PVS: Kỳ vọng phục hồi trong năm 2022; định giá hợp lý
• Chúng tôi giữ nguyên khuyến nghị PHÙ HỢP THỊ TRƯỜNG cho Tổng CTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PVS) khi chúng tôi cho rằng giá dầu cao sẽ có tác động tích cực nhẹ đến lợi nhuận của PVS trong giai đoạn 2022-2023 trong khi củng cố cho triển vọng kinh doanh của công ty trong dài hạn. Trong khi đó, chúng tôi cho rằng PVS hiện có định giá hợp lý.
• Chúng tôi tăng giá mục tiêu thêm khoảng 30% nhờ 1) mức tăng 14% trong dự báo EPS giai đoạn 2024-2026 khi chúng tôi ghi nhận tiềm năng của các dự án điện gió ngoài khơi trong dài hạn và 2) số dư tiền mặt cuối năm 2021 cao hơn khoảng 8% so với kỳ vọng của chúng tôi. Trong khi đó, chúng tôi hầu như giữ nguyên dự báo LNST sau lợi ích CĐTS giai đoạn 2022- 2023.
• Chúng tôi kỳ vọng EPS cốt lõi năm 2022 tăng 9,4% YoY khi mảng Cơ khí Dầu khi (M&C) có nhiều việc làm hơn sẽ bù đắp cho mức giảm của giá thuê ngày tại FPSO Ruby II. Chúng tôi dự báo EPS báo cáo tăng 39,6% nhờ không có các khoản chi phí dự phòng bất thường.
• Chúng tôi kỳ vọng triển vọng trung hạn của PVS sẽ được hỗ trợ bởi sự phục hồi của ngành Dầu khí và cơ hội việc làm gia tăng đối với dự án LNG/điện gió ngoài khơi. Chúng tôi dự báo tốc độ tăng trưởng kép (CAGR) EPS cốt lõi giai đoạn 2021-2026 đạt 19,8% nhờ backlog M&C có khả năng đạt 3,2 tỷ USD vào cuối năm 2022 và lợi nhuận ổn định từ các FSO.
• PVS hiện sở hữu 8,4 nghìn tỷ đồng tiền mặt và tỷ lệ tiền mặt ròng/vốn chủ sở hữu đạt 60,9% tính đến cuối năm 2021.
• PVS hiện có định giá hợp lý với P/E dự phóng năm 2022 là 24,1 lần và P/B là 1,5 lần.
• Yếu tố hỗ trợ: giá dầu cao hơn dự kiến thúc đẩy tâm lý nhà đầu tư đối với giá cổ phiếu của PVS; chốt mức giá thuê ngày dài hạn cho FPSO Ruby II và Lam Sơn.
• Rủi ro: lượng công việc thấp hơn dự kiến cho mảng M&C trong năm 2022.
Chúng tôi hiện đã ghi nhận tiềm năng từ các dự án điện gió ngoài khơi cho triển vọng dài hạn của PVS. Vào tháng 1/2022, PVS đã tích hợp mảng đầu tư và xây dựng điện tái tạo (gió & mặt trời) và mảng Cơ khí Dầu khí (M&C) trong mô hình kinh doanh của công ty, đây là bước khởi đầu của công ty để thâm nhập thị trường điện gió ngoài khơi. Mặc dù chúng tôi chưa ghi nhận tiềm năng từ việc đầu tư vào điện gió trong báo cáo này, chúng tôi đã bao gồm tiềm năng từ lượng công việc M&C cho các dự án điện gió trong dài hạn nhờ lợi thế của PVS về cơ sở vật chất (cụ thể, lao động, tàu và cảng) và năng lực tài chính.
Chúng tôi giả định giá trị hợp đồng M&C từ điện gió đạt 500 triệu USD – khoảng 3% quy mô thị trường điện gió quốc gia dự kiến vào năm 2025. Do đó, chúng tôi nâng dự báo tổng LNST sau lợi ích CĐTS giai đoạn 2024-2026 thêm 14,1%. Chúng tôi duy trì giả định dự án Lô B sẽ đóng góp lợi nhuận từ cuối năm 2023. Mỏ khí Lô B là 1 trong 2 mỏ khí lớn nhất Việt Nam và có thể mang lại cho PVS một khối lượng công việc lớn (1 tỷ USD giá trị hợp đồng M&C) nếu dự án bắt đầu hoạt động. Tháng 11/2021, các nhà đầu tư dự án đã trình đề xuất lên Chính phủ về việc giải quyết các trở ngại liên quan đến quá trình phê duyệt đầu tư cho nhà máy điện Ô Môn III; nếu thành công, các nhà đầu tư sẽ có thể đẩy nhanh tiến độ để dự án Lô B nhận được quyết định đầu tư chính thức vào giữa năm 2022. Tuy nhiên, do không có thông tin mới về dự án này, chúng tôi duy trì dự báo hiện tại rằng hợp đồng xây dựng của dự án Lô B sẽ đóng góp vào lợi nhuận của PVS trong giai đoạn 2023-2026 và dự án này sẽ đóng góp dòng khí đầu tiên vào năm 2027.
Nguồn: VCSC