TCB: Các nguồn thu ổn định trong đại dịch

TCB: Các nguồn thu ổn định trong đại dịch

Lượt xem: 225
  •  

Chúng tôi nhắc lại khuyến nghị Khả quan đối với TCB và nâng giá mục tiêu 1 năm lên 64.000 đồng/cp (từ 58.200 đồng). TCB duy trì được đà tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ (+40% so với cùng kỳ) so với các ngân hàng cùng hệ thống trong Q3/2021, nhờ nguồn thu nhập ổn định (8,8 nghìn tỷ đồng, +15,7% YoY), quản trị chi phí tốt (+1,9% YoY) và chi phí tín dụng giảm (-29 bps YoY). Lũy kế 9T2021, LNTT đạt 17 nghìn tỷ đồng (+60% YoY), hoàn thành 86% kế hoạch tại ĐHCĐ và 76% ước tính của chúng tôi.

Mặc dù chúng tôi duy trì triển vọng tích cực đối với TCB, rủi ro giảm giá đối với khuyến nghị của chúng tôi đến từ trường hợp nợ xấu mới hình thành và nợ tái cơ cấu cao hơn ước tính. Tại thời điểm cuối Q3/2021, tỷ lệ nợ xấu tăng lên 0,57% trong khi tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu giảm còn 184% (từ 0,36% và 256% tương ứng vào cuối Q2/2021). Nợ tái cơ cấu tăng lên 2,8 nghìn tỷ đồng (0,87% tổng dư nợ cho vay) từ mức 2,7 nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thấy TCB vẫn là một trong những ngân hàng có các chỉ số phản ánh chất lượng tín dụng tốt nhất Việt Nam.

Kết quả kinh doanh của TCB

Tiền gửi khách hàng tăng. Tiền gửi khách hàng tăng 10,5% so với quý trước (33 nghìn tỷ đồng), chủ yếu nhờ khoản tăng bất thường từ tiền gửi ký quỹ của một khách hàng doanh nghiệp lớn (tiền gửi ký quỹ tăng ròng 25 nghìn tỷ đồng). Trong khi đó, tiền gửi không kỳ hạn giảm (-3,2 nghìn tỷ đồng), do các doanh nghiệp dần chuyển vốn vào hoạt động sản xuất kinh doanh. Theo đó, CASA tăng lên 49%. Tuy nhiên, nếu chúng tôi điều chỉnh khoản mục bất thường kể trên, CASA rơi vào khoảng 45% (so với 46% tại thời điểm cuối Q2/2021).

Chúng tôi cũng lưu ý rằng tiền gửi có kỳ hạn và chứng chỉ tiền gửi của TCB tăng mạnh trong Q3/2021 với mức tăng 11,8 nghìn tỷ đồng (so với mức tăng chỉ khoảng 6 nghìn tỷ đồng trong 6T2021). Gần đây, Ngân hàng cũng công bố khoản vay hợp vốn nước ngoài 800 triệu USD, bao gồm 600 triệu USD với kỳ hạn 3 năm và 200 triệu USD với kỳ hạn 5 năm. Sau khi sử dụng nguồn vốn liên ngân hàng ngắn hạn chi phí thấp trong 6T2021 để mở rộng NIM, chúng tôi cho rằng các động thái gần đây được thực hiện nhằm mục đích cải thiện sự cân đối về kỳ hạn giữa tài sản và nợ phải trả. Các chỉ tiêu thanh khoản, do đó, đã ở mức tốt hơn. LDR thuần và tỷ lệ vốn ngắn hạn là 86% và 32% tại cuối Q3/2021 (so với 90% và 39% tại cuối Q2/2021).

Cho vay bán lẻ và trái phiếu doanh nghiệp là động lực chính cho mức tăng mạnh mẽ của dư nợ tín dụng. Nhờ nguồn vốn tăng trưởng tốt, TCB đã sử dụng gần hết hạn mức tín dụng cả năm tại thời điểm cuối Q3/2021. Tổng dư nợ tín dụng đạt 379 nghìn tỷ đồng (+17% YTD hoặc +3,9% QoQ), với mức tăng ròng là 14,2 nghìn tỷ đồng trong quý, trong đó 6,7 nghìn tỷ đồng từ TPDN và 7 nghìn tỷ đồng từ cho vay mua nhà. Việc đa dạng hoá danh mục cho vay theo 6 ngành nghề kinh tế chính diễn ra khá chậm tại TCB theo quan điểm của chúng tôi do cho vay BĐS thương mại và mua nhà vẫn ở mức cao (với tỷ trọng 41% và 34% tổng dư nợ).

Chất lượng tài sản suy yếu, nhưng vẫn nằm trong nhóm tốt nhất hệ thống. Trong làn sóng Covid-19 thứ 4, hoạt động kinh doanh tại miền Nam gặp nhiều khó khăn. Điều này khiến tỷ lệ nợ xấu của TCB tăng lên 0,57% (từ 0,36% tại cuối Q2/2021) xuất phát từ cả khách hàng cá nhân và SME. Tỷ lệ nợ xấu tại các nhóm này tăng lên lần lượt là 1% và 0,7% (so với 0,8% và 0,2% tương ứng trong quý trước). Nợ Nhóm 2 cũng tăng +40% so với quý trước lên 3 nghìn tỷ đồng (0,93% tổng dư nợ). Mặc dù vây, dự phòng rủi ro tín dụng vẫn ở mức thấp 589 tỷ đồng (-1,5% QoQ và -43% YoY). Tỷ lệ dự phòng bao phủ nợ xấu, do đó, giảm mạnh còn 184% (so với 256% trong Q2/2021). Mặc các chỉ tiêu phản ánh chất lượng tài sản đều kém hơn so với quý trước, chúng tôi cho rằng những chỉ tiêu này vẫn được kiểm soát trong mức hợp lý.

Tại thời điểm cuối Q3/2021, nợ tái cơ cấu hầu như không đổi là 2,8 nghìn tỷ đồng (từ 2,65 nghìn tỷ đồng trong Q2/2021), chiếm 0,9% tổng dư nợ tín dụng. Ngân hàng không công bố tổng dư nợ của khách hàng có khoản vay được tái cơ cấu (dư nợ kéo theo).

Xu hướng tăng NIM bị đứt quãng, do NIM Q3/2021 giảm -32 bps so với quý trước còn 5,58%.

Các nguyên nhân chính:

• Phân bổ tài sản thay đổi, tỷ trọng các tài sản có lợi suất thấp hơn tăng. Do huy động tăng mạnh và tăng trưởng tín dụng đã sát hạn mức, TCB đã tăng cho vay trên thị trường liên ngân hàng với mức tăng ròng là +25,5 nghìn tỷ đồng so với quý trước. Do đó, lợi suất tài sản sinh lãi giảm 26 bps còn 7,55%.

• Chi phí vốn tăng 5bps so với quý trước lên 2,24%. Điều này do lợi suất bình quan từ chứng chỉ tiền gửi và hoạt động đi vay liên ngân hàng tăng.

Chúng tôi cho rằng lợi suất tài sản sinh lãi sẽ cải thiện khi ngân hàng được NHNN cấp hạn mức tín dụng cao hơn, tuy nhiên chi phí vốn trung bình cũng chịu áp lực tăng. Lãi suất huy động đối với kỳ hạn dài của TCB đã tăng khoảng 50 bps so với quý trước vào cuối tháng 9/2021. Bên cạnh đó, tổng tất cả chi phí cho khoản vay hợp vốn của TCB có thể cao hơn chi phí vốn trung bình hiện nay là 2,24%. Do đó, dư địa để cải thiện NIM là không nhiều theo quan điểm của chúng tôi.

Thu nhập lãi và thu nhập lãi thuần từ hoạt động dịch vụ ở mức tốt trong khi thu nhập từ thu hồi nợ giảm (-75% YoY). Thu nhập lãi và thu nhập lãi thuần từ hoạt động dịch vụ vẫn duy trì mức tăng tương đối tốt bất chấp đại dịch, với mức tăng lần lượt là 31% và 21% so với cùng kỳ trong Q3/2021, đạt 6,7 nghìn tỷ đồng và 1,5 nghìn tỷ đồng. Ngoài dịch vụ thẻ có sự sụt giảm -21% so với quý trước, tất cả các dịch vụ thu phí khác đều tăng so với cùng kỳ và so với quý trước bất chấp giãn cách xã hội trong hầu hết thời gian của Q3/2021 tại các thành phố lớn.

• Thu nhập phí từ hoạt động Ngân hàng đầu tư (bảo lãnh phát hành, phân phối trái phiếu, đại lý & ủy thác, tư vấn và quản lý quỹ) đạt 931 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ và 2% so với quý trước.

• Thu nhập Bancassurance đạt 242 tỷ đồng (+14% YoY và +10,5% QoQ), trái với hầu hết các ngân hàng cùng hệ thống có sự sụt giảm trong kỳ. Theo ban lãnh đạo, TCB đẩy mạnh bán bảo hiểm qua kênh online, iTCBlife. Theo đó, khách hàng có thể được tư vấn sản phẩm phù hợp, thực hiện eKyC qua Webex và các tài liệu có thể dễ dàng tải lên hệ thống. Dịch vụ bảo hiểm trực tuyến đã khá thành công trong thời gian vừa qua, với đóng góp của iTCBlife vào tổng APE (phí bảo hiểm quy năm) tăng từ 3%-5% trong tháng 4 - tháng 5 lên 45%-53% trong tháng 7- tháng 9/2021. TCB cũng tăng thị phần APE hàng tháng từ Top 6 hoặc 7 trong Q1/2021 lên Top 2 hoặc 3 trong Q3/2021.

• Thu nhập phí từ thư tín dụng (LC) và hoạt động thanh toán cải thiện +44% YoY và 12% QoQ lên 265 tỷ đồng. Giá trị giao dịch e-banking bán lẻ tăng +44% YoY trong Q3/2021 và 91% YoY trong 9T2021.

Ước tính và Luận điểm đầu tư

Chúng tôi duy trì ước tính LNTT 2021 là 22,3 nghìn tỷ đồng (+40,8% YoY) dựa trên giả định về tăng trưởng tín dụng là 23,1%, NIM cải thiện 68 bps so với 2020 lên 5,57% và chi phí tín dụng là 0,83%.

Năm 2022, chúng tôi giảm 2% ước tính LNTT còn 26,7 nghìn tỷ đồng (+20% YoY) do giả định chi phí tín dụng tăng (0,67%) so với ước tính ban đầu (0,54%). Mặc dù nợ tái cơ cấu không tăng trong đợt bùng phát Covid-19 gần đây, chúng tôi cho rằng TCB có thể giữ tỷ lệ LLCR ở mức cao trong giai đoạn bất ổn này. Tăng trưởng tín dụng và huy động giả định là 22,7% và 21% YoY và NIM không đổi nhiều 5,52%.

TCB đang giao dịch tại PB 2022 là 1,66x so với trung bình toàn hệ thống là 1,55x. Chúng tôi cho rằng mức thặng dư này là hợp lý đối với một ngân hàng có tỷ lệ an toàn vốn mạnh, nguồn thu nhập ổn định và đa dạng cùng với nguồn tiền gửi có lợi thế cạnh tranh và chi phí vốn thấp nhất trong số các ngân hàng trong nước. Lợi thế cạnh tranh này có thể giúp TCB duy trì ROE ở mức ~20%, theo quan điểm của chúng tôi. Chúng tôi giữ nguyên PB mục tiêu ở mức 2x và chuyển cơ sở định giá đến cuối năm 2022, tương đương giá mục tiêu 1 năm là 64.000 đồng/cp (từ 58.200 đồng/cp). Chúng tôi nhắc lại khuyến nghị KHẢ QUAN đối với cổ phiếu TCB.

Nguồn: SSI

×
tvi logo