STK: Giá bán tiếp tục tăng trong Q4/2021
Luận điểm đầu tư: STK công bố lợi nhuận ròng Q3/2021 là 62,4 tỷ đồng, tăng 210% so với cùng kỳ từ mức so sánh thấp năm ngoái do giá polyester tăng. Công ty cũng cho biết về triển vọng Q4/2021 và những năm sau đó. Bên cạnh việc hưởng lợi từ giá sợi thế giới tăng, kết luận gần đây về cả hai đợt điều tra chống bán phá giá tạo điều kiện cho STK tăng sản lượng tiêu thụ trong nước và thị trường Mỹ. Trong dài hạn, chúng tôi ước tính dự án Unitex sẽ tăng công suất kể từ 2023, hỗ trợ tăng trưởng bền vững. Do đó, chúng tôi tăng giá mục tiêu 1 năm từ 43.300 đồng/cp lên 69.400 đồng/cp (tiềm năng tăng 14,7%). Chúng tôi nhắc lại khuyến nghị KHẢ QUAN đối với STK.
Cập nhật ngành
Trong 9T2021, xuất khẩu ngành dệt may của Việt Nam đạt 29,2 tỷ USD (+13,5% YoY), trong đó xuất khẩu hàng dệt may và xơ sợi các loại tăng 5% và 60%. Kết quả này đáng khích lệ trong bối cảnh gián đoạn sản xuất do Covid-19, ảnh hưởng đến nhiều công ty sản xuất tại miền Nam. Hầu hết các nhà máy trong khu vực chỉ duy trì 30%-50% công suất với chi phí tăng. Ngành dệt may hoàn thành 74% kế hoạch năm và chỉ thấp hơn nhẹ so với xuất khẩu 2019 (trước Covid-19) khoảng -0,2% so với đầu năm. Hầu hết các nhà máy tại các khu vực đặc biệt này đã bắt đầu hoạt động bình thường trở lại vào cuối tháng 10.
Theo VITAS, xuất khẩu sang thị trường Mỹ đạt 10,5 tỷ USD (+16,4% YoY) và chiếm 50% tổng xuất khẩu sang các quốc gia đối tác thương mại. Xuất khẩu sang các nước CPTPP (15% tổng xuất khẩu) giảm 0,5%, chủ yếu do thị trường Nhật giảm -9% (10% tổng xuất khẩu). Xuất khẩu sang thị trường Châu Âu (10% tổng xuất khẩu) tăng 6,3% so với cùng kỳ. Trong 9T2021, xuất khẩu xơ sợi các loại đạt 4,1 tỷ USD (+22,4% YoY về sản lượng và +60,2% YoY về giá trị), với giá bán trung bình đạt 2.793 USD/ tấn (+31% YoY). Kết quả này chủ yếu nhờ nhu cầu tăng đáng kể tại Trung Quốc, đây là quốc gia đang có hàng tồn kho giảm. Xuất khẩu sợi sang Trung Quốc tăng 47% YoY trong đợt điều tra và chiếm 53% tổng xuất khẩu xơ sợi của Việt Nam.
Trong khi đó, giá bông và hạt nhựa PET tăng +41% (+20% vào cuối tháng 9) và 14% YTD. Giá sợi ước tính tiếp tục đà tăng trong Q4/2021, do khủng hoảng thiếu điện tại Trung Quốc ảnh hưởng đến nguồn cung sợi trong ngắn hạn. Xu hướng này hỗ trợ cho các công ty sợi, nhưng tăng áp lực cho các công ty dệt may trong trung hạn.
Cập nhật KQKD Q3/2021 của STK
Trong Q3/2021, STK đạt doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế lần lượt là 468,6 tỷ đồng (+ 43% YoY) và 62,4 tỷ đồng (+ 210% YoY), so với mức thấp của năm ngoái (do gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu và nhu cầu ảm đạm từ các thị trường xuất khẩu do dịch bệnh Covid bùng phát). So với quý trước, doanh thu thuần và lợi nhuận ròng lần lượt giảm -8% và -15% do tác động tiêu cực của các biện pháp giãn cách xã hội kéo dài, ảnh hưởng đến nhu cầu trong nước và gián đoạn sản xuất, vận chuyển. Mặc dù sản lượng sợi tái chế giảm, giá bán trong Q3/2021 vẫn có xu hướng tăng theo giá hạt nhựa PET (do giá dầu tăng) và nhu cầu sợi thế giới. Doanh thu từ sợi tái chế giảm -21% QoQ mặc dù giá bán tăng 3% QoQ và 9% YoY. Sản lượng tiêu thụ sợi tái chế giảm do STK chủ yếu bán sợi tái chế trong nước cho các công ty sản xuất vải có vốn FDI, đây là các công ty chịu ảnh hưởng về sản xuất do giãn cách xã hội trong Q3. Mặt khác, giá trị xuất khẩu sợi nguyên sinh tăng 7% QoQ và 29% YoY, với giá bán trung bình tăng 5% QoQ.
Mặc dù công ty nỗ lực tối đa hóa công suất cho các đơn đặt hàng chất lượng cao hơn và tăng giá bán, biên lợi nhuận gộp đạt 18,8% trong Q3/2021, giảm từ 19,4% trong 2Q21. Điều này là do đóng góp doanh thu của sợi tái chế (với biên lợi nhuận cao hơn nhiều so với sợi nguyên sinh) đạt 48% trong Q3/2021, giảm từ 57% trong 6T2021. Tuy nhiên, biên lợi nhuận gộp Q3/2021 vẫn khả quan so với mức thấp nhất của Q3/2020 là 12,3%. Ban lãnh đạo tiết lộ rằng công ty đã ký các đơn đặt hàng mới vào tháng 10 với giá bán tăng 10%.
Trong 9T2021, STK đạt doanh thu thuần và lợi nhuận ròng là 1,5 nghìn tỷ đồng (+29.2% YoY) và 203 tỷ đồng (+171% YoY), hoàn thành 66% và 82% kế hoạch năm và sát với dự báo của chúng tôi. Trong khi giá hạt PET tăng 17,5% YoY, giá sợi nguyên sinh và sợi tái chế tăng 16% YoY và 1% YoY trong 9T2021, STK có thể chuyển toàn bộ phần tăng chi phí cho khách hàng do chênh lệch giá đã tăng 22,2% YoY trong kỳ. Do đó, biên lợi nhuận gộp 9T2021 của sợi nguyên sinh và sợi tái chế đạt 14,4% và 23,6%. Biên lợi nhuận gộp chung trong 9T2021 đạt 19,4% so với 13% trong 9T2020. Sợi tái chế đóng góp 54% doanh thu 9T2021 và trên đà vượt 55% kế hoạch năm của công ty.
Hai kết luận về thuế chống bán phá giá gần đây đều có lợi cho STK do công ty có thể tăng sản lượng tiêu thụ trong nước và thị trường Mỹ:
Bộ Công thương (MoIT) gần đây đã công bố kết luận cuối cùng về thuế chống bán phá giá đối với sợi nhập khẩu từ Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia và Malaysia. Quyết định chính thức về mức thuế chống bán phá giá không quá khác biệt so với kết quả sơ bộ vào tháng 8/2021. Trong giai đoạn điều tra từ tháng 1/2017 đến tháng 12/2019, sản lượng sợi polyester nhập khẩu vào Việt Nam từ các nước kể trên (chiếm 70% tổng sợi nhập khẩu, và 50% tổng thị phần sợi) đã tăng mạnh 26% mỗi năm. Mức thuế nhập khẩu áp dụng trong giai đoạn này chỉ dao động 3%-4,5%, khiến giá sợi nhập khẩu rẻ hơn 10%-12% so với sợi trong nước. Do đó, Bộ Công thương đã áp thuế nhập khẩu 5 năm đối với sợi polyester nhập khẩu (loại POY, DTY và FDY) có hiệu lực từ ngày 16/10/2021 như sau: Trung Quốc (17,5%), Ấn Độ (54,9%), Indonesia (21,9%); và Malaysia (21,5%). Một số công ty Trung Quốc có ngoại lệ do hưởng thuế chống bán phá giá 3,4%-15,6%. STK ước tính tăng sản lượng tiêu thụ trong nước và duy trì cạnh tranh về giá bằng cách chỉ tăng giá bán theo mức tăng chi phí nguyên liệu.
Bộ Thương mại Mỹ (DOC) gần đây đã áp dụng thuế chống bán phá giá đối với sợi polyester nhập khẩu từ Việt Nam, Indonesia, Thái Lan và Malaysia. STK có mức thuế chống bán phá giá thấp nhất là 2,58% so với mức thuế chung tại Việt Nam là 22,36%. Mức thuế này cũng thấp hơn nhiều so với các nước khác, như bảng dưới đây. Thị trường Mỹ chiếm 4,4% giá trị xuất khẩu sợi của STK. Với lợi thế này, STk có thể tăng sản lượng tiêu thụ và thị phần tại thị trường Mỹ trong tương lai gần.
Ước tính và định giá
Với kết quả đáng khích lệ trong Q3/2021, cũng như giá sợi tăng, chúng tôi tăng giả định giá bán sợi nguyên sinh của STK từ +5% YoY lên +17% YoY trong 2021, và giảm công suất từ 90% còn 80% (90% là công suất tối đa, do STK luôn giữ 10% cho hoạt động bảo dưỡng). Do đó, năm 2021, chúng tôi ước tính công ty đạt doanh thu thuần và lợi nhuận ròng 2,2 nghìn tỷ đồng (+22,3% YoY) và 268 tỷ đồng (+87% YoY). Năm 2022, chúng tôi ước tính STK đạt doanh thu thuần và lợi nhuận ròng 2,5 nghìn tỷ đồng (+17,3% YoY) và 316 tỷ đồng (+17,7% YoY). Chúng tôi điều chỉnh tăng 7,2% và 7% ước tính lợi nhuận ròng tương ứng năm 2021 và 2022. Giả định rằng biên lợi nhuận gộp sẽ tiếp tục tăng do xu hướng giá polyester tăng trong Q1/2022. Doanh thu sợi tái chế ước tính tăng 40% so với cùng kỳ nhờ FDI phục hồi mạnh và các thương hiệu tăng sử dụng nguyên liệu tái chế, chúng tôi cũng giả định chi phí lãi vay sẽ tăng gấp đôi do huy động vốn dài hạn mới cho dự án nhà máy Unitex - GĐ1.
Ở mức giá 60.500 đồng/cp, STK giao dịch tại PE 2021 và 2022 là 15,4x và 13,1x so với trung bình PE lịch sử là 15x. Chúng tôi tăng PE mục tiêu từ 10x lên 15x (cao hơn so với trung bình ngành là 14x), do đó giá mục tiêu 1 năm tăng lên 69.400 đồng/cp (tiềm năng tăng giá +14,7%) - từ mức 43.300 đồng/cp. Chúng tôi cho rằng cổ phiếu xứng đáng được định giá lại do: (i) xu hướng tăng giá polyester có thể tiếp diễn trong đầu 2022; (ii) quyết định về thuế chống bán phá giá gần đây có thể giúp STK tăng sản lượng trong nước và thị trường Mỹ; và (iii) nhà máy Unitex mới, giúp tăng gấp đôi công suất, hỗ trợ cho tăng trưởng dài hạn.
Nguồn: SSI