FPT: Động lực tăng trưởng ở mảng phần mềm, viễn thông
Động lực tăng trưởng ở mảng phần mềm, viễn thông
Cập nhật KQKD 2021- Tăng trưởng tích cực ở tất cả các mảng. Doanh thu thuần ghi nhận 35,657 tỷ VND (+19.5% yoy), đạt 103% kế hoạch năm nhờ sự tăng trưởng tốt ở tất cả các mảng: công nghệ (+23.4% yoy), viễn thông (+11.2% yoy) và giáo dục (+82% yoy). LNST đạt 4,337 tỷ VND (+21% yoy), hoàn thành 102% kế hoạch năm.
Triển vọng kinh doanh 2022: Cơ hội lớn từ nhu cầu chuyển đổi số Chúng tôi ước tính doanh thu FPT đạt 44,994 tỷ VND (+26.2% yoy) và LNST đạt 6.744 tỷ VND (+26,1% yoy) dựa trên cơ sở sau:
✓ Mảng dịch vụ CNTT- kỳ vọng ở chuyển đổi số và xu hướng tăng đầu tư cho công nghệ: Chúng tôi kỳ vọng năm 2022, mảng dịch vụ CNTT sẽ đạt 26,336 tỷ VND (+27% yoy, so với mức 23.4% của năm 2021), khi nhu cầu chuyển đổi số đang trở thành nhu cầu cấp thiết của doanh nghiệp, cùng với đó là sự gia tăng của các gói thầu đầu tư công nghệ, dịch vụ số hóa cho doanh nghiệp.
✓ Mảng viễn thông – giữ mức tăng trưởng ổn định ở mức 18% yoy: Trong năm 2022, chúng tôi kỳ vọng lượng thuê bao đạt 22.1 triệu người dùng (+21% yoy). Tuy nhiên, tỷ lệ doanh thu trung bình (ARPU) chúng tôi kỳ vọng giảm 3% ở mức 7 USD.
✓ Mảng giáo dục – có mức tăng trưởng nhanh nhờ nhu cầu cao về nhân lực ngành CNTT: Dự phóng tổng số sinh viên học sinh của FPT tăng trưởng ở mức 50% yoy, trong đó, khối đại học tăng 70% yoy.
✓ Chi phí SG&A tăng ở mức 19.7% yoy.
Định giá:
Sử dụng phương pháp SoTPs, P/E và P/B với tỷ trọng 60:20:20, chúng tôi ước tính giá mục tiêu cho FPT là 129,000 VND (upside 31.4%) so với giá đóng cửa ngày 28/03/2022 và khuyến nghị mua vào với mục tiêu nắm giữ trong 12 tháng.
1. NGÀNH CÔNG NGHIỆP ICT VIỆT NAM - KỲ VỌNG TIẾP TỤC TĂNG TRƯỞNG MẠNH MẼ NHỜ QUÁ TRÌNH CHUYỂN ĐỔI SỐ
Cuối năm 2021, tổng doanh thu ngành ICT đạt 136 tỷ USD (+9.2% yoy). Trong đó, doanh thu các sản phẩm phần cứng & điện tử đạt 121.2 tỷ USD (+13% yoy), chiếm 89.1%, doanh thu các dịch vụ phần mềm và dịch vụ CNTT năm 2021 ước đạt 13.9 tỷ USD (+7.7% yoy), chiếm 10.3%, còn lại là doanh thu từ nội dung số (chiếm 0.7%).
Xét riêng mảng phần mềm và dịch vụ CNTT, kỳ vọng đạt mức tăng trưởng 12% trong năm 2022 (so với mức CAGR 11.41% trong giai đoạn 2016-2021) nhờ nhu cầu CNTT và dịch vụ phần mềm gia tăng, các công ty tăng cường đầu tư trong mảng công nghệ, thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số để thích ứng với nhu cầu cũng như thay đổi thói quen của người tiêu dùng sau dịch.
Bên cạnh đó, theo như định hướng đến năm 2025 của Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT), ngành công nghiệp CNTT, điện tử viễn thông với tầm nhìn và sứ mệnh mới là dịch chuyển từ gia công, lắp ráp sang làm sản phẩm tại Việt Nam, làm chủ công nghệ, sáng tạo công nghệ với tỷ lệ “Make in Viet Nam” đạt trên 45% (so với mức 24.65% ở hiện tại), dự kiến sẽ thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của toàn ngành thông tin truyền thông trong giai đoạn 2022-2025.
Đối với các dịch vụ viễn thông, trong năm 2021, với ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, người dân phải chuyển sang học tập, làm việc, giải trí trực tuyến nhiều hơn, nhu cầu sử dụng Internet theo đó cũng tăng cao. Tính đến hết năm 2021, Việt Nam có 70.9 triệu thuê bao băng rộng di động (chiếm 57.23% tổng số thuê bao di động, +4% yoy) và 18.8 triệu thuê bao Internet băng rộng cố định (+12.6% yoy).
Năm 2022, Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) cũng đặt ra mục tiêu thực hiện việc phủ sóng mạng băng rộng di động tốc độ trên 1Gb đến các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, 100% người trưởng thành có điện thoại thông minh, 75% hộ gia đình có FTTH (Internet cáp quang) 85% thuê bao băng rộng di động/100 dân, 100% người sử dụng điện thoại di động có tài khoản Mobile Money.
2. CẬP NHẬT KQKD CỦA FPT 2021 – TĂNG TRƯỞNG TÍCH CỰC Ở TẤT CẢ CÁC MẢNG
Năm 2021, doanh thu FPT đạt 35,657 tỷ VND (+19.5% yoy). Trong đó, các mảng chính là công nghệ, viễn thông, giáo dục và đầu tư chiếm lần lượt 58.2%, 33.9% và 8% trong cơ cấu doanh thu của FPT.
Mảng công nghệ có doanh thu đạt 20,736 tỷ VND (+23.4% yoy) nhờ tăng tưởng nhu cầu đầu tư vào mảng công nghệ, thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của các doanh nghiệp để thích ứng với sự thay đổi thói quen của người tiêu dùng sau dịch. Trong đó, doanh thu tại thị trường nước ngoài đạt 14,541 tỷ VND (+21.2% yoy), trong đó, doanh thu tại riêng thị trường Mỹ tăng 52%, đạt 4,369 tỷ VND, chiếm tỷ trọng 30% trong tổng doanh thu dịch vụ CNTT tại thị trường nước ngoài. Doanh thu tại thị trường trong nước đạt 6,196 tỷ VND (+29% yoy).
Mảng viễn thông có mức tăng trưởng chậm hơn +11.2% yoy đạt 12,079 tỷ VND. Đại dịch COVID-19 làm người dân phải chuyển sang học tập và làm việc tại nhà, nhu cầu sử dụng Internet theo đó cũng tăng cao. Năm 2022, lượng người dùng dịch vụ viễn thông băng rộng cố định đạt 18.8 triệu người dùng (+12.6% yoy), tuy nhiên doanh thu trên mỗi người dùng (ARPU) giảm ở mức 6% đạt 7.46 USD/người dùng do cạnh tranh giữa các nhà cung cấp dịch vụ băng rộng cố định. FPT hiện vẫn giữ vững vị trí thứ 3 sau VNPT và Viettel với 12.3% thị phần mảng viễn thông băng thông rộng cố định.
Mảng giáo dục và các mảng khác đạt 2,842 tỷ VND (+82% yoy) nhờ lượng học sinh tăng mạnh, đặc biệt là ở khối đại học với mức 9,900 lên 16,800 (tăng 69.6% yoy).
Mặc dù biên lợi nhuận gộp giảm 1.4% về 38.2% tuy nhiên, tỷ lệ chi phí SG&A/doanh thu được FPT kiểm soát tốt hơn khi giảm từ 24.2% về 23% giúp LNTT tăng 20.4% yoy, đạt 6,337 tỷ VND. Trong đó, biên LNTT của các mảng công nghệ, viễn thông, giáo dục và các mảng khác lần lượt là 11.7%, 17.5% và 63.2%. Theo đó, lợi nhuận cả năm 2021 của FPT đạt 5,349 tỷ VND (+20.9% yoy).
3. TRIỂN VỌNG KINH DOANH NĂM 2022 – CƠ HỘI LỚN TỪ NHU CẦU CHUYỂN ĐỔI SỐ
Kế hoạch của công ty
Trong năm 2022, FPT đặt kế hoạch kinh doanh đạt 42,420 tỷ VND (+24.6% yoy), LNTT đạt 7,618 tỷ VND (+20.2% yoy. FPT có kế hoạch chia cổ tức năm 2021 với tỷ lệ 40%, trong đó 20% bằng tiền (đã chi trả 10%), phần còn lại sẽ được thực hiện trước khi kết thúc quý III/2022.
Trong 2 tháng đầu năm 2022, FPT có kết quả kinh doanh tăng ấn tương với doanh thu và lợi nhuận trước thuế đạt lần lượt là 6,102 tỷ đồng (+27% yoy) và 1,102 tỷ đồng (+30% yoy). Trong đó, doanh thu mảng Công nghệ đạt 3,364 tỷ VND (+30.5% yoy), mảng viễn thông đạt 2,306 tỷ VND (+20.2% yoy), mảng giáo dục, đầu tư và khác đạt 433 tỷ VND (+40.5% yoy). Lợi nhuận sau thuế cho cổ đông công ty mẹ và EPS lần lượt đạt 756 tỷ VND (+35.7% yoy) và 833 tỷ VND (+34.9% yoy).
Nguồn: ORS