POW: Sản lượng điện Q3/2021 giảm mạnh
Điểm chính: Mặc dù công ty ghi nhận sản lượng điện giảm đến 36% YoY trong Q3/2021 nhưng lại ghi nhận mức LNST là 603 tỷ đồng – cao hơn nhiều so với mức 124 tỷ đồng ở Q3/2020. Điểm này chủ yếu do công ty đã hạch toán giảm chi phí bảo dưỡng sửa chữa ở nhà máy Cà Mau:
• Sản lượng điện ở Q3/2021 của POW giảm 36% YoY. Thứ nhất là do tình hình giãn cách xã hội ở Q3/2021 do làn sóng covid thứ 4. Thứ hai là do giá khí tăng cao làm giảm nhu cầu huy động sản lượng điện từ nhóm điện khí. Thứ ba là do tổ máy 1 của nhà máy Vũng Áng thực hiện đại tu. Thứ 4 là do tổ máy 2 của nhà máy Vũng Áng gặp sự cố và phải dừng hoạt động từ ngày 19/9/2021 và đến nay chưa rõ thời gian hoàn thành việc sửa chữa.
• Nhưng mức lợi nhuận gộp ở Q3/2021 lại tăng 54% YoY lên 843 tỷ đồng chủ yếu do hạch toán giảm chi phí bảo dưỡng sửa chữa ở nhà máy Cà Mau:
1) Biết rằng hợp đồng PPA mới của nhà máy Cà Mau chưa chốt xong.
2) Trong khi Q3/2021, nhà máy Cà Mau vẫn áp dụng giá PPA cũ nên dẫn đến doanh thu cao hơn nếu so với việc áp dụng giá PPA mới.
3) Mặc dù hợp đồng bảo dưỡng sửa chữa ở NM Cà Mau chưa được ký mới, công ty đã hạch toán giảm chi phí bảo dưỡng sửa chữa trong Q3/2021. Do vậy, nếu hợp đồng bảo dưỡng sửa chữa được ký mới, công ty sẽ phải hồi tố tăng chi phí bảo dưỡng sửa chữa (hoặc giảm doanh thu) cho các quý sắp tới.
Triển vọng lợi nhuận
• Nhà đầu tư cần lưu ý hợp đồng PPA mới ở Cà Mau sẽ tạo mặt bằng lợi nhuận thấp hơn:
1) Theo hợp đồng cũ, sản lượng của NM Cà Mau được bao tiêu 100% và chi phí nhiên liệu đầu vào được chuyển ngang 100% vào toàn bộ sản lượng (vì NM Cà Mau không phải tham gia thị trường điện cạnh tranh).
2) Theo hợp đồng mới, NM Cà Mau sẽ phải tham gia thị trường điện cạnh tranh và tỷ lệ sản lượng bán theo hợp đồng PPA khoảng 85% (%tỷ lệ Qc – và tỷ lệ Qc này không cố định và sẽ thay đổi hằng năm tương tự như các NM điện khác). Do vậy chi phí nhiên liệu đầu vào chỉ có thể chuyển ngang một phần thông qua sản lượng bán theo hợp đồng PPA với tỷ lệ khoảng 85%. Phần còn lại NM Cà Mau sẽ phải bán trên thị trường điện cạnh tranh.
3) Với giá trung bình trên thị trường điện cạnh tranh hiện tại là 1.040 VNĐ/kwh (thấp hơn khoảng 42% so với giá bán trung bình hiện tại 9T2021 của NM Cà Mau là 1.797 VNĐ/kwh), do vậy việc phải tham gia thị trường điện cạnh tranh sẽ bất lợi cho NM Cà Mau. Khi phải tham gia thị trường cạnh tranh, mặt bằng doanh thu & lợi nhuận của NM Cà Mau ước tính sẽ thấp hơn.
• Q4/2020 sẽ là cở sở so sánh cao:
1) Q4/2020 ghi nhận khoảng 1 nghìn tỷ đồng vào doanh thu của Vũng Áng liên quan đến khoản chênh lệch tỷ giá năm 2016-2017. Và nhà đầu tư nên lưu ý là khoản tiền này công ty mẹ - Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) quyết định phê duyệt phân phối và không được phân phối cho cổ đông ngoài công ty mẹ - PVN.
2) Tổ máy 2 của Vũng Áng gặp sự cố kỹ thuật và phải dừng hoạt động từ 19/9/2021 và đến nay chưa rõ thời gian hoàn thành việc sửa chữa
3) Nếu công ty chốt được hợp đồng PPA mới cho NM Cà Mau ở Q4/2021, một số thay đổi cần lưu ý là (1) mặt bằng doanh thu & lợi nhuận của NM Cà Mau sẽ thấp hơn, (2) hồi tố tăng chi phí bảo dưỡng sửa chữa hoặc giảm doanh thu ở NM Cà Mau cho các quý tới (vì Q3/2021 vừa qua vẫn áp dụng giá PPA cũ trong khi hạch toán giảm chi phí bảo dưỡng sửa chữa dù chưa có hợp đồng mới). (3) Ngoài ra nếu chốt được HĐ PPA mới cho NM Cà Mau, POW có thể hoàn nhập 1 phần khoản chi phí dự phòng 780 tỷ đồng đã trích trước đó. Biết rằng trước đó, POW đã trích 780 tỷ đồng dự phòng liên quan đến khoản nợ xấu ở NM Cà Mau. Và chúng tôi cho rằng việc hoàn nhập bao nhiêu trong mức dự phòng 780 tỷ đồng này sẽ phụ thuộc vào giá PPA mới của NM Cà Mau.
Luận điểm đầu tư: Chúng tôi không đưa khuyến nghị cho cổ phiếu POW do chưa thể ước tính được việc hạch toán doanh thu & chi phí ở NM Cà Mau; và chúng tôi cần chờ hợp đồng mới của NM Cà Mau trước khi đưa ra ước tính & khuyến nghị.
Nguồn: SSI