TCB: NIM tăng khi CASA lập đỉnh mới

TCB: NIM tăng khi CASA lập đỉnh mới

Lượt xem: 368
  •  

Chúng tôi nhắc lại khuyến nghị MUA đối với TCB với giá mục tiêu 1 năm là 64.000 đồng/cp dựa trên KQKD 2021 bền vững và triển vọng tăng trưởng tương đối tốt trong 2022. Với ROE cả năm ở mức 21% và CAR là 15%, TCB vẫn là khoản đầu tư dài hạn hấp dẫn. Lợi nhuận trước thuế năm 2021 đạt 23,2 nghìn tỷ đồng (+47% YoY) nhờ tăng trưởng tín dụng cao nhất toàn hệ thống (+26.5% YTD), NIM tăng đáng kể (+89 bps YoY, do CASA ở mức đỉnh lịch sử), và thu nhập ngoài lãi tăng trưởng mạnh bao gồm khoản thưởng cho bancassurance trong Q4/2021. Năm 2022, chúng tôi ước tính TCB sẽ đạt 27,9 nghìn tỷ đồng (+20% YoY) lợi nhuận trước thuế. Mức tăng trưởng chậm lại so với 2021 đến từ thị trường trái phiếu doanh nghiệp hạ nhiệt và NIM giảm 19 bps.

Yếu tố tác động giảm đến khuyến nghị: Tăng trưởng thị trường bất động sản chậm hơn ước tính và tỷ lệ nợ xấu mới hình thành cao hơn ước tính.

Yếu tố tác động tăng đến khuyến nghị: Thoái vốn công ty con và kinh tế phục hồi tốt hơn ước tính.

Kết quả kinh doanh Q4/2021

TCB tiếp tục tận dụng nguồn vốn huy động chi phí thấp từ thị trường liên ngân hàng để thúc đẩy tăng trưởng trong Q4/2021. Điều này cũng đã từng diễn ra trong Q2/2021, tuy nhiên các chỉ tiêu về thanh khoản tại thời điểm cuối năm ở mức tốt hơn với tỷ lệ LDR và vốn ngắn hạn sử dụng cho vay trung và dài hạn thấp hơn khá nhiều mức trần quy định. Sự thay đổi về cơ cấu tài sản và nguồn vốn huy động giúp ngân hàng tăng 4 bps NIM so với quý trước và 82 bps so với cùng kỳ lên 5,71%. Thu nhập lãi thuần (NII) do đó đạt tăng trưởng mạnh +32,5% YoY.

• Chuyển sang nguồn vốn chi phí thấp hơn. Tiền gửi và vay từ các tổ chức tín dụng khác đã tăng 22 nghìn tỷ đồng trong Q4/2021, giúp ngân hàng giảm phụ thuộc vào tiền gửi khách hàng với chi phí cao hơn (giảm 1,6 nghìn tỷ đồng). Trong tiền gửi khách hàng, CASA tăng 3,8 nghìn tỷ đồng, chủ yếu từ mảng bán lẻ (19 nghìn tỷ đồng). CASA tại thời điểm cuối năm ở mức 50,5%, cao nhất toàn hệ thống. Chi phí vốn nhờ đó tiếp tục giảm -23 bps còn 2,01% trong kỳ.

• Thúc đẩy tăng trưởng tín dụng (+8% QoQ hay +26,5% YTD) với động lực mạnh nhất từ cho vay mua nhà. Tăng trưởng tín dụng ngân hàng mẹ và hợp nhất (bao gồm Techcom Securities) năm 2021 là 22,1% và 26,5%. Trong Q4/2021, tổng tín dụng tăng 30,7 nghìn tỷ đồng, với 17 nghìn tỷ đồng đến từ cho vay mua nhà và 2 nghìn tỷ đồng từ thẻ tín dụng, 4 nghìn tỷ đồng từ cho vay ký quỹ tại TCBS và 6,3 nghìn tỷ đồng từ SME. Xét theo ngành, việc đa dạng hoá để giảm rủi ro tập trung cũng có sự chuyển biến nhẹ, trong đó tỷ trọng cho vay BĐS thương mại (ReCOM) trên tổng dư nợ giảm -230 bps còn 69%. Trong khi đó, tỷ trọng cho vay hàng tiêu dùng nhanh FMCG, bán lẻ, logistics tăng 130 bps lên 17,3%. Chúng tôi cho rằng việc đa dạng hoá danh mục cho vay theo ngành cần nhiều thời gian do các công ty FMCG thường quan tâm đến lãi suất nhiều hơn khách hàng ReCOM. TCB có thể phải cạnh tranh gay gắt với các ngân hàng quốc doanh trong lĩnh vực này.

Thu phí dịch vụ đạt kết quả tốt với 2,7 nghìn tỷ đồng (+63% YoY) trong Q4/2021. Kết quả này là nhờ tất cả các dịch vụ chính bao gồm phí từ dịch vụ ngân hàng đầu tư (983 tỷ đồng, +64% YoY), bancassurance (847 tỷ đồng, +196% YoY) và dịch vụ thanh toán (328 tỷ đồng, +54% YoY). Bancassurance tăng đáng kể là nhờ khoản thưởng hiệu quả từ hợp đồng bancassurance độc quyền với Manulife.

Chi phí tín dụng 2021 thấp hơn đáng kể so với 2020. Tại thời điểm cuối năm 2021, nợ xấu tăng +25,4% QoQ và +77% YoY. Mặc dù vậy, nợ tái cơ cấu giảm -32% QoQ và -72% YoY. Tỷ lệ nợ Nhóm 2, nợ xấu và nợ tái cơ cấu là 0,62%, 0,66%, và 0,59%, đây là mức thấp nhất trong các ngân hàng thuộc phạm vi nghiên cứu của chúng tôi. Tỷ lệ xóa nợ cũng ở mức thấp 0,2%, cho thấy chất lượng tín dụng vẫn đang được kiểm soát.

Tuy nhiên, với chi phí tín dụng khá thấp 0,85% (vs. 1,03% trong 2020), tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu giảm dần còn 163% (từ 259% vào cuối Q2/2021). Điều này đối lập với xu hướng chung của ngành là các ngân hàng tăng cường bộ đệm rủi ro tín dụng. Chúng tôi cho rằng điều này có thể là do khách hàng chính của TCB là các khách hàng thuộc phân khúc thu nhập cao và ít chịu ảnh hưởng từ làn sóng Covid-19 gần đây hơn phân khúc thu nhập thấp. Do đó, phân khúc này có thể có tổn thất tín dụng kỳ vọng thấp hơn. Chi phí hoạt động (OPEX) tăng mạnh.

Chi phí hoạt động của TCB tăng +64% YoY trong Q4/2021 và +29% YoY trong năm 2021. Điều này khác với những gì chúng tôi nhận thấy tại các ngân hàng khác khi các dự án đầu tư chậm lại và cắt giảm chi phí. Do 2021 là năm đầu tiên thực hiện chiến lược 2021-2025, TCB đầu tư mạnh vào dữ liệu, số hóa và nguồn nhân lực chất lượng cao. Ngân hàng tăng tuyển dụng nhân sự CNTT nhưng giảm nhân sự vận hành. Điều này khiến chi phí nhân viên tăng +22% YoY. Trong khi đó, đầu tư vào cơ sở hạ tầng CNTT, chuyển đổi dữ liệu lên đám mây, vv khiến chi phí về tài sản tăng +66% YoY.

Ước tính 2022

Kế hoạch công ty

Ban lãnh đạo ngân hàng kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận tiếp tục tích cực trong 2022, mặc dù tăng trưởng doanh thu chậm lại. Những chia sẻ chính của Ban lãnh đạo cho 1 số chỉ tiêu chính của năm 2022 bao gồm:

• NIM có xu hướng giảm do chi phí vốn tăng. Chi phí vốn tăng bất chấp CASA tăng lên 55%.

• Tốc độ tăng trưởng của NII và NFI chậm hơn so với 2021

• CIR duy trì đà tăng do ngân hàng tiếp tục đầu tư mạnh vào CNTT.

• Nợ xấu ước tính tăng sau khi hết hạn tái cơ cấu nợ theo Thông tư 14. Mặc dù vậy, chi phí tín dụng dự kiến duy trì tương đương năm 2021.

Ước tính của chúng tôi

Chúng tôi ước tính TCB đạt 27,9 nghìn tỷ đồng lợi nhuận trước thuế (+20% YoY). Tăng trưởng chậm lại so với 2021 do thị trường trái phiếu doanh nghiệp hạ nhiệt với NIM giảm 19 bps. Các giả định khác bao gồm:

• Tăng trưởng tín dụng và huy động là 22.7% and 20.9% so với cùng kỳ. TCB có năng lực tài chính tốt nhất trong toàn hệ thống và do đó chúng tôi cho rằng ngân hàng vẫn có thể được Ngân hàng Nhà nước cấp hạn mức tín dụng cao trong năm 2022. Trong khi đó, dư nợ cho vay ký quỹ tại TCBS sẽ tiếp tục tăng, nhưng đà tăng chậm lại so với 2021. Do đó, tăng trưởng tín dụng hợp nhất giả định là 22,7%, cao hơn trung bình toàn hệ thống nhưng thấp hơn 2021 (26.5%). Tăng trưởng huy động ước tính đạt +20,9% hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng tín dụng.

• NIM giảm 19bps còn 5,52%. TCB hưởng lợi từ nguồn vốn liên ngân hàng chi phí thấp và CASA cải thiện mạnh mẽ (từ 34,5% trong 2019 còn 50,5% trong 2021) trong 2 năm qua. Mặc dù CASA duy trì đà tăng, mức độ tăng có thể chậm lại trong 2022 với lãi suất huy động giảm dần. Mặc dù vậy, TCB có thể huy động tiền gửi khách hàng để hỗ trợ tăng trưởng trong 2022, thay vì tăng cường vay hợp vốn từ nước ngoài. Điều này có thể xuất phát từ các yếu tố sau: (1) lãi suất toàn cầu tăng nhanh hơn trong nước và (2) ngân hàng cần nguồn tiền gửi dài hạn để đảm bảo tăng trưởng cho vay mua nhà bền vững. Do đó, chi phí vốn có thể tăng trong 2022.

• Thu phí dịch vụ tăng +25,9% YoY (vs. +36% trong 2021). Chúng tôi ước tính tăng trưởng thu phí IB chậm lại ở mức +20% YoY (vs. +33% trong 2021) do thị trường TPDN có thể bị kiểm soát chặt chẽ hơn. Trong khi đó, thu nhập từ bancassurance dự báo tăng +38,7% YoY khi có thêm nhiều động lực bán hàng theo những thay đổi mới trong hợp đồng với Manulife. Mức tăng trưởng thu nhập từ hoạt động bancassurance bao gồm giả định về khoản thưởng hiệu quả 400 tỷ đồng trong 2022.

• CIR tăng lên 31% do ngân hàng tiếp tục đầu tư các dự án cơ sở hạ tầng CNTT và số hóa.

• Nợ xấu tăng lên 0,9% tổng dư nợ cho vay do chúng tôi giả định một phần nợ tái cơ cấu còn lại có thể chuyển thành nợ xấu mới sau Q2/2022. Mặc dù vậy, chúng tôi ước tính chi phí tín dụng hầu như không đổi ở mức 0,8% và tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu giảm còn 156%.

Nguồn: SSI

×
tvi logo