OCB: Các chỉ tiêu về tín dụng cải thiện
Chúng tôi điều chỉnh tăng 16,2% giá mục tiêu 1 năm đối với OCB lên 32.300 đồng/cp (tiềm năng tăng giá 18,3%), và khuyến nghị Trung lập. OCB đạt tăng trưởng lợi nhuận vượt trội trong Q3/2021 là +71,1% YoY. Tăng trưởng tín dụng 22% YoY (+10% YTD), lãi kinh doanh trái phiếu Chính phủ mạnh 463 tỷ đồng (so với 78 tỷ đồng trong Q3/2020) và chi phí tín dụng giảm đã thúc đẩy lợi nhuận ròng của OCB. Điểm khác biệt giữa OCB và các ngân hàng khác trong quý là các chỉ tiêu về tín dụng. Nợ nhóm 2 của OCB giảm -51% và nợ xấu không đổi trong khi các chỉ tiêu này tại các ngân hàng khác thuộc phạm vi nghiên cứu của chúng tôi đều có mức tăng đáng kể theo quý về nợ quá hạn. Tuy nhiên, nợ tái cơ cấu của OCB cũng tăng gấp đôi lên 2 nghìn tỷ đồng (2% tổng dư nợ cho vay), tương tự như điều chúng tôi nhận thấy ở nhiều ngân hàng khác. Chúng tôi ước tính OCB có thể đạt tăng trưởng LNTT +20% YoY (5,3 nghìn tỷ đồng) trong 2021 trước khi giảm tốc về mức +16,5% YoY (6,2 nghìn tỷ đồng) trong 2022.
Rủi ro giảm đối với khuyến nghị: lợi suất trái phiếu Chính phủ tăng cao hơn ước tính, có thể ảnh hưởng đến lãi kinh doanh TPCP; và nợ xấu mới hình thành cao hơn ước tính.
Yếu tố tăng đối với khuyến nghị: giá phát hành 70 triệu cổ phiếu cao hơn ước tính và lãi kinh doanh TPCP cao hơn ước tính.
Tổng quan Q3/2021
NIM giảm bất chấp danh mục cho vay tiếp tục dịch chuyển sang cho vay bán lẻ và cho vay dài hạn. Tại thời điểm cuối tháng 9, OCB đã chạm hạn mức tín dụng do NHNN cấp (10% YTD hoặc 2,9% QoQ). Do hạn mức tín dụng thấp hơn so với các ngân hàng khác, OCB đã chủ động tập trung vào các sản phẩm có lợi suất cao hơn (cho vay mua nhà, cho vay mua ô tô) để tối ưu hóa NIM. Cho vay bán lẻ tăng +4,3% QoQ, trong khi cho vay khách hàng doanh nghiệp tăng +1,8% QoQ – lần lượt đóng góp 34% và 64% tổng dư nợ cho vay. Tuy nhiên, NIM Q3/2021 giảm -29 bps so với quý trước còn 3,51%, xuất phát từ các nguyên nhân sau:
• Hạn chế hoạt động tài chính tiêu dùng (phân khúc ComB). Kể từ làn sóng đầu tiên của dịch Covid-19, OCB đã chủ động tiết giảm quy mô của phân khúc này. Dư nợ cho vay ComB giảm thêm -32% so với quý trước trong Q3/2021 và chỉ đóng góp 2% tổng dư nợ cho vay tại thời điểm cuối tháng 9/2021 (so với 7,7% vào cuối năm 2019 và 3,3% vào cuối năm 2020).
• Các gói hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng từ Covid-19. OCB đã giảm 1% lãi suất cho vay đối với các khách hàng chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh, số tiền lãi giảm cho khách hàng là khoảng 70 tỷ đồng (5% thu nhập lãi thuần hàng quý). Ngoài ra, OCB thoái 432 tỷ đồng lãi dự thu liên quan đến nợ tái cơ cấu từ năm 2020, trong đó 9T2021 chiếm hơn 200 tỷ đồng.
Lợi suất tài sản sinh lời do đó chịu áp lực giảm (-21 bps QoQ còn 7,51%).
• Chưa có tiến triển về việc cải thiện CASA. Chi phí vốn trung bình hầu như chưa cải thiện (+10 bps lên 4,33%) trái với điều diên ra tại các ngân hàng khác. Điều này một phần do CASA không tăng trong 3 quý vừa qua. Trong Q3/2021, CASA giảm -7% YTD khiến tỷ lệ CASA giảm 158 bps (xuống 10,4%). Sau khi niêm yết, OCB không còn cung cấp thông tin cập nhật về CASA từ kênh OMNI.
Lãi kinh doanh TPCP vẫn là điểm sáng, đạt 463 tỷ đồng trong Q3/2021, +40% QoQ. Việc lãi từ hoạt động này giảm đáng kể so với 2020 đã được dự báo từ trước. Mức độ giảm và biến động của lợi suất TPCP trong 2021 khá nhỏ do đó lãi kinh doanh TPCP đã được dự báo là sẽ không còn ở mức cao như những năm trước.
Trái ngược với hoạt động kinh doanh trái phiếu chính phủ, thu dịch vụ vẫn mờ nhạt với thu nhập hoạt động dịch vụ giảm -38,7% YoY còn 118 tỷ đồng. Mức giảm này là do hoạt động tư vấn (-48% YoY) và hoa hồng bán bảo hiểm (-10% YoY) đều giảm. Mảng dịch vụ thẻ duy trì ổn định nhưng mới chỉ đóng góp một phần rất nhỏ trong doanh thu với 13 tỷ đồng trong Q3/2021.
Duy trì tốt việc quản lý chi phí. CIR 9T2021 hầu như không đổi so với 2020 ở mức 29,1%. Ngân hàng đang đầu tư vào nhiều dự án, bao gồm xây dựng marketplace cho mảng vay mua nhà, quy trình phê duyệt tín dụng, chuyển đổi dữ liệu lên đám mây và nâng cấp core banking. Hệ thống core banking mới dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào tháng 12/2021 và được kỳ vọng sẽ cung cấp sản phẩm nhanh hơn cũng như cải thiện hiệu suất hoạt động.
Chất lượng tài sản ổn định. Nợ Nhóm 2 giảm -51% QoQ còn 1,44%. Theo giải thích của ngân hàng, đây là kết quả của nỗ lực đẩy mạnh thu hồi nợ xấu. Tỷ lệ nợ xấu duy trì 1,51% và tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu (LLCR) cải thiện lên 75% (từ 70% vào cuối Q2). Điều này trái ngược với các ngân hàng khác trong phạm vi nghiên cứu của chúng tôi với tỷ lệ nợ xấu và nợ cần chú ý tăng 35% và 17% so với quý trước, và việc thu hồi nợ cũng bị gián đoạn do giãn cách xã hội nghiêm ngặt.
Tại thời điểm cuối tháng 9, nợ tái cơ cấu của OCB tăng gấp đôi so với quý trước ở mức 2 nghìn tỷ đồng (2% tổng dư nợ cho vay) và tổng dư nợ kéo theo là 9 nghìn tỷ đồng. Ngân hàng ước tính nợ tái cơ cấu và nợ kéo theo sẽ tăng lên tương ứng là 2,5 nghìn tỷ đồng và 11 nghìn tỷ đồng vào cuối năm. Theo Thông tư 03 và Thông tư 14, tổng chi phí dự phòng nợ tái cơ cấu là 400 tỷ đồng trong 2021-2023. Lũy kế 9T2021, ngân hàng mới trích lập 40 tỷ đồng nợ tái cơ cấu và ước tính trích lập 85 tỷ đồng trong Q4/2021.
Mặc dù chất lượng tài sản duy trì khá ổn định trong kỳ, chúng tôi cho rằng OCB nên tăng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng để tạo bộ đệm dự phòng lớn hơn trong bối cảnh đại dịch. Phần lớn khách hàng doanh nghiệp của OCB là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, với tổng doanh thu dưới 400 tỷ đồng. Các khách hàng này có thể có sức chống chịu kém hơn so với các khách hàng lớn do dòng tiền và năng lực tài chính chịu ảnh hưởng nặng nề từ làn sóng Covid-19 thứ 4. Do đó, việc tăng cường trích lập dự phòng rủi ro tín dụng là cần thiết. Trong Q3/2021, tổng số dư dự phòng rủi ro tín dụng(1,1 nghìn tỷ đồng) thấp hơn nhiều so với tài sản có vấn đề (nợ đặc biệt, nợ xấu và nợ tái cơ cấu) là 4,9 nghìn tỷ đồng.
Kế hoạch công ty
OCB đang trình Ngân hàng Nhà nước cấp thêm hạn mức tín dụng. Điều này được kỳ vọng có thể giúp OCB tăng dư nợ cho vay lên khoảng 8,5-9 nghìn tỷ đồng trong những tháng cuối năm. Ngoài ra, OCB cũng nhận thấy một số cơ hội trên thị trường TPDN trong 2 tháng cuối năm, có thể hỗ trợ mảng kinh doanh trái phiếu (bảo lãnh phát hành và phân phối trái phiếu) của ngân hàng.
Theo đó, ban lãnh đạo đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế là 5,5 nghìn tỷ đồng (25% YoY), tương ứng LNTT Q4/2021 là 1,7 nghìn tỷ đồng (-9,3% YoY).
Ước tính của chúng tôi
Do 64% nợ tái cơ cấu của OCB đến từ khách hàng thuộc lĩnh vực xây dựng, bất động sản, khách sạn và vận tải, quá trình hồi phục sẽ diễn ra chậm và khả năng những khách hàng này có thể trả nợ lại bình thường ngay trong Q4/2021 là thấp. Do đó, chúng tôi cho rằng lãi dự thu ngoại bảng có thể chưa quay trở lại nội bảng cho đến năm 2022.
Theo đó, chúng tôi giả định NIM Q4/2021 sẽ duy trì ở mức hiện tại, LNTT của OCB có thể đạt 5,3 nghìn tỷ đồng (+20% YoY). Chênh lệch giữa ước tính của chúng tôi và kế hoạch của ngân hàng có thể nằm ở phần lãi từ hoạt động kinh doanh TPCP.
Năm 2022, chúng tôi điều chỉnh giảm 6% LNTT còn 6,2 nghìn tỷ đồng (+17% YoY), do chúng tôi ước tính hoạt động kinh doanh trái phiếu chính phủ sẽ gặp nhiều thách thức hơn.
Luận điểm đầu tư
OCB nổi bật với chiến lược số hóa mạnh mẽ và thế mạnh về hoạt động kinh doanh trái phiếu. Do mảng trái phiếu có thể không còn đem lại lợi nhuận cao trong trung hạn, chúng tôi cho rằng ngân hàng cần đẩy mạnh hoạt động dịch vụ dịch vụ hơn nữa để có thể đem lại mức tăng trưởng bền vững. Do quy mô ngân hàng còn khá nhỏ, chúng tôi cho rằng OCB còn nhiều tiềm năng tăng trưởng. Ngân hàng cũng có kế hoạch phát hành 70 triệu cổ phiếu (5% vốn trước thực hiện) trong Q4/2021 để củng cố bộ đệm vốn và hỗ trợ tăng trưởng dài hạn. Nếu tính thêm yếu tố phát hành cổ phiếu mới và chuyển cơ sở định giá sang 2022, giá mục tiêu 1 năm của chúng tôi đối với OCB là 32.300 đồng/cp (từ 27.800 đồng). Chúng tôi khuyến nghị Trung lập đối với OCB.
Nguồn: SSI