MWG: Hưởng lợi từ kinh tế mở cửa trở lại
Chúng tôi đã tham dự cuộc họp trực tuyến với MWG, trong đó ban lãnh đạo công bố kế hoạch lợi nhuận ròng 2022 tăng 30% so với cùng kỳ. Do đó, chúng tôi điều chỉnh dự báo doanh thu và lợi nhuận ròng 2022 là 141,6 nghìn tỷ đồng (+15% YoY) và 6,9 nghìn tỷ đồng (+40% YoY, giảm -3,4% so với ước tính trước). Trong khi giá mục tiêu 1 năm theo SOTP là 174.000 đồng/cp (từ 176.000 đồng/cp), chúng tôi nhắc lại khuyến nghị MUA đối với MWG. Công ty quyết định chưa mở mới cửa hàng BHX trong 2022 và thay vào đó tập trung cải thiện doanh thu cửa hàng hiện hữu bằng cách tăng SKU và cải thiện chất lượng thực phẩm tươi sống. Cùng với các biện pháp tối ưu hóa chi phí, mảng bách hóa có thể hòa vốn vào cuối 2022. Về triển vọng của ĐMX và TGDĐ, thu nhập hộ gia đình cải thiện và tăng thị phần có thể giúp cải thiện triển vọng tăng trưởng của 2 mảng này.
Yếu tố giảm đối với khuyến nghị: Khả năng đóng cửa hàng do giãn cách xã hội; thu nhập hộ gia đình sau đại dịch hồi phục lâu hơn ước tính.
Tóm tắt tài chính
Cập nhật KQKD Q4/2021
Trong Q4/2021, doanh thu thuần và lợi nhuận ròng đạt 36,1 nghìn tỷ đồng (+33% YoY) và 1,6 nghìn tỷ đồng (+66% YoY),
Tăng trưởng doanh thu trên mỗi cửa hàng (SSSG)
Chuỗi ICT (ĐMX & TGDĐ): Doanh thu Q4/2021 tăng 45% YoY. SSSG 2021 đạt 2%, thấp hơn so với 12% trong 9T2021.
• Doanh thu giảm -8% YoY trong Q4/2021 do thu nhập hộ gia đình giảm, do đó người tiêu dùng mua sắm các mặt hàng rẻ hơn tại chợ truyền thống. Gần 30% cửa hàng BHX nằm tại TP.HCM, trong khi 70% nằm tại các tỉnh thành khác. Do thu nhập người dân tại các tỉnh thành khác dưới mức trung bình, đây có thể là nguyên nhân khiến doanh thu BHX giảm. Doanh thu của BXH trong Q4/2021 giảm 39% so với quý trước do: (1) chợ truyền thống hoạt động trở lại, (2) người tiêu dùng vẫn sử dụng hàng hóa tích trữ trong Q3/2021.
• Doanh thu/tháng/cửa hàng trong Q4/2021 vẫn ở mức dưới 1 tỷ đồng, thấp hơn mức trước giãn cách xã hội là 1,2 tỷ đồng.
• Tại thời điểm Q4/2021, công ty có 2.106 cửa hàng BHX (+387 cửa hàng so với đầu năm), vượt kế hoạch 2.000 cửa hàng vào cuối 2021.
Chúng tôi cũng lưu ý biên lợi nhuận gộp chung giảm từ 23,1% còn 20,4% do doanh thu tăng từ mảng có biên lợi nhuận thấp (ĐMX và TGDĐ). Mặc dù vậy, biên lợi nhuận ròng cải thiện từ 3,5% trong Q4/2020 lên 4,3% trong Q4/2021, do tỷ lệ chi phí SG&A/ doanh thu của mảng bách hóa giảm. Đây là quý thứ 3 liên tiếp BHX có EBITDA dương.
Cả năm 2021, công ty đạt doanh thu và lợi nhuận ròng là 123 nghìn tỷ đồng (+13% YoY) và 4,9 nghìn tỷ đồng (+25% YoY), hoàn thành 98% và 103% kế hoạch năm 2021. Đây là kết quả đáng khích lệ trong bối cảnh giãn cách xã hội vào Q3/2021.
Thành tựu trong 2021 và đầu 2022
• Kênh Online: Nhận thấy các công ty thương mại điện từ cùng ngành đã phát triển mạnh hơn trong đại dịch, MWG ưu tiên cải thiện website và triển khai chính sách giá kép (giá trên kênh trực tuyến rẻ hơn giá tại cửa hàng) từ tháng 2/2021 để thu hút thêm khách hàng. Trong giai đoạn giãn cách xã hội Q3/2021, công ty cũng mở các cửa hàng flagship tại các trang thương mại điện tử (Shopee, Lazada, Tiki) nhằm tận dụng lưu lượng khách hàng hiện tại của các trang web này. Chi tiết chính sách giá kép 2021 và 2022 đã trình bày trong báo cáo ngày 16/3/2021 (tại đây). Doanh thu online đạt 13,4 nghìn tỷ đồng trong 2021, tăng 47% YoY. Năm 2022, công ty sẽ tiếp tục cải thiện website và triển khai thêm khuyến mãi để duy trì cạnh tranh với các công ty cùng ngành khác.
• Mảng phân phối (mô hình cộng tác viên): Vào tháng 5/2021, MWG triển khai mô hình cộng tác viên, trong đó mạng lưới logistics hiện tại của công ty đóng vai trò là nhà cung cấp cho các cửa hàng nhỏ lẻ tại vùng sâu vùng xa. Chiến lược phân phối này phù hợp với sản phẩm mà các cửa hàng nhỏ lẻ chưa bán bao giờ hay sản phẩm không phù hợp để các cửa hàng tích trữ (do điều kiện logistics hạn chế hoặc nhu cầu khó dự báo tại khu vực này). Đóng vai trò là cầu nối cho các cửa hàng nhỏ lẻ giảm bớt gánh nặng logistics, chiến lược này trong năm 2021 đã đem về 550 tỷ đồng (0,6% doanh thu ĐMX và TGDĐ). Mặc dù đóng góp doanh thu của mảng kinh doanh này không đáng kể so với tổng doanh thu, đây là kênh tạo thêm lợi nhuận với chi phí thấp.
• Topzone – hợp tác mới với Apple.
Trong tháng 10/2021, MWG đã khai trương chuỗi cửa hàng Topzone mô hình cửa hàng ủy quyền (AAR) và cửa hàng ủy quyền cao cấp (APR) của Apple. Ban đầu, công ty ước tính doanh thu/tháng đạt khoảng 2-3 tỷ đồng đối với cửa hàng AAR và 8-10 tỷ đồng đối với cửa hàng APR. Tuy nhiên, sau 3 tháng khai trương, doanh thu/tháng/cửa hàng vượt kỳ vọng ở mức 15-20 tỷ đồng, mặc dù giai đoạn tháng 10-12 có doanh thu cao đột biến do ra mắt iPhone 13. Do các chuyến bay quốc tế hạn chế và Chính phủ tăng cường giám sát hàng xách tay từ tháng 10/2020 tạo cơ hội cho MWG thu hút khách hàng mới. Ngoài ra, các sản phẩm iPhone chủ yếu hướng đến khách hàng thu nhập cao có hành vi tiêu dùng hầu như không đổi trong đại dịch. Cả năm 2022, ban lãnh đạo ước tính doanh thu/tháng/cửa hàng đạt khoảng 8- 10 tỷ đồng. Tính đến cuối 2021, MWG có 10 cửa hàng Topzone. Công ty lên kế hoạch có 50 cửa hàng Topzone vào cuối Q1/2022 và đang làm việc với Apple để tăng lên 200 cửa hàng Topzone vào cuối 2022. Do sản phẩm Apple khá nổi tiếng, biên lợi nhuận của Topzone có thể không cao như ĐMX và TGDĐ. Mặc dù vậy, khả năng mở rộng chuỗi cửa hàng ủy quyền có thể giúp MWG đẩy mạnh thương hiệu, nhằm thu hút các hãng khác muốn mở chuỗi cửa hàng ủy quyền trong tương lai.
Trong tháng 1/2022, MWG đã khai trương nhiều chuỗi sản phẩm mới.
• AVACycle: Trong tháng 4/2021, MWG đã thêm xe đạp vào danh mục sản phẩm của ĐMX, chuyển đổi không gian còn trống trước cửa hàng để trưng bày xe đạp. Vào đầu năm 2022, MWG thiết kế lại khu vực này thành “AvaCycle”. Theo công ty, quy mô thị trường xe đạp ước tính 5-6 nghìn tỷ đồng/năm. Theo quan điểm của chúng tôi, khách hàng chính của mặt hàng xe đạp là trẻ em, đây là đối tượng chưa được MWG phục vụ tốt (hàng điện máy và điện thoại di động chủ yếu bán cho phụ huynh). Do đó, việc bán xe đạp giúp MWG tăng số lượng khách hàng và nắm bắt thêm đối tượng khách hàng mới. Ngoài ra, chúng tôi cho rằng xe đạp là mặt hàng dễ thay mới. Trẻ em lớn lên sẽ cần xe đạp mới phù hợp với chiều cao. Tính đến năm 2021, công ty có 150 điểm bán hàng với 30 nghìn xe đạp đã bán. Chúng tôi ước tính doanh thu xe đạp là 60-75 tỷ đồng trong 2021 (~0,06% tổng doanh thu ICT).
• AVAJi là quầy trang sức, nằm cạnh quầy bán kính mắt và đồng hồ, tạo thành khu vực phụ kiện trong các cửa hàng TGDĐ. Giá bán trung bình dưới 3 triệu đồng/sp, do mục tiêu đáp ứng phân khúc bình dân và không cạnh tranh trực tiếp với PNJ hay Doji. AVAJi sẽ giúp MWG cải thiện dần doanh thu cửa hàng TGDĐ, trong khi phát sinh chi phí rất thấp. Quy mô thị trường trang sức ước tính 75 tỷ USD trong 2020 (theo PNJ), với PNJ và Doji là công ty đầu ngành và các công ty nhỏ lẻ. MWG có thể tăng thị phần nhờ mạng lưới cửa hàng TGDD rộng có sẵn, giúp công ty nhanh chóng thêm sản phẩm mới tại cửa hàng. Tuy nhiên, MWG cần thời gian để theo dõi khẩu vị khách hàng đối với mặt hàng trang sức để xây dựng danh mục sản phẩm phù hợp.
Trong khi AVACycle và AVAJi là mô hình cửa hàng trong cửa hàng, AVAFashion, AVASport và AVAKids là các cửa hàng riêng biệt
• AVAFashion là chuỗi cửa hàng quần áo. Danh mục sản phẩm gồm các mặt hàng cơ bản cho nam, nữ và trẻ em. Danh mục sản phẩm quần áo nam có thể đáp ứng nhu cầu thông thường, trong khi quần áo nữ khá hạn chế. Doanh số hàng may mặc, giày dép và phụ kiện tại Việt Nam đạt 58,9 nghìn tỷ đồng theo Euromonitor. Thị trường còn phân mảnh với các công ty lớn chiếm thị phần nhỏ (Blue Exchange 1,6%, Canifa 1,5%, Viet Tien 1,4%, Bitis 1,3%, Pierre Cardin 0,9% - số liệu 2020). Với kinh nghiệm quản lý số lượng lớn các cửa hàng trên toàn quốc, MWG đặt kế hoạch hợp nhất thị phần mảng bán lẻ quần áo, mặc dù công ty cần thời gian để tìm hiểu khẩu vị khách hàng phân khúc này. Trong dài hạn, MWG có thể có thương hiệu thời trang của riêng mình với biên lợi nhuận cao hơn.
• AVASport bán đồ thể thao có thương hiệu (Nike, Adidas, Puma, etc) và máy tập thể dục. Quần áo thể thao có thương hiệu chủ yếu bán tại trung tâm thương mại, do đó khoảng cách đi lại có thể không thuận tiên cho một số khách hàng. Do vấn đề sức khỏe được quan tâm nhiều hơn trong những năm gần đây (phản ánh bởi số lượng trung tâm gym&fitness tăng), nhu cầu quần áo thể thao tiếp tục tăng và mở rộng ra khu vực ngoại ô. Với kinh nghiệm mở cửa hàng trên cả nước, MWG có thể hưởng lợi từ xu hướng này.
• AVAKids bán sản phẩm cho mẹ và bé. Với 3.500 SKU mỗi cửa hàng, danh mục sản phẩm đáp ứng hầu hết nhu cầu của mẹ và bé – mặc dù ban lãnh đạo có kế hoạch thêm sản phẩm trong tương lai gần. Với thu nhập hộ gia đình tăng và xu hướng dich chuyển sang thương mại hiện đại, các chuỗi cửa hàng mẹ và bé tiếp tục có xu hướng tăng – giúp MWG hưởng lợi. Theo ban lãnh đạo, trong số các chuỗi AVA mới triển khai, AVAKids đạt kết quả ấn tượng nhất trong tháng đầu hoạt động.
Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng cạnh tranh về giá với thương mại điện tử có thể gay gắt đối với AVAFashion, AVASport, và AVAKids.
Triển vọng 2022 ICT: Chúng tôi giả định không còn đợt giãn cách xã hội nghiêm ngặt trong 2022.
Yếu tố này có thể hỗ trợ thu nhập hộ gia đình hồi phục, đặc biệt là SSSG mảng ICT. Biên lợi nhuận ròng mảng này có thể tăng trong 2022 do không còn cửa hàng đóng cửa.
Bách hóa: MWG sẽ không mở mới cửa hàng BHX trong 2022 mà tập trung tăng doanh thu và tối ưu hóa chi phi để hòa vốn mở mức độ công ty. Khi thu nhập hộ gia đình cải thiện, doanh thu ước tính phục hồi từ mức thấp trong Q4/2021. Ngoài ra, công ty sẽ thêm SKU để tăng doanh thu. Cụ thể, công ty ước tính tăng số lượng và chất lượng mặt hàng rau củ. Trong quá khứ, rau củ có thể bảo quản trên kệ đến khi hư hỏng. Từ nay, MWG quyết định chỉ bảo quản trên kệ 1 ngày để đảm bảo chất lượng tốt nhất.
Chúng tôi ước tính doanh thu và lợi nhuận ròng 2022 tăng 15% và 40% YoY, đạt 141,6 nghìn tỷ đồng và 6,9 nghìn tỷ đồng.
Nguồn: SSI