STB: Tốc độ giải quyết tài sản có vấn đề dự kiến vượt kế hoạch
Sau khi tham dự ĐHCĐ của STB vào ngày 23/4/2021, chúng tôi đã quyết định nâng khuyến nghị đối với cổ phiếu STB lên KHẢ QUAN, cùng với giá mục tiêu 1 năm là 26.949 đồng/cổ phiếu (trước đây là 24.300 đồng) - tương ứng với tiềm năng tăng giá là 20%. Chúng tôi đánh giá khá tích cực về tốc độ giải quyết tài sản có vấn đề của STB. Chủ tịch HĐQT tự tin rằng STB sẽ xóa tất cả tài sản có vấn đề vào năm 2022, tức là trước 3 năm so với kế hoạch tái cơ cấu STB và trước 1 năm so với kế hoạch mà Chủ tịch đã đề ra trong ĐHCĐ năm trước. Trong khi đó, hoạt động kinh doanh cốt lõi vẫn duy trì ổn định, áp lực không đáng kể về chất lượng tài sản (nợ xấu ở mức 1,7%; các khoản vay tái cơ cấu theo Thông tư 01 là 0,2%) và tăng trưởng lợi nhuận ròng năm 2021 tương đối tốt (+20% so với cùng kỳ). Giai đoạn khó khăn nhất của STB đã qua và việc giải quyết tài sản có vấn đề đang đi đúng hướng.
Rủi ro giảm đối với khuyến nghị:
• Việc đấu giá Khu công nghiệp Phong Phú và các tài sản khác không đúng tiến độ;
• Việc bán cổ phiếu STB cầm cố tại VAMC không đúng tiến độ;
• Cơ cấu cổ đông mới có thể không thực hành quản trị công ty tốt, với tầm nhìn và chiến lược không phù hợp.
Yếu tố hỗ trợ tăng giá
• Các tài sản có vấn đề được xử lý với tốc độ nhanh hơn và với giá tốt hơn dự kiến.
• Các cổ đông mới có chuyên môn trong ngành ngân hàng, có tầm nhìn và chiến lược dài hạn tốt, có thể giúp ngân hàng chuyển mình mạnh mẽ.
Các điểm chính
Tăng trưởng lợi nhuận tốt trong năm 2021. Ngân hàng đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế là 4 nghìn tỷ đồng (+19,8% so với cùng kỳ), dựa trên mức tăng trưởng huy động và tín dụng đều ở mức +9% so với cùng kỳ. Tỷ lệ nợ xấu sẽ được kiểm soát ở mức dưới 2%. Kế hoạch cổ tức tùy vào sự chấp thuận của NHNN do STB đang trong quá trình tái cơ cấu và không được chia cổ tức.
Việc giải quyết tài sản có vấn đề sẽ hoàn thành vào năm 2022 – vượt 3 năm so với kế hoạch tái cơ cấu nhưng phụ thuộc nhiều vào việc bán cổ phiếu STB cầm cố tại VAMC. Ngân hàng đã xử lý 46,5 nghìn tỷ đồng tài sản có vấn đề trong giai đoạn 2017-2020. STB hiện còn 39,3 nghìn tỷ đồng tài sản có vấn đề, với tài sản đảm bảo như sau:
• Trái phiếu VAMC trị giá 13 nghìn tỷ đồng, với tài sản thế chấp là 3,5 nghìn tỷ đồng bất động sản đang được bán đấu giá và Khu công nghiệp Phong Phú đang chờ kết luận thanh tra với giá trị khoảng 7,6 nghìn tỷ đồng. Việc đấu giá Phong Phú đã bị chậm trễ hơn hai năm. Ngân hàng kỳ vọng sẽ sớm có quyết định của chính quyền trong tương lai gần. Theo đó, ngân hàng có thể bán tài sản này vào năm 2021.
• Khoản vay gốc 10 nghìn tỷ đồng liên quan tới trái phiếu VAMC, cùng 11,7 nghìn tỷ đồng lãi phát sinh, với tài sản thế chấp là 586 triệu cổ phiếu STB cầm cố tại VAMC (32,5% tổng số cổ phiếu đang lưu hành), dự kiến hoàn thành vào năm 2022. Ngân hàng muốn mua lại khoản nợ gốc từ VAMC, sau đó bán cổ phiếu STB để thu hồi cả gốc và lãi. Tuy nhiên, quy trình này vẫn cần Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Để thu hồi đủ tiền gốc, tiền lãi và phí phạt, cổ phiếu STB phải được bán với giá khoảng 33.000 - 34.000 đồng/cổ phiếu (cao hơn 51% so với giá thị trường hiện tại).
• 1 nghìn tỷ đồng lãi dự thu và 2,7 nghìn tỷ đồng phải thu khác. Theo quan điểm của chúng tôi, các tài sản này sẽ được xóa thông qua trích lập dự phòng rủi ro tín dụng và ngân hàng có đủ năng lực để thực hiện vào năm 2021.
Việc bán cổ phiếu STB đã cầm cố là vấn đề quan trọng nhất đối với quá trình xử lý tài sản có vấn đề của STB. Người mua số cổ phiếu này sẽ trở thành cổ đông lớn nhất của STB và có thể xác định hướng đi dài hạn của ngân hàng (do đó chúng tôi đánh giá việc này vừa là yếu tố hỗ trợ tăng giá tiềm năng, cũng có thể có rủi ro giảm giá).
Kết quả kinh doanh Q1/2021. Tổng tài sản và tăng trưởng tín dụng lần lượt tăng +3,5% và +5,8% so với đầu năm. Thu nhập phí ròng tăng mạnh, đạt trên 1.200 tỷ đồng (+66% so với cùng kỳ). Xử lý nợ xấu đang được tiến hành, với tổng giá trị 2,2 nghìn tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế đạt khoảng 1 nghìn tỷ đồng (+1,2% so với cùng kỳ). Chúng tôi tin rằng ngân hàng vẫn ưu tiên trích lập dự phòng và xử lý nợ xấu, thay vì theo đuổi tốc độ tăng trưởng nhanh.
Ước tính và định giá
Chúng tôi ước tính STB sẽ đạt 4,4 nghìn tỷ đồng lợi nhuận trước thuế (cao hơn 10% so với kế hoạch tại ĐHCĐ), do chúng tôi giả định tăng trưởng cho vay của ngân hàng cao hơn (+14% so với kế hoạch là 9%). Tăng trưởng cũng được thúc đẩy nhờ việc trích lập dự phòng ít hơn cho tài sản có vấn đề, ở mức 3,7 nghìn tỷ đồng (so với 5,6 nghìn tỷ đồng trong năm 2020).
Chúng tôi sử dụng phương pháp thặng dư tiền gửi và P/B để định giá cổ phiếu STB. Theo kịch bản cơ sở của chúng tôi, Khu công nghiệp Phong Phú và các tài sản khác sẽ được bán thành công với mức chiết khấu 20% so với giá ban đầu, và cổ phiếu STB được bán với mức giá thị trường hiện tại (22.450 đồng/cp).
Giá mục tiêu của cổ phiếu STB là 26.949 đồng/cp (+20% so với giá hiện tại) và 31.616 (+40% so với giá hiện tại) theo từng kịch bản đề cập ở trên.
Nguồn: SSI