MWG: Tích lũy thị phần để hỗ trợ cho tăng trưởng dài hạn

MWG: Tích lũy thị phần để hỗ trợ cho tăng trưởng dài hạn

Lượt xem: 536
  •  

Diễn biến gần đây:

• Hoạt động kinh doanh tháng 7: Doanh thu giảm 6% so với cùng kỳ, trong đó doanh thu mảng ICT giảm 16% so với cùng kỳ do chi tiêu không thiết yếu giảm, trong khi doanh thu mảng bách hóa vẫn giữ tốc độ tăng trưởng cao +85% so với cùng kỳ. Doanh thu/tháng/cửa hàng của BHX phục hồi lên mức 1,2 tỷ đồng do tốc độ mở cửa hàng mới chậm lại. Cũng nhờ tốc độ chậm lại này, lợi nhuận ròng nhìn chung tăng 12% so với cùng kỳ mặc dù doanh thu giảm.

• Đợt giãn cách xã hội gần đây có quy mô nhỏ hơn so với đợt giãn cách vào tháng 4 trên cả nước. Người tiêu dùng dường như cũng không hoảng loạn khi mua sắm. Tuy nhiên, chi tiêu của người tiêu dùng dành cho sản phẩm không thiết yếu có thể tiếp tục giảm do thu nhập giảm do ảnh hưởng của dịch bệnh.

• Kết quả kinh doanh Q2/2020: Do các cửa hàng bắt buộc phải đóng cửa trong tháng 4, doanh thu mảng ICT giảm 13% so với cùng kỳ. Hưởng lợi từ việc mua bán hoảng loạn, mảng bách hóa đạt mức tăng trưởng doanh thu +113% so với cùng kỳ và tỷ suất lợi nhuận gộp cải thiện từ mức 18-19% lên 24- 25%. Tuy nhiên, tỷ lệ SG&A/doanh thu tăng từ 12,7% trong Q2/2019 lên 17,3% trong Q2/2020 do chi phí tại các trung tâm phân phối tăng cao.

• Kế hoạch 6 tháng cuối năm 2020: Theo Ban lãnh đạo, tỷ suất lợi nhuận gộp có thể cải thiện thêm 1- 2% trong 6 tháng cuối năm 2020 là hoàn toàn khả thi. Bất chấp việc mở DC quy mô lớn, BHX đang dần đạt điểm hòa vốn trước chi phí quản lý và chi phí chung vào cuối năm 2020.

• Thay đổi cấu trúc: Người tiêu dùng đã chuyển hướng mua hàng từ kênh offline sang online. Xu hướng này đang được thể hiện rõ đối với mảng bách hóa, trong khi mảng ICT, các cửa hàng truyền thống vẫn được ưu thích do các sản phẩm giá cao và nhu cầu trả góp và dịch vụ bảo hành.

Quan điểm đầu tư

MWG tiếp tục bị ảnh hưởng bởi sự sụt giảm chi tiêu tiêu dùng không thiết yếu. Tuy nhiên, MWG có thể sẽ được hưởng lợi từ việc các nhà bán lẻ khác đang rút lui khỏi thị trường do đó MWG tiếp tục giành được thị phần. Vì vậy, MWG có khả năng phục hồi tăng trưởng nhanh chóng khi dịch bệnh được kiểm soát vào giữa năm 2021, theo nhận định của chúng tôi. Chúng tôi cũng nhận thấy rằng việc chủ động giảm tốc độ mở cửa hàng bách hóa BHX (mở cửa hàng chậm lại và chỉ mở cửa hàng tại các tỉnh hiện hữu) sẽ hỗ trợ khả năng đạt điểm hòa vốn trước chi phí quản lý và chi phí chung vào cuối năm 2020. Việc vận hành BHX hiệu quả sẽ cho phép MWG hưởng lợi từ xu hướng thay đổi thói quen tiêu dùng dài hạn từ chợ truyền thống sang các cửa hàng bách hóa hiện đại. Do đó, giá mục tiêu mới của cổ phiếu là 113.700 đồng/cp (từ 129.560 đồng/cp), triển vọng tăng giá là 30%. Giá mục tiêu của chúng tôi được đưa ra khi kết hợp hệ số P/E mục tiêu là 9 lần dựa trên ước tính tài chính của mảng ICT bình quân năm 2020-2021, cũng như hệ số P/S mục tiêu là 0,3 lần trên ước tính bình quân năm 2020-2021 đối với mảng bách hóa.

Rủi ro giảm đối với khuyến nghị:

• Thời gian dịch Covid-19 kéo dài hơn ước tính của chúng tôi, làm giảm chi tiêu cho các sản phẩm không thiết yếu.
• Giãn cách xã hội có thể diễn ra trên phạm vi cả nước.
• Cạnh tranh từ các đối thủ e-commerce

Hoạt động kinh doanh theo tháng – Doanh thu tháng 7 giảm 6% trong khi lợi nhuận ròng tăng 12% so với cùng kỳ do công ty giảm tốc độ mở cửa hàng BHX.

Doanh thu ICT giảm 16% so với cùng kỳ do tiêu dùng không thiết yếu giảm và cơ sở so sánh cao trong tháng 7/2019 – thời điểm khi MWG triển khai các chương trình khuyến mãi lớn kỷ niệm 15 năm thành lập. Trong khi đó doanh thu mảng bách hóa tiếp tục tốc độ tăng trưởng cao +85% so với cùng kỳ.

Với 1.561 cửa hàng BHX tại thời điểm cuối tháng 7/2020, MWG có thể đạt được số lượng cửa hàng mục tiêu (1.700-1.800 cửa hàng) trước cuối năm, do đó công ty đã chủ động giảm tốc độ mở cửa hàng. Trong tháng 7, công ty chỉ mở 75 cửa hàng (so với mức 120-130 cửa hàng mới mỗi tháng trong giai đoạn tháng 5-tháng 6), và chỉ mở cửa hàng mới tại các tỉnh hiện tại, điều này giải thích cho sự cải thiện tỷ suất lợi nhuận ròng.

Ngoài ra, MWG tập trung nhiều hơn vào việc mở rộng BHX online để bắt kịp với sự phát triển theo xu hướng mua hàng online, vốn không yêu cầu nhiều chi phí đầu tư (CAPEX) như các cửa hàng truyền thống.

Chính sách giãn cách vào tháng 8

Kề từ cuối tháng 7, số ca nhiễm Covid-19 đã tăng nhanh trong đợt bùng phát thứ hai sau một vài tháng không có ca nhiễm mới dẫn đến việc giãn cách quy mô nhỏ tại miền Trung. Do đó, MWG đã tạm thời đóng cửa 29 cửa hàng tại Đà Nẵng và hai cửa hàng khác tại tỉnh Quảng Nam. So với đợt giãn cách xã hội vào tháng 4, thì đợt giãn cách xã hội vào tháng 8 có quy mô nhỏ hơn nhiều. MWG dường như đã chuẩn bị kỹ lưỡng hơn để phục vụ khách hàng trong khu vực giãn cách vào khoảng thời gian này. Người tiêu dùng dường như cũng không hoảng loạn khi mua sắm, và MWG thích ứng nhanh với tình hình mới. Tuy nhiên, ban lãnh đạo vẫn nhận định chi tiêu của người tiêu dùng từ 6 tháng cuối năm 2020-2021 sẽ yếu hơn so với Q2/2020, do thu nhập giảm kéo dài.

Tổng quan Q2/2020: Trong khi tỷ suất lợi nhuận gộp cải thiện đáng kể, chi phí bán hàng & quản lý cũng tăng với tốc độ tương tự

 

Doanh thu thuần và lợi nhuận ròng lần lượt đạt 26.286 tỷ đồng (-1% so với cùng kỳ) và 894 tỷ đồng (-17% so với cùng kỳ).

Mảng ICT (DMX+TGDD): Doanh thu giảm 13% trong Q2 và giảm 3% trong 6 tháng đầu năm 2020; Tăng trưởng doanh thu từ các cửa hàng hiện hữu (SSSG) giảm 12% trong 6 tháng đầu năm 2020 so với mức tăng 7% trong 6 tháng đầu năm 2019.

• Tại cuối Q2/2020, có 1.044 cửa hàng DMX (+26 cửa hàng so với đầu năm) và 971 cửa hàng TGDD (-42 cửa hàng thuần so với đầu năm, bao gồm cả các cửa hàng Điện thoại Siêu rẻ đã đóng cửa do hoạt động kém hiệu quả).
• 600 cửa hàng TGDD và DMX đã đóng cửa từ ngày 1/4 đến 15/4, và 300 cửa hàng trong số này vẫn đóng cửa từ ngày 16/4-25/4.
• Tỷ trọng doanh thu bán hàng online tăng lên ~20% tổng doanh thu ICT trong tháng 4, và sau đó về mức bình thường 10-11% trong tháng 5- tháng 6/2020.

Mảng bách hóa: SSSG ở mức 12% trong 6 tháng đầu năm 2020; 478 cửa hàng được mở so với đầu năm (trên tổng số 1.486 cửa hàng) với chiến lược tập trung tại các tỉnh mà BHX đã có mặt từ cuối Q2; tỷ suất lợi nhuận gộp cải thiện so với cùng kỳ mặc dù doanh thu/tháng/cửa hàng giảm.

• Doanh thu bách hóa (BHX) trong Q2/2020 đạt 4.986 tỷ đồng (+113% so với cùng kỳ), nhờ vào SSSG và cửa hàng mới mở.
• Doanh thu/tháng/cửa hàng về mức bình thường ở mức 1,1 tỷ đồng trong tháng 6 từ mức đỉnh 1,65 tỷ đồng trong tháng 3/2020 do người tiêu dùng tích trữ trước khi thực hiện giãn cách. Trên cơ sở so sánh so với cùng kỳ, doanh thu tháng Q2/2020 thấp hơn so với Q2/2019 (1,1-1,4 tỷ đồng trong Q2/2020 so với 1,3-1,5 tỷ đồng trong Q2/2019) do sự pha loãng của các cửa hàng mới, và cũng từ việc mở cửa hàng mới tại các tỉnh vùng sâu xa có mức doanh thu bình quân thấp.
• Tại cuối Q2/2020, MWG có 12 trung tâm phân phối (DCs) offline và 11 DCs online (so với chỉ 5 DCs offline và 1 DC online tại cuối Q2/2019). Công ty có kế hoạch có 22 DCs offline và 20 DCs online vào cuối năm 2020, mặc dù phạm vi phủ sóng ở các tỉnh vẫn ở mức 24 tỉnh. Điều này cho thấy khoảng cách giữa các DCs và các cửa hàng sẽ ngắn hơn, cho phép công ty giảm chi phí logistic. Bất chấp việc mở DC quy mô lớn, MWG đang dần đạt điểm hòa vốn trước chi phí quản lý và chi phí chung vào cuối năm 2020.

Tỷ suất lợi nhuận gộp tăng đáng kể từ 17,8% trong Q2/2019 lên 22% trong Q2/2020 do: (1) mua hàng trực tiếp tại nguồn; và (2) quy mô hoạt động của BHX ngày càng tăng (BHX có tỷ suất lợi nhuận gộp từ 18-19% trong Q2/2019 và 24-25% trong Q2/2020). Theo Ban lãnh đạo, tỷ suất lợi nhuận gộp có thể cải thiện thêm 1-2% trong 6 tháng cuối năm 2020 là hoàn toàn khả thi.

Tỷ lệ SG&A/doanh thu tăng từ 12,7% trong Q2/2019 lên 17,3% trong Q2/2020, do công ty: (1) công ty không thể giảm chi phí ngay lập tức trong thời gian giãn cách và (2) do mở các DCs mới. Mặc dù tỷ suất lợi nhuận gộp có sự cải thiện, tỷ suất lợi nhuận ròng giảm từ 4,1% trong Q2/2019 xuống 3,4% trong Q2/2020.

Thay đổi cấu trúc để thích ứng với dịch Covid-19 Để đối phóng với đại dịch, người tiêu dùng đã chuyển hướng mua hàng từ kênh offline sang online. Tuy nhiên, chúng tôi tin rằng có một số sản phẩm được bán qua kênh online không dễ bán như kênh offline bao gồm: (1) sản phẩm giá cao mà người tiêu dùng cần kiểm tra trước khi mua, và (2) các sản phẩm yêu cầu lắp đặt tại nhà hay dịch vụ bảo hành. Các sản phẩm này sẽ bao gồm điện thoại di động phân khúc cao và điện máy – khiến kênh cửa hàng truyền thống phù hợp hơn so với kênh bán hàng online. Điều này được thể hiện qua mức giảm doanh thu bán hàng online của MWG khi chính sách giãn cách được dỡ bỏ vào tháng 5.

Trong khi đó, kênh bách hóa online có nhiều khách hàng sử dụng trong thời gian dịch bệnh. Với sự hỗ trợ của nhiều bên giao hàng thứ ba (Now, GrabMart, Be và các bên khác), các nhà bán lẻ bách hóa thương mại hiện đại và bán lẻ bách hóa truyền thống đang gia tăng khả năng tiếp cận người tiêu dùng thông qua kênh online. Việc cạnh tranh đối với các cửa hàng bách hóa online hiện tại khốc liệt hơn so với ICT online. Để duy trì khả năng cạnh tranh, MWG đã tích cực mở rộng sự hiện diện của Bách Hóa Xanh Online từ Q2/2020. Công ty đã triển khai BHX Online tại 5 thành phố mới (Tân An, Cần Thơ, Mỹ Tho, Buôn Mê Thuật, Vũng Tàu) và tỉnh Bình Dương. Điều này hoàn toàn trái ngược so với Q1/2020, khi BHX online chỉ có mặt tại TP. HCM và TP. Biên Hòa. Với đội ngũ nhân viên in-house, chúng tôi tin rằng MWG sẽ cung cấp dịch vụ giao hàng tận nơi có thể tốt hơn bên giao hàng thứ ba.

Ước tính lợi nhuận Theo quan điểm của chúng tôi Covid-19 sẽ không còn là mối đe dọa tới sức khỏe cộng đồng vào giữa năm 2021 (so với giả định trước đây là giữa năm 2020). Về mảng ICT, MWG vẫn tiếp tục chuyển đổi cửa hàng TGDD thành cửa hàng DMX để đưa thêm mặt hàng vào kinh doanh. Đối với việc mở cửa hàng mới, MWG dự kiến sẽ triển khai mô hình DMX super mini, phù hợp hơn để giành thị phần ở các vùng nông thôn sâu xa, nơi sự hiện diện của thương mại hiện đại là không đáng kể.

Mặc dù quy mô giãn cách tháng 8 nhỏ hơn so với đợt trước đó, chúng tôi tin rằng tiêu dùng không thiết yếu vẫn yếu do tỷ lệ thất nghiệp cao hơn. Chúng tôi giả định rằng nhu cầu giảm có thể kéo dài sang 6 tháng đầu năm 2021 nhưng MWG có vị thế tốt để giành thị phần trong thời điểm khó khăn, do đó có thể phục hồi nhanh chóng khi nền kinh tế trở lại hoạt động bình thường vào 6 tháng cuối năm 2021. Về mảng bách hóa, MWG dự kiến sẽ giảm tốc độ mở cửa hàng mới (50-80 cửa hàng mỗi tháng trong 6 tháng cuối năm 2020 so với 120-130 cửa hàng mới mỗi tháng trong tháng 5-tháng 6/2020), và sẽ chỉ mở cửa hàng tại các tỉnh hiện hữu. Cùng với việc cải thiện tỷ suất lợi nhuận gộp, BHX sẽ đạt điểm hòa vốn trước chi phí chung và chi phí quản lý vào cuối năm 2020, sát với kế hoạch của ban lãnh đạo

 

(Nguồn: SSI)

×
tvi logo