TCB: Cập nhật kết quả kinh doanh Q2/2020: Tiền gửi không kỳ hạn (CASA) và kinh doanh trái phiếu là điểm sáng

TCB: Cập nhật kết quả kinh doanh Q2/2020: Tiền gửi không kỳ hạn (CASA) và kinh doanh trái phiếu là điểm sáng

Lượt xem: 554
  •  

Tóm tắt quan điểm đầu tư: Trong Q2/2020, TCB tiếp tục ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan, với tổng thu nhập hoạt động (TOI) và lợi nhuận trước thuế lần lượt đạt 5,75 nghìn tỷ đồng (+27,7% so với cùng kỳ) và 3,62 nghìn tỷ đồng (+18,8% so với cùng kỳ). Đây là kết quả ấn tượng mặc dù mức tăng trưởng tín dụng hạn chế +3,5% so với đầu năm. Kết quả kinh doanh Q2/2020 được thúc đẩy nhờ NIM vẫn ở mức cao (4,32%) và các hoạt động tích cực ở cả trái phiếu doanh nghiệp và trái phiếu chính phủ. Thu nhập lãi thuần tăng 23,4% YoY, chủ yếu nhờ dịch vụ phát hành trái phiếu (+52,4% so với cùng kỳ). Đồng thời, TCB ghi nhận 328 nghìn tỷ đồng từ hoạt động kinh doanh và đầu tư chứng khoán trong Q2/2020, cao gấp đôi so với cùng kỳ. Số dư tiền gửi không kỳ hạn (CASA) tăng lên đạt mức 6,28 nghìn tỷ đồng (+7,9% so với đầu năm), hoàn toàn nhờ vào khách hàng bán lẻ. Chúng tôi duy trì ước tính lợi nhuận trước thuế cho năm 2020 và 2021 lần lượt đạt 13,41 nghìn tỷ đồng (+4,5% so với cùng kỳ) và 14,26 nghìn tỷ đồng (+6,3% so với cùng kỳ). Chúng tôi cũng duy trì khuyến nghị KHẢ QUAN nhưng hạ giá mục tiêu 1 năm xuống 22.200 đồng/cp, triển vọng tăng giá là 12,1%

 

Tăng trưởng tín dụng nhờ trái phiếu doanh nghiệp và các doanh nghiệp lớn

Tăng trưởng tín dụng của TCB ngang bằng với mức bình quân ngành là 3,5% so với đầu năm. Theo cơ cấu khách hàng, nhu cầu tín dụng vẫn ổn định đối với các khoản cho vay ngân hàng bán buôn (+8% so với đầu năm) và trái phiếu doanh nghiệp (+27% so với đầu năm). Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp SME (-7,8% so với đầu năm) và khách hàng bán lẻ (-1,9% so với đầu năm) đã thanh toán nợ vay trước khi tái cơ cấu.

Theo lĩnh vực, ngành bất động sản, xây dựng và nguyên vật liệu (ReCoM) chiếm tỷ trọng 66,3% trong tổng tín dụng, trong đó, chúng tôi ước tính 35,7% trong tổng tín dụng là các khoản vay mua nhà. Ngân hàng không thể giảm mức độ rủi ro trong chuỗi giá trị ở các ngành đặc biệt này như kế hoạch ban đầu.

Tại thời điểm cuối Q2/2020, TCB đã tái cơ cấu 8,4 nghìn tỷ đồng dư nợ theo Thông tư 01, tương đương 3,6% tổng dư nợ. Tỷ lệ này nằm trong ước tính ban đầu của ngân hàng là dưới 7% tổng dư nợ. Trong số này, 63% hay 5,3 nghìn tỷ đồng là của khách hàng doanh nghiệp lớn, còn khách hàng bán lẻ và doanh nghiệp SME mỗi bên chiếm khoảng 18,3%.

NIM vẫn ở mức cao: NIM Q2 giảm 35 bps so với quý trước nhưng vẫn ở mức cao là 4,32%. Trong khi lợi suất tài sản bình quân giảm 48 bps so với quý trước, chi phí vốn cũng giảm 16 bps so với quý trước nhờ tỷ lệ CASA cải thiện (34,4% so với mức 32,2% trong Q1/2020), cũng như lãi suất tiền gửi giảm 30 bps đến 80 bps trên tất cả các kỳ hạn.

Theo ban lãnh đạo, tăng trưởng mạnh mẽ của CASA là do nền tảng số giúp giao dịch thuận tiện (đóng vai trò ngày càng cao trong thời gian giãn cách xã hội vào tháng 4), cũng như chính sách miễn phí giao dịch (đã triển khai từ tháng 9/2016) và chính sách hoàn tiền 1% (triển khai từ tháng 8/2018). TCB đã có thêm 500 nghìn khách hàng ngân hàng điện tử bán lẻ mới trong 6 tháng đầu năm 2020 (+18,5% so với đầu năm), trong khi 44% CASA cũng như 45% tiền gửi có kỳ hạn bán lẻ đến từ các kênh trực tuyến. Cũng trong tháng 6, TCB chính thức triển khai nền tảng BusinessOne, gói dịch vụ kỹ thuật số đầu tiên dành cho doanh nghiệp SME. Trong tháng này, TCB ghi nhận 2.052 khách hàng đăng ký, và ngân hàng dự kiến mức tăng trưởng mạnh về số lượng khách hàng SME trong các tháng tới.

Thu nhập phí tăng cao từ kinh doanh trái phiếu: Thu nhập phí ròng trong Q2/2020 ghi nhận mức tăng 1,11 nghìn tỷ đồng (+23,4% so với cùng kỳ), chủ yếu nhờ dịch vụ trái phiếu (+52,4% so với cùng kỳ). Thu nhập phí bảo lãnh phát hành trái phiếu tăng đáng kể do ngân hàng mở rộng hoạt động kinh doanh trái phiếu. Khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành và phân phối qua TCB trong 6 tháng đầu năm 2020 lần lượt tăng 82% và 36,5% so với cùng kỳ, đạt 35,1 nghìn tỷ đồng và 33,3 nghìn tỷ đồng.

Ngược lại, doanh thu phí bảo hiểm tiếp tục giảm 13,6% so với cùng kỳ và tiếp tục là mảng cần tập trung cải thiện. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2020, TCB đạt 2 nghìn tỷ đồng thu nhập phí ròng, +41% so với cùng kỳ - mức tăng trưởng cao nhất trong số các ngân hàng cấp 2 trong 6 tháng đầu năm 2020.

Nguồn thu nhập lớn từ hoạt động kinh doanh trái phiếu chính phủ: TCB đạt 328 nghìn tỷ đồng thu nhập từ kinh doanh và đầu tư chứng khoán trong Q2/2020, cao gấp đôi so với cùng kỳ, nhưng chỉ bằng một nửa so với Q1/2020. Theo Ban lãnh đạo, phần lớn thu nhập trong 6 tháng đầu năm 2020 đến từ hoạt động kinh doanh trái phiếu chính phủ. Với dự đoán xu hướng giảm của lợi suất trái phiếu chính phủ, TCB đã mở rộng danh mục trái phiếu chính phủ vào đầu năm 2020 và ghi nhận dần lợi nhuận trong suốt 6 tháng đầu năm 2020. Trên bảng cân đối kế toán, số dư trái phiếu chính phủ và trái phiếu được chính phủ bảo lãnh tăng 39,1% so với đầu năm trong Q1/2020 và giảm 6% so với đầu năm trong Q2/2020.

Chi phí hoạt động được kiểm soát tốt: Chi phí hoạt động trong Q2/2020 giảm 20,6% so với quý trước, chủ yếu do chi phí tài sản giảm so với quý trước. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2020, CIR cải thiện giảm xuống 32,5% từ mức 35% trong 6 tháng đầu năm 2019, do chi phí quản lý (+4% so với cùng kỳ) và chi phí nhân viên được quản lý tốt hơn.

Đặc biệt đáng chú ý là sự gia tăng chi phí khấu hao CNTT, một kết quả từ việc gia tăng đầu tư vào cơ sở hạ tầng CNTT và hệ thống dữ liệu trong những năm gần đây. Chỉ tiêu này vẫn giữ nguyên trong khoảng 6,3 – 6,8 triệu USD/năm trong giai đoạn 2016-2019. Trong 6 tháng đầu năm 2020, chỉ tiêu này ở mức 4,6 triệu USD.

Chi phí dự phòng tăng vọt trong cả Q1 và Q2: Mặc dù tỷ lệ nợ xấu mới hình thành ở mức thấp (0,33%) trong 6 tháng đầu năm 2020, nhưng ban lãnh đạo TCB đã đẩy mạnh việc trích lập dự phòng nhằm chuẩn bị tốt hơn cho các khoản nợ xấu tiềm ẩn có thể xảy ra. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2020, tổng chi phí dự phòng ở mức 1,21 nghìn tỷ đồng, +406% so với cùng kỳ. Do đó, tỷ lệ chi phí tín dụng tăng từ 0,28% trong 6 tháng đầu năm 2019 lên 1,05%, vẫn thấp hơn mức bình quân toàn ngành là 1,53%.

TCB cũng đã xóa 1,75 nghìn tỷ đồng nợ xấu, tăng mạnh so với chỉ 91 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2019 để giảm tỷ lệ nợ xấu xuống 0,91% từ mức 1,33% trong năm 2019. Phân khúc có tỷ lệ nợ xấu cao nhất là bán lẻ ở mức 1,6%, tiếp theo đó là doanh nghiệp SME ở mức 0,5% và tập đoàn lớn là 0,3%. Tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu cũng cải thiện lên 109% từ mức 95% trong năm 2019.

Kế hoạch của ban lãnh đạo trong 6 tháng cuối năm 2020

• Tăng trưởng tín dụng: Giới hạn tăng trưởng tín dụng của TCB cho năm 2020 đã được tăng từ mức 13% YoY lên khoảng 23% YoY. Ban lãnh đạo lạc quan một cách thận trọng về mức tăng trưởng với điều kiện đợt bùng phát lần thứ hai của dịch Covid-19 sẽ được kiểm soát. Nhu cầu tín dụng mạnh hơn sẽ được thúc đẩy bởi người mua nhà bán lẻ, vốn lưu động từ các doanh nghiệp SME, cũng như nhu cầu vốn trung và dài hạn từ các khách hàng ngân hàng bán buôn.

• Thu nhập ngoài lãi: Khoản mục này tăng rất mạnh trong 6 tháng đầu năm 2020, nhưng sẽ có một số áp lực trong 6 tháng cuối năm 2020 khi thu nhập phí và thu nhập từ hoạt động kinh doanh trái phiếu có dấu hiện chững lại.

• CIR: Trong trung hạn, TCB dự kiến sẽ duy trì mức CIR hiện tại. Trong vòng 5 năm tới, sẽ có nhiều đầu tư hơn vào công nghệ, do đó đây có thể là lý do tăng tỷ lệ CIR. Ngược lại, ngân hàng sẽ được hưởng lợi từ tăng thu nhập hoạt động kinh doanh và gia tăng năng suất. Trong 6 tháng cuối năm 2020, TCB dự kiến chi cho việc quảng bá nhiều hơn và CIR cao hơn nhờ hoạt động kinh doanh mạnh mẽ hơn, khi các biện pháp ngăn ngừa dịch bệnh thành công.

Quan điểm của chúng tôi

Kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2020 khá ổn định, và chúng tôi tiếp tục giữ quan điểm tích cực về triển vọng thu nhập hoạt động của ngân hàng trong năm 2020 và 2021. Chặng đường phía trước được đặc trưng nhờ NIM ổn định và lành mạnh, cùng với tăng trưởng tín dụng cao và hoạt động quản lý tài sản và bảo hiểm cải thiện.

Tuy nhiên chúng tôi khá quan ngại về tỷ lệ nợ xấu hình thành trong tương lai do 30,6% dư nợ được tập trung vào chuỗi giá trị ReCoM của doanh nghiệp (không bao gồm vay mua nhà), vốn rất dễ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Hiện tại, 3,6% tổng dư nợ hiện tại được tái cơ cấu nhưng con số này có thể tăng lên vào cuối năm 2020 khi dịch Covid-19 đã bùng phát trở lại ở Việt Nam vào tháng 7. Trong một kịch bản kiểm tra căng thẳng, nếu chúng tôi gộp 3,6% số dư nợ tái cơ cấu này vào số dư nợ xấu, tỷ lệ nợ xấu sẽ tăng lên 4,51% trong khi chi phí dự phòng bao nợ xấu giảm xuống chỉ còn 21,8%, một tỷ lệ rất thấp.

Chúng tôi duy trì dự báo lợi nhuận trước thuế cho năm 2020 và 2021 lần lượt đạt 13,41 nghìn tỷ đồng (+4,5% so với cùng kỳ) và 14,26 nghìn tỷ đồng (+6,3% so với cùng kỳ). Điều này cho thấy lợi nhuận trước thuế 6 tháng cuối năm 2020 giảm 7% so với cùng kỳ đạt 6,67 nghìn tỷ đồng, chủ yếu do NIM giảm và tăng trưởng thu nhập phí chững lại và chi phí dự phòng cao.

Với mức giá tại ngày 14/8/2020 là 19.800 đồng/cp, TCB đang được giao dịch với hệ số P/B 2020 và 2021 lần lượt là 0,96 lần và 0,83 lần so với mức bình quân của các ngân hàng cùng hệ thống (không bao gồm VCB, BID và LPB) lần lượt là 1,06 lần và 0,9 lần. TCB giao dịch với mức P/B thấp hơn so với các ngân hàng cùng hệ thống, có thể do tỷ lệ free-float cao, kết hợp với số lượng cổ phiếu ESOP lớn được phát hành bằng mệnh giá vào năm 2018 (14,7 triệu cổ phiếu trước khi chia tách tỷ lệ 1:2) và năm 2019 (3,55 triệu cổ phiếu). TCB có kế hoạch phát hành 4,77 triệu cổ phiếu ESOP bằng mệnh giá vào 6 tháng cuối năm 2020, và không bị giới hạn giao dịch.

Với sự gia tăng bất ổn trên thị trường khi dịch Covid-19 bùng phát lần thứ hai ở Việt Nam, chúng tôi điều chỉnh giảm P/B mục tiêu của TCB từ 1,1 lần xuống 1,0 lần. Do đó, chúng tôi điều chỉnh giảm giá mục tiêu của cổ phiếu từ 24.400 đồng/cp xuống 22.200 đồng/cp. Với triển vọng tăng giá là 12,1%, chúng tôi duy trì khuyến nghị KHẢ QUAN đối với cổ phiếu.

(Nguồn: SSI)

×
tvi logo