khi tình hình dịch bệnh tạm thời được nới lỏng, công tác giải ngân vốn đầu tư công đã được gấp rút thực thi. Tuy nhiên tiến độ giải ngân vốn đầu tư công cuối năm còn chậm khi đến hết tháng 11, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công mới đạt 65.7%. Dự toán ngân sách năm 2022 đã được công bố với chi ngân sách 1,784,600 tỷ đồng trong đó chi đầu tư phát triển mục tiêu đạt hơn 526 nghìn tỷ đồng, chiếm 29.5% tổng chi. Các mức dự toán này lần lượt tăng 6% và 10% so với dự toán năm 2021 dù mức thực hiện năm cũ khá thấp cho thấy quyết tâm trong việc sử dụng chính sách hỗ trợ tạo đà tăng trưởng cho nền kinh tế của Chính phủ. Gói hỗ trợ hồi phục kinh tế mới với quy mô cao chưa từng có lên tới gần 844,000 tỷ đồng (tương đương 10.38% GDP năm 2021 (tổng giá trị công bố)) do Nhóm nghiên cứu của Thường trực Uỷ ban Kinh tế và các chuyên gia đề xuất đang được tích cực bàn thảo để thiết kế quy mô và phạm vi áp dụng. Gói phục hồi kinh tế quy mô 350,000 tỷ đồng đã chính thức được Chính phủ đệ trình tại kỳ họp bất thường của Quốc hội đầu năm (04/01/2022). Trong khi đó các gói hỗ trợ đã có vẫn đang được thúc đẩy để nhanh chóng giải ngân.

Kinh tế Việt Nam đang trong giai đoạn quan trọng cần tăng tốc, chuyển mình mạnh mẽ để có thể hướng tới mục tiêu trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và mục tiêu tiếp đến quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045. Để thực hiện được mục tiêu đó, nền kinh tế cần tăng trưởng với tốc độ bình quân hàng năm khoảng 5% trên đầu người trong 25 năm tới. Tốc độ tăng trưởng bị kéo chậm lại trong năm 2021 vì những ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19: ước tính GDP quý 4/2021 tăng 5.22% so với cùng kỳ năm 2020 và GDP cả năm ước tăng 2.58%. Bước lùi tạm thời này kết hợp với những áp lực về tình trạng dân số già hóa nhanh chóng, môi trường suy thoái, biến đổi khí hậu, áp lực tự động hóa gia tăng,… sẽ góp phần tạo hiệu ứng buộc Việt Nam phải sớm trở lại đạt mức tăng trưởng cao. - Cơ hội tăng trưởng kinh tế từ FTAs và làn sóng dịch chuyển đầu tư

Giai đoạn 2019-2021, nhiều FTA Việt Nam ký kết với các nước bắt đầu có hiệu lực, trong đó có 3 FTA lớn ký với nhiều quốc gia lớn trên thế giới là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương - CPTPP (tiền thân là TPP) đã có hiệu lực từ 01/2019; Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu - EVFTA đã có hiệu lực từ 08/2020 và Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực – RCEP sẽ có hiệu lực từ 1/1/2022. Bên cạnh đó còn có các hiệp định: UKVFTA (Việt Nam – Vương quốc Anh) đã có hiệu lực từ 1/5/2021; ATISA (ASEAN) cũng vừa được Chính phủ phê duyệt 18/10/2021 cũng sẽ sớm chính thức có hiệu lực. Các FTAs này sẽ tạo điều kiện thuận lợi kích thích giao thương giữa Việt Nam và các nước đối tác, thu hút nguồn vốn ngoại thông qua các điều khoản ưu đãi về thuế quan cho các nước thành viên, mở cửa thị trường xóa bỏ rào cản đầu tư, bảo đảm quyền lợi cho nhà đầu tư các nước.

Bên cạnh đó dịch bệnh bùng phát đã châm ngòi để những doanh nghiệp nước ngoài tại Trung Quốc tìm kiếm nhưng nơi đủ năng lực sản xuất khác ngoài Trung Quốc. So với những quốc gia khác, Việt Nam có một số điểm mạnh mà nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan tâm: tình hình chính trị, an ninh ổn định, vị trí địa lý thuận lợi cho giao thương, lực lượng lao động phổ thông trẻ với chi phí lao động còn thấp, là thành viên của nhiều FTAs, pháp luật tương đối đầy đủ và ngày càng được hoàn thiện. Trong bối cảnh kinh tế VN 2021 u ám gây nên bởi dịch bệnh, FDI được coi là điểm sáng khi trong 11 tháng đầu năm vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký đạt 26.46 tỷ USD ở 17 lĩnh vực. Công nghiệp chế biến, chế tạo có vốn FDI đăng ký lên đến 14 tỷ USD, chiếm 53% tổng vốn đăng ký. - Tỷ lệ tiêm chủng ở Việt Nam đã đạt mức cao so với khu vực và thế giới

Điều kiện tiên quyết cho việc phục hồi và tăng trưởng kinh tế là Việt Nam phải tạo được lá chắn thông qua bao phủ vaccine để chống lại dịch bệnh. Tỷ lệ dân số đã tiêm chủng ít nhất 1 mũi ở Việt Nam hiện tại vào khoảng 76% - ở mức khá cao khi so sánh với khu vực (châu Á 65%) , và thế giới (56%). Mục tiêu đề ra là hoàn thành bao phủ vaccine vào cuối năm 2021 hoặc chậm nhất là đầu năm 2022.

Nguồn: FNS 

×
tvi logo