POW: Triển vọng dài hạn sáng sủa từ các dự án điện khí LNG
Kết quả kinh doanh quý III chịu tác động tiêu cực bởi dịch Covid-19. Doanh thu 9 tháng đầu năm của POW đạt 20,967 tỷ đồng, giảm 3.8% so với cùng kỳ do nhu cầu phụ tải trên hệ thống giảm liên tục trong quý II và quý III dưới tác động của các chỉ thị giãn cách xã hội nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch Covid-19.
Sản lượng phục hồi trong quý IV. Chúng tôi kỳ vọng sản lượng điện của POW sẽ hồi phục trong quý IV, nhất là với các nhà máy điện khí khi các tỉnh phía Nam dỡ bỏ các chỉ thị giãn cách và các khu công nghiệp, nhà máy hoạt động trở lại khiến nhu cầu điện tăng lên.
Kỳ vọng lợi nhuận cao từ Nhà máy Nhiệt điện Cà Mau 1&2 sau khi hết khấu hao. NMĐ Cà Mau 1&2 đã hết khấu hao máy móc thiết bị trong năm 2021 và đang trong quá trình đàm phán lại PPA với EVN/EPTC. Chúng tôi kỳ vọng giá điện đàm phán được không thấp hơn nhiều so với giá hiện tại trong khi không còn chi phí khấu hao sẽ đóng góp tích cực vào lợi nhuận của POW những năm tới.
Triển vọng dài hạn sáng sủa nhờ các dự án nhà máy điện khí LNG. Dự án Nhơn Trạch 3&4 đang được POW tích cực triển khai, nhiều khả năng có thể hoàn thành chọn nhà thầu EPC và khởi công gói EPC ngay trong quý IV năm 2021. Chúng tôi cho rằng dự án này hoàn toàn có khả năng hoàn thành đúng tiến độ và đi vào vận hành từ năm 2024, đóng góp hàng năm sản lượng điện khoảng 9 tỷ kWh, tăng thêm so với sản lượng bình quân hàng năm hiện tại khoảng 40%.
Chúng tôi điều chỉnh dự phóng doanh thu và lợi nhuận của POW năm 2021 đạt lần lượt là 25,788 tỷ đồng và 2,316 tỷ đồng, tương đương với 90.8% và 149.6% kế hoạch năm dựa trên điều chỉnh các giả định (1) tổng sản lượng điện sản xuất năm 2021 giảm 20.2% so với cùng kỳ (2) giá bán điện bình quân các nhà máy tăng 8% so với bình quân năm 2020.
Chúng tôi duy trì khuyến nghị MUA cổ phiếu POW với giá mục tiêu 12 tháng là 14,600đ/cp. Chúng tôi đánh giá POW là một cổ phiếu phù hợp để đầu tư dài hạn do doanh nghiệp hoạt động trong ngành ổn định, có vai trò quan trọng trong nền kinh tế và nhu cầu tăng trưởng dài hạn. Ngoài ra, POW còn có nhiều động lực cho tăng trưởng trong tương lai từ việc đầu tư hàng loạt các dự án điện khí mới, loại hình dự kiến sẽ đóng góp khoảng 20% tổng công suất nguồn điện của cả nước vào năm 2030 theo Dự thảo quy hoạch điện VIII.
Kết quả kinh doanh quý III chịu tác động tiêu cực bởi dịch Covid. Tổng sản lượng điện quý III của POW đạt 2.7 tỷ kWh, giảm 35.7% so với cùng kỳ do ảnh hưởng của chỉ thị giãn cách xã hội kéo dài suốt nhiều tháng khiến cho nhu cầu phụ tải của hệ thống giảm mạnh. Sản lượng tiêu thụ điện bình quân mỗi ngày tại khu vực miền Nam trong quý III đã giảm 23.4% so với quý trước và 13.6% so với cùng kỳ.
Tính chung 9 tháng đầu năm, tổng sản lượng điện các nhà máy của POW đạt 12.2 tỷ kWh, chỉ bằng 81% so với cùng kỳ. Trong đó, các nhà máy điện khí của POW gặp nhiều khó khăn do sản lượng huy động trong năm thấp. Hai nhà máy thủy điện Hủa Na và Đakđrinh có điều kiện sản xuất thuận lợi, sản lượng huy động tăng lần lượt 23% và 41% so với cùng kỳ. Nhà máy điện Vũng Áng 1 hoạt động tương đối ổn định nhờ chi phí sản xuất không tăng do sử dụng nguồn than trong nước, sản lượng điện phát 9 tháng đạt gần 5 tỷ kWh, giảm nhẹ 6% yoy.
Doanh thu 9 tháng đầu năm của Tổng công ty đạt 20,967 tỷ đồng, giảm nhẹ 3.8% so với cùng kỳ nhờ giá phát điện bình quân các nhà máy của POW cao hơn cùng kỳ 18.7%. Lợi nhuận sau thuế 9 tháng đạt 2,033 tỷ đồng, tăng 36.7% nhờ ghi nhận khoản thoái vốn PV Machino lãi 306 tỷ đồng và chi phí lãi vay hợp nhất giảm mạnh so với cùng kỳ sau khi NT2 tất toán khoản vay ngoại tệ.
Sản lượng phục hồi trong quý IV. Chúng tôi kỳ vọng sản lượng điện của POW sẽ hồi phục trong quý IV, nhất là với các nhà máy điện khí khi các tỉnh phía Nam dỡ bỏ các chỉ thị giãn cách và các khu công nghiệp, nhà máy hoạt động trở lại khiến nhu cầu điện tăng lên. Theo đánh giá của chúng tôi, các nhà máy điện khí của POW sẽ được huy động sản lượng cao hơn trong quý cuối năm do cung cấp điện cho khu vực có nhiều khu công nghiệp lớn (Đồng Nai, Bình Dương). Sản lượng điện quý IV của POW được chúng tôi ước tính là khoảng 3.12 tỷ kWh, tăng 15.4% so với quý trước.
Kỳ vọng lợi nhuận cao từ Nhà máy Nhiệt điện Cà Mau 1&2 sau khi hết khấu hao. NMĐ Cà Mau 1&2 đã hết khấu hao máy móc thiết bị trong năm 2021 và đang trong quá trình đàm phán lại PPA với EVN/EPTC. Chúng tôi kỳ vọng nhà máy sẽ đàm phán được giá điện tốt, không thấp nhiều so với giá hiện tại trong khi giảm được đáng kể chi phí do máy móc đã hết khấu hao. Chúng tôi cho rằng, việc Nhà máy điện Cà Mau có thể đàm phán được giá phát điện theo PPA cao sẽ là yếu tố quan trọng giúp cho POW cải thiện biên lợi nhuận trong những năm tiếp theo.
Triển vọng dài hạn sáng sủa nhờ các dự án nhà máy điện khí LNG. Mục tiêu của POW là sẽ hoàn thành lựa chọn nhà thầu EPC cho dự án Nhà máy điện Nhơn Trạch 3&4 trong quý IV, đồng thời phấn đấu để có thể khởi công gói thầu EPC ngay trong năm nay. Về việc thu xếp nguồn vốn cho dự án, đã có hai ngân hàng là Techcombank và MBbank chịu trách nhiệm hỗ trợ PV Power xây dựng cấu trúc tài chính, điều phối công tác thu xếp vốn từng phần và toàn bộ nhằm đảm bảo dự án đúng tiến độ. Hai ngân hàng này đều từng tài trợ vốn cho PV Power thông qua các dự án Nhà máy điện Nhơn Trạch 2, CTCP Thủy điện Đakđrinh, CTCP Thủy điện Hủa Na… Như vậy, chúng tôi cho rằng, POW có khả năng hoàn thành dự án đúng tiến độ và đưa vào vận hành hai nhà máy này trong năm 2024. Sau khi đi vào vận hành, Nhà máy điện Nhơn Trạch 3&4 dự kiến sẽ đạt sản lượng 9 tỷ kWh/năm, đóng góp doanh thu hàng năm khoảng 3,600 tỷ đồng.
Ngoài ra, PVPower cũng đã bắt đầu khởi động Dự án điện khí LNG Quảng Ninh công suất 1,500MW với tổng mức đầu tư khoảng 48,000 tỷ đồng. Theo kế hoạch, dự án này sẽ được vận hành thương mại vào năm 2026-2027.
Nguồn: PSI