HSG: Lợi nhuận năm tài chính 2022 giảm dù doanh số và giá thép tăng mạnh

HSG: Lợi nhuận năm tài chính 2022 giảm dù doanh số và giá thép tăng mạnh

Lượt xem: 171
  •  

• Chúng tôi nâng khuyến nghị cho CTCP Tập đoàn Hoa Sen (HSG) từ KHẢ QUAN lên PHÙ HỢP THỊ TRƯỜNG khi tăng giá mục tiêu thêm 9% lên 40.800 đồng/CP. Giá cổ phiếu của HSG đã giảm 8% trong 3 tháng qua.

• Chúng tôi tăng giá mục tiêu thêm 9% do 1) mức điều chỉnh tăng 11% đối với dự báo tổng LNST sau lợi ích CĐTS giai đoạn năm tài chính 2022-2026 của chúng tôi vì chúng tôi dự báo sản lượng bán cao hơn và kỳ vọng giá thép sẽ vẫn ở mức cao trong giai đoạn dự báo, cũng như 2) số dư tiền mặt cao hơn vào cuối quý 1 năm tài chính 2022.

• LNST sau lợi ích CĐTS tăng 12% YoY trong quý 1 năm tài chính 2022 nhờ sản lượng xuất khẩu tăng mạnh và giá thép tiếp tục ở mức cao, nhưng giảm 32% so với quý trước (QoQ) chủ yếu do biên lợi nhuận gộp giảm do chênh lệch thấp hơn giữa giá thép cuộn cán nóng (HRC) đầu vào và giá bán thép thành phẩm.

• Trong năm tài chính 2022, chúng tôi giảm dự báo LNST sau lợi ích CĐTS thêm 1% còn 2,7 nghìn tỷ đồng (-37% YoY). Chúng tôi nâng dự báo tăng trưởng tổng sản lượng bán tôn mạ và ống thép lên 11% YoY so với mức không đổi so với cùng kỳ trước đây do KQKD quý 1 năm tài chính 2022 cao hơn dự kiến. Tuy nhiên, chúng tôi tiếp tục kỳ vọng giá HRC đầu vào cao sẽ ảnh hưởng đến biên lợi nhuận.

• Giá cổ phiếu của HSG đã giảm 8% trong 3 tháng qua do giá thép giảm và các nhà đầu tư nhận thức rõ hơn về nguy cơ biên lợi nhuận giảm từ mức cơ sở cao của năm 2021. Chúng tôi tin rằng HSG hiện có định giá hợp lý với P/E năm tài chính 2022 là 7,2 lần trong bối cảnh lợi nhuận dự kiến giảm trong cùng giai đoạn.

• Yếu tố hỗ trợ: Sản lượng bán tăng trưởng mạnh hơn kỳ vọng; giá thép cao hơn dự kiến.

• Rủi ro: Biên lợi nhuận thấp hơn do chi phí HRC đầu vào cao hơn có thể không được chuyển sang giá bán (ASP).

Chúng tôi kỳ vọng sản lượng bán trong nước sẽ phục hồi trong năm tài chính 2022 trong khi tăng trưởng doanh số xuất khẩu giảm từ mức cơ sở cao. Nhu cầu mạnh mẽ trên toàn cầu đối với các sản phẩm thép đã giúp doanh số xuất khẩu tăng trưởng mạnh trong quý 1 năm tài chính 2022 (năm tài chính của HSG kết thúc vào ngày 30/09). HSG ghi nhận sản lượng bán tôn mạ tăng 32% YoY (507.400 tấn) trong quý 1 năm tài chính 2022 - thấp hơn nhẹ so với mức chung của toàn ngành (+36% YoY) và chủ yếu do NKG (nhà sản xuất tôn mạ lớn thứ hai trong nước tính theo thị phần) tăng trưởng mạnh 76% YoY. Mặt khác, sản lượng bán ống thép của HSG (88.700 tấn) giảm 30% YoY trong quý 1 năm tài chính 2022 do nhu cầu trong nước thấp. Ngoài ra, ống thép cũng khó xuất khẩu hơn so với thép tấm do tính cồng kềnh. Trong năm tài chính 2022, chúng tôi cho rằng doanh số xuất khẩu sẽ giảm so với mức cơ sở cao của năm tài chính 2021 với sự phục hồi của thị trường trong nước nhờ nhu cầu vật liệu xây dựng tăng sau khi hoạt động xây dựng trong nước được nối lại khi dịch COVID-19 được kiểm soát tại Việt Nam. Do đó, chúng tôi dự báo sản lượng bán tôn mạ của HSG đạt 2,0 triệu tấn (+12% YoY; tăng trưởng doanh số trong nước/xuất khẩu đạt +16%/+10% YoY) và sản lượng bán ống thép đạt 492.500 tấn (+7% YoY) trong năm tài chính 2022.

Chúng tôi kỳ vọng biên lợi nhuận năm tài chính 2022 sẽ giảm từ mức cơ sở cao trong năm tài chính 2021 khi lợi thế chi phí đầu vào giảm. Biên lợi nhuận gộp của HSG đã giảm còn 12,5% trong quý 1 năm tài chính 2022 so với mức 15,7% trong quý 4 năm tài chính 2021. Chúng tôi cho rằng diễn biến này là do chênh lệch giữa giá HRC đầu vào và giá bán tôn mạ thành phẩm thấp hơn so với các quý trước dù giá bán tôn mạ thành phẩm vẫn ổn định. Do biên lợi nhuận gộp quý 1 năm tài chính 2022 thấp hơn kỳ vọng của chúng tôi, chúng tôi giảm dự báo đối với biên lợi nhuận năm tài chính 2022 của HSG còn 14,8% so với mức 15,6% như dự báo trước đây và 18,2% trong năm tài chính 2021.

Nguồn: VCSC

×
tvi logo