Ngành Ngân hàng: Kỳ vọng bước vào giai đoạn phát triển mới

Ngành Ngân hàng: Kỳ vọng bước vào giai đoạn phát triển mới

Lượt xem: 195
  •  

I. Cập nhật hoạt động Quý III/2021

Một số điểm nhấn đáng chú ý về tình hình hoạt động của 27 ngân hàng TMCP đang niêm yết trong Q3/2021:

1. Về tín dụng và tiền gửi

• Tốc độ tăng trưởng tín dụng Q3 giảm đáng kể so với các quý đầu năm do cầu tín dụng suy giảm từ ảnh hưởng Covid. Hết Q3, tăng trưởng cho vay khách hàng của các ngân hàng đang niêm yết đạt 8,65% so với đầu năm và tăng nhẹ 1,15% so với Q2. Trong đó, so với Q2, nhóm tư nhân có MSB tăng trưởng mạnh nhất 7,21%, theo sau là các ngân hàng như VIB, LPB, TCB, SHB có mức tăng trung bình là 2,36%; nhóm quốc doanh đáng chú ý có BID đạt 2,3%.

• Tiền gửi khách hàng tăng nhẹ 2,1% so với quý trước và tăng 6,48% so với đầu năm - mức thấp nhất trong 3 năm gần đây. TCB và MSB có tốc độ tăng trưởng so với Q2 cao nhất ngành, trong khi ở chiều giảm có một số ngân hàng như TPB, OCB, STB, HDB.

• Biên lãi ròng (NIM) Q3 giảm so với Q2 do các ngân hàng đã thực hiện cắt giảm lãi suất cho vay hỗ trợ khách hàng. Trong đó, chỉ có 13 ngân hàng có NIM Q3 mở rộng so với Q2 (như: SSB, SHB, VBB, NVB,…) với mức trung bình 9 điểm phần trăm, trong khi mức giảm của các ngân hàng còn lại trung bình là 12 điểm phần trăm. Theo số liệu từ NHNN, các NHTM đã cam kết giảm lãi suất cho vay từ cuối T8 đến hết năm hơn 24.000 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là các ngân hàng quốc doanh.

2. Về chất lượng tài sản: Chất lượng tài sản ổn định, tỷ lệ bao nợ xấu cao.

• Tại 30/9/2021, tỷ lệ nợ xấu các ngân hàng nhìn chung tăng so với đầu năm và Q2, đạt 1,61% chủ yếu là do chịu ảnh hưởng tác động dịch bệnh trong Q3.

• Theo số liệu Agriseco Research tổng hợp, tỷ lệ nợ cơ cấu/Tổng dư nợ tại thời điểm cuối Quý III đạt hơn 5% tăng từ mức 3% cuối quý II do dịch covid-19 bùng phát trong Quý III khiến nhiều khách vay gặp khó khăn phải cơ cấu lại thời hạn trả nợ.

• Tuy nhiên tỷ lệ bao phủ nợ xấu ở nhiều ngân hàng đạt mức cao kỷ lục sẽ giúp tạo bộ đệm an toàn và của để dành ghi nhận hoàn nhập trong tương lai. Có thể kể tới một vài ngân hàng có tỷ lệ bao nợ xấu cao như: VCB, MBB cao kỷ lục trên 200%; ACB, TCB, BID, CTG, TPB đều có tỷ lệ trên 100%. Do vậy, tỷ lệ nợ xấu tại các ngân hàng trên dù đa số tăng so với Q2 nhưng vẫn giữ được mức khả quan.

3. Về doanh thu – chi phí

• Tổng thu nhập hoạt động giảm 9,35% so với quý trước. Trong đó, thu nhập lãi thuần các ngân hàng giảm 6,59% so với Q2 do tín dụng tăng trưởng chậm lại cùng NIM giảm. Tuy nhiên, một số ngân hàng vẫn có mức tăng trưởng thu nhập lãi thuần dương: MSB (+10,15%), STB (+5,24%), ABB (+3,78%), TCB (+2,35%). Thu nhập ngoài lãi của các ngân hàng giảm 6,58%, trong đó thu thuần dịch vụ giảm 23,96% chủ yếu do nguồn thu bảo hiểm, thanh toán, thẻ bị ảnh hưởng từ dịch bệnh.

• Tổng chi phí giảm 6% so với quý trước. Chi phí hoạt động Q3 giảm nhẹ 1,14% do các ngân hàng tiếp tục các chính sách tiết kiệm chi phí nhất là chi phí nhân viên và chi phí tài sản để phần nào bù đắp cho các nguồn thu bị hụt do covid-19. Chi phí dự phòng Q3 giảm 9,43% so với Q2, chủ yếu ở một số ngân hàng đã trích lập dự phòng cao trong các quý trước như: ACB (-40,8%), MBB (-26,9%), VCB (-22,1%), CTG (-21,9%), BID (-11,9%), TCB (-1,5%). Chúng tôi đánh giá, việc các ngân hàng trên giảm chi phí dự phòng sẽ không đáng lo ngại do có bộ đệm rủi ro dày.

Tính chung với 27 ngân hàng đang niêm yết, LNTT Q3 giảm 15,92% so với Q2, chỉ có một số ít ngân hàng có mức tăng trưởng dương: SHB (+22,8%), VCB (+16,1%), MBB (+14,4%), CTG (+9,75%).

Nhờ nền KQKD 6T đầu năm cao nên mặc dù Q3 có giảm so với Q2 nhưng lũy kế 9T đầu năm, LNST các ngân hàng vẫn tăng trưởng 45%yoy trong khi đã đẩy mạnh trích lập dự phòng.

• Tổng thu nhập hoạt động của các ngân hàng 9T2021 tăng 29,1%yoy. Động lực tăng trưởng chủ yếu tới từ thu nhập lãi thuần tăng 29,86% nhờ tín dụng và NIM tăng. Lãi từ hoạt động dịch vụ của các ngân hàng cũng tăng trưởng tích cực 36%yoy với đóng góp chủ yếu tới từ thu bảo hiểm, thanh toán, thẻ.

• 9T đầu năm, nhóm ngân hàng tư nhân dẫn đầu về tốc độ tăng trưởng cho vay khách hàng so với đầu năm như MSB, TCB, MBB, TPB với mức tăng trên 11%; nhóm quốc doanh có VCB tăng trưởng tốt, đạt 10,89%.

• NIM 9T2021 các ngân hàng mở rộng, trung bình 25 điểm phần trăm so với đầu năm, chủ yếu do chi phí huy động giảm trong khi lợi suất cho vay đầu ra chưa giảm tương ứng.

II. TRIỂN VỌNG NGÀNH

➢ Thu nhập lãi thuần có thể sẽ tăng trưởng tích cực hơn do kỳ vọng cầu tín dụng hồi phục trở lại và NIM sẽ giữ ổn định.

+ Tăng trưởng tín dụng kỳ vọng hồi phục trong Q4 và năm 2022. Làn sóng dịch Covid trong Q3 khiến nhiều thành phố lớn phải thực hiện giãn cách, nhiều hoạt động kinh doanh phải tạm dừng khiến cho nhu cầu tín dụng của nền kinh tế giảm thấp. Tuy nhiên, chúng tôi kỳ vọng tốc độ tăng trưởng tín dụng trong Q4/2021 sẽ phục hồi tích cực khi các hoạt động kinh tế dần trở về bình thường.Tín dụng đã có dấu hiệu tăng trở lại vào T10: Chỉ trong 3 tuần cuối T10, tổng tín dụng đã tăng tích cực 1,28% so với tốc độ trung bình khoảng 0,48%/tháng Q3 và 1,07%/tháng 6T đầu năm.

Do có tỷ lệ an toàn vốn (CAR) cao, chất lượng tài sản tốt, tỷ lệ dư nợ tín dụng/huy động (LDR) thấp cùng các cam kết cắt giảm lãi suất hỗ trợ khách hàng, một số ngân hàng được NHNN nới room tín dụng cao Q3 vừa qua có nhóm ngân hàng TMCP như TPB, TCB, MSB, MBB, ACB, VIB và nhóm NH quốc doanh có VCB. So sánh với hạn mức được NHNN cấp trong năm 2020, chúng tôi kỳ vọng trong Q4 cuối năm, đây sẽ là những ngân hàng có sức bật tốt về tăng trưởng tín dụng so với phần còn lại của ngành và sẽ được NHNN tiếp tục nới room tín dụng.

+ Dự báo NIM toàn ngành nhìn chung có thể đi ngang do lãi suất huy động đầu vào ít có dư địa để giảm thêm bởi lãi suất thực sau khi điều chỉnh lạm phát đang rất thấp trong khi các ngân hàng đang tiếp tục chịu áp lực giảm lãi suất cho vay để giảm thêm để hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng Covid.

Tuy nhiên, kỳ vọng về NIM sẽ có sự phân hóa: NIM có thể mở rộng tại các ngân hàng tạo dựng được hệ sinh thái đa dạng (như ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm) và đẩy mạnh phát triển công nghệ số, chuyển đổi số, đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ, giúp tăng tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) và giảm chi phí huy động vốn.

Một số ngân hàng có kế hoạch đầu tư công nghệ mạnh được kỳ vọng cải thiện tỷ lệ Casa và giảm chi phí hoạt động trong dài hạn như: MBB đầu Tháng 11 ra mắt không gian sáng tạo số - Innovation Lab, TPB đẩy mạnh mô hình giao dịch tự động Livebank, TCB (hợp tác với Amazon Web Services (AWS) - một công ty thuộc tập đoàn toàn cầu Amazon) và VIB (hợp tác với Microsoft) sắp tới dự định chuyển đổi hệ thống dữ liệu lên điện toán đám mây.

Nguồn: AGR 

×
tvi logo