Ngành thép - Cung cầu dần cân bằng trở lại
Những khó khăn 2022 đã phản ánh vào giá; Trung Lập
Sau một năm 2021 rực rỡ, các doanh nghiệp thép đang phải đối mặt với những thách thức từ vệc giá bán giảm, có thể sẽ kéo dài sang 2022 khi cung - cầu toàn cầu trở nên cân bằng hơn. Tuy nhiên, chúng tôi kỳ vọng nhu cầu cao hơn, đặc biệt là từ thị trường trong nước, sẽ giảm bớt tác động của giá giảm. Quan trọng hơn, chúng tôi nhận thấy sự điều chỉnh gần đây của cổ phiếu ngành thép đã phản ánh những thách thức của năm 2022. Vì vậy, rủi ro giảm giá là thấp do hầu hết cổ phiếu ngành này đang giao dịch ở mức định giá thấp so với lịch sử. Do đó, chúng tôi TRUNG LẬP về ngành thép trong năm 2022.
Giá thép thô tiếp tục giảm trong năm 2022
Bên cạnh những nút thắt về nguồn cung do các nước phát triển đồng loạt mở cửa trở lại và việc đóng cửa ở các nước đang phát triển (do biến thể Delta), việc Trung Quốc hạn chế sản xuất thép đã tạo ra sự mất cân bằng cung cầu nghiêm trọng, đẩy giá thép lên mức cao kỷ lục vào giữa năm 2021 . Giá thép thô kể từ đó đã giảm 25% so với mức đỉnh khi sự mất cân bằng cung – cầu giảm dần và tỷ lệ tiêm chủng cao cho phép các nước đang phát triển mở cửa trở lại rộng rãi hơn. Bước sang năm 2022, chúng tôi dự đoán nhu cầu thép toàn cầu sẽ chậm lại và các nhà sản xuất thép Trung Quốc sẽ tăng cường sản xuất trở lại sau Thế vận hội mùa đông 2022, gây áp lực đối với giá thép
Thị trường trong nước hồi phục, bù đắp sự chững lại của thị trường xuất khẩu
Ngành thép Việt Nam ghi nhận tăng trưởng 37% YoY đến từ thị trường xuất khẩu, trong khi thị trường trong nước giảm 12% YoY trước tác động của biến chủng Delta. Năm 2021 đánh dấu cột mốc lần đầu tiên Việt Nam xuất siêu thép, phần lớn nhờ vào đóng góp từ dự án Dung Quất của Hòa Phát (HPG) với sản lượng 5,5 triệu tấn/năm. Năm 2022, chúng tôi kỳ vọng thị trường nội địa sẽ hồi phục 15-20% YoY nhờ gói kích thích kinh tế giai đoạn 2022-2023, góp phần bù đắp sự chững lại ở thị trường xuất khẩu, trong khi sản lượng bán hàng lớn hơn sẽ phần nào bù đắp những tác động từ việc giá bán giảm.
Các hệ số định giá thấp cho thấy rủi ro giảm giá là hạn chế
Hưởng lợi từ giá bán tăng, các doanh nghiệp thép niêm yết đã ghi nhận doanh thu và lợi nhuận tăng trưởng liên tục kể từ Q1/2020 và đạt đỉnh lịch sử vào Q2/2021. Lợi nhuận tăng nhanh gấp 3 lần doanh thu do biên lợi nhuận tăng mạnh kèm với giá bán tăng. Nhờ đó, cổ phiếu ngành thép đã vượt trội hơn 43% so với thị trường chung trong nửa đầu 2021 trước khi trở thành nhóm ngành kìm hãm thị trường vào nửa sau 2021. Mặc dù giá bán sẽ tác động đến doanh thu và lợi nhuận của các doanh nghiệp ngành thép trong năm 2022, chúng tôi cho rằng rủi ro giảm giá của nhóm ngành này là hạn chế khi các hệ số định giá của các cổ phiếu thép đang thấp so với lịch sử sau đợt điều chỉnh mạnh vừa qua, và giá hiện tại đã phản ánh những khó khăn năm 2022. Chúng tôi khuyến nghị TRUNG LẬP đối với ngành thép. Dù vậy, chúng tôi vẫn thấy rằng HPG là cơ hội đầu tư đáng chú ý khi doanh nghiệp đã chuẩn bị kĩ lưỡng trong việc chuyển đổi cơ cấu sản phẩm sang những sản phẩm có giá trị gia tăng cao hơn và nâng cao khả năng tự cung nguồn nguyên liệu đầu vào. Về dài hạn, HPG đang tiến gần hơn trên con đường gia nhập nhóm 30 doanh nghiệp thép lớn nhất thế giới.
1. Giá thép thô tiếp tục giảm trong năm 2022
Biến thể Delta đã đảo lộn tình hình thế giới vào năm 2021 và gián tiếp đẩy giá kim loại công nghiệp nói chung và giá thép nói riêng.
Về mặt nhu cầu, bên cạnh việc chính phủ các nước đẩy mạnh đầu tư vào cơ sở hạ tầng để đối phó với việc suy giảm kinh tế, sự đồng loạt mở cửa trở lại của các nước phát triển đã tạo ra nhu cầu tăng cao về vật liệu xây dựng kể từ Q3/2020. Từ con số tăng tưởng kỷ lục trong Q3/2020 (sản xuất công nghiệp +12,7% QoQ và xây dựng +12,7% QoQ), sản xuất công nghiệp và xây dựng của các nước trong khối OECD đã mở rộng liên tục trong 4 quý liên tiếp. Về phía nguồn cung, những đợt giãn cách xã hội mới đây tại các nước đang phát triển do tác động của biển thể Delta và tỷ lệ phủ vắc-xin thấp đã tạo nên sự tắc nghẽn về nguồn cung thép. Ngoài ra, chính sách của Trung Quốc nhằm giới hạn sản lượng thép trong nước không vượt quá sản lượng 2020 nhằm giảm ô nhiễm trước thềm Thế vận hội mùa đông 2022 và cuộc tổng tuyển cử 2022, cũng như mục tiêu dài hạn của nước này nhằm trung hòa carbon vào năm 2050. Sản lượng thép sản xuất hàng tháng của HPG đã giảm 30%, từ 100 triệu tấn vào T5/2021 xuống còn khoảng 70 triệu tấn vào T10/2021. Do sự mất cân đối cung – cầu, giá thép đã được đẩy lên mức cao kỷ lục vào tháng 5/2021.
Bước sang Q4/2021, những nút thắt về nguồn cung đang dần giảm bớt do nhu cầu ở các nước phát triển chậm lại và sự mở cửa trở lại của các nước đang phát triển nhờ tỷ lệ tiêm phòng cao, dẫn đến giá thép giảm. Cuối T11/2021, giá HRC của Trung Quốc giảm 25% xuống còn khoảng 750 USD/tấn từ hơn 1.000 USD vào T5/2021.
Năm 2022, OECD dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu sẽ giảm 4,46% in 2022 và 3,24% năm 2023, từ mức 5,56% in 2021. Đối với thị trường thép, Hiệp hội Thép Thế giới ước tính nhu cầu của Trung Quốc sẽ không đổi khi chỉ giảm 1% YoY, trong khi tăng trưởng của các nước phát triển và phần còn lại của thế giới giảm hơn một nửa xuống còn lần lượt 4,3% YoY và 5,0% YoY (vs 12,2% YoY và 11% YoY năm 2021). Trong khi đó, các nhà sản xuất thép Trung Quốc có thể tăng cường sản xuất trở lại sau Thế vận hội mùa đông 2022. Do đó, chúng tôi kỳ vọng cung - cầu sẽ trở nên cân bằng hơn trong tương lai và giá thép sẽ giảm 10-15% vào năm 2022
2. Thị trường trong nước hồi phục, bù đắp sự chững lại của thị trường xuất khẩu
2.1 Thị trường trong nước bùng nổ năm 2022
Thị trường thép trong nước chịu ảnh hưởng nặng nề khi chủng Delta lan rộng đã khiến cho các công trường đóng cửa trong suốt Q3/2021. Giá trị xây dựng giảm 11,41% YoY và tổng sản lượng thép thành phẩm (thép cây, ống thép, và tôn mạ) giảm 37,9% YoY trong Q3/2021. Mặc dù ghi nhận nhu cầu tăng vọt trong tháng 10 hậu giãn cách xã hội nhưng sản lượng tiêu thụ trong tháng 10-11 vẫn còn kém, giảm 22% YoY. Tổng sản lượng thép tiêu thụ toàn ngành giảm 14,6% YoY còn 10,79 triệu tấn.
Bước sang năm 2022, chúng tôi kỳ vọng gói kích thích kinh tế 2022-2023 sẽ nhanh chóng giúp thị trường trong nước hồi phục. Bên cạnh đó, gói đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trị giá 150 nghìn tỷ đồng, cộng với mức 530 nghìn tỷ đồng đang có, sẽ giúp chi tiêu công tăng 38% n/n trong năm 2022. Hơn nữa, chúng tôi kỳ vọng những điều chỉnh về luật xây dựng, đầu tư và nhà đất sẽ tháo gỡ nút thắt đang ngăn cản sự phát triển ngành bất động sản nhà ở trong những năm gần đây (Tham khảo Bất động sản nhà ở tại Việt Nam: Kỳ vọng nút thắt pháp lý được nới lỏng). Do đó, chúng tôi tin rằng điều này sẽ giúp thị trường thép trong nước tăng trưởng 15-20% trong năm 2022.
2.2 Thị trường Châu Âu và Mỹ bù đắp cho thị trường Trung Quốc
Trái lại với tình hình kinh doanh trong nước, các các doanh nghiệp thép Việt Nam đã có một năm 2021 thành công ngoài mong đợi ở thị trường xuất khẩu. 11 tháng đầu năm 2021, Việt Nam xuất khẩu 12,2 triệu tấn thép, tăng 37% YoY. Xuất siêu thép đạt 868.000 tấn, cao nhất từ trước đến nay. Nhờ vào công suấtsản xuất trong nước tăng trong những năm gần nay, cụ thể Nhà máy thép Dung Quất của Hoà Phát (HPG) đạt 5,5 triệu tấn/năm đã giúp Việt Nam trở nên ít phụ thuộc vào nhập khẩu bán thành phẩm thép (như HRC) từ Trung Quốc.
11 tháng đầu năm 2021, trong khi sản lượng xuất khẩu đến thị trường các nước ASEAN đồng thời giảm 8% còn 3,5 triệu tấn khi chủng Delta cũng khiến các nước này đóng cửa kinh tế, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc giảm 21% còn 2,63 nghìn tấn do thị trường Bất Động Sản nước này xảy ra nhiều vấn đề. Tuy nhiên, xuất khẩu sang thị trường Châu Âu và Mỹ tăng lần lượt 7,5 lần và 5,5 lần lên 1,54 triệu tấn và 921.000 tấn. Bên cạnh nhu cầu thép gia tăng khi kinh tế mở cửa trở lại, các hiệp định FTA giữa Châu Âu và Việt Nam có hiệu lực kể từ tháng 8/2020 và mối quan hệ song phương giữa Việt Nam và Mỹ do chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đã thúc đẩy xuất khẩu thép toàn cầu.
Nguồn: MBKE