Dự thảo sửa đổi Luật Kinh doanh Bảo hiểm

Dự thảo sửa đổi Luật Kinh doanh Bảo hiểm

Lượt xem: 349
  •  

Gần đây, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ dự thảo sửa đổi Luật Kinh doanh Bảo hiểm, dự kiến có hiệu lực từ năm 2023.

Nhìn chung, bản dự thảo luật sửa đổi cho phép các công ty bảo hiểm tự chủ hơn trong hoạt động kinh doanh, trong đó các cơ quan quản lý sẽ không can thiệp quá sâu về mặt kỹ thuật vào hoạt động của các công ty bảo hiểm như trước đây. Thay vào đó, vai trò của cơ quan quản lý sẽ là ưu tiên quản lý giám sát, thúc đẩy tính minh bạch và sự phát triển lành mạnh của thị trường bảo hiểm.

• Theo đó, dự thảo sửa đổi này bổ sung một số điều khoản mới để hướng dẫn cho các công ty bảo hiểm, đồng thời sửa đổi một số quy định trước đây để tránh nhầm lẫn khi áp dụng trong thực tế.

• Điểm đáng chú ý thứ hai là việc đưa ra tỷ lệ an toàn vốn cùng với các yêu cầu khắt khe hơn về việc công bố thông tin. Dự thảo Luật Kinh doanh Bảo hiểm không nêu rõ mô hình quản lý vốn nào sẽ được áp dụng, tuy nhiên, chúng tôi kỳ vọng đó là mô hình quản lý vốn trên cơ sở rủi ro (RBC) và chi tiết sẽ được quy định trong các văn bản dưới luật tiếp theo.

• Cuối cùng, chúng tôi nhận thấy dự thảo này cấm các công ty bảo hiểm tham gia vào hoạt động kinh doanh bất động sản, ngoại trừ việc bất động sản được sử dụng làm trụ sở kinh doanh, địa điểm làm việc của công ty bảo hiểm - cùng với một số ngoại lệ khác (chi tiết như dưới đây).

Chúng tôi cho rằng dự thảo sửa đổi luật này là một bước tích cực cho sự phát triển dài hạn của ngành bảo hiểm. Với những thay đổi đối về mô hình quản lý vốn, có thể sẽ có áp lực tăng vốn tại một số công ty bảo hiểm nhất định. Tuy nhiên, các quy định này có giai đoạn chuyển tiếp 5 năm, tạo một khoảng thời gian đệm giữa khung pháp lý và việc áp dụng trong hoạt động thực tế (2023 – 2027). Do đó, chúng tôi cho rằng điều này sẽ không gây ra những thay đổi đột ngột đối với triển vọng ngắn hạn và trung hạn của ngành.

Chi tiết về một số điểm chính của dự thảo sửa đổi như sau:

Các hướng dẫn mới để hỗ trợ sự thay đổi về vai trò của cơ quan lý và các công ty bảo hiểm

• Điều 7 nêu rõ nguyên tắc cơ bản trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm là doanh nghiệp bảo hiểm có quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Ngoài ra, Điều 96 cũng nêu rõ doanh nghiệp bảo hiểm được chủ động, tự chịu trách nhiệm trong xây dựng, thiết kế và phát triển sản phẩm bảo hiểm. Trong khi đó, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành quy định về khung năng lực, tiêu chuẩn, hướng dẫn việc thực hiện các chức năng: đề xuất mức phí sàn, thẩm định phương pháp định phí bảo hiểm, phương pháp trích lập dự phòng nghiệp vụ, thẩm định các yếu tố trong công thức tính toán vốn trên cơ sở rủi ro và một vài khía cạnh khác (Điều 163). Như vậy, các cơ quan quản lý hiện sẽ giám sát các công ty bảo hiểm về mặt mô hình hơn là đi sâu về kỹ thuật và từng sản phẩm riêng lẻ như trước.

• Các cơ quan quản lý sẽ khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nghiệp nghiên cứu, phát triển công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm (Điều 5). Theo đó, dự thảo luật lần này bổ sung 1 Mục mới bao gồm 4 Điều (từ Điều 121 đến Điều 124) về ứng dụng CNTT trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm, trong đó có danh mục dịch vụ liên quan đến bảo hiểm được thực hiện toàn bộ hoặc một phần qua môi trường mạng. Hướng dẫn chung này và các quy định liên quan tiếp theo sẽ rất cần thiết đặc biệt trong bối cảnh các công ty bảo hiểm công nghệ (Insurtech) đã và đang phát triển mạnh mẽ trong thời gian gần đây.

• Do công ty bảo hiểm có quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm về hoạt động của mình, danh sách các hoạt động bị nghiêm cấm đã được liệt kê tại Điều 10. 5 nguyên tắc giao kết và thực hiện hợp đồng bảo hiểm cũng được quy định tại Điều 13.

• 4 điều khoản mới (Điều 70-73) về trọng tài bảo hiểm cũng được giới thiệu để hỗ trợ việc giải quyết tranh chấp giữa các bên. Tuy nhiên, các điều khoản này còn gây tranh cãi vì các trọng tài thương mại cũng có thẩm quyền giải quyết tranh chấp bảo hiểm theo Luật Trọng tài Thương mại 2010. Do đó, sẽ có một số bất cập trong việc áp dụng, vì cả hai tổ chức trọng tài sẽ có thẩm quyền giải quyết tranh chấp, trong khi các điều kiện thành lập và hoạt động của 2 tổ chức này khác nhau.

Sửa đổi các quy định để tránh nhầm lẫn khi áp dụng

• Dự thảo luật nêu rõ các điều kiện phát sinh trách nhiệm bảo hiểm. Theo đó, hợp đồng bảo hiểm có hiệu lực từ thời điểm giao kết và bên mua bảo hiểm đã đóng đủ phí bảo hiểm theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm.. Trong trường hợp có thoả thuận về việc nợ phí bảo hiểm thì hợp đồng bảo hiểm có hiệu lực từ thời điểm giao kết và doanh nghiệp bảo hiểm có văn bản chấp nhận cho bên mua bảo hiểm nợ phí bảo hiểm (Điều 16).

• Quyền và trách nhiệm của công ty bảo hiểm và bên mua bảo hiểm được quy định chi tiết hơn, bao gồm cả trách nhiệm cung cấp thông tin chính xác của cả 2 bên (Điều 19 và 20).

• Thời hạn nộp hồ sơ yêu cầu trả tiền bảo hiểm hoặc bồi thường được điều chỉnh, từ 1 năm kể từ ngày xảy ra sự kiện được bảo hiểm theo quy định trước đó, thành 2 năm kể từ ngày xảy ra sự kiện được bảo hiểm theo dự thảo luật (Điều 29).

• Thời hạn thanh toán bảo hiểm hoặc bồi thường cũng được quy định rõ (Điều 30). Các công ty bảo hiểm có tối đa 30 ngày để thẩm định yêu cầu bồi thường. Đối với yêu cầu trả tiền bảo hiểm hoặc bồi thường thuộc phạm vi bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm phải trả tiền bảo hiểm hoặc bồi thường trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày hoàn thành việc thẩm định. Phí trả chậm là 1%/tháng. Đối với yêu cầu bồi thường không thuộc phạm vi bảo hiểm, công ty bảo hiểm phải gửi thông báo từ chối trả tiền bảo hiểm hoặc bồi thường cho bên mua bảo hiểm trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày thẩm định xong, kèm theo phần giải thích lý do.

• Đối với bảo hiểm tài sản dưới giá trị (Điều 51), công ty bảo hiểm có trách nhiệm bồi thường theo tỷ lệ giữa số tiền bảo hiểm so với giá trị thị trường của tài sản được bảo hiểm tại ngày xảy ra sự kiện bảo hiểm, thay vì ngày giao kết hợp đồng như quy định trước đây. Tương tự, đối với bảo hiểm tài sản trên giá trị (Điều 50), công ty bảo hiểm chỉ có trách nhiệm bồi thường thiệt hại không vượt quá giá trị thị trường của tài sản được bảo hiểm tại ngày xảy ra sự kiện bảo hiểm.

Yêu cầu vốn hóa đối với công ty bảo hiểm

Dự thảo sửa đổi quy định về khả năng thanh toán và các biện pháp can thiệp khi tỷ lệ an toàn vốn (CAR) giảm xuống một mức nhất định. Dự thảo không nêu rõ mô hình quản lý vốn nào sẽ được áp dụng, tuy nhiên, chúng tôi kỳ vọng đó là mô hình quản lý vốn trên cơ sở rủi ro (RBC) và chi tiết sẽ được quy định trong các văn bản dưới luật tiếp theo.. RBC phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế. Hiện tại, mức vốn yêu cầu được tính toán dựa trên dự phòng kỹ thuật hoặc số tiền bảo hiểm (đối với công ty bảo hiểm nhân thọ) và doanh thu phí bảo hiểm (đối với công ty bảo hiểm phi nhân thọ) - cả hai đều không tính đến các mức độ và loại rủi ro khác nhau. Theo đó, mức vốn yêu cầu được tính trên cơ sở rủi ro sẽ lớn hơn nếu áp dụng RBC. Trong khi đó, một số thay đổi về tổng vốn của doanh nghiệp cũng sẽ xảy ra đối với RBC. Ví dụ, định giá tài sản sẽ được tính theo giá trị thị trường, thay vì giá trị sổ sách. Công ty bảo hiểm đang ghi nhận bất động sản (trụ sở chính, hệ thống chi nhánh...) theo giá trị sổ sách. Trong khi đó, giá trị thị trường của những tài sản này có thể đã thay đổi đáng kể trong vài thập kỷ qua. Do đó, chúng tôi chờ đợi các văn bản dưới luật tiếp theo để đánh giá xem mô hình quản lý vốn mới sẽ có thể tác động như thế nào đến các công ty bảo hiểm.

Tại thời điểm hiện tại, dưới đây là những điểm cần lưu ý:

a. Tỷ lệ an toàn vốn và các mức phân loại (Điều 103)

Những biện pháp cải thiện năng lực tài chính (tăng vốn điều lệ, quản lý chi phí, tạm ngừng chuyển lợi nhuận ra nước ngoài...), cũng như các biện pháp cải thiện hoạt động và quản lý nghiệp vụ được quy định tại Điều 104 - 106. Các biện pháp này phải được thực hiện trong thời gian tối đa là 6 tháng trong trường hợp công ty bảo hiểm tự phát hiện ra và 5 tháng nếu Bộ Tài chính (MoF) phát hiện ra dấu hiệu.

Chi tiết về các biện pháp can thiệp sớm của Bộ Tài chính cũng như các quy định chi tiết về trường hợp đặt doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm vào tình trạng bị kiểm soát được quy định từ Điều 107 đến Điều 114.

b. Công bố thông tin định kỳ (Điều 118 và 157)

Dự thảo sửa đổi yêu cầu sự minh bạch hơn của ngành bảo hiểm. Theo đó, các công ty bảo hiểm phải công bố báo cáo tài chính bán niên và cả năm đã được kiểm toán, cũng như các báo cáo về khả năng thanh toán và quản trị rủi ro doanh nghiệp trên trang điện tử của công ty và trang thông tin của Bộ Tài chính. Báo cáo tài chính, báo cáo đánh giá khả năng thanh toán và báo cáo tách nguồn vốn chủ sở hữu, nguồn phí bảo hiểm đều phải được kiểm toán. Hiện tại, chỉ có một số công ty bảo hiểm công bố biên khả năng thanh toán trong báo cáo tài chính đã được kiểm toán.

Danh sách các lĩnh vực mà công ty bảo hiểm không được phép đầu tư

Dự thảo sửa đổi cung cấp danh sách các lĩnh vực mà các công ty bảo hiểm bị cấm đầu tư. Điều đáng ngạc nhiên là đầu tư vào bất động sản không còn được xếp vào lĩnh vực được phép đầu tư. Chi tiết về các lĩnh vực không được phép đầu tư như sau: a) Không được đi vay để đầu tư chứng khoán, bất động sản hoặc góp vốn vào doanh nghiệp khác, trừ trường hợp vay đối với trụ sở kinh doanh, địa điểm làm việc hoặc kho tàng; b) Đầu tư bất động sản, trừ trường hợp :

• Mua, đầu tư sở hữu bất động sản để sử dụng làm trụ sở kinh doanh, địa điểm làm việc hoặc cơ sở kho tàng phục vụ trực tiếp cho các hoạt động nghiệp vụ của doanh nghiệp bảo hiểm;

• Cho thuê trụ sở kinh doanh chưa sử dụng hết, thuộc sở hữu của doanh nghiệp, chi nhánh;

• Nắm giữ bất động sản do xử lý trái phiếu được bảo đảm bằng bất động sản;

c) Cho vay, trừ trường hợp cho vay theo Luật Tổ chức tín dụng và cho vay ký quỹ đối với các công ty bảo hiểm khác theo hướng dẫn của Chính phủ; d) Đầu tư vào kim loại quý và quỹ thành viên theo quy định của Luật Chứng khoán;

e) Đầu tư tài sản cố định vô hình, trừ trường hợp phục vụ cho hoạt động kinh doanh bảo hiểm của doanh nghiệp;

f) Đầu tư vào các sản phẩm phái sinh, trừ các sản phẩm phái sinh được niêm yết nhằm mục đích phòng ngừa rủi ro phát sinh từ hợp đồng bảo hiểm, hợp đồng tái bảo hiểm.

Nguồn: SSI

×
tvi logo