Triển vọng Ngành Xi măng năm 2022: Mây tạnh, Trời quang

Triển vọng Ngành Xi măng năm 2022: Mây tạnh, Trời quang

Lượt xem: 900
  •  

Điểm nhấn năm 2021

Ngành xi măng tăng 61% trong năm 2021, cao hơn 27% so với chỉ số VNIndex. Các cổ phiếu có diễn biến khả quan nhất bao gồm: HT1 (+35%) và BCC (+145%).

Điểm nhấn của ngành trong năm 2021

Nhu cầu trong nước bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19, trong khi xuất khẩu vẫn mạnh: Sản lượng tiêu thụ xi măng trong nước trong 5 tháng đầu năm 2021 tăng 9% so với mức thấp năm trước. Tuy nhiên, dịch Covid-19 bùng phát từ tháng 4 đến tháng 11 đã khiến các hoạt động xây dựng bị trì hoãn, đặc biệt là trong quý 3. Do đó, nhu cầu xi măng trong 11T 2021 giảm -2% đạt khoảng 56,6 triệu tấn.

Mặt khác, sản lượng xuất khẩu xi măng và clinker trong 11T2021 tăng 20,4% so với cùng kỳ đạt 41,9 triệu tấn, giá bán bình quân tăng 4% so với cùng kỳ lên mức 39 USD/tấn. Trung Quốc vẫn là thị trường trọng điểm với sản lượng tăng 15% lên 23 triệu tấn và chiếm 55% tổng sản lượng xuất khẩu của Việt Nam. Sản lượng xuất khẩu sang Philippines và Bangladesh cũng tăng lần lượt 15% và 92% so với cùng kỳ đạt 6,9 triệu tấn và 3,5 triệu tấn, chiếm 16% và 9% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Biên lợi nhuận của công ty giảm sút do hiệu suất hoạt động thấp và chi phí đầu vào tăng: Lợi nhuận của hầu hết các công ty xi măng sụt giảm đáng kể do sản lượng tiêu thụ giảm và chi phí than đầu vào tăng. Chi phí than đầu vào, chiếm khoảng 30% giá thành sản xuất xi măng, tăng khoảng 30% - 40% trong năm 2021. Giá than trong nước tăng theo giá than thế giới, với một số nguyên nhân bao gồm: kinh tế phục hồi mạnh mẽ và sự thiếu hụt nguồn cung. Điều này là do: (1) Trung Quốc hạn chế sản xuất vì các vấn đề môi trường; (2) các nước xuất khẩu lớn như Indonesia, Australia, Nam Phi và Nga không có khả năng tăng đủ sản lượng xuất khẩu do thời tiết bất lợi, thiên tai và dịch Covid-19.

Mặc dù giá than tăng cao, các công ty xi măng vẫn có thể tăng giá xi măng khoảng 3% - 5% trong năm 2021 trong bối cảnh nhu cầu trong nước yếu và áp lực cạnh tranh mạnh mẽ. Ngoài ra, hiệu suất hoạt động thấp, đặc biệt là trong Q3/2021 khiến biên lợi nhuận gộp giảm đáng kể mặc dù giá xi măng tăng. Biên lợi nhuận gộp trung bình của ngành xi măng giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều năm trong Q3/2021.

Do đó, nhiều công ty đã ghi nhận mức lợi nhuận giảm mạnh, thậm chí âm, trong Q3/2021. Lũy kế từ đầu năm, lợi nhuận của hầu hết các công ty xi măng trong 9T2021 đều giảm từ -10% đến -30% so với cùng kỳ.

Triển vọng năm 2022

Triển vọng tăng trưởng năm 2022

Nhu cầu trong nước có thể phục hồi, trong khi sản lượng xuất khẩu có thể chững lại: Chúng tôi cho rằng nhu cầu trong nước có thể quay trở lại mức tăng trưởng bình thường từ 5% -7% trong năm 2022 so với mức thấp trong năm 2021 do nhu cầu bị dồn nén, phân khúc xây dựng dân dụng phục hồi và đẩy mạnh đầu tư công. Mặt khác, tăng trưởng xuất khẩu có thể chững lại do nhu cầu của Trung Quốc chậm lại, thể hiện ở việc giá xi măng Trung Quốc giảm -15% so với mức đỉnh tháng 10 do thị trường bất động sản giảm.

Theo Nghị định 101/2021/NĐ-CP gần đây, thuế xuất khẩu clinker dự kiến sẽ tăng từ 5% lên 10% từ ngày 1/1/2023 nhằm hạn chế xuất khẩu khoáng sản. Clinker thường chiếm từ 60% -70% tổng lượng xi măng và clinker xuất khẩu. Xuất khẩu clinker giảm sẽ làm tăng áp lực cạnh tranh lên thị trường trong nước. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng việc tăng 5% thuế xuất khẩu sẽ không ảnh hưởng nhiều đến sản lượng xuất khẩu của Việt Nam.

Áp lực cạnh tranh trong nước có thể gia tăng khi công suất tăng lên: Trong vài năm tới, chúng tôi kỳ vọng công suất trong nước sẽ tăng từ 10% -15%. Cùng với sự giảm tốc của kênh xuất khẩu, điều này sẽ dẫn đến sự cạnh tranh mạnh mẽ hơn trên thị trường trong nước. Điều này đặc biệt xảy ra tại miền Bắc và miền Trung, nơi có các dự án mới nhiều nhất và có tỷ lệ xuất khẩu cao hơn.

Biên lợi nhuận gộp và lợi nhuận có thể phục hồi trong năm 2022: Chúng tôi kỳ vọng biên lợi nhuận gộp của các công ty xi măng có thể cải thiện 1% so với cùng kỳ do sản lượng tiêu thụ phục hồi và giá than điều chỉnh. Giá than thế giới đã giảm 20% - 25% so với mức đỉnh tháng 10. Chúng tôi cho rằng giá than ở Việt Nam có thể có xu hướng điều chỉnh trong năm 2022, tuy nhiên, thường có một khoảng thời gian chênh lệch giữa biến động giá than thế giới và giá than Việt Nam. Do đó, LNTT của các công ty xi măng có thể phục hồi từ 10%-50% từ năm 2021, với phần lớn mức tăng trưởng ghi nhận vào nửa cuối năm 2022.

Lợi nhuận phục hồi đã phản ánh hết vào định giá: P/E của cổ phiếu xi măng đã đạt mức rất cao trong cuối năm 2021 từ 18x24x, cao hơn nhiều so với mức trung bình ngành 10 năm từ 7x10x. Nếu chúng ta xem xét đến sự phục hồi lợi nhuận trong năm 2022, thì P/E của ngành vẫn ở mức khá cao - khoảng 17x. Do đó, chúng tôi cho rằng lợi nhuận phục hồi đã phản ánh hết vào định giá ngành.

Nguồn: SSI

×
tvi logo