PLX: Lợi nhuận phục hồi từ Q4/2021 nhờ sản lượng tiêu thụ và giá dầu tăng
Doanh thu của PLX trong Q3/2021 tăng 26% nhờ giá xăng dầu tăng; tuy nhiên, LNTT chỉ đạt 112 tỷ đồng - giảm 90% so với cùng kỳ do gần như tất cả các mảng hoạt động (đặc biệt là xăng dầu, vận tải và hóa dầu) đều bị ảnh hưởng tiêu cực bởi các biện pháp giãn cách xã hội. Tuy nhiên, chúng tôi ước tính rằng PLX sẽ dần phục hồi trong Q4/2021 do nhu cầu và giá dầu tăng. Chúng tôi ước tính LNTT năm 2021 đạt 4,2 nghìn tỷ đồng (+200% so với cùng kỳ), với giả định rằng sản lượng tiêu thụ xăng dầu trong nước giảm -7% so với cùng kỳ đạt 8,4 triệu m3/tấn. Trong năm 2022, chúng tôi ước tính doanh thu và LNTT sẽ tiếp tục tăng trưởng lần lượt 10% và 30% so với cùng kỳ đạt 177 nghìn tỷ đồng và 5,4 nghìn tỷ đồng nhờ sản lượng tiêu thụ xăng dầu tăng 9% và các mảng khác phục hồi. Chúng tôi lặp lại khuyến nghị KHẢ QUAN đối với cổ phiếu PLX với giá mục tiêu 67.000 đồng/cổ phiếu.
Doanh thu của PLX trong Q3/2021 tăng 26% do giá xăng dầu tăng, tuy nhiên, LNTT chỉ đạt 112 tỷ đồng - giảm 90% so với cùng kỳ do gần như tất cả các mảng hoạt động của công ty đều bị ảnh hưởng tiêu cực từ biện pháp giãn cách xã hội.
Mảng kinh doanh xăng dầu bị ảnh hưởng nhiều nhất từ dịch bệnh: LNTT từ mảng này ghi nhận khoản âm 26 tỷ đồng trong Q3/2021. Sản lượng tiêu thụ trong nước giảm -23% so với cùng kỳ đạt 1,6 triệu tấn. Ngoài ra, chính sách hỗ trợ của công ty dành cho người tiêu dùng cuối, chẳng hạn như chiết khấu 500 đồng/lít thông qua hệ thống bán lẻ của PLX trên 23 tỉnh thành áp dụng Chỉ thị 16 trong 15 ngày tháng 8 cũng đã ảnh hưởng đến biên lợi nhuận.
Các biện pháp giãn cách xã hội cũng ảnh hưởng đến các mảng hoạt động khác, đặc biệt là vận tải và hóa dầu: Vận tải bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, với LNTT giảm từ 34 tỷ đồng trong Q3/2020 xuống mức âm 113 tỷ đồng do hoạt động vận tải chững lại và giá nhiên liệu tăng. Hóa dầu cũng ghi nhận lợi nhuận giảm mạnh -78% so với cùng kỳ, đạt 141 tỷ đồng, chủ yếu do mảng kinh doanh dầu tại PLC và Castrol BP Petco. Riêng lợi nhuận từ Castrol BP Petco (PLX sở hữu 35% cổ phần) giảm 122 tỷ đồng do nhu cầu yếu và chi phí đầu vào tăng.
Lũy kế 9T2021, LNTT đạt 2,95 nghìn tỷ đồng, tăng 15 lần so với mức thấp của năm trước và hoàn thành 88% kế hoạch năm.
Kết quả kinh doanh dự kiến tăng mạnh trong Q4
Nhu cầu thị trường phục hồi khi các biện pháp giãn cách xã hội được dỡ bỏ: Chúng tôi tin rằng lợi nhuận các mảng hoạt động của PLX sẽ phục hồi trong Q4/2021, đặc biệt là mảng xăng dầu do các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng từ đầu tháng 10. Theo ban lãnh đạo, sản lượng tiêu thụ xăng dầu của PLX trong tháng 10 tăng 30% so với tháng 9, theo đó sản lượng từ kênh bán lẻ tăng 36% so với tháng trước.
Giá xăng dầu tăng có thể hỗ trợ biên lợi nhuận: Giá xăng dầu tăng khoảng 13% -14% kể từ đầu Q4, giúp PLX tận dụng được hàng tồn kho giá rẻ. Vào thời điểm cuối quý 3, hàng tồn kho của PLX ở mức 12,7 nghìn tỷ đồng, tăng 25% so với đầu năm.
Thông qua sửa đổi Nghị định 83 có lợi cho các đại lý phân phối xăng dầu trong năm 2022: Chính phủ gần đây đã ban hành Nghị định số 95/2021/NĐ-CP, sửa đổi một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP liên quan đến kinh doanh xăng dầu và có hiệu lực từ ngày 2/1/2022. Theo nghị định mới, giá xăng dầu cơ bản sẽ được tính lại sau mỗi 10 ngày, thay đổi so với chu kỳ hiện hành là 15 ngày.
Một chi tiết quan trọng khác trong Nghị định số 95 là việc thay đổi công thức tính giá xăng dầu cơ sở. Công thức mới tính đến cả giá nhập khẩu và giá trong nước, thay vì chỉ tính đến giá nhập khẩu như trước đây. Giá nhập khẩu và giá trong nước sẽ được cân nhắc so với tỷ trọng sản lượng của quý trước, cụ thể theo bảng dưới đây.
Cần thêm thông tư hướng dẫn cần bổ sung chi tiết về chi phí cố định, phí bảo hiểm và giá cước vận tải để đánh giá tác động của quy định mới đối với giá xăng dầu. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng những sửa đổi này sẽ giúp các đại lý xăng dầu điều chỉnh giá phù hợp với sự thay đổi của giá dầu thế giới cũng như cơ cấu chi phí, tạo ra biên lợi nhuận ổn định hơn.
Nguồn: SSI