GVR: Định giá phù hợp dù tiếp tục tăng trưởng mạnh

GVR: Định giá phù hợp dù tiếp tục tăng trưởng mạnh

Lượt xem: 251
  •  

• Chúng tôi duy trì khuyến nghị PHÙ HỢP THỊ TRƯỜNG đối với Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam - CTCP (GVR) đồng thời tăng giá mục tiêu thêm 5,3% lên 35,900 đồng/CP.

• Chúng tôi tăng giá mục tiêu chủ yếu do dự báo tích cực hơn của chúng tôi đối với giá bán trung bình (ASP) của mủ cao su tự nhiên trong giai đoạn 2022-2023, phần lớn được hỗ trợ bởi giá dầu hiện đang ở mức cao và khả năng khan hiếm nguồn cung trong ngắn hạn.

• Tương ứng với mức điều chỉnh tăng trong dự báo của chúng tôi cho mảng mủ cao su thiên nhiên, chúng tôi nâng dự báo LNST sau lợi ích CĐTS của GVR thêm 5,4% đối với năm 2022 và 1,6% đối với năm 2023.

• Đối với năm 2022, chúng tôi giả định doanh thu đạt 31 nghìn tỷ đồng (+16% YoY) và LNST sau lợi ích CĐTS đạt 5,3 nghìn tỷ đồng (+25% YoY). Chúng tôi kỳ vọng tăng trưởng doanh thu trong năm 2022 sẽ được hỗ trợ bởi mảng cao su tự nhiên. Trong khi đó, lợi nhuận sẽ được thúc đẩy bởi thu nhập tài chính tăng so với cùng kỳ năm trước nhờ các khoản lãi từ việc thoái vốn.

• Đối với năm 2023, chúng tôi dự báo doanh thu và lợi nhuận đều tăng trưởng ở mức một chữ số so với cùng kỳ năm trước, lần lượt tăng 5,9% và 3,0% đạt 32 nghìn tỷ đồng và 5,5 nghìn tỷ đồng, do chúng tôi kỳ vọng mức tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước của mảng cao su sẽ giảm tốc trong khi thu nhập tài chính cũng giảm so với năm 2022 do không có các khoản lãi lớn từ việc thoái vốn.

• Chúng tôi tin rằng GVR sẽ hưởng lợi chính từ việc nhu cầu đất KCN tăng cao ở Việt Nam và giá cao su tự nhiên tăng. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng GVR hiện có định giá hợp lý sau khi giá cổ phiếu tăng mạnh - dù việc ghi nhận giá trị quỹ đất lớn chưa được thực hiện.

• Yếu tố hỗ trợ/(rủi ro): Quá trình phê duyệt/phát triển nhanh/(bị hoãn) đối với các KCN trong tương lai; giá cao su thiên nhiên tăng/(giảm).

Chúng tôi kỳ vọng mảng CSTN sẽ tăng trưởng tốt trong năm 2022. Chúng tôi giả định doanh thu từ mảng CSTN của GVR (bao gồm mủ cao su và các sản phẩm cao su) sẽ tăng 19% YoY đạt 24 nghìn tỷ đồng trong năm 2022 - cao hơn khoảng 9% so với dự báo trước đây của chúng tôi. Dự báo cao hơn của chúng tôi cho mảng CSTN chủ yếu đến từ dự báo tích cực hơn đối với giá bán trung bình (ASP) của mủ cao su, bị ảnh hưởng một phần bởi giả định doanh thu thấp hơn từ các sản phẩm cao su.

Chúng tôi cho rằng giá dầu hiện đang ở mức cao và khả năng khan hiếm nguồn cung trong ngắn hạn sẽ giúp ASP của mủ cao su tăng trong năm 2022. Trong khi đó, tình hình cạnh tranh trong nước ngày càng tăng trong sản xuất găng tay cao su (sản phẩm cao su chính của GVR) sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến mảng kinh doanh sản phẩm cao su của công ty trong năm dù GVR đã tăng gần gấp đôi công suất sản xuất. Chúng tôi hiện giả định doanh thu từ mủ cao su tăng trưởng 17% đạt 21 nghìn tỷ đồng vào năm 2022, chiếm 86% tổng doanh thu từ cao su của GVR và được hỗ trợ bởi mức tăng trưởng 10% YoY của sản lượng và 6% YoY của ASP. Chúng tôi dự báo GVR ghi nhận khoản lãi thoái vốn lớn từ việc bán CTCP KCN Nam Tân Uyên (UPCoM: NTC) trong năm 2022.

Chúng tôi hầu như giữ nguyên dự báo đối với khoản lãi thoái vốn trị giá khoảng 880 tỷ đồng cho GVR trong năm 2022 từ việc bán 20% cổ phần tại NTC, khoản lãi này sẽ chiếm 64% thu nhập tài chính trong năm. Chúng tôi cho rằng dự báo của chúng tôi đối với khoản lợi nhuận này khá thận trọng khi giá bán giả định của chúng tôi thấp hơn khoảng 10% so với giá trị thị trường hiện tại của NTC. Chúng tôi tin rằng GVR đang chờ HĐQT phê duyệt mức giá khởi điểm của giao dịch thoái vốn, mức giá này sẽ dựa trên thư thẩm định từ 1 công ty thẩm định giá độc lập.

Nguồn: VCSC

×
tvi logo