TPB: Tiềm năng tăng trưởng đã được phản ánh

TPB: Tiềm năng tăng trưởng đã được phản ánh

Lượt xem: 154
  •  

▪ Lợi nhuận (LN) ròng 2021 tăng 37,6% svck lên 4,8 nghìn tỷ đồng.

▪ Chúng tôi kỳ vọng TPB sẽ đạt mức tăng trưởng kép LN 2022-23 là 25%.

▪ Duy trì giá mục tiêu 41.100đ/cp; tuy nhiên chúng tôi hạ khuyến nghị xuống Trung lập do định giá đã ở mức hợp lý.

2021: Một năm khởi sắc

TPB ghi nhận LN ròng năm 2021 tăng 37,6% svck (cao hơn 4,6% dự báo của chúng tôi) dựa trên tăng trưởng thu nhập lãi thuần (NII) 30,5% svck và hiệu quả trong việc kiểm soát chi phí. Tăng trưởng tín dụng đạt 21,8% được dẫn dắt bởi tăng trưởng cho vay (+18% svck) và mảng trái phiếu doanh nghiệp (+65% svck). Thu nhập ngoài lãi tăng 30% svck nhờ vào mảng bảo hiểm (+66% svck) và phí dịch vụ (+50,5% svck). Tỷ lệ chi phí/ thu nhập hoạt động (CIR) giảm mạnh xuống mức 34% từ mức 41% trong năm 2020.

Chất lượng tài sản được cải thiện. Nợ xấu giảm 18,6% svck theo đó tỷ lệ nợ xấu giảm xuống còn 0,8% (so với mức 1% cuối Q3/21 và 1,2% cuối 2020). Nợ nhóm 2 cũng ghi nhận giảm với tỷ lệ 1,5% tổng cho vay (Q3/21 là 2,6%). Tỷ lệ bao phủ nợ xấu tăng lên 152,6% cuối 2021 (2020 đạt 134,2%). Trong năm vùa qua, TPB đã mạnh dạn xử lý nợ xấu (2,9 nghìn tỷ; tập trung vào Q3/21).

Lợi nhuận tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2022…

TPB sẽ tiếp tục duy trì chiến lược tập trung vào mảng bán lẻ, dựa trên việc đã là ngân hàng tiên phong trong ứng dụng ngân hàng số với một lợi thế cạnh tranh bền vững (khả năng tiếp cận khách hàng dễ dàng với qui trình cho vay đơn giản và nhanh chóng). Chúng tôi kỳ vọng TPB sẽ đạt tăng trưởng tín dụng cao hơn so với toàn ngành là 22%/20% trong giai đoạn 2022-23 dựa trên tỷ lệ an toàn vốn cao của ngân hàng (14% so với ngành là 9-12%). Việc lãi suất tiền gửi tăng đến từ rủi ro lạm phát và sự cạnh tranh giữa các kênh đầu tư sẽ làm ảnh hưởng đến biên lãi thuần của các ngân hàng nói chung. Tuy vậy, TPB sẽ có thể phần nào đối phó được với rủi ro này với tiềm năng tăng trưởng CASA, tỷ lệ cho vay khách hàng cá nhân ở mức vừa phải (48%) và tỷ lệ LDR thấp (58% so với hạn mức là 85%). Ngoài ra TPB có thể giảm áp lực trích lập dự phòng trong năm 2022-23 nhờ vào chất lượng tài sản tốt. Kết luận, chúng tôi kỳ vọng TPB sẽ tăng trưởng LN 25%/24,5% svck trong năm 2022-23.

… nhưng tiềm năng đã được phản ánh vào giá

TPB đang giao dịch ở mức P/BV 2 lần, cao hơn trung bình ngành 1,9 lần và tương đương mức +1 độ lệch chuẩn P/BV trung bình 5 năm; vì vậy chúng tôi tin rằng tiềm năng tăng trưởng của ngân hàng đã được phản ánh vào giá. Hạ khuyến nghị xuống Trung lập với giá mục tiêu không đổi 41.100đ/cp. Giá mục tiêu của chúng tôi dựa trên sự kết hợp P/BV 2x và phương pháp định giá thu nhập thặng dư (COE: 14%, LTG: 3%). Tiềm năng tăng giá bao gồm biên lãi thuần cao hơn dự kiến. Rủi ro giảm giá bao gồm (i) lạm phát cao hơn dự kiến dẫn đến tăng trưởng tín dụng thấp hơn và (ii) nợ xấu tăng cao hơn dự kiến.

TIỀM NĂNG TĂNG TRƯỞNG ĐÃ ĐƯỢC PHẢN ÁNH

Kết quả 2021: cao hơn kỳ vọng

Tổng tài sản của TPB tăng 42% so với đầu năm lên 293 nghìn tỷ đồng nhờ…

• Tăng trưởng tín dụng cao 21,8% so với đầu năm đạt 160 nghìn tỷ, chủ yếu nhờ cho vay cá nhân tăng mạnh, đạt 76 nghìn tỷ đồng (+27,6% svck, chiếm 48% tổng tín dụng). Trái phiếu doanh nghiệp tăng mạnh 65%, đạt 18,6 nghìn tỷ (chiếm 12% tổng tín dụng).

• Danh mục cho vay liên ngân hàng tăng gấp 3 lần. TPB là 1 trong số những ngân hàng hoạt động mạnh mẽ trên thị trường cho vay liên ngân hàng (đóng góp ~20% trong tổng tài sản sinh lãi của ngân hàng). Cuối năm 2021, mức cho vay liên ngân hàng của TPB tăng gấp 3 lần so với 2020 lên đến 49 nghìn tỷ, nâng tỷ trọng lên mức 24% trong tổng tài sản sinh lãi.

NIM giảm 15 điểm cơ bản về mức 4,32% từ 4,47% trong 2020. Dù chi phí vốn giảm 98 điểm cơ bản do được lợi từ việc lãi suất tiền gửi thấp và tăng trưởng hệ số CASA, lợi suất tài sản của TPB lại ghi nhận giảm 1,14 điểm % do ngân hàng đã tích cực giảm lãi suất hỗ trợ các khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh (lãi cho vay giảm 20 điểm cơ bản). Ngoài ra, lãi suất cho vay liên ngân hàng giảm mạnh 60 điểm cơ bản do thanh khoản hệ thống dồi dào. Hơn nữa, lợi suất đầu tư chứng khoán cũng giảm mạnh 1,7 điểm % còn 5,3% trong 2021.

Thu nhập từ phí ghi nhận mức tăng 64% lên 1,5 nghìn tỷ đồng trong 2021, trong đó thu nhập từ phí dịch vụ (+50,5% svck), bảo hiểm (+66% svck)...

Chi phí hoạt động của ACB chỉ tăng nhẹ 8,9% svck; tỷ lệ chi phí/thu nhập hoạt động (CIR) ghi nhận giảm đáng kể xuống mức 34% từ mức 41% trong 2020.

ACB đã tăng cường trích lập dự phòng với chi phí dự phòng trong năm 2021 tăng mạnh 63% svck (tỷ lệ chi phí tín dụng tăng lên mức 2,2% trong năm 2021 từ mức 1,7% năm 2020). Nợ xấu giảm 18,6% svck theo đó tỷ lệ nợ xấu giảm xuống còn 0,8% (so với mức 1% cuối Q3/21 và 1,2% cuối 2020). Nợ nhóm 2 cũng ghi nhận giảm với tỷ lệ 1,5% tổng cho vay (Q3/21 là 2,6%). Tỷ lệ bao phủ nợ xấu tăng lên 152,6% cuối 2021 (2020 đạt 134,2%). Trong năm vừa qua, TPB đã mạnh dạn xử lý nợ xấu (2,9 nghìn tỷ; tập trung vào Q3/21).

Dự phóng cho giai đoạn 2022-23

TPB sẽ tiếp tục duy trì chiến lược tập trung vào mảng bán lẻ, dựa trên việc đã là ngân hàng tiên phong trong ứng dụng ngân hàng số với một lợi thế cạnh tranh bền vững (khả năng tiếp cận khách hàng dễ dàng với qui trình cho vay đơn giản và nhanh chóng). Chúng tôi kỳ vọng TPB sẽ đạt tăng trưởng tín dụng cao hơn so với toàn ngành là 22%/20% trong giai đoạn 2022-23 (CAGR 2019-21 là 21,5%) nhờ vào tỷ lệ an toàn vốn cao hơn so với các ngân hàng khác (14% so với mức 9-12% trong ngành).

Việc lãi suất tiền gửi tăng đến từ rủi ro lạm phát và sự cạnh tranh giữa các kênh đầu tư sẽ làm ảnh hưởng đến biên lãi thuần của các ngân hàng nói chung. Theo chúng tôi, ngân hàng có khả năng giảm thiểu được rủi ro trên sẽ là các ngân hàng có (i) hệ số CASA cao (chi phí vốn rẻ hơn), (ii) khả năng mở rộng cho vay cá nhân (giúp cải thiện lợi suất tài sản), và (iii) tỷ lệ LDR thấp. Tuy vậy, TPB sẽ có thể phần nào đối phó được với rủi ro này với tiềm năng tăng trưởng CASA, tỷ lệ cho vay khách hàng cá nhân ở mức vừa phải (48%) và tỷ lệ LDR thấp (58% so với hạn mức là 85%).

Chúng tôi ước tính NIM của TPB sẽ giảm khoảng 40 điểm cơ bản còn 3,9% trong năm 2022 (từ mức 4,3% trong 2021).

Chúng tôi kỳ vọng thu nhập từ phí sẽ tiếp tục giữ được đà tăng trưởng tốt 15% svck trong 2022-23, nhờ vào tăng trưởng từ mảng phí dịch vụ và bảo hiểm. Chúng tôi ước tính chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của TPB sẽ giảm mạnh 19%/11% trong năm 2022 dựa trên chất lượng tài sản vững chắc vốn có của ngân hàng và việc nền kinh tế đi vào quỹ đạo hoạt động trở lại. Chúng tôi kỳ vọng tỷ lệ chi phí tín dụng trong 2022-23 sẽ giảm xuống còn 1,5% từ mức 2,2% trong 2021.

Kết luận, chúng tôi ước tính lợi nhuận sau thuế của TPB sẽ tăng 25,0%/24,5% svck trong 2022-23, lần lượt đạt 6 nghìn tỷ đồng và 7,5 nghìn tỷ đồng.

Định giá: Tiềm năng tăng trưởng đã phản ánh vào giá. Hạ khuyến nghị xuống Trung lập với giá mục tiêu không đổi là 41.100đ/cp.

Chúng tôi duy trì giá mục tiêu 1 năm cho TPB là 41.100 đồng dựa trên tăng trưởng EPS 2022-23 tăng nhẹ 5% so với dự phóng cũ và hệ số P/BV là 2 lần. Giá mục tiêu của chúng tôi dựa trên định giá thu nhập thặng dư (COE: 14%; LTG: 3,0%) và P/BV 2022 là 2 lần, tỷ trọng bằng nhau.

TPB đang giao dịch ở mức P/BV 2 lần, cao hơn trung bình ngành 1,9 lần và tương đương mức +1 độ lệch chuẩn P/BV trung bình 5 năm; vì vậy chúng tôi tin rằng tiềm năng tăng trưởng của ngân hàng đã được phản ánh vào giá. Hạ khuyến nghị xuống Trung lập với giá mục tiêu không đổi 41.100đ/cp.

Tiềm năng tăng giá bao gồm biên lãi thuần cao hơn dự kiến. Rủi ro giảm giá bao gồm (i) lạm phát cao hơn dự kiến dẫn đến tăng trưởng tín dụng thấp hơn và (ii) nợ xấu tăng cao hơn dự kiến.

Nguồn: VNDS 

×
tvi logo