DGC –Phốt pho thúc đẩy tăng trưởng
TÓM TẮT ĐẦU TƯ
KQKD 6T.2020 của DGC tăng trưởng khá tốt: Doanh thu đạt 3.096 tỷ đồng (+24,5% yoy, đạt 50,9% KH năm). Biên LNG đạt 22,3% tăng tốt so với năm 2019 (BLNG chỉ đạt 19,8%). Kết quả LNST hợp nhất đạt 469 tỷ đồng (+67,2% yoy, đạt 67% KH năm). Nguyên nhân do: (1) tăng cường xuất khẩu P4 vào thị trường Nhật Bản, HQ, Ấn Độ, cạnh tranh trực tiếp với sản phẩm P4 của Kazakhstan, (2) Tăng cường xuất khẩu phân phức hợp MAP vào Ấn Độ do căng thẳng địa chính trị giữa Ấn – Trung, (3) giá điện giảm 10% trong Quý 2 do Covid 19, (4) giá than Coke giảm
Triển vọng: (1) P4, Acid phosphoric với độ tinh khiết cao dùng cho sản phẩm điện tử đang có nhu cầu rất rất tốt cho các bộ phận chống cháy trong các thiết bị điện tử như chipset, màn hình tinh thể lỏng, dây điện… (2) Căng thẳng địa chính trị giữa Ấn Độ và Trung Quốc sẽ đem đến cơ hội cho các nhà sản xuất WPA hay phân bón (3) Hiệp định EVFTA có hiệu lực từ 01/08/2020 sẽ làm giảm thuế nhập khẩu đối với P4, Acid phosphoric vào EU từ 5,5% về 0% ngay khi có hiệu lực, (4) Khởi công Khai trường 25 từ Q4.2020 sẽ giúp DGC chủ động khoảng 30% - 40% quặng Apatit đầu vào. (5) Nhà máy DGC Nghi Sơn GĐ1 sản xuất NaOH lỏng, ChloraminB… đáp ứng nhu cầu lớn trong nước dự kiến vận hành cuối năm 2021.
Rủi ro: (1) Thuế xuất khẩu Phốt pho có thể gia tăng làm ảnh hưởng lớn tới hoạt động xuất khẩu của DGC, (2) Rủi ro cạnh tranh: tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận không bền vững, (3) Rủi ro về môi trường khiến DGC có thể gián đoạn sản xuất.
Đánh giá: Với chiến lược mở rộng của DGC, chúng tôi dự phóng doanh thu cho năm 2020 đạt 6.090 tỷ đồng (+20% yoy) và LNST đạt 821 tỷ đồng (+44% yoy), theo đó EPS forward 2020 là 5.296 đồng/CP, tương ứng P/E là 6,2 lần. Chúng tôi cho rằng giá trị hợp lý của DGC ở mức 50.100 đồng/cp (43.600 đồng/cp sau chia cổ tức 15% bằng cổ phiếu). Xét đến tình hình kinh doanh tốt và triển vọng ngành khả quan, chúng tôi khuyến nghị MUA đối với cố phiếu DGC cho năm 2020.
RỦI RO ĐẦU TƯ
Thuế xuất khẩu Phốt pho có thể gia tăng làm ảnh hưởng lớn tới hoạt động xuất khẩu của DGC. Hiện nay, sản phẩm P4 đang chiếm tỷ trọng doanh thu cao nhất, lên tới 48% trong 1H.2020. Hiện tại, biểu thuế xuất khẩu của Phốt pho vàng là 5%. Phốt pho vàng là sản phẩm thô, nằm ở đầu chuỗi giá trị, mang giá trị gia tăng thấp. Các dẫn xuất từ phốt pho có thể tạo ra hàng nghìn sản phẩm. Việt Nam là nước khai thác quặng Apatit không lớn (khoảng 3 – 4 triệu tấn/năm) nhưng lại là nước xuất khẩu phốt pho lớn nhất thế giới năm 2019 với hơn 90 nghìn tấn (sản xuất 93 nghìn tấn). Trong khi đó, Trung Quốc là nước khai thác Quặng Apatit lớn nhất thế giới với khoảng 140 triệu tấn/năm nhưng chỉ xuất khẩu 3.000 tấn trong năm 2019 do có chuỗi giá trị sản xuất phốt pho rất hoàn thiện. Phốt pho là sản phẩm quan trọng sản xuất ra phân bón. Tuy nhiên, Việt Nam trong 4 tháng đầu năm lại phải nhập khẩu tới hơn 1 triệu tấn phân bón, chủ yếu từ Trung Quốc (43,7%), Nga, Isarel…
Do đó, để kích thích chế biến sâu khoáng sản, tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm, khả năng mặt hàng này theo chúng tôi đánh giá có thể bị tăng thuế xuất khẩu trong thời gian tới.
Rủi ro cạnh tranh: tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận không bền vững. Việt Nam và Kazakhstan đang là 02 nước xuất khẩu phốt pho vàng lớn nhất thế giới và cạnh tranh trưc tiếp với nhau. Với việc cạnh tranh bằng cách giảm giá sản phẩm sẽ khiến cho biên lợi nhuận bị thu hẹp, làm giảm hiệu quả kinh doanh. Trong 1H.2020, theo công ty chia sẻ, công ty đã giảm giá bán sản phẩm để đẩy các công ty Kazakhstan ra khỏi thị trường Ấn Độ. Theo chúng tôi đánh giá việc này không đem lại sự bền vững trong hoạt động kinh doanh của DGC khiến cho định giá của DGC sẽ không được cao.
Rủi ro môi trường: DGC hoạt động trong ngành khai thác, chế biến khoáng sản nên tạo ra rất nhiều chất thải chứa các kim loại khác nhau gây ô nhiễm môi trường, nếu không xử lý tốt mà gây ảnh hưởng lớn tới môi trường sẽ có thể bị đình chỉ hoạt động kinh doanh, thậm chí bị ngừng kinh doanh. Đây là một rủi ro khá lớn khiến DGC phải quan tâm nhiều hơn tới công tác đảm bảo môi trường tại các mỏ khai thác và nhà máy sản xuất của mình.
QUAN ĐIỂM ĐẦU TƯ
DGC là doanh nghiệp đầu ngành trong sản xuất, chế biến các sản phẩm từ quặng Apatit với chuỗi giá trị hoàn thiện từ khâu khai thác quặng tới sản xuất ra các sản phẩm cuối cùng sử dụng lớn trong công nghệ sản xuất linh kiện điện tử, phân bón, hóa chất, chất tẩy rửa hay phụ gia thức ăn chăn nuôi, thực phẩm… Công ty với công nghệ sản xuất khép kín, có thể sản xuất ra các loại sản phẩm đạt được tiêu chuẩn xuất khẩu đi các nước có yêu cầu cao như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc hay Ấn Độ. Với chiến lược mở rộng của DGC, chúng tôi dự phóng doanh thu cho năm 2020 đạt 6.090 tỷ đồng (+20% yoy) và LNST dành cho cổ đông công ty mẹ đạt 821 tỷ đồng (+44% yoy), theo đó EPS forward 2020 là 5.296 đồng/CP, tương ứng P/E là 6,2 lần. Sử dụng kết hợp hai phương pháp định giá trên, chúng tôi ước tính giá trị hợp lý của DGC ở mức 50.100 đồng/CP cho dài hạn (tương ứng với 43.600 đồng/cp sau khi chia cổ tức bằng cổ phiếu 15%) và mục tiêu ngắn hạn theo phương pháp P/E trong năm 2020 là 46.900 đồng/cp (tương ứng 40.800 đồng/cp sau chia). Xét đến tình hình kinh doanh tốt và triển vọng ngành khả quan, chúng tôi khuyến nghị MUA đối với cố phiếu DGC cho năm 2020.
( Nguồn : VCBS)