Ngành ô tô: Sẵn sàng hồi phục

Ngành ô tô: Sẵn sàng hồi phục

Lượt xem: 493
  •  

▪ Chúng tôi cho rằng nhu cầu đang dồn nén và chính sách ưu đãi từ Chính phủ sẽ hỗ trợ cho thị trường ô tô cá nhân tăng trở lại kể từ Q4/21-22.

▪ Chúng tôi ưa thích HAX và VEA nhờ tận dụng được ưu đãi giảm 50% thuế trước bạ và xu hướng sử dụng xe sang.

Chúng tôi kỳ vọng ngành ô tô Việt Nam sẽ phục hồi từ đáy kể từ Q4/21

Theo VAMA, doanh số ô tô trong Q3/21 đạt 34.467 chiếc (-50,7% svck) do các nhà phân phối/đại lý đã phải đóng cửa các cửa hàng để thực hiện giãn cách xã hội. Đặc biệt, doanh số bán ô tô trong T8/21 chỉ đạt 8.884 chiếc - thấp nhất kể từ năm 2015. Thêm nữa, ngày 15/10/21, Bộ Tài chính đã lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan về việc giảm 50% thuế trước bạ đối với ô tô sản xuất trong nước và lắp ráp từ ngày 15/11/21 đến hết ngày 30/05/22. Chúng tôi cho rằng nhu cầu bị dồn nén và chính sách ưu đãi từ Chính phủ sẽ hỗ trợ cho doanh số ô tô phục hồi trở lại kể từ Q4/21-2022.

5 xu hướng định hình thị trường ô tô trong năm 2022-23

Năm xu hướng thể hiện triển vọng của ngành ô tô Việt Nam bao gồm 1) xe Hàn sẽ duy trì vị thế số 1 tại thị trường ô tô Việt Nam, 2) sự lên ngôi của Crossover và SUV, 3) chính sách ưu đãi của Chính phủ là động lực chính thúc đẩy sự phục hồi của ngành ô tô năm 2022; 4) Xe điện (EV) sẽ trở thành phương tiện phổ biến trong tương lai không xa, và 5) "Make in Việt Nam": cơ hội cho VinFast và các doanh nghiệp phụ trợ.

Cổ phiếu ngành ô tô có thật sự đáng đầu tư ở thời điểm hiện tại?

Covid-19 đã gây ảnh hưởng nặng nề lên kết quả kinh doanh trong Q3/21 của các công ty ô tô niêm yết. Hầu hết các công ty đều ghi nhận lỗ ròng trong Q3/21. Chúng tôi kỳ vọng các công ty trong ngành ô tô như SVC, HAX, CTF và VEA sẽ phục hồi mạnh mẽ trong Q4/21-2022 nhờ mức nền thấp trong Q3/21 và hưởng lợi từ 5 năm xu hướng kể trên.

Chúng tôi cho rằng đây là “thời điểm vàng” để đầu tư vào các cổ phiếu ngành ô tô.

Chúng tôi ưa thích HAX và VEA

Chúng tôi kỳ vọng HAX sẽ được hưởng lợi từ chính sách ưu đãi từ Chính phủ khi hầu hết các mẫu xe của HAX đều được lắp ráp tại Việt Nam. Trong khi đó chúng tôi kỳ vọng Toyota Cross và Toyota Raize là những động lực tăng trưởng LN chính của VEA trong năm 2022 nhờ vào sự xu hướng sử dụng ngày càng tăng đối với CUV và xe điện hybrid. Ngoài ra, HAX và VEA đang giao dịch với P/E trượt lần lượt là 14,3 lần và 10,1 lần, thấp hơn 12,5% và 39,5% so với mức trung bình của các công ty cùng ngành trong khu vực. Rủi ro đầu tư là sự bùng phát của dịch Covid-19 có thể ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả hoạt động của các công ty ô tô niêm yết.

SẴN SÀNG PHỤC HỒI

Thị trường ô tô Việt Nam có thể đã chạm đáy trong năm 2020

Tăng trưởng kinh tế và gia tăng tầng lớp trung lưu thúc đẩy tăng trưởng doanh số ô tô

Lượng tiêu thụ ô tô đạt tốc độ tăng trưởng kép giai đoạn 2012-16 ở mức 38%, đặc biệt trong năm 2015, lượng tiêu thụ ô tô tang tới 55% svck. Tuy nhiên tốc độ tăng trưởng đã giảm nhanh trong giai đoạn 2017-19 do chính sách thuế từ Hiệp định Thương mại Hàng hóa ASEAN (ATIGA) (*) trước khi chịu ảnh hưởng nặng nề vào năm 2020 do Covid-19. Theo Bộ Công Thương (MOIT), giá trị của ngành ô tô của Việt Nam đạt 12,2 tỷ USD năm 2020 và dự kiến sẽ đạt CAGR 12,9% giai đoạn 2021-30.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, GDP điều chỉnh của Việt Nam đạt 343 tỷ USD và GPD bình quân đầu người đạt 3.521 USD (+2,91% svck) năm 2020. Chúng tôi ước tính thu nhập bình quân đầu người sẽ tăng trưởng ổn định, cũng như lạm phát và tỷ giá hối đoái được kiểm soát kịp thời, giúp người tiêu dung có thể tiếp cận với tài sản cao cấp như ô tô cá nhân. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo đến năm 2025, GDP bình quân đầu người của Việt Nam đạt khoảng 4.688 USD (CAGR 2020-25 đạt 5,8%), đưa Việt Nam vào nhóm các nước có thu nhập cao. Dân số tầng lớp trung lưu Việt Nam dự kiến sẽ tăng mạnh trong 10 năm tới, điều này sẽ thúc đẩy sự gia tăng nhu cầu đối với tất cả các loại hang hóa cao cấp. Nikkei dự báo tầng lớp trung lưu sẽ chiếm 30,6% dân số Việt Nam năm 2030.

Việt Nam là một trong những quốc gia có sức mua ô tô cá nhân tăng trưởng nhanh nhất trong vòng mười năm qua. Tuy nhiên tỷ lệ sở hữu ô tô trên đầu người vẫn thấp hơn nhiều so với các thị trường khác ở châu Á. Theo Statista, chỉ 5% dân số Việt Nam sở hữu ô tô vào năm 2020, trong khi con số này ở Thái Lan là 52%. Với dự báo lượng xe bán ra từ giai đoạn 2021-2030 là 14,9%, chúng tôi ước tính rằng Việt Nam sẽ đạt tỷ lệ 9% dân số sở hữu ô tô vào năm 2025, tương đương với mức hiện tại của Ấn Độ và Phillipines và 30% vào năm 2030.

Chúng tôi kỳ vọng doanh số ô tô sẽ tăng trở lại do nhu cầu bị dồn nén và thuế nhập khẩu giảm

Doanh số bán ô tô giảm 30% svck xuống 102.726 chiếc trong 6T/20 nhưng dần được cải thiện kể từ ngày 20/07/20 nhờ nhu cầu bị dồn nén và chính sách cắt giảm 50% lệ phí trước bạ của chính phủ đối với ô tô sản xuất trong nước, có hiệu lực từ 26/06/20.

Doanh số ô tô đã cho thấy tín hiệu khả quan trong 6T21, đạt 135.606 chiếc (+32% svck) nhờ mức nền thấp trong 6T/20, cũng như hàng loạt chương trình khuyến mại, giảm giá được các hãng xe tung ra để kích cầu tiêu dùng. Thêm vào đó, nhiều mẫu xe mới và bản nâng cấp giữa vòng đời cũng được ra mắt để thu hút thêm người mua. Tuy nhiên, Covid-19 đã phủ bóng đen lên ngành ô tô Việt Nam trong Q3/21. Theo VAMA, doanh số bán xe trong Q3/21 đạt 34.467 chiếc (-50,7% svck) do các nhà phân phối và đại lý ô tô phải đóng cửa hàng để thực hiện giãn cách xã hội. Đặc biệt, doanh số bán xe trong T8/21 chỉ đạt 8.884 chiếc - thấp nhất kể từ năm 2015.

Việt Nam đã ký kết tổng cộng 12 Hiệp định Thương mại tự do (FTA) với các quốc gia và các khối khác. Hiện nay, thuế nhập khẩu đối với xe nhập khẩu nguyên chiếc (CBU) từ EU về Việt Nam là 70% đối với xe có dung tích xi-lanh trên 3.000cc và 75-78% đối với xe có dung tích xi-lanh dưới 3.000cc. Theo lộ trình cắt giảm thuế của Hiệp định tự do Việt Nam – EU (EVFTA), Việt Nam sẽ cắt giảm thuế với mức giảm trung bình 7%/năm và về mức 0% trong 10 năm. Chúng tôi kỳ vọng việc giảm thuế nhập khẩu từ thị trường EU được xem là cơ hội để người tiêu dùng Việt Nam mua xe châu Âu với giá thấp hơn.

Ngoài ra, ngày 20/7/20, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định 57 về thuế nhập khẩu, bao gồm giảm thuế nhập khẩu đối với nguyên liệu và linh kiện không thể sản xuất trong nước để sản xuất, gia công (lắp ráp) về 0%. Chúng tôi hy vọng chính sách này sẽ khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường lắp ráp ô tô và tăng cường chuỗi giá trị của toàn ngành. Từ việc ban hành Nghị định 57, các hãng xe như Mitsubishi, Honda, Nissan và Suzuki đã lên kế hoạch lắp ráp nhiều mẫu xe tại Việt Nam, bao gồm Mitsubishi Xpander và CRV của Honda.

Ngành sản xuất ô tô tại Việt Nam mới bắt đầu những bước đi đầu tiên

Xe CBU tăng dần thị phần trong cơ cấu doanh số ô tô

Tỷ lệ tăng trưởng kép đối với xe nhập khẩu nguyên chiếc (CBU) trong giai đoạn 2014-19 đạt 26,3%, trong khi với xe lắp ráp (CKD) là 10,2%. Đặc biệt trong năm 2019, doanh số bán xe CBU tăng 87,14% svck, chiếm 41,2% tổng doanh số bán ô tô do gỡ bỏ hàng rào thuế quan từ ATIGA. Ngoài các ưu đãi thuế thì khung gầm chắc chắn, thiết kế bắt mắt, trải nghiệm lái tốt và độ an toàn cao là những ưu điểm lớn của xe CBU khi so sánh với xe CKD.

Trong 6 tháng cuối năm 2020, doanh số bán xe CKD đã tăng mạnh hơn so với CBU nhờ việc giảm 50% lệ phí trước bạ. Theo VAMA, tiêu thụ xe CKD năm 2020 đạt 120.958 xe (+23% svck), trong khi lượng xe CBU chỉ đạt 68.493 xe (- 2,6% svck).

Tuy nhiên, doanh số bán xe CKD đã giảm 6,4% svck trong 9T21 do ảnh hưởng của Covid-19 và việc giảm 50% lệ phí trước bạ cho xe lắp ráp trong nước đã hết hạn vào cuối năm 2020. Trong khi đó, doanh số bán xe CBU tăng 26,18% svck nhờ sự tăng trưởng mạnh từ xe nhập khẩu Trung Quốc (+440% svck) và các nước Đông Nam Á như Indonesia và Thái Lan. Chúng tôi dự báo thị phần của xe CBU sẽ tăng từ 36% năm 2020 lên 45% vào năm 2022. Tuy nhiên về dài hạn, chúng tôi cho rằng những xe CBU bán chạy nhất sẽ chuyển sang CKD để chủ động hơn về nguồn cung. Do đó, chúng tôi tin rằng tỷ lệ doanh số CKD vẫn cao hơn tỷ lệ bán CBU trong giai đoạn 2022-25.

Nguồn: VNDS

×
tvi logo