Triển vọng Ngành Xây dựng năm 2022: Triển vọng tăng trưởng lợi nhuận năm 2022 khả quan nhưng đã phản ánh vào định giá

Triển vọng Ngành Xây dựng năm 2022: Triển vọng tăng trưởng lợi nhuận năm 2022 khả quan nhưng đã phản ánh vào định giá

Lượt xem: 263
  •  

Điểm nhấn năm 2021

Ngành xây dựng tăng 58% trong năm 2021. Các cổ phiếu có biến động giá tốt nhất bao gồm: ROS (+390%); HUT (+352%); HBC (+86%); DPG (+220%) và FCN (+122%). Các cổ phiếu có diễn biến giá kém khả quan hơn bao gồm: CTD (+26%) và LGC (-24%). Nếu loại trừ các cổ phiếu như ROS và HUT, ngành xây dựng trong năm 2021 chỉ tăng ở mức 28%. Kết quả khả quan của ngành trong năm 2021 phản ánh một phần kỳ vọng lợi nhuận phục hồi trong năm 2022.

Điểm nhấn của ngành trong năm 2021

• Những thay đổi chính trong năm 2021: Giá trị hợp đồng ký kết chưa thực hiện (backlog) cuối năm 2020 thấp cùng với việc giá thép tăng mạnh trong năm 2021 đã ảnh hưởng tiêu cực đến doanh thu và lợi nhuận năm 2021:

✓ Backlog cuối năm 2020 của CTD và HBC lần lượt là 9 nghìn tỷ đồng (-45% so với cùng kỳ) và 13 nghìn tỷ đồng (-12% so với cùng kỳ).

✓ Doanh thu 9T2021 của CTD chững lại ở mức 6,2 nghìn tỷ đồng (-40% so với cùng kỳ), trong khi doanh thu của HBC giảm xuống 7,5 nghìn tỷ đồng (-6% so với cùng kỳ). Nhìn chung, doanh thu từ các công ty xây dựng dân dụng (như Hòa Bình, Coteccons, Ricons, HTN, SC5, Searefico) giảm 15,4% so với cùng kỳ trong cùng giai đoạn.

✓ Giá thép xây dựng tăng gây áp lực lên biên lợi nhuận. Giá thép trung bình năm 2021 tăng khoảng 41% so với cùng kỳ. Các công ty cùng ngành xây dựng dân dụng (như HBC, CTD, Ricons, HTN, SC5 và SRF) có biên lợi nhuận ròng năm 2021 khoảng 1,7% (-160 bps so với cùng kỳ).

✓ Mặc dù thị trường nhà ở tại Hà Nội và TP. HCM chứng kiến sự sụt giảm nguồn cung mới và các căn hộ bán được trong năm 2021, giá trị hợp đồng ký mới của một số công ty xây dựng trong năm 2021 lại tăng trưởng khá bất ngờ. Dựa trên nguồn tổng hợp dữ liệu của CBRE và Savills, nguồn cung mới và căn hộ bán được trong năm 2021 có thể giảm từ 7% -13% so với cùng kỳ chủ yếu do giãn cách xã hội trong Q3/2021. Trong khi đó, trong năm 2021 CTD và HBC ghi nhận khoảng 25 nghìn tỷ đồng và 18 nghìn tỷ đồng giá trị ký mới, lần lượt cao gấp 3,6 lần và 2 lần so với năm 2020. Chúng tôi tin rằng giá trị hợp đồng mới tăng trong năm 2021 một phần có thể là do bị trì hoãn từ năm 2020 do dịch covid.

• Định giá ngành trong năm 2021

✓ CTD giao dịch với hệ số P/B năm 2021 là 1x, thấp hơn 53% so với mức trung bình giai đoạn 2015-2018 là 1,9x. Tỷ suất ROE năm 2021 đạt mức 1,6%, thấp hơn nhiều so với mức trung bình giai đoạn 2015-2018 là 24%. Tỷ lệ đòn bẩy tài chính của CTD là 1,6 lần (so với mức 3,8 lần của HBC). Biên lợi nhuận ròng năm 2021 ước tính là 1,5% so với mức trung bình năm 2015- 2018 là 5,8%. Tình trạng pháp lý siết chặt trong giai đoạn 2018-2020; tình hình cạnh tranh gay gắt trong ngành xây dựng và giá thép tăng trong năm 2021 đã khiến giá trị hợp đồng mới, backlog và doanh thu giảm, đồng thời gây áp lực lên biên lợi nhuận.

✓ HBC giao dịch với hệ số P/B năm 2021 là 1,9x, thấp hơn -14% so với mức trung bình giai đoạn 2015-2018 là 2,2x. Tỷ suất ROE năm 2021 chỉ đạt mức 2,4%, so với mức trung bình năm 2015-2018 là 26%. Biên lợi nhuận ròng năm 2021 ước tính khoảng 1%. Loại trừ khoản lãi bất thường từ việc bán công ty con trong Q2/2021, biên lợi nhuận ròng điều chỉnh năm 2021 đạt mức 0,5%.

Triển vọng năm 2022

Triển vọng tăng trưởng năm 2022

• Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi việc sửa đổi luật trong thời gian sắp tới để hỗ trợ thị trường bất động sản nhà ở:

✓ Luật Đất đai sẽ sửa đổi trong năm 2022, trước khi hoàn thành vào tháng 5/2023. Các điểm sửa đổi kỳ vọng sẽ có quy định cụ thể về hệ số đền bù giá đất nhằm giải quyết vấn đề giải phóng mặt bằng.

✓ Hiện tại theo luật Đầu tư 2020 quy định các dự án sau đây phải có sự chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ Tướng Chính phủ gồm dự án có quy mô sử dụng đất từ 50ha trở lên hoặc có quy mô dưới 50ha nhưng quy mô dân số từ 15.000 người trở lên tại khu vực đô thị; dự án đầu tư có quy mô sử dụng đất từ 100ha trở lên hoặc có quy mô dưới 100ha nhưng quy mô dân số từ 10.000 người trở lên tại khu vực không phải là đô thị. Thay vào đó, thị trường kỳ vọng những thay đổi về một số qui định có thể phân cấp thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư cho UBND cấp tỉnh.

✓ Luật Nhà ở 2014 vẫn chưa quy định về việc công nhận chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại đối với chủ đầu tư có quyền sử dụng đất 100% là đất nông nghiệp hoặc đất phi nông nghiệp không phải là đất ở. Điều này có thể hạn chế các dự án bất động sản nhà ở tiềm năng trong tương lại.

• Backlog cuối năm 2021 có thể đảm bảo doanh số xây dựng phục hồi trong năm 2022. Trong năm 2021, CTD và HBC có giá trị hợp đồng mới khoảng 25 nghìn tỷ đồng và 18 nghìn tỷ đồng, gấp 3,6 lần và gấp 2 lần so với năm 2020. Với giá trị hợp đồng mới, cả CTD và HBC sẽ ghi nhận backlog cuối năm 2021 tăng mạnh 25 nghìn tỷ đồng (gấp 2,7 lần so với cùng kỳ) và 21,4 nghìn tỷ đồng (+65% so với cùng kỳ). Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng sự gia tăng giá trị hợp đồng mới trong năm 2021 ít nhất một phần là do nhu cầu bị trì hoãn từ năm 2020 do covid. Do đó, khá sớm để đưa ra giả thuyết rằng giá trị ký mới trong năm 2022 sẽ đạt được mức tương đương năm 2021.

• Giá thép xây dựng điều chỉnh giảm trong 2022 có thể giúp cải thiện biên lợi nhuận. Chúng tôi giả định giá thép trung bình điều chỉnh giảm -8% trong năm 2022, điều này có thể giúp cải thiện biên lợi nhuận gộp. Tuy nhiên, do sự cạnh tranh gay gắt trong ngành xây dựng, biên lợi nhuận gộp giả định không thay đổi. Tuy nhiên, biên lợi nhuận ròng có thể cải thiện khoảng 30 bps do doanh thu phục hồi sẽ giúp cải thiện tỷ lệ chi phí bán hàng & quản lý doanh nghiệp/doanh thu.

• Triển vọng tăng trưởng lợi nhuận năm 2022 khá khả quan nhưng đã phản ánh vào định giá. LNST năm 2022 của CTD và HBC ước tính lần lượt đạt 347 tỷ đồng (+167% so với cùng kỳ) và 252 tỷ đồng (+151% so với cùng kỳ). Mặc dù giá thép trung bình năm 2022 được giả định giảm -8% so với cùng kỳ, nhưng mức trung bình của năm 2022 vẫn cao hơn 28% so với mức trung bình giai đoạn 2016-2018. Chúng tôi ước tính biên lợi nhuận ròng sẽ cải thiện 30 bps trong năm 2022 đối với CTD (1,8%) và HBC (1,3%), nhưng mức này vẫn thấp hơn nhiều so với mức trung bình giai đoạn 2015-2018 lần lượt là 5,8% và 3,9%, do cạnh tranh cao hơn và mặt bằng giá thép cao hơn.

Nguồn: SSI

×
tvi logo