CTG: Trích lập dự phòng mạnh khiến LNTT giảm trong Q4/2021
Kết quả kinh doanh Q4/2021 của CTG phù hợp với kỳ vọng trước đó của chúng tôi, với lợi nhuận đạt 3,7 nghìn tỷ đồng (-45,3% so với cùng kỳ) chủ yếu là do khoản trích lập dự phòng tăng 6 lần lên 4,4 nghìn tỷ đồng. Lũy kế cả năm 2021, LNTT đạt 17,6 nghìn tỷ (+3% so với cùng kỳ), đạt 99,5% ước tính của chúng tôi. Mặc dù ghi nhận mức tăng trưởng thấp trong năm 2021, chúng tôi nhận thấy ngân hàng đã tích cực thúc đẩy trích lập dự phòng và điều này có thể sẽ tạo dư địa cải thiện đáng kể lợi nhuận trong năm 2022. Hiện tại chúng tôi đưa ra khuyến nghị KHẢ QUAN đối với cổ phiếu CTG và ước tính lợi nhuận năm 2022 đạt 21,5 nghìn tỷ đồng (+22% so với cùng kỳ). Chúng tôi sẽ đưa ra đánh giá toàn diện về ngân hàng sau Cuộc họp với chuyên viên phân tích trong thời gian tới.
Cho vay bán lẻ tăng trưởng mạnh mẽ hỗ trợ NIM trong Q4/2021. Mặc dù tỷ lệ LDR thuần giảm 252 bps, NIM cải thiện nhẹ so với quý trước lên 2,89% nhờ lợi suất cho vay trung bình cao hơn (+13 bps lên 6,97%) và lãi suất huy động trung bình thấp hơn (-13,5 bps xuống 3,55%).
• Tăng trưởng tín dụng trong kỳ tương đối ổn định, đạt 4,2% so với quý trước (hay +11,4% so với cùng kỳ). Tăng trưởng tín dụng tại VCB và BID lần lượt là 3,1% và 1,8% so với quý trước. Dư nợ tín dụng tăng ròng khoảng +46 nghìn tỷ đồng tại CTG chủ yếu đến từ cho vay bán lẻ (+31 nghìn tỷ đồng) và SMEs (+11 nghìn tỷ đồng). Chúng tôi cho rằng tỷ trọng các khoản cho vay cá nhân trên tổng dư nợ ở mức cao hơn (35,2% so với 33,8% vào cuối quý 3) là lý do chính khiến lãi suất cho vay bình quân nhích nhẹ trong Q4 vì hầu hết các gói hỗ trợ lãi suất đối với khách hàng chịu ảnh hưởng bởi Covid vẫn được áp dụng trong Q4/2021.
• CASA cải thiện nhẹ. Mức độ cải thiện CASA tại CTG không được như chúng tôi kỳ vọng với tỷ lệ CASA vào cuối năm 2021 là 20,1% (so với 19,3% vào cuối Q3/2021 và 19,6% vào cuối năm 2020). Trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt về CASA giữa các ngân hàng như hiện nay, chúng tôi đã kỳ vọng CTG có thể có những cách tiếp cận mạnh mẽ và sáng tạo hơn để tận dụng tốt lợi thế rất lớn của mình là sở hữu một trong những cơ sở khách hàng lớn nhất toàn hệ thống.
So với cùng kỳ, NIM giảm -39 bps từ mức cao trong Q4/2020. Điều này dẫn đến tăng trưởng thu nhập lãi ròng (NII) đi ngang (+1%) trong Q4/2021.
Ngoại trừ khoản thu từ nợ xấu đã xóa, tất cả các khoản ngoài thu nhập ròng ngoài lãi (non-NII) khác đều yếu. Tăng trưởng thu nhập từ phí dịch vụ, kinh doanh ngoại hối và kinh doanh trái phiếu lần lượt là +3%, -6% và -3% so với cùng kỳ trong Q4/2021. Trong khi đó, các khoản thu từ nợ xấu đã xóa là 1,3 nghìn tỷ đồng (+142% so với cùng kỳ).
Phần lớn chi phí trích lập dự phòng tăng có thể đến từ các khoản vay tái cơ cấu. Trong kỳ, CTG chỉ xoá 67 tỷ đồng nợ xấu và nợ xấu giảm 3,8 nghìn tỷ đồng. Nợ Nhóm 2 tăng 7 nghìn tỷ đồng. Với biến động của các khoản nợ quá hạn, ngân hàng đã trích lập thêm 4,4 tỷ đồng dự phòng rủi ro trong kỳ. Tuy nhiên, nếu chúng tôi giả định rằng giá trị tài sản đảm bảo bằng 0 đối với các khoản nợ Nhóm 2, thì chi phí dự phòng bổ sung sẽ chỉ là gần 1,4 nghìn tỷ đồng, chưa kể là khi nợ xấu giảm thì sẽ có thể có hoàn nhập dự phòng.
Nếu chúng tôi áp dụng cùng một giả định là giá trị tài sản đảm bảo bằng 0 cho tất cả các nhóm nợ trong năm 2021, thì số dư dự phòng cụ thể sẽ là khoảng 8,2 nghìn tỷ đồng. Trong khi đó, số dư dự phòng cụ thể thực tế tại thời điểm cuối năm là 17,4 nghìn tỷ đồng. Do đó, chúng tôi cho rằng phần lớn chi phí trích lập dự phòng trong Q4/2021 là dành cho các khoản vay tái cơ cấu và ngân hàng có thể đã trích lập ít nhất 9 nghìn tỷ đồng cho các khoản vay tái cơ cấu trong toàn bộ năm 2021. Nếu đúng như vậy, áp lực dự phòng của ngân hàng có thể sẽ giảm trong năm 2022 giúp cải thiện các chỉ tiêu lợi nhuận.
Nguồn: SSI