TNG: Mảng BĐS đóng góp tích cực vào định giá DN

TNG: Mảng BĐS đóng góp tích cực vào định giá DN

Lượt xem: 174
  •  

Chúng tôi đánh giá triển vọng ngành dệt may Việt Nam trong ngắn và dài hạn khá tích cực. Trong Q4/2021, ngành dệt may đã cho thấy khả năng hồi phục mạnh mẽ sau khi bị ảnh hưởng bởi COVID trong Q3/2021.

Mảng BĐS sẽ đóng góp tích cực vào KQKD 2022-2023. TNG đang triển khai các dự án BĐS ở Thái Nguyên từ năm 2018 và đặt mục tiêu mảng bất động sản sẽ đóng góp 17% doanh thu và 50% lợi nhuận vào năm 2025. Sau thành công của dự án chung cư TNG Village 1, 2 dự án tiếp theo sẽ mang lại nguồn doanh thu đáng kể gần nhất là Cụm công nghiệp Sơn Cẩm (2022) và TNG Village 2 (2023). Chúng tôi công bố báo cáo định giá lần đầu cho CTCP Đầu tư và Thương mại TNG (HOSE: TNG) với khuyến nghị MUA và tỷ suất sinh lời kỳ vọng +23.25%, chúng tôi cho rằng TNG đang được giao dịch dưới giá trị dựa trên một số luận điểm sau:

(1) TNG đang hưởng lợi theo triển vọng tích cực ngành dệt may của Việt Nam với:

1) khả năng hồi phục tốt sau COVID;

2) các Hiệp định FTA như EVFTA, CPTPP;

3) xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng sang Việt Nam. TNG hiện đang hoạt động hết công suất và tiếp tục đầu tư mở rộng công suất thêm 30% trong 2 năm tới sẽ là động lực tăng trưởng cho TNG.

(2) Các doanh nghiệp dệt may đang chịu áp lực từ chi phí sợi vải/vận chuyển tăng cao nhưng TNG đã chuyển đổi cơ cấu đơn hàng/khách hàng kỳ vọng giúp biên lợi nhuận cốt lõi ổn định trong 2022.

(3) Mảng BĐS sẽ đóng góp doanh thu lớn trong 2022-2023. Chúng tôi nhận thấy mảng BĐS (KCN và dân cư) sẽ đóng góp khả quan vào định giá doanh nghiệp.

Rủi ro đối với dự phóng

(1) Rủi ro chủng mới COVID diễn biến phức tạp hơn dự đoán.

(2) Chi phí vận tải tăng quá mạnh.

(3) Rủi ro tiến độ bàn giao/cho thuê các dự án BĐS. (4) Rủi ro pha loãng cổ phiếu.

KQKD 2021 và 2T2022 duy trì tăng trưởng mạnh mẽ

Q4/2021 TNG ghi nhận doanh thu thuần 1,363 tỷ đồng (+43.1% YoY), LNTT đạt 78 tỷ đồng (+178% YoY). Lũy kế cả năm 2021, TNG ghi nhận doanh thu 5,446 tỷ đồng (+22% YoY) và LNTT đạt 427 tỷ đồng (+52% YoY), hoàn thành lần lượt 114% KH doanh thu và 161% KH lợi nhuận.

Doanh thu 2021 của TNG ít chịu ảnh hưởng của đợt bùng phát COVID vào Q3/2021 do các nhà máy của TNG ở Thái Nguyên trong khi khu vực bùng phát COVID mạnh là ở phía Nam. Tuy nhiên, biên lãi gộp 2021 giảm xuống mức 14.2%, từ mức 15.1% cùng kỳ 2020 do giá sợi vải tăng nhanh hơn giá đầu ra. Điểm tích cực là biên lợi nhuận Q4/2021 đã cải thiện mạnh lên mức 15.6%, cao hơn cùng kỳ 200bps nhờ TNG đã chuyển đổi cơ cấu khách hàng và các đơn hàng sang hình thức FOB, giúp biên lợi nhuận cao hơn và ít chịu ảnh hưởng từ chi phí cước vận tải tăng cao.

Trong Q4/2021, lợi nhuận tăng mạnh còn nhờ TNG chiết giảm chi phí bán hàng (-26% YoY) và tăng thu nhập tài chính (+131% YoY).

Tại thời điểm cuối 2021, lượng hàng tồn kho của TNG tăng lên mức 1,159 tỷ đồng (+27% QoQ, +15% YoY). Tổng vay nợ ở mức 2,079 tỷ đồng, ở mức khá cao tương đương 142% tổng vốn chủ sở hữu, tuy nhiên, mức này đã giảm dần so với các quý trước và là mức thấp nhất 8 quý.

TNG cũng vừa công bố KQKD 2 tháng đầu năm 2022 với doanh thu đạt 847 tỷ đồng (+45% YoY), LNTT đạt 30 tỷ đồng (+64% YoY), biên lãi gộp đạt 12.5%, giảm nhẹ so với cùng kỳ (12.7%).

TNG đang hưởng lợi theo triển vọng tích cực ngành dệt may của Việt Nam

Chúng tôi đánh giá triển vọng ngành dệt may Việt Nam trong ngắn và dài hạn khá tích cực. Trong Q4/2021, ngành dệt may đã cho thấy khả năng hồi phục mạnh mẽ sau khi bị ảnh hưởng bởi COVID trong Q3/2021. Trong 2 tháng đầu năm 2022, tổng giá trị xuất khẩu ngành dệt may đạt 5.87 tỷ USD (+30.9% YoY) mặc dù đối diện các khó khăn như vấn đề thiếu lao động và chi phí vận tải tăng cao

Ngoài ra, với các Hiệp định FTA mà Việt Nam đã tham gia như EVFTA, CPTPP, chúng tôi đánh giá triển vọng xuất khẩu dệt may sẽ tích cực trong trung và dài hạn. Các vấn đề về nguồn gốc từ vải (EVFTA), sợi (CPTPP) sẽ sớm được giải quyết. Đối với CPTPP, hiện đối tác trong khối là Canada chiếm 10% doanh thu TNG. Đối với EVFTA, các đối tác còn lại của TNG hầu như đều trong khối EU và chiếm khoảng 48% doanh thu xuất khẩu của TNG. Cùng với thực tế các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang bắt đầu tận dụng được khá tốt EVFTA trong 2 năm gần đây, chúng tôi kỳ vọng TNG sẽ hưởng lợi nhờ Hiệp định EVFTA trong giai đoạn 5 năm tới trước Hiệp định CPTPP.

Ngoài ra, xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng sang Việt Nam vẫn đang tiếp diễn với nguồn vốn FDI vào ngành chế biến – chế tạo dùy trì mức tăng trưởng cao.

TNG đang tiếp tục đầu tư mở rộng công suất thêm 30% trong 2 năm tới

TNG liên tục đầu tư vào số lượng dây chuyền sản xuất từ 236 dây chuyền năm 2018 sang 319 dây chuyền cuối 2021. Trong năm 2021, TNG đã đưa vào hoạt động: nhà máy Võ Nhai 2 với 20 dây chuyền may; dây chuyền bông số 3; nhà máy Sông Công mở rộng với 16 chuyền may và nhà máy Phú Bình mở rộng với 16 chuyền may. Theo kế hoạch, TNG sẽ đưa vào vận hành dự án nhà máy Đồng Hỷ 2 với 50 chuyền may từ 2023 và dự án Đại Từ 2 với 32 chuyền may từ 2024.

Chuyển đối cơ cấu khách hàng/đơn hàng giúp ổn định biên lợi nhuận trước sức ép 2022

Các doanh nghiệp dệt may đang chịu áp lực từ chi phí sợi vải/vận chuyển tăng cao từ Q4/2020. Tuy nhiên, từ giữa năm 2021, TNG đã chuyển đổi cơ cấu đơn hàng/khách hàng sang kiểu đơn hàng FOB giúp biên lợi nhuận gộp hồi phục tích cực từ Q2/2021 trong khi giá các loại nguyên liệu đầu vào như xơ, sợi tiếp tục tăng mạnh. Mặc dù áp lực giá đầu vào vẫn cao trong 2022 đối với các doanh nghiệp dệt may, chúng tôi kỳ vọng việc thay đổi cơ cấu này sẽ tiếp tục hỗ trợ biên lợi nhuận TNG. Chúng tôi cũng kỳ vọng giá sơ xợi tiếp tục cao trong 2022, tuy nhiên, biên lợi nhuận 2022 sẽ duy trì ổn định so với 2021.

Mảng BĐS sẽ đóng góp tích cực vào KQKD 2022-2023

TNG đang triển khai các dự án BĐS ở Thái Nguyên từ năm 2018 và đặt mục tiêu mảng bất động sản sẽ đóng góp 17% doanh thu và 50% lợi nhuận vào năm 2025. Sau thành công của dự án chung cư TNG Village 1, 2 dự án tiếp theo sẽ mang lại nguồn doanh thu đáng kể gần nhất là Cụm công nghiệp Sơn Cẩm (2022) và TNG Village 2 (2023).

Cụm công nghiệp Sơn Cẩm 1 do TNG làm chủ đầu tư hạ tầng kỹ thuật, vị trícó hệ thống giao thông khá thuận tiện như đường bộ cách cao tốc Thái Nguyên – Hà Nội khoảng 1km, đường sắt cách ga đường sắt Quán Triều đi tuyến Hà Nội – Thái Nguyên khoảng 5km và đường hàng không cách sân bây quốc tế Nội Bài khoảng 69km.

Dự án có diện tích đất thương phẩm 49ha, giá cho thuê khoảng 110 USD/m2 (chưa VAT). Hiện dự án đã hoàn thiện giải phóng mặt bằng. Theo kế hoạch của TNG, dự án sẽ đóng góp 182 tỷ đồng doanh thu vào cuối 2021. Năm 2022, cụm công nghiệp Sơn Cẩm 1 sẽ được lấp đầy 100% và đem lại doanh thu dự kiến 1,022 tỷ đồng. Chúng tôi đánh giá tiềm năng dự án này khá khả quan do nguồn vốn FDI vào Việt Nam tiếp tục duy trì tăng trưởng sau khi Chính phủ nới lỏng sau COVID. Dự án TNG Village 2 có vị tríngay cạnh TNG Village 1 (tỷ lệ cư dân lắp đầy khoảng 96%, đã ghi nhận doanh thu), diện tích 8,114 m2, gồm 28 tầng, 605 căn hộ phục vụ cho 1,400 cư dân.

Nguồn: FSC 

×
tvi logo