DPM: Kết quả kinh doanh Q3/2020 vượt kỳ vọng của thị trường
DPM đạt 2 nghìn tỷ đồng doanh thu thuần (+3,3% so với cùng kỳ), lợi nhuận trước thuế tăng vọt lên 224,2 tỷ đồng (+198% so với cùng kỳ), cao hơn nhiều so với ước tính lợi nhuận trước thuế của thị trường là 171 tỷ đồng (+127% so với cùng kỳ). Lũy kế 9 tháng đầu năm 2020, doanh thu thuần và lợi nhuận ròng lần lượt đạt 5,8 nghìn tỷ đồng (+8% so với cùng kỳ) và 717,7 tỷ đồng (+305% so với cùng kỳ), lần lượt hoàn thành 64% và 140% kế hoạch cả năm của công ty.
• Urea: Sản lượng tiêu thụ tăng 13% so với cùng kỳ đạt 217,9 nghìn tấn, do (1) nhu cầu phân bón ổn định hơn do giá gạo tăng, (2) điều kiện thời tiết thuận lợi hơn trong năm nay, (3) cạnh tranh ít hơn từ phân bón nhập khẩu, và (4) xuất khẩu sang Ấn Độ nhiều hơn. Gần đây Ấn Độ đã ngừng nhập khẩu phân bón từ Trung Quốc do căng thẳng chính trị. Giá bán bình quân của ure giảm 12% so với cùng kỳ xuống 6.084 đồng/kg, theo xu hướng giảm của giá dầu thế giới.
• NPK: sản lượng tiêu thụ tăng 140% so với cùng kỳ đạt 25,8 nghìn tấn. Trong Q3/2019, công ty đã thử nghiệm một số công thức NPK để tối ưu hóa phân bón của công ty thay vì tập trung vào việc cải thiện doanh thu – lý giải sản lượng tiêu thụ NPK phục hồi mạnh trong Q3/2020. Giá bán bình quân của NPK giảm 2% so với cùng kỳ còn 8.646 đồng/kg.
Sản lượng tiêu thụ phân bón thương mại giảm 9% so với cùng kỳ đạt 35 nghìn tấn, do công ty ưu tiên bán phân bón tự sản xuất thay vì phân bón thương mại.
Biên lợi nhuận gộp tăng mạnh từ 16,6% trong Q3/2019 lên 22,2% trong Q3/2020 do giá khí đầu vào thấp. Giá khí đầu vào giảm xuống 4,8 USD/mmbtu – giảm 20% so với cùng kỳ và giảm ít hơn mức giảm của giá dầu FO do phí vận chuyển tăng.
Thu nhập tài chính ròng tăng 175% so với cùng kỳ do số dư tiền mặt ròng cao hơn (giá trị tiền mặt trên mỗi cổ phiếu là 7.675 đồng tại thời điểm cuối Q3/2020 so với 5.189 đồng tại thời điểm cuối Q3/2019)
Hệ số SG&A/doanh thu giảm từ 13,1% trong Q3/2019 xuống 12% trong Q3/2020 do cắt giảm chi phí hiệu quả.
DPM vẫn chưa ghi nhận khoản bồi thường bảo hiểm trong Q3/2020 trị giá 173 tỷ đồng do gián đoạn sản xuất và 30 tỷ đồng để thay thế máy móc. Thay vào đó, một phần trong số này được ghi nhận trong Q4/2020 và phần còn lại được ghi nhận trong năm 2021.
Quan điểm đầu tư
Trong năm 2020, chúng tôi ước tính doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế lần lượt đạt 7.955 tỷ đồng (+4% so với cùng kỳ) và 1 nghìn tỷ đồng (+115% so với cùng kỳ, bao gồm 80 tỷ đồng bồi thường bảo hiểm). Trong năm 2021, chúng tôi ước tính doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế lần lượt đạt 8,7 nghìn tỷ đồng (+9% so với cùng kỳ) và 875 tỷ đồng (-13% so với cùng kỳ, bao gồm 122 tỷ đồng bồi thường bảo hiểm), với giả định giá dầu nhiên liệu có thể tăng từ 230 USD/tấn trong năm 2020 lên 280 USD/tấn trong năm 2021. Giá cổ phiếu DPM đã tăng trong thời gian gần đây, vượt giá mục tiêu của chúng tôi là 16.900 đồng/cp. Theo thông tin báo chí, việc thay đổi cơ chế thuế GTGT cho các doanh nghiệp phân bón (từ mức không chịu thuế lên mức thuế GTGT 5%) có thể được thảo luận trong kỳ họp Quốc hội sắp tới. Nếu đề xuất này được phê duyệt, DPM có thể thu hồi phần thuế GTGT ở chi phí đầu vào, điều này có thể là yếu tố hỗ trợ khác cho giá cổ phiếu. Theo báo cáo tài chính giai đoạn 2016-2019, chúng tôi ước tính thuế GTGT trên chi phí đầu vào là 150 – 250 tỷ đồng mỗi năm, ở mức đáng kể so với lợi nhuận trước thuế giai đoạn 2020F/2021F là 976/896 tỷ đồng. Chúng tôi đang xem xét lại ước tính và giá mục tiêu dựa trên kết quả của kỳ họp Quốc hội sắp tới.
(Nguồn: SSI)