DCM: Cập nhật ĐHCĐ và KQKD Q1/2022

DCM: Cập nhật ĐHCĐ và KQKD Q1/2022

Lượt xem: 176
  •  

Chúng tôi đã tham dự ĐHCĐ do DCM tổ chức, tại cuộc họp, công ty đặt kế hoạch LNST rất thận trọng là 513 tỷ đồng (-72% so với cùng kỳ). Theo quan điểm của chúng tôi, giá khí tự nhiên và giá than có thể sẽ không giảm nhiều trong thời gian tới trong năm 2022 do xung đột giữa Nga-Ukraine kéo dài hơn chúng tôi dự kiến ban đầu. Do đó, chúng tôi ước tính LNST năm 2022 tăng 71% so với cùng kỳ đạt 3.275 tỷ đồng với giả định giá bán bình quân của urê cao hơn kế hoạch đặt ra. DCM giao dịch với hệ số P/E 2022 là 6,5x và EV/EBITDA là 2,1x, thấp hơn nhiều so với mức trung bình lịch sử là 12,5x và 3,5x. Bất chấp lợi nhuận kỳ vọng tăng mạnh, giá cổ phiếu DCM giảm cùng với đà giảm của thị trường, đây là cơ hội tích lũy cổ phiếu. Với EV/EBITDA mục tiêu là 3,5x, chúng tôi đưa ra giá mục tiêu 1 năm cho cổ phiếu DCM là 48.900 đồng/cổ phiếu, và khuyến nghị KHẢ QUAN, với ROI là 39% (bao gồm tỷ suất cổ tức 5,5%).

Rủi ro giảm: Chính phủ có thể đưa ra các chính sách can thiệp để giảm giá urê trong nước.

Phân phối lợi nhuận năm 2021: ĐHCĐ đã thông qua việc trích lập 10% lợi nhuận ròng cho quỹ khen thưởng phúc lợi và chia cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 18% trên mệnh giá (tỷ suất cổ tức 4,7%, tỷ lệ chi trả 55%).

Kế hoạch kinh doanh năm 2022 thận trọng: Công ty đặt kế hoạch doanh thu và lợi nhuận ròng lần lượt là 9,1 nghìn tỷ đồng (-10% so với cùng kỳ) và 513 tỷ đồng (-72% so với cùng kỳ), với các giả định như sau:

• Giá bán bình quân urê và sản lượng tiêu thụ lần lượt là 8.100 đồng/kg (-16% so với cùng kỳ) và 770 nghìn tấn (+2% so với cùng kỳ). Giá urê hiện tại là 17.400 đồng/kg (+6% so với đầu năm).

• Giá bán bình quân NPK và sản lượng tiêu thụ lần lượt là 9.800 đồng/kg (-4% so với cùng kỳ) và 80 nghìn tấn (+108% so với cùng kỳ).

• Sản lượng tiêu thụ phân bón thương mại đạt 202 nghìn tấn (+25% so với cùng kỳ).

• Giá dầu Brent ở mức 60 USD/thùng (-14% so với cùng kỳ). Giá dầu Brent hiện tại là 110 USD/thùng (+38% so với đầu năm).

• Cổ tức bằng tiền mặt kế hoạch là 8%/mệnh giá, mặc dù chúng tôi cho rằng cổ tức sẽ có thể cao hơn.

KQKD Q1/2022: Doanh thu thuần tăng 118% so với cùng kỳ đạt 4,1 nghìn tỷ đồng, trong khi lợi nhuận ròng tăng mạnh đạt 1,5 nghìn tỷ đồng (gấp 10 lần so với cùng kỳ). Biên lợi nhuận ròng đạt mức cao kỷ lục là 37%.

• Urê: Giá bán bình quân tăng lên 15.650 đồng/kg (tăng 2,2 lần so với cùng kỳ, +5% so với quý trước). Với mức giá cao như vậy, người nông dân đã hạn chế sử dụng phân bón có nguồn gốc urê, điều này giải thích cho sự sụt giảm sản lượng tiêu thụ trong nước. Chúng tôi ước tính sản lượng tiêu thụ nội địa giảm -37% so với cùng kỳ, trong khi sản lượng xuất khẩu ước tăng 151% so với cùng kỳ. Tổng sản lượng tiêu thụ urê giảm xuống mức 187 nghìn tấn (-14% so với cùng kỳ).

• Phân bón thương mại: Bất chấp giá phân bón tăng, doanh thu phân bón thương mại giảm 60% so với cùng kỳ do không có NPK thương mại và tình trạng thiếu phân bón do xung đột Nga - Ukraine gây ra.

• NPK: Công ty bắt đầu bán NPK trong Q2/2021. Sản lượng tiêu thụ trong Q1/2022 đạt 12 nghìn tấn, tương đương với công suất hoạt động chỉ ở mức 16%. DCM vẫn đang thử nghiệm các công thức NPK khác nhau và không thể tăng công suất hoạt động do thiếu nguyên liệu thô (kali) do tình trạng thiếu phân bón toàn cầu. Giá bán bình quân ở mức 13.400 đồng/kg, thấp hơn mức giá bán bình quân là 14.700 đồng/kg của DPM.

Doanh thu hoạt động tài chính thuần tăng từ 26,6 tỷ đồng trong Q1/2021 lên 49,6 tỷ đồng trong Q1/2022, do số dư tiền ròng tăng cao hơn nhiều. Tính đến Q1/2022, số dư tiền ròng cao hơn 2,4 lần so với Q1/2021 và chiếm 47% tổng tài sản.

Tỷ lệ chi phí bán hàng & quản lý trên doanh thu tăng từ 7,2% trong Q1/2021 lên 10,3% trong Q2/2022 do công ty trích lập dự phòng phát triển khoa học và công nghệ (178 tỷ đồng). 

Triển vọng năm 2022: Các yếu tố quan trọng cần xem xét

Xung đột Nga - Ukraine tiếp tục tác động đến dòng chảy thương mại đối với than và khí đốt tự nhiên. Theo Ngân hàng Thế giới, trong năm 2020, khoảng 33% lượng than xuất khẩu của Nga được bán cho châu Âu. Trong ngắn hạn, lệnh cấm nhập khẩu than của Nga (có hiệu lực từ giữa tháng 8) của Châu Âu có thể sẽ làm tăng giá than đối với các nước nhập khẩu than. Về dài hạn, cần có sự chuyển hướng trong thương mại than. Châu Âu có thể sẽ tìm kiếm nguồn cung cấp than thay thế từ Australia, Indonesia, Nam Phi và Mỹ. Trong khi đó, Trung Quốc và Ấn Độ có khả năng sẽ giảm nhập khẩu than từ các nước nói trên và chuyển sang mua than từ Nga. Châu Âu cũng có kế hoạch giảm 67% sự phụ thuộc vào khí đốt tự nhiên của Nga đến cuối năm 2022. Do đó, Châu Âu sẽ tìm nguồn dầu/khí đốt tự nhiên từ các nguồn khác (Mỹ, Qatar, Ai Cập...), trong khi Trung Quốc và Ấn Độ sẽ tăng nhập khẩu dầu/khí đốt của Nga. Sự thay đổi trong dòng chảy thương mại này sẽ làm tăng khoảng cách vận chuyển đối với các nhà sản xuất urê phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu thô nhập khẩu và tăng giá than đối với tất cả các nước nhập khẩu ít nhất là trong ngắn hạn.

Trung Quốc có thể sẽ khôi phục xuất khẩu urê trong tháng 6/2022. Với giá than tăng cao do thay đổi dòng chảy thương mại than, giá xuất khẩu urê của Trung Quốc có thể sẽ tiếp tục ở mức cao. Trung Quốc chiếm 11% tổng thương mại urê toàn cầu trong năm 2019.

Các công ty sản xuất urê ở Việt Nam vẫn có biên lợi nhuận thuận lợi trong năm 2022. Mặc dù nhu cầu urê trong nước yếu do giá cao, các công ty sản xuất urê trong nước có thể xuất khẩu urê ra nước ngoài. Bộ Tài chính mới đây đã đề xuất mức thuế xuất khẩu 5% đối với urê xuất khẩu nhằm duy trì đủ nguồn cung cho tiêu dùng trong nước. Tuy nhiên, mức này không đủ cao để ngăn cản xuất khẩu urê.

Ước tính lợi nhuận năm 2022

Ước tính lợi nhuận năm 2022 của chúng tôi dựa trên các giả định sau:

• Urê: Chúng tôi ước tính giá bán bình quân của urê là 14.000 đồng/kg (+45% so với cùng kỳ) và sản lượng tiêu thụ urê là 770 nghìn tấn (+2% so với cùng kỳ). Giá bán bình quân của urê dự kiến sẽ đạt đỉnh vào tháng 5/2022 và giảm dần sau đó do Trung Quốc bắt đầu xuất khẩu trở lại.

• Phân bón thương mại: Chúng tôi ước tính mảng này sẽ tạo ra 1,8 nghìn tỷ đồng doanh thu (+6% so với cùng kỳ). Mặc dù thiếu hụt mảng thương mại NPK, DCM vẫn đặt mục tiêu bổ sung phân bón hữu cơ vào danh mục sản phẩm của mình.

• NPK: Chúng tôi giả định giá bán bình quân NPK và sản lượng tiêu thụ lần lượt là 12.000 đồng/kg (+18% so với cùng kỳ) và 65 nghìn tấn (+69% so với cùng kỳ, thấp hơn so với kế hoạch của công ty là 80 nghìn tấn). Do tình trạng thiếu phân bón toàn cầu như hiện nay, DCM có thể gặp khó khăn trong việc nhập khẩu kali để sản xuất NPK.

• Dầu: Giá dầu Brent và dầu thô giả định lần lượt ở mức 95 USD/thùng và 510 USD/tấn. Do đó, chi phí khí đầu vào trong năm 2022 dự kiến là 8,25 USD/mmbtu (+22% so với cùng kỳ).

Với tình hình hiện tại, tăng trưởng lợi nhuận so với cùng kỳ của DCM dự kiến sẽ duy trì ở mức cao trong 3 quý đầu năm 2022, trong đó quý 1 sẽ ghi nhận mức cao nhất.

Nguồn: SSI

×
tvi logo