Ngành dầu khí: Ước tính hồi phục trong năm 2021 từ mức so sánh thấp trong năm 2020 và kì vọng giá dầu tăng trở lại
Thay đổi cấu trúc ngành sau Covid-19
Nhu cầu xăng/dầu biến động cùng với các hoạt động của nền kinh tế. Tuy nhiên, về dài hạn, việc tiêu thụ năng lượng xanh/ tái tạo là mối đe dọa lớn đối với nhiên liệu truyền thống như dầu mỏ và các sản phẩm từ dầu mỏ.
Nhu cầu khí từ các nhà máy nhiệt điện khí và phân bón ổn định. Khí đốt (bao gồm khí khô, CNG, LNG) thân thiện với môi trường hơn và dự kiến sẽ dần thay thế một phần các loại nhiên liệu khác như than đá, dầu mazut và dầu diesel trong tương lai.
Xây dựng cơ sở hạ tầng cho nhập khẩu LNG sẽ là trọng tâm chính của Việt Nam trong tương lai. Nhiều dự án tổ hợp LNG đã được Chính phủ phê duyệt để giải quyết vấn đề thiếu nguồn cung khí và nhu cầu điện ngày càng tăng trong dài hạn. GAS là công ty đầu tiên trên thị trường LNG với cảng LNG Thị Vải đi vào hoạt động vào cuối năm 2023, cung cấp LNG cho NT3&4. Tuy nhiên trên thị trường LNG, GAS sẽ không còn độc quyền trong ngành công nghiệp khí vì các công ty khác sẽ tham gia như Delta Offshore, Gulf, Sojitz, AES, Petrolimex…
Triển vọng lợi nhuận 2020
Ngành Dầu khí là một trong những ngành có mức giảm lợi nhuận sâu nhất trong năm 2020. Trong 6T2020, lợi nhuận ngành giảm -65% dựa trên kết quả của các công ty niêm yết.
Theo ước tính của chúng tôi, lợi nhuận của các công ty trong phạm vi nghiên cứu trong năm 2020 giảm -39% YoY, dựa trên giả định giá dầu Brent trong năm là 40 USD/ thùng (-37,5% YoY).
Nhu cầu toàn cầu suy yếu do Covid-19 và cuộc chiến giá dầu giữa OPEC và Nga trong tháng 3/2020 đã khiến giá dầu giảm xuống mức thấp kỷ lục. Giá dầu thô Brent giảm -36% YoY trong 6T2020. Cho cả năm 2020, chúng tôi giả định giá dầu sẽ giảm -37,5% YoY, theo đó tác động trực tiếp đến GAS, PLX, OIL và BSR (nhu cầu giảm, tỷ suất lợi nhuận giảm, lỗ hàng tồn kho) mặc dù nhu cầu về khí khô, xăng và dầu diesel có ổn định hơn.
Các giải pháp nhằm ngăn chặn virus, như đóng cửa biên giới, giãn cách xã hội và giới hạn chuyến bay đều làm trì hoãn các dự án dầu khí và khiến các công ty dịch vụ dầu khí - như PVD và PVS – gặp khó khăn khi thực hiện các dự án hiện tại cũng như tìm kiếm công việc mới.
Gần đây, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đã công bố phát hiện mới: mỏ Kèn Bầu -2X, với trữ lượng kỷ lục 230 tỷ mét khối khí (bcm), 400-500 triệu thùng Condensate, lớn hơn mỏ Cá Voi Xanh (150 bcm) và Block B (170 bcm). Mỏ khí này nằm trong bể trầm tích Sông Hồng, cách bờ 65km (tỉnh Quảng Trị), gần đất liền hơn mỏ Cá Voi Xanh. Đây là một kết quả thăm dò mang tính lịch sử với PVN. Ngoại trừ PVD có thể tham gia đấu thầu trong chiến dịch khoan tiếp theo vào năm sau để khẳng định trữ lượng trong mỏ này thì còn quá sớm để thảo luận về dự án này và những công ty được hưởng lợi vì dự án sẽ cần nhiều năm để bắt đầu được triển khai (chúng tôi ước tính không sớm hơn 2028).
Triển vọng lợi nhuận 2021
Dựa trên khảo sát về dự báo giá dầu vào năm 2021, kịch bản cơ bản của chúng tôi là giá dầu thô Brent sẽ đạt trung bình 50 USD/ thùng (+ 25% YoY) vào năm 2021.
Hoạt động E&P: Bên cạnh các dự án đang triển khai như Sao Vàng-Đại Nguyệt, Nam Côn Sơn 2 giai đoạn 2, LNG Thị Vải và nhà máy lọc dầu Long Sơn… chúng tôi kì vọng các dự án lớn khác sẽ bắt đầu khởi công vào năm 2021, bao gồm nhà máy điện NT3 (giá trị EPC là 500 triệu USD), Block B (giá trị EPC là 1,2 tỷ USD).
Về triển vọng lợi nhuận, chúng tôi kỳ vọng lợi nhuận của ngành dầu khí sẽ phục hồi 40% vào năm 2021, nhưng mức này vẫn thấp hơn khoảng 14% so với lợi nhuận năm 2019. Động lực tăng trưởng lợi nhuận chính của ngành là PLX (+181%) và GAS (+23% YoY).
Đối với PLX, doanh thu năm 2021 sẽ phục hồi nhờ giá nhiên liệu tăng và sản lượng bán lẻ hồi phục về mức trước Covid (2019). Chúng tôi cho rằng tỷ suất lợi nhuận ròng sẽ trở lại mức bình thường (2%) và thoát khỏi mức thấp đột biến trong năm 2020 (0,9%).
Đối với GAS, chúng tôi ước tính tăng trưởng sản lượng khí là 9% nhờ nguồn khí mới (mỏ Sao Vàng) và cơ sở so sánh thấp năm 2020 (thiếu khí từ Block 11.2 trong 6T2020). Giá nhiên liệu tăng (FO; +28%) cũng sẽ giúp GAS tăng lợi nhuận, do giá bán được tính theo giá FO. Theo đó, chúng tôi ước tính GAS đạt tăng trưởng lợi nhuận 23% vào năm 2020.
PVS: Lợi nhuận năm 2021 có thể vẫn tăng so với năm 2020 nhờ thu nhập từ công ty liên kết tăng (đóng góp của FSO mới cũng như không phải nghi nhận chi phí cho MV12 như năm 2020), mặc dù doanh thu mảng M&C dự kiến giảm -32%. Trong năm 2021, chúng tôi chưa có thông tin về các dự án mới mà PVS trúng thầ tại thời điểm viết báo cáo. Tuy nhiên, chúng tôi lưu ý rằng PVS đang đấu thầu cho Block B và NT3 cùng với 1 số dự án khác, vì vậy chúng tôi nhận thấy có nhiều yếu tố tác động tăng đến dự báo của chúng tôi.
PVD: Nếu không tính giàn khoan tự nâng PVDrilling VI đã ký hợp đồng đến hết quý 1/2021 và giàn TAD có thể bắt đầu chiến dịch Shell Brunei sớm nhất vào quý 3/2021, các hợp đồng cho các giàn khoan còn lại vẫn chưa chắc chắn.
(Nguồn: SSI)