HSG: Lợi nhuận có thể duy trì ở mức cao trong quý tới, nhưng nhiều khả năng sẽ điều chỉnh trong năm 2022 từ mức đỉnh 2021
Lợi nhuận ròng của HSG và NKG trong quý gần đây đã giảm từ mức đỉnh trong Q2/2021, nhưng vẫn đạt tăng trưởng rất mạnh so với cùng kỳ là 108% đối với HSG và 634% đối với NKG. Doanh thu của HSG và NKG đều tăng đáng kể 89% và 123% YoY, nhờ sản lượng xuất khẩu mạnh mẽ và giá bán trung bình tăng. Chúng tôi ước tính lợi nhuận những công ty này có thể duy trì bền vững trong quý tiếp theo và đạt tăng trưởng đáng kể so với cùng kỳ, do cả HSG và NKG đều có các đơn hàng xuất khẩu lớn trong 3 tháng tới ở mức giá cao. Tuy nhiên, lợi nhuận 2022 có thể giảm còn 30-37% từ mức đỉnh trong 2021 do biên lợi nhuận gộp điều chỉnh khi giá thép thế giới giảm.
Kể từ báo cáo gần nhất của chúng tôi, giá cổ phiếu HSG và NKG đã tăng 34% và 85% lên mức đỉnh trong tháng 10, trước khi điều chỉnh khoảng -24% so động thái chốt lời của nhà đầu tư và lo ngại giá thép thế giới giảm. Định giá hiện tại khá hợp lý theo quan điểm của chúng tôi khi xem xét khả năng điều chỉnh lợi nhuận trong năm sau. Dựa trên ước tính EPS 2022 và PE mục tiêu là 7x, giá mục tiêu 1 năm đối với HSG và NKG là 41.100 đồng/cp và 45.800 đồng/cp, tiềm năng tăng giá 5,1% và 6,1% so với giá hiện tại. Theo đó, chúng tôi giảm khuyến nghị đối với NKG và HSG về Trung lập từ Mua và Khả quan. Mặc dù vậy, với triển vọng lợi nhuận của 2 công ty vẫn duy trì ở mức cao trong quý tới, nhà đầu tư ngắn hạn ưa rủi ro có thể cân nhắc tích lũy cổ phiếu trong trường hợp giá cổ phiếu điều chỉnh mạnh xuống mức chiết khấu cao so với giá mục tiêu.
(*) Lưu ý: Các quý áp dụng cho HSG dựa trên năm tài chính của công ty, bắt đầu từ tháng 10. “Q4” bắt đầu từ tháng 7 đến tháng 9. Ngược lại, các quý áp dụng cho NKG dựa trên năm dương lịch bình thường.
Sản lượng tiêu thụ tôn mạ toàn ngành đạt kỷ lục trong Q3/2021, trong khi nhu cầu ống thép giảm: Tổng sản lượng tôn mạ đạt kỷ lục 1,37 triệu tấn trong Q3/2021, tăng 25% YoY và 3% QoQ. Trong khi nhu cầu trong nước giảm -36% YoY do Covid-19, kênh xuất khẩu tăng 90% lên 1 triệu tấn nhờ nhu cầu bùng nổ tại Bắc Mỹ và Châu Âu. Trong khi đó, nhu cầu thép ống giảm -40% YoY do phụ thuộc lớn vào thị trường trong nước, chiếm 80%-90% tổng doanh thu. Ống thép đóng góp khoảng 20% sản lượng tiêu thụ của HSG và NKG từ 2020.
Cả HSG và NKG đều đạt tăng trưởng sản lượng tích cực, trong đó NKG hưởng lợi từ xuất khẩu nhiều hơn: Sản lượng của HSG tăng 8% YoY lên 555 nghìn tấn, do sản lượng xuất khẩu tăng 40% mặc dù sản lượng trong nước giảm -30% YoY. Mức giảm doanh thu trong nước của HSG ít hơn so với toàn ngành nhờ lợi thế mạng lưới phân phối rộng khắp.
Trong khi đó, sản lượng tiêu thụ của NKG đạt 276 nghìn tấn, tăng mạnh 32% YoY do công ty hưởng lợi nhiều hơn từ thị trường xuất khẩu khởi sắc. Doanh thu trong nước của NKG cũng giảm 53% YoY, nhưng xuất khẩu tăng mạnh mẽ 127% YoY. Đóng góp của kênh xuất khẩu vào tổng doanh thu của NKG tăng đáng kể từ 56% trong 6T2021 lên 81% trong Q3/2021.
Biên lợi nhuận giảm từ mức đỉnh lịch sử trong Q2/2021, nhưng vẫn ở mức tốt: Biên lợi nhuận gộp của HSG và NKG là 15,7% và 17,2%, giảm -7,1 ppts và -1,4 ppts từ mức đỉnh trong Q2/2021, do không còn lợi thế hàng tồn kho chi phí thấp như trong 6T2021. Mặc dù vậy, tỷ lệ lợi nhuận gộp trên mỗi tấn sản phẩm vẫn ở mức cao hơn nhiều so với năm ngoái do giá xuất khẩu tăng. Nhu cầu thị trường Bắc Mỹ và Châu Âu tăng, giúp giá bán tăng 30%-90% so với giá trong nước và Châu Á, cùng với tỷ trọng xuất khẩu tăng đã giúp giá bán trung bình của 2 công ty tăng 70%-75% YoY. Trong đó, biên lợi nhuận của NKG ổn định hơn nhờ đóng góp sản lượng xuất khẩu vào tổng doanh thu cao hơn (81% trong quý so với 70% của HSG), giúp công ty hưởng lợi nhiều hơn từ việc tăng giá tại thị trường Bắc Mỹ và Châu Âu. Chi phí bán hàng tăng do chi phí vận chuyển cao:
Chi phí bán hàng của NKG trong Q3/2021 tăng 522% YoY và 90% QoQ lên 464 tỷ đồng. Chi phí bán hàng của HSG cũng tăng đáng kể 61% YoY và 45% QoQ lên 1,24 nghìn tỷ đồng, trong đó chi phí xuất khẩu ở mức 798 tỷ đồng – tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ - do sản lượng xuất khẩu tăng và chi phí vận chuyển nước ngoài tăng. Do đó, tỷ lệ lợi nhuận trên mỗi tấn sản phẩm ở mức 1,7 triệu đồng/ tấn (HSG) và 2,2 triệu đồng/ tấn (NKG), giảm -37% và -28% so với quý trước, nhưng vẫn cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái (92% and 456%YoY).
Triển vọng và ước tính lợi nhuận
Sản lượng và lợi nhuận Q4/2021 có thể duy trì ở mức cao nhờ các đơn hàng ký trước với giá cao. Cả HSG và NKG đều đã chốt các đơn hàng xuất khẩu lớn trong 3 tháng tới. HSG đã giành được đơn hàng xuất khẩu khoảng 130 nghìn tấn/ tháng cho đến tháng 1/2022, trong khi NKG đã nhận đơn đặt hàng đến tháng 2/2022. Giá xuất khẩu ước tính vẫn ở mức cao trong Q4/2021, do công ty đã chốt giá trước 3 tháng. Đồng thời với việc nhu cầu trong nước hồi phục sau khi kết thúc giãn cách xã hội, cả hai công ty đều có khả năng duy trì tỷ suất hoạt động gần mức tối đa trong quý tới. Nhờ đó, lợi nhuận quý tới có thể không chênh lệch lớn so với Q3 và đạt tăng trưởng đáng kể so với cùng kỳ. Sản lượng tiêu thụ 2022 có thể tăng trưởng nhẹ do nhu cầu nội địa hồi phục bù đắp xuất khẩu chậm lại:
Chúng tôi ước tính nhu cầu thép dẹt trong nước tăng ~10% trong 2022 do nhu cầu dồn nén và hoạt động xây dựng hồi phục ở lĩnh vực bất động sản và khu công nghiệp. Tuy nhiên, sản lượng xuất khẩu có thể chậm lại do chuỗi cung cứng toàn cầu ổn định. Do đó, đóng góp từ kênh nội địa có thể tăng trong 2022. Chúng tôi ước tính sản lượng tiêu thụ của HSG trong 2022 tăng 2% lên 2,3 triệu tấn, trong đó kênh trong nước ước tính tăng 11% lên 1,12 triệu tấn. Tuy nhiên, sản lượng xuất khẩu ước tính giảm -6% còn 1,16 triệu tấn.
Đối với NKG, chúng tôi ước tính tổng sản lượng tăng cao hơn với 4% YoY, đạt 1,13 triệu tấn. Sản lượng trong nước ước tính tăng 27% lên 460 nghìn tấn, trong khi xuất khẩu giảm -8% còn 666 nghìn tấn. Công ty dự kiến sẽ tăng 10%-15% công suất lên 1,25-1,3 triệu tấn vào nửa cuối 2022, với tổng vốn đầu tư là 4 triệu USD. Năm 2023, công ty ước tính đầu tư thêm khoảng 50 triệu USD để tăng công suất thêm 300 nghìn tấn.
Nguồn: SSI