VIB: Chờ đợi những bước tiến mới
▪ Lợi nhuận (LN) ròng 2021 tăng 38,1% svck lên 6,4 nghìn tỷ đồng.
▪ Chúng tôi kỳ vọng VIB sẽ đạt mức tăng trưởng LN 2022/23 là 15%/18%.
▪ Duy trì giá mục tiêu 46.400đ/cp; tuy nhiên hạ khuyến nghị xuống Trung lập do định giá đã ở mức hợp lý.
Khép lại năm 2021 với kết quả ấn tượng
Năm 2021, thu nhập lãi thuần (NII) tăng 39,1% svck nhờ tăng trưởng tài sản 26% kể từ đầu năm và biên lãi thuần (NIM) mở rộng 34 điểm cơ bản. Chi phí hoạt động của ngân hàng chỉ tăng 18% svck và tỷ lệ chi phí trên thu nhập hoạt động (CIR) giảm xuống 37% từ mức 40% năm 2020, cho thấy rằng ngân hàng đã thực hiện cắt giảm chi phí hiệu quả. NII tăng trưởng mạnh cùng với kiểm soát chi phí tốt đã giúp LN ròng tăng trưởng 38,1% svck đạt 6,4 nghìn tỷ đồng.
Tuy vậy đà tăng trưởng LN dự kiến chậm lại trong năm 2022
Với lợi thế tập trung vào các sản phẩm cho vay bán lẻ, đặc biệt là cho vay thế chấp và mua xe, sẽ giúp VIB có thể khai thác tốt nhu cầu cho vay bán lẻ đang gia tăng mạnh mẽ trong 2 năm tới; chúng tôi kỳ vọng VIB sẽ ghi nhận tăng trưởng tín dụng 25%/22% trong giai đoạn 2022-2023. Tuy nhiên, lãi suất cho vay thấp hơn trong khi lãi suất huy động sẽ tăng dưới áp lực lạm phát sẽ làm ảnh hưởng đến NIM toàn ngành trong năm 2022. Những ngân hàng có CASA cao, tỷ lệ cho vay trên tổng tiền gửi (LDR) thấp và còn dư địa lớn để mở rộng cơ cấu cho vay bán lẻ sẽ có khả năng giảm thiểu rủi ro này. VIB chỉ ghi nhận CASA ở mức 16% và tỷ lệ cho vay bán lẻ đã đạt mức cao 87% tổng cho vay; vì vậy chúng tôi dự kiến NIM của ngân hàng sẽ giảm và theo đó làm chậm lại đà tăng trưởng LN (+15%/18% trong 2022-23).
Hạ khuyến nghị xuống Trung lập với giá mục tiêu không đổi là 46.400đ/cp
VIB đang giao dịch ở mức P/BV 2,4 lần năm 2022 - cao hơn nhiều so với mức trung bình 1,9 lần của các ngân hàng cùng quy mô và tương đương với +1 độ lệch chuẩn P/BV trung bình 5 năm. Hạ khuyến nghị xuống Trung lập với giá mục tiêu không đổi là 46.400đ/cp. Giá mục tiêu của chúng tôi dựa trên sự kết hợp của P/BV dự phóng 2,3 lần và phương pháp định giá thu nhập thặng dư (COE: 14,6%, LTG: 3,0%). Rủi ro giảm giá bao gồm (i) lạm phát cao hơn dự kiến làm giảm tăng trưởng tín dụng và (ii) nợ xấu cao hơn dự kiến. Tiềm năng tăng giá gồm (i) NIM tốt hơn kỳ vọng và (ii) kế hoạch tăng vốn mới.
Phương án tăng vốn điều lệ năm 2022
VIB vừa công bố kế hoạch phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu và cán bộ nhân viên (CBNV) trong năm nay (tỷ lệ 35% cho cổ đông hiện hữu và 0,7% cho CBNV). Kế hoạch này sẽ bổ sung thêm 554 triệu cổ phiếu và vốn điều lệ của ngân hàng theo đó sẽ tăng 36% đạt 21,1 nghìn tỷ đồng từ mức 15,5 nghìn tỷ đồng vào 2021. Số vốn tăng thêm sẽ được sử dụng để đầu tư cơ sở vật chất và đảm bảo hệ số an toàn vốn tối thiểu của ngân hàng.
CHỜ ĐỢI NHỮNG BƯỚC TIẾN MỚI
Kết quả 2021: như kỳ vọng
Tổng tài sản của VIB tăng 26,5% kể từ đầu năm lên 310 nghìn tỷ đồng cuối năm 2021, nhờ vào…
Tín dụng tăng trưởng ổn định: 19% lên tới 204 nghìn tỷ đồng, nhờ vào sự tăng trưởng mạnh mẽ của dư nợ cho vay bán lẻ 24,5% từ đầu năm (175 nghìn tỷ đồng; ~ 87% tổng cho vay).
Danh mục cho vay liên ngân hàng tăng gấp 7 lần. Các khoản cho vay liên ngân hàng tính đến cuối 2021 chiếm 9,4% trong tổng tài sản sinh lời của VIB so với khoảng 1% trong giai đoạn 2016 - 2020. Cuối năm 2021, dư nợ cho vay liên ngân hàng của VIB đã tăng gấp 7 lần so với năm 2020, đạt 28 nghìn tỷ đồng.
NIM mở rộng 34 điểm cơ bản trong năm 2021. Lợi suất tài sản của ngân hàng giảm 52 điểm do ngân hàng đã giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ các khách hàng trong đại dịch. Tuy nhiên, chi phí vốn đã giảm mạnh hơn 96 điểm do lãi suất huy động dao động ở mức thấp nhất trong lịch sử. Do đó NIM đã cải thiện lên mức 4,38% trong năm 2021 (từ mức 4,04% năm 2020).
Hai yếu tố trên đã giúp VIB đạt mức tăng trưởng thu nhập lãi thuần 39,1% svck lên 11,8 nghìn tỷ đồng trong năm 2021.
Thu nhập ngoài lãi tăng 13,1% svck lên 3,1 nghìn tỷ đồng trong năm 2021, trong đó thu nhập từ phí là nhân tố đóng góp chính (+14,8% svck lên 2,7 nghìn tỷ đồng).
Chi phí hoạt động của VIB chỉ tăng 18% svck trong năm 2021. Tỷ lệ chi phí trên thu nhập (CIR) do đó đã giảm xuống 37% từ mức 40% trong năm 2020.
Chi phí dự phòng tăng 68,6% svck (tỷ lệ chi phí tín dụng nhích lên 0,9% từ 0,6% năm 2020). Ngoài ra, nợ xấu của ngân hàng tăng 58% svck, dẫn đến tỷ lệ nợ xấu cao hơn 2,3% vào cuối năm 2021 (so với mức 1,7% vào cuối năm 2020. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) là 51,4% vào cuối năm 2021 (so với 59,1%) vào cuối năm 2020.
Nợ nhóm 2 là 5,2 nghìn tỷ đồng (gấp 2 lần so với năm 2020), chiếm 2,6% tổng dư nợ (so với mức 1,5% vào cuối năm 2020).
Tổng nợ tái cơ cấu là 1,1 nghìn tỷ đồng, tương đương 0,52% dư nợ (so với 1% vào cuối Q3/2021 - tương đương 1,9 nghìn tỷ đồng).
Dự phóng cho giai đoạn 2022-23
Với lợi thế tập trung vào các sản phẩm cho vay bán lẻ, đặc biệt là cho vay thế chấp và vay mua xe, VIB sẽ có khả năng để khai thác tốt nhu cầu cho vay bán lẻ đang gia tăng mạnh mẽ trong 2 năm tới; chúng tôi kỳ vọng VIB sẽ tăng trưởng tín dụng ổn định ở mức 25%/22% trong giai đoạn 2022-2023. Ngân hàng sẽ có thể thận trọng hơn trong việc triển khai các hoạt động cho vay trong năm nay vì tệp khách hàng đã chịu nhiều ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
Chúng tôi ước tính NIM của VIB sẽ giảm hơn 40 điểm xuống mức 3,9% trong giai đoạn 2022-2023 lãi suất cho vay thấp hơn trong khi lãi suất huy động sẽ tăng dưới áp lực lạm phát sẽ làm ảnh hưởng tiêu cực đến NIM toàn ngành trong năm 2022. Những ngân hàng có CASA cao, tỷ lệ cho vay trên tổng tiền gửi (LDR) thấp và còn dư địa lớn để mở rộng cơ cấu cho vay bán lẻ sẽ có khả năng giảm thiểu rủi ro này. VIB ghi nhận tỷ lệ CASA thấp (chỉ đạt 16% vào cuối năm 2021) và cơ cấu cho vay bán lẻ vốn đã cao trong tổng danh mục (87% vào cuối năm 2021). Do đó, chúng tôi cho rằng VIB sẽ phải đối mặt với áp lực NIM giảm trong năm 2022. Chúng tôi kỳ vọng thu nhập từ phí sẽ giữ được đà tăng trưởng mạnh 25% svck trong năm giai đoạn 2022-2023, nhờ vào dịch vụ thanh toán và bảo hiểm.
Chúng tôi kỳ vọng tỷ lệ chi phí tín dụng 2022-2023 sẽ duy trì ở mức 0,9% (trong năm 2021 đạt 0,9%). Chi phí dự phòng của ngân hàng nó sẽ tăng 22%/19% trong 2022-2023. Cần lưu ý rằng chất lượng tài sản của VIB là đáng chú ý bởi VIB thuộc nhóm các ngân hàng có khẩu vị rủi ro cao, với hệ số LLR tương đối thấp (51% vào cuối năm 20 21 so với 171% trung bình các ngân hàng cùng quy mô) và tỷ lệ nợ xấu cao (2,3% vào cuối năm 2021 so với mức 1,3% trung bình của các ngân hàng cùng quy mô). Do đó, chúng tôi dự đoán VIB vẫn phải tiếp tục tăng trích lập dự phòng trong năm nay do lo ngại nợ xấu tăng trong vài quý tới.
Kết luận, chúng tôi ước tính LN ròng của VIB sẽ tăng trưởng 15%/18% svck trong năm 2022-2023, lần lượt đạt 7,4 nghìn tỷ đồng và 8,7 nghìn tỷ đồng.
Định giá: Hạ khuyến nghị xuống Trung lập với giá mục tiêu không đổi là 46.400đ/cp
Giá mục tiêu của chúng tôi dựa trên cơ sở định giá thu nhập thặng dư (COE: 14,6%; LTG: 3,0%) và phương pháp P/BV, tỷ lệ ngang nhau. Chúng tôi duy trì mức giá mục tiêu 1 năm cho VIB là 46.400 đồng (EPS tăng nhẹ 2% năm 2022- 2023 và hệ số P/BV dự phóng là 2,3 lần). Hiện tại VIB đang giao dịch ở mức P/BV 2,4 lần - cao hơn nhiều so với mức trung bình ngành 1,9 lần và tương đương với +1 độ lệch chuẩn P/BV trung bình 5 năm. Hạ khuyến nghị xuống Trung lập.
Rủi ro giảm giá bao gồm (i) lạm phát cao hơn dự kiến làm giảm tăng trưởng tín dụng và (ii) nợ xấu cao hơn dự kiến. Tiềm năng tăng giá theo chúng tôi sẽ là (i) NIM tốt hơn mong đợi và (ii) kế hoạch tăng vốn mới.
Phương án tăng vốn điều lệ năm 2022: VIB vừa công bố kế hoạch phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu và cán bộ nhân viên (CBNV) trong năm nay (tỷ lệ 35% cho cổ đông hiện hữu và 0,7% cho CBNV). Kế hoạch này sẽ bổ sung thêm 554 triệu cổ phiếu và vốn điều lệ của ngân hàng theo đó sẽ tăng 36% đạt 21,1 nghìn tỷ đồng từ 15,5 nghìn tỷ đồng vào 2021. Số vốn tăng thêm sẽ được sử dụng để đầu tư cơ sở vật chất và đảm bảo hệ số an toàn vốn tối thiểu.
Nguồn: VNDS