GTN: Chuyển mình trên vai người khổng lồ

GTN: Chuyển mình trên vai người khổng lồ

Lượt xem: 405
  •  

Sữa tươi tại Việt Nam: Tiềm năng và tăng trưởng bất chấp COVID-19

Việt Nam là một thị trường tiêu thụ sữa tiềm năng nhờ dân số trẻ và lượng tiêu dùng sữa trên đầu người vẫn ở mức thấp. Sữa và các sản phẩm từ sữa là nhóm sản phẩm dinh dưỡng thiết yếu. Tổng giá trị tiêu thụ nhóm này tại Việt Nam năm 2019 đạt 111 nghìn tỷ đồng với tốc độ tăng trưởng kép giai đoạn 2015-2019 đạt 8,8%/năm. Trong đó, sữa uống và sữa bột là hai sản phẩm chiếm tỉ trọng giá trị cao nhất, tương ứng 46,7% và 28,9%.

Do điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng không tối ưu cho việc chăn thả bò sữa (nguồn cung cấp sữa chính trên thế giới) nên hàng năm Việt Nam vẫn phải nhập khẩu sữa thành phẩm và sữa nguyên liệu để bù đắp thiếu hụt. Sản lượng sữa thành phẩm quy ra sữa nước (Protein 3.3%, chất béo 3,4%, Carbonhydrates 5,1%) của Việt Nam năm 2019 đạt 2,7 triệu tấn. Trong khi đó, sữa bò tươi nguyên liệu trong nước chỉ đạt 1,09 triệu tấn, đáp ứng 38% nhu cầu sữa nước nội địa. Do đó, Việt Nam phải nhập khẩu 1,05 tỷ USD sữa và các sản phẩm sữa năm 2019 (trong đó có 161,4 nghìn tấn sữa bột nguyên liệu).

Sữa tươi chất lượng cao, sữa hữu cơ – Cung không đủ cầu. Sau bê bối sữa nhiễm Melamin năm 2008 tại Việt Nam và Trung Quốc, người tiêu dùng trong nước ngày càng quan tâm nhiều hơn đến nguồn gốc nguyên liệu cũng như xuất xứ và sự an toàn của các sản phẩm sữa. Theo xu hướng này, các sản phẩm sữa được sản xuất trực tiếp từ sữa tươi luôn được ưu tiên lựa chọn vì người tiêu dùng tin rằng các sản phẩm này an toàn hơn, thân thiện hơn và chứa nhiều loại dinh dưỡng tốt hơn so với các sản phẩm sữa hoàn nguyên. Xu thế lựa chọn sữa uống có nguồn gốc từ sữa tươi đặc biệt rõ tại khu vực đô thị, nơi nhận thức người tiêu dùng thể hiện rõ hơn và với thu nhập cao hơn, họ sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho những sản phẩm tốt nhất. Dưới ảnh hưởng của xu hướng này, Vinamilk, TH Milk, Dutch Lady và các thương hiệu sản xuất sữa uống khác đã loại bỏ dần việc sử dụng sữa hoàn nguyên để sản xuất sữa uống.

Tuy nhiên, Việt Nam không phải là quốc gia có điều kiện lịch sử, thổ nhưỡng cũng như khí hậu tối ưu cho bò sữa đồng thời công nghệ nông nghiệp còn nhiều hạn chế. Điều này dẫn đến lượng sữa tươi trong nước có chất lượng cao, đáp ứng được tiêu chuẩn kỹ thuật đầu vào chỉ đạt khoảng 30%~35% nhu cầu nguyên liệu của các doanh nghiệp lớn. Sữa tươi đạt chuẩn quốc tế, đặc biệt là sữa đạt chuẩn hữu cơ ở Việt Nam đến nay cung vẫn không đủ cầu. Kiểm soát được vùng nguyên liệu sữa trở thành vấn đề sống còn đối với các doanh nghiệp sản xuất sữa tại Việt Nam. Theo báo cáo của Cục chăn nuôi, Việt Nam hiện có khoảng 300,000 con bò sữa tập trung chủ yếu ở Đông Nam Bộ (33%) và Bắc Trung Bộ (26%). Vinamilk hiện nay kiểm soát phần lớn nguồn cung sữa ở Việt Nam với 130.000 con bò năm 2019. TH Milk hiện là doanh nghiệp có sản lượng sữa nước lớn thứ 2, kiểm soát khoảng 50.000 con.

Thị trường sữa Việt Nam tăng trưởng vững chắc trong đại dịch. Năm 2020, trái với tác động tiêu cực của COVID-19 lên kinh tế toàn cầu cũng như Việt Nam, giá trị tiêu thụ sữa và các sản phẩm sữa ở Việt Nam vẫn tăng trưởng mạnh mẽ, thậm chí mạnh hơn so với trước dịch. Cụ thể, trong tiêu thụ sữa 11T2020 ở khu vực 4 thành phố lớn nhất tăng trưởng 10% so CK còn ở khu vực nông thôn tăng trưởng 15% so CK. Trong khi đó, tăng trưởng giá trị tiêu thụ sữa ở 2 khu vực này năm 2019 lần lượt là 8% và 15% so CK. Chúng tôi cho rằng động lực thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm sữa trong năm 2020 chủ yếu từ ý thức về sức khỏe của người dân (đặc biệt là dân chúng thành thị) được nâng lên dưới áp lực của đại dịch và các sản phẩm sữa (đặc biệt là sữa chua) có tác dụng củng cố hệ miễn dịch của con người.

Với quan điểm trên, chúng tôi tin rằng sự tăng trưởng khả quan của ngành sữa tại Việt Nam sẽ tiếp tục trong năm 2021, khi đại dịch COVID-19 chưa được kiểm soát triệt để và sẽ vẫn thúc đẩy người tiêu dùng tăng cường sử dụng các sản phẩm sữa có lợi cho sức khỏe.

2020: GTN lợi nhuận thăng hoa dưới sự hậu thuẫn của VNM

GTN hoạt động theo mô hình holdings, chi phối thương hiệu sữa Mộc Châu. GTN tiền thân là CTCP Đầu tư và sản xuất Thống Nhất được thành lập năm 2011 với mô hình là một công ty đầu tư chủ yếu vào lĩnh vực công nghiệp chế biến và khai thác khoáng sản. Năm 2015-2017, GTN thoái toàn bộ các mảng đầu tư ban đầu và tập trung danh mục đầu tư vào các doanh nghiệp nhà nước trong lĩnh vực nông nghiệp được cổ phần hóa. Công ty đã thâu tóm thành công một số doanh nghiệp đáng chú ý, trong đó quan trọng nhất là nắm cổ phần chi phối Công ty Sữa Mộc Châu (Upcom: MCM) (gián tiếp thông qua Tổng công ty Chăn Nuôi Việt Nam). Năm 2019, doanh thu hợp nhất của GTN đạt 2.970 tỷ đồng, trong đó đoanh thu Sữa Mộc Châu đóng góp 86,1%.

GTN kiểm soát 10% nguồn cung sữa tươi toàn quốc thông qua MCM. Cao nguyên Mộc Châu (Độ cao so với mực nước biển 1.050m) nằm trong số ít các khu vực địa lý ở Việt Nam có điều kiện tự nhiên phù hợp với việc nuôi bò sữa với nhiệt độ quanh năm dao động ở 15-20oC và độ ẩm không khí dưới 60%. Nhờ điều kiện thuận lợi này, Cao Nguyên Mộc Châu trở thành nơi có lịch sử chăn nuôi bò sữa lâu đời (60 năm phát triển) và số lượng đàn bò lớn. Không chỉ vậy, sữa bò được sản xuất tại Mộc Châu cũng có chất lượng tốt và ổn định hơn tại các khu vực khác trên cả nước.

Năm 2019, tổng số lượng bò sữa do MCM kiểm soát là 26.500 con với năng suất sữa trung bình của bò do hộ nông dân nuôi là 16.4kg/ngày, cao hơn khoảng 20% so với các khu vực khác trên cả nước. Tổng sản lượng sữa tươi MCM sản xuất năm 2019 là 64,5 nghìn tấn, bằng 6,3% tổng sản lượng sữa tươi của cả nước trong cùng năm. Chúng tôi cho rằng MCM chi phối khoảng 10% sản lượng sữa tươi đầu vào của các nhà máy sữa ở Việt nam do tỉ lệ sữa đạt chất lượng sản xuất thương mại cao hơn so với các khu vực khác.

2020 – Hiệu quả kinh doanh cải thiện dưới sự giám sát của VNM. GTN sở hữu ưu thế về vùng nguyên liệu sữa, tuy nhiên do các mảng kinh doanh ngoài sữa không hiệu quả và hạn chế về vốn, kinh nghiệm marketing cũng như hệ thống phân phối trong mảng kinh doanh sữa dẫn đến tỉ lệ lợi nhuận của GTN trong giai đoạn trước 2020 rất thấp. Cụ thể, năm 2019, biên LNG và LNR của GTN chỉ đạt 15,7% và 0,2%. Trong khi đó, biên LNG và LNR năm 2019 của doanh nghiệp hàng đầu trong ngành sữa là VNM đạt 46,9% và 18,7%.

Cuối năm 2019, VNM hoàn tất thương vụ thâu tóm 75% cổ phần của GTN và tiến hành tái cấu trúc lại hoạt động kinh doanh của GTN cũng như MCM. Nhờ sự hỗ trợ của VNM, kết quả kinh doanh của GTN 9T2020 đã có sự cải thiện vượt bậc với doanh thu từ sản phẩm sữa 9T2020 tăng trưởng 11,9% so với cùng kỳ nhờ sản lượng tiêu thụ tăng 26,5% CK, biên LNG tăng 13,2 điểm phần trăm lên 28,5%. Kết quả, lợi nhuận sau thuế phân bổ cho cổ đông kiểm soát tăng 80,7% lên 103 tỷ đồng. (Lưu ý, giá bán trung bình/kg sản phẩm sữa của GTN trong 9T2020 giảm 11,5% so với cùng kỳ do tỉ lệ sữa tươi bán ra dưới dạng sữa nguyên liệu tăng.)

2021-2023 – Tiếp tục tăng sản lượng và nâng cao hiệu quả kinh doanh sữa. Doanh thu và lợi nhuận của GTN trong giai đoạn 2021-2023 sẽ tiếp tục được cải thiện mạnh mẽ nhờ 3 dự án đang được triển khai dưới đây:

• Hiện đại hóa nhà máy sản xuất sữa và mở rộng công suất dây chuyền sữa hộp 180ml. Hiện tại MCM có 3 máy chiết rót đóng hộp với tổng công suất 39 nghìn hộp/ giờ gồm 2 máy TBA19 (7,500 hộp/giờ) và 1 máy A3 Speed (24,000 hộp/giờ). Nhà máy đang vận hành ở công suất hơn 90%, đồng thời thiếu hụt công suất vào các tháng bán hàng cao điểm. Năm 2021, MCM sẽ thay thế 2 máy TBA19 bằng một máy A3 Speed hiện đại do Tetrapak sản xuất, nâng công suất lên 48 nghìn hộp/giờ. Dự án có tổng vốn đầu tư 130 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành vào quý 2/2021.

• Nâng cấp trang trại bò sữa hiện hữu lên 2000 con. Trong năm 2021, GTN sẽ mở rộng trang trại bò hiện tại (1.600 con) lên mức 2.000 con đồng thời nâng tiêu chuẩn của trang trại này từ VIETGAP lên GLOBALGAP. Đây sẽ là mô hình mẫu để phát triển các trang trại sữa chất lượng cao tại khu vực Mộc Châu trong tương lai.

• Xây dựng trang tại bò sữa chuẩn hữu cơ, quy mô 4.000 con kết hợp du lịch sinh thái. Mô hình trang trại bò sữa hữu cơ kết hợp du lịch sinh thái được VNM phát triển tại khu vực Đà Lạt đã được chứng minh tính hiệu quả. Sản phẩm sữa hữu cơ cung không đủ cầu đồng thời cho biên lợi nhuận cao hơn so với sản phẩm thường. Dự án có tổng mức đầu tư 1.120 tỷ đồng sẽ được vận hành thương mại từ quý 3/2022. Chúng tôi ước tính dự án sẽ bổ sung 16,5 nghìn tấn sữa tươi hữu cơ nguyên liệu cho MCM kể từ năm 2023 (Tương đương 23% sản lượng tiêu thụ năm 2019).

Nguồn: Mirae Asset

×
tvi logo