Ngành hàng không: Thắt dây an toàn và chuẩn bị cất cánh
▪ Chúng tôi kỳ vọng hàng không Việt Nam sẽ phục hồi mạnh mẽ từ năm 2022 với các kế hoạch nối lại các đường bay và tỷ lệ tiêm chủng cải thiện.
▪ Đây là thời điểm tốt để bắt đầu tích lũy cổ phiếu ngành hàng không với mức tăng trưởng lợi nhuận 2022-23 mạnh mẽ.
▪ Các lựa chọn hàng đầu của chúng tôi là ACV, VJC và SCS là những đại diện từng phân khúc với tăng trưởng mạnh mẽ và động lực tăng giá rõ ràng.
Sẵn sàng mở cửa lại bầu trời Với giả định tỷ lệ tiêm phòng 1.000.000 liều/ngày trong thời gian tới khi nguồn cung vắc xin cải thiện, chúng tôi kỳ vọng 58,5%/80,0% dân số Việt Nam sẽ được tiêm chủng đầy đủ vào Q4/21 và Q1/22, do đó, mục tiêu đạt được miễn dịch cộng đồng có thể đạt được trong Q1/22.
Với việc cải thiện tiêm chủng, Chính phủ đặt mục tiêu dần khôi phục lại hoạt động hàng không nội địa trong Q4/21 và hoạt động bình thường trở lại vào Q1/22. Với đường bay quốc tế, Chính phủ đã đồng ý phương án thí điểm đón khách du lịch nước ngoài có hộ chiếu vắc xin đến Phú Quốc, Hạ Long, Hội An, Nha Trang. Theo kế hoạch, hàng không quốc tế Việt Nam có thể hoạt động bình thường trở lại kể từ Q3/22.
Tăng tốc đầu tư cho cơ sở hạ tầng hàng không kể từ 2022
Bên cạnh dự án bảo dưỡng đường bay của sân bay Tân Sơn Nhất (TIA) và sân bay Nội Bài (NIA) sẽ hoàn thành vào Q1/22, ACV cũng đang chuẩn bị khởi công các dự án mới tại các sân bay quốc tế trọng điểm để mở rộng công suất bao gồm nhà ga T3 TIA và mở rộng T2 NIA, giải quyết tình trạng thiếu công suất tại các sân bay này. Cảng hàng không quốc tế Long Thành (LTIA) GĐ 1 đang được xây dựng và sẽ là động lực tăng trưởng của ngành hàng không Việt Nam từ năm 2025 trở đi. Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) dự kiến tổng vốn đầu tư tư nhân giai đoạn 2021-2030 là 141.193 tỷ đồng (gấp 5,1 lần vốn tư nhân giai đoạn 2010-2020), sẽ mở ra cơ hội mới cho các nhà đầu tư tư nhân tham gia sâu vào phân khúc hạ tầng hàng không. Với cơ sở hạ tầng được nâng cấp để giải phóng nút thắt về thiếu hụt công suất và các sân bay mới sẽ được phát triển cho đến năm 2030, Chính phủ dự kiến tổng lưu lượng hành khách của cả nước sẽ tăng 14,1%/năm giai đoạn 2022-30.
Đến lúc đưa trở lại cổ phiếu hàng không vào tầm ngắm
Vượt qua đại dịch chưa từng có trong lịch sử, kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành hàng không bị ảnh hưởng nặng nề, kéo theo diễn biến giá cổ phiếu ngành hàng không kém khả quan hơn so với chỉ số Vn-index. Tuy nhiên, nhìn về tương lai khi thế giới cũng như Việt Nam khống chế thành công đại dịch, ngành hàng không được dự báo sẽ có bước nhảy vọt với tổng lưu lượng hành khách ước tính tăng 193%/19% svck trong 2022-23, dẫn tới sự phục hồi mạnh mẽ và kết quả kinh doanh tăng trưởng của các công ty hàng không. Do đó, chúng tôi cho rằng đây là thời điểm tốt để bắt đầu tích lũy cổ phiếu ngành hàng không cho triển vọng đầu tư trung và dài hạn.
Các lựa chọn hàng đầu của chúng tôi là ACV, VJC, SCS
Chúng tôi ưa thích ACV, VJC, SCS, là những đại diện tốt nhất của từng phân khúc với tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ và động lực tăng giá rõ ràng trong kỷ nguyên hậu Covid. Rủi ro giảm bao gồm: (1) những bất ổn từ đại dịch dẫn đến lượng hành khách nội địa thấp hơn dự kiến và việc nối lại đường bay quốc tế chậm hơn dự kiến, (2) giá nhiên liệu cao hơn dự kiến dẫn đến chi phí của các hãng hàng không tăng và có thể làm tăng giá vé khiến giảm nhu cầu đi lại bằng đường hàng không, và (3) việc áp giá sàn cho giá vé máy bay nội địa có thể loại bỏ vé máy bay giá rẻ và cản trở kế hoạch kích cầu du lịch và hàng không của Chính phủ trong giai đoạn tới.
TỔNG QUAN NGÀNH HÀNG KHÔNG 9T21
Thị trường nội địa giảm do hai đợt bùng dịch liên tiếp
Trong 9T21, với sự thúc đẩy của thị trường nội địa, có một số thời điểm lượng khách trên các đường bay nội địa cao hơn so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, với hai đợt bùng phát dịch Covid-19 vào mùa cao điểm của giai đoạn này gồm Tết Nguyên đán và kỳ nghỉ hè, đặc biệt từ T6/21 khi Tp. Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, lưu lượng hàng không nội địa đã sụt giảm nghiêm trọng với sản lượng hành khách nội địa trong quý 3/21 giảm 97,1% so với cùng kỳ, chỉ đạt 331.000 khách. Với tình hình phức tạp do Covid-19, sản lượng hành khách nội địa 9 tháng đầu năm giảm 28,8% so với cùng kỳ xuống 27,1 triệu khách.
Chỉ có Bamboo Airway có sự tăng trường về số chuyến bay
Tổng số chuyến bay của Việt Nam trong 9T21 giảm 34,1% so với cùng kỳ xuống còn 105.384 chuyến do đợt bùng phát Covid-19 lần thứ 3 vào tháng 1/21 và đợt bùng phát lần thứ 4 vào tháng 6/21. HVN đứng đầu về tổng số chuyến bay với 48.665 chuyến bay (-40,7% svck; 46,2% thị phần). VJC có 35.071 chuyến bay trong kỳ (-40,7% svck, 33,3% thị phần). Hãng hàng không tăng trưởng duy nhất là Bamboo Airways với 20.361 chuyến bay (+ 5,9% yoy, chiếm 19,3% thị phần).
Nguồn: CAAV, VNDIRECT RESEARCH
Lượng khách luân chuyển hàng không Việt Nam
Theo GSO, chỉ số khách luân chuyển (RPK) 9T21 giảm 50,8% so với cùng kỳ năm ngoái xuống 12,196 triệu hành khách.km, do (1) sự vắng bóng của hàng không quốc tế với các chuyến bay đường dài và (2) giãn cách xã hội để ngăn chặn hai đợt bùng phát đại dịch trong năm nay
THẮT DÂY AN TOÀN ĐỂ CHUẨN BỊ CẤT CÁNH
Sẵn sàng mở cửa trở lại bầu trời
Triển khai tiêm chủng nhanh hơn kỳ vọng
Hiện tại, chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử toàn cầu đang được tiến hành. Tính đến ngày 23/11/2021, hơn 4,21 tỷ người trên thế giới đã được tiêm vắc-xin Covid-19 , bằng khoảng 54,8% dân số thế giới, trong đó 43% được tiêm chủng đầy đủ. Tuy nhiên, sự phân phối vắc-xin không đồng nhất. Các quốc gia và khu vực có thu nhập cao hơn đang tiêm vắc xin nhanh hơn những quốc gia có thu nhập thấp hơn.
Đến ngày 23/11/2021, 68,9% dân số Việt Nam được tiêm ít nhất một liều, trong đó 45,2% dân số đã được tiêm chủng đầy đủ. Chính phủ đặt mục tiêu sẽ nhận được 150 triệu liều vào năm 2021 để tiêm chủng đầy đủ cho 75% dân số và đạt được miễn dịch cộng đồng. Theo quan điểm của chúng tôi, do nguồn cung vắc xin còn hạn chế dẫn đến tốc độ tiếp nhận vắc xin chậm nên mục tiêu đạt miễn dịch cộng đồng trong năm 2021 khó đạt được. Tính đến cuối tháng 10/21, lượng vắc xin nhận được là 109 triệu liều.
Mặc dù mục tiêu đạt được miễn dịch cộng đồng vào năm 2021 là khó đạt được, chúng tôi nhận thấy có sự cải thiện đáng kể về tốc độ tiêm chủng kể từ đầu tháng 10 so với giai đoạn trước đó. Từ đầu tháng 10/21 đến nay, tốc độ tiêm chủng của Việt Nam đạt 1.144.006 liều/ngày, tăng gấp đôi so với giai đoạn tháng 7-tháng 9. Với giả định tốc độ tiêm phòng 1.000.000 liều/ngày trong thời gian tới khi nguồn cung vắc xin ngày càng được cải thiện, chúng tôi kỳ vọng 58,5% / 80,0% dân số Việt Nam sẽ được tiêm phòng đầy đủ vào Q4/21 và Q1/22, do đó có thể đạt được mục tiêu miễn dịch cộng đồng vào Q1/22. Tỷ lệ tiêm chủng cao ở các thành phố lớn, với các tuyến đường hàng không trọng điểm trong nước như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là một yếu tố hỗ trợ cho việc hoạt động trở lại của các đường bay nội địa trong Q4/21.
Nguồn: VNDS