CSV: Lợi Nhuận Bùng Nổ Cuối Năm

CSV: Lợi Nhuận Bùng Nổ Cuối Năm

Lượt xem: 898
  •  

 Giá xút tăng mạnh từ đáy – Tăng trưởng lợi nhuận ở phía trước

Với chính sách cắt giảm sản lượng xuất khẩu các ngành công nghiệp tiêu tốn nhiều năng lượng và tác động môi trường như hiện tại. VCBS đánh giá, đây sẽ là yếu tố tác động tích cực đến giá sản phẩm xút trong khu vực trong thời gian tới. Cũng sẽ là động lực tăng trưởng chính cho CSV.

Theo cập nhật mới nhất, giá xút đặc quy về 100% nhập khẩu từ Trung Quốc cuối tháng 10 vào việt Nam hiện tại đã đạt 890 USD/tấn – cao hơn 2.54 lần so với mức giá trung bình trong nước là 350 USD/tấn.

 Công suất tăng 10% nhờ đầu tư bình điện phân mới công nghệ BM2.7

Tính đến cuối Q3.2021, CSV đã hoàn thành đầu tư mới và đưa vào vận hành hệ thống chỉnh lưu 20KA/520VDC. Đây là tiền đề để CSV lắp đặt thêm bình điện phân mới công nghệ BM2.7 với công suất tăng thêm là 10,000 tấn/năm – tương đương 25/% công suất hiện tại của CSV.

 Khuyến Nghị

Giá cổ phiếu CSV đã trải qua một giai đoạn tăng trưởng rất tốt nhờ kỳ vọng của thị trường khi giá xút nội địa tăng mạnh lên mức 450-500 USD/tấn trong Q3.2021. Tuy nhiên, ảnh hưởng của dịch COVID – 19 trong Q3 đã tác động mạnh mẽ đến sản lượng bán hàng của doanh nghiệp, điều này là rất rõ ràng vì VCBS đã phân tích các sản phẩm của CSV gắn liền với các chỉ tiêu sản xuất công nghiệp nội địa. Do đó, kết quả kinh doanh của CSV thể hiện sự sụt giảm so với kỳ vọng của thị trường dẫn đến giá cổ phiếu sụt giảm mạnh từ đỉnh trong khi diễn biến giá xút trên thị trường vẫn tiếp tục tăng tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của CSV trong Q4.2021.

VCBS cũng nhận thấy CSV đã ghi nhận hầu hết các loại chi phí có thể trích trước vào KQKD Q3.2021 của doanh nghiệp như chi phí tiền điện, vận chuyển, thuê tài sản và truy thu tiền thuê đất… Với tổng giá trị là gần 14 tỷ.

Do đó, VCBS đưa ra khuyến nghị MUA cổ phiếu CSV với mức giá mục tiêu 70,000 VNĐ/cp – tương đương mức sinh lời 45%.

PHÂN TÍCH NĂNG LỰC QUẢN TRỊ

Quá trình tăng vốn

Năm 2014, sau khi thực hiện tăng vốn điều lệ từ 245 tỷ lên 442 tỷ đề quyết toán các khoản chênh lệch đánh giá lại tài sản sau cổ phần hóa. Cho đến nay, CSV chưa thực hiện tăng vốn trở lại. Tổng vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp trong giai đoạn 5 năm từ 2015 – 2019 tăng trưởng với CAGR đạt 13%. Trong đó, hầu hết tăng trưởng vốn chủ sở hữu đến từ sự phình to của quỹ đầu tư phát triển.

Tỷ lệ cổ tức tiền mặt giảm cùng với tỷ lệ lợi nhuận giữ lại gia tăng từ năm 2018 cũng đã cho thấy điều đó. VCBS nhận thấy hiệu quả kinh tế của việc sử dụng quỹ đầu tư phát triển này đối với CSV trong tương lai sẽ là yếu tố quyết định đến giá trị doanh nghiệp.

Bộ máy quản trị + Cơ cấu sở hữu

Tập đoàn hóa chất Việt Nam – Vinachem đang là cổ đông sở hữu và nắm mọi quyền chi phối tại CSV. Ngoài ra còn có các quỹ đầu tư tài chính như Americal LLC, Vietnam Investment Limited.. Mặc dù nhóm cổ đông lớn nước ngoài nắm giữ hơn 15% vốn cổ phần nhưng hội đồng quản trị của CSV không có thành viên đại diện cho nhóm cổ đông này. Điều này cho thấy mọi định hướng chiến lược của CSV sẽ phụ thuộc toàn bộ vào mục tiêu của công ty mẹ là tập đoàn Vinachem.

Thời gian gần đây, Americal LLC cũng đang thoái hầu như toàn bộ số lượng cổ phiếu nắm giữ tại CSV. Đây là yếu tố tác động tiêu cực mà các NĐT cá nhân cần theo dõi.

Đánh giá bộ máy quản trị doanh nghiệp hiện tại, hầu hết các thành viên trong ban lãnh đạo đều đã làm việc và gắn bó lâu dài cùng công ty với độ tuổi trung bình > 55 tuổi. Thu nhập trung bình của người lao động liên tục tăng qua các năm với CAGR hơn 11%. Tuy nhiên tổng chi phí quản lý doanh nghiệp không tăng quá nhanh do số lượng người lao động của doanh nghiệp cũng sụt giảm mạnh. Với chính sách lương tăng nhanh cùng với xu hướng số lượng lao động bình quan giảm như CSV sẽ đồng thời tác động đến hoạt động của doanh nghiệp ở cả hai chiều. Về cơ bản, khi thu nhập tăng lên công ty sẽ giữ chân nhân sự chất lượng cao, tuy nhiên thước đo thành công của chích sách này là doanh thu và lợi nhuận của công ty cũng phải gia tăng tương ứng. Tuy nhiên doanh thu và lợi nhuận mà CSV đạt được lại không tăng trưởng nhanh như vậy. VCBS đánh giá chính sách hiện tại sẽ để đây CSV vào tình trạng nhân sự lâu năm tăng cao thay vì mang tính kế thừa, bằng chứng là độ tuổi trung bình của ban quản lý của doanh nghiệp đều ở mức cao.

VCBS đánh giá với chính sách tiền lương và cơ cấu nhân sự ban lãnh đạo như trên, CSV sẽ khó có sự bức phá trong hoạt động kinh doanh.Tuy nhiên, VCBS kỳ vọng sau năm 2021, với sự dẫn dắt của TGĐ mới mà VCBS đánh giá là đủ trẻ và đủ kinh nghiệm có thể giúp CSV có chiến lược kinh doanh đột phát hơn đặc biệt trong giai đoạn công ty gia tăng lợi nhuận giữ lại để tài trợ cho hoạt động tái đầu tư.

ĐẶC ĐIỂM HOẠT ĐỘNG

Lĩnh vực hoạt động và các nhóm sản phẩm chính

CSV đang sở hữu 3 nhà máy hóa chất cơ bản và một công ty con sản xuất phốt pho tại Lào Cai. Trong đó, dòng sản phẩm hóa chất cơ bản chính mà CSV sản xuất bao gồm: Gốc Na+; Gốc Cl-; Gốc SO4-; Gốc PO4-. Trong đó, sản phẩm xút, axit clohidric (HCl) và axit sunfuric (H2SO4), phốt pho vàng (P4) là những sản phẩm chính của CSV.

Ứng dụng của các sản phẩm hóa chất cơ bản mà CSV kinh doanh là rất đa dạng, chủ yếu là nguyên liệu để sản xuất công nghiệp và sản phẩm dân dụng khác như chất tẩy rửa, dệt nhuộm, phân bón và xử lý nước… Đây hầu hết là các sản phẩm thiết yếu và có mối tương quan mật thiết với tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam.

Cơ cấu đầu vào

Muối công nghiệp, lưu huỳnh và điện là ba nguyên nhiên vật liệu chính cấu thành trong chi phí sản xuất hóa chất công nghiệp của CSV.

 Muối Công nghiệp

Việt Nam là quốc gia có điều kiện thuận lợi để phát triển ngành sản xuất muối đặc biệt là khu vực Nam Trung Bộ và Nam Bộ. Do đó, năng lực sản xuất trong nước lớn dẫn đến tình trạng cung vượt cầu thường xuyên xảy ra. Muối bao gồm 2 loại là muối ăn và muối công nghiệp. Mặc dù muối sản xuất tại Việt Nam có độ mặn cao, tuy nhiên, muối sản xuất thủ công của Việt Nam hiện chỉ có hàm lượng đạt khoảng 92%, lại chứa nhiều tạp chất… nên những loại muối này chưa đảm bảo tiêu chuẩn là muối công nghiệp.

Do đó, hằng năm các đơn vị sản xuất xút – clo như CSV phụ thuộc vào hạn ngạch muối nhập khẩu của chính phủ. Trong năm 2020, hạn ngạch muối nhập khẩu mà CSV được cấp là 20,000 tấn trên tổng số 110,000 tấn cả nước. VCBS ước tính sản lượng muối công nghiệp cần thiết cho 40,000 tấn xút công suất thiết kế của CSV là hơn 60,000 tấn. Do đó, CSV phải mua thêm muối công nghiệp ngoài hạn ngạch với mức thuế suất 50% nếu công ty gia tăng công suất trong tương lai hoặc chính phủ hạ thấp hạn ngạch.

 Lưu huỳnh

Lưu huỳnh là nguyên liệu 100% được nhập khẩu hoàn toàn từ nước ngoài. Trung Quốc, Mỹ, Canada và Nga là những quốc gia sản xuất lưu huỳnh hàng đầu trên thế giới. Trong đó, Trung Quốc vừa là nhà sản xuất vừa là nhà tiêu thụ lớn nhất thế giới. Do đó diễn biến giá lưu huỳnh phụ thuộc rất nhiều vào tình hình thị trường Trung Quốc.

Lưu huỳnh tại Trung Quốc được chủ yếu sử dụng trong quá trình sản xuất phân lân trộn. Khi tình hình sản xuất và chế biến nông sản gặp bất lợi sẽ ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ phân bón – gián tiếp ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ lưu huỳnh. Trong1H.2021 giá các sản phẩm phân bón tăng mạnh, đặc biệt là các sản phẩm phân DAP có nguyên liệu từ lưu huỳnh và ammonia. Giá phân DAP bị biến động mạnh do Mỹ áp thuế chống trợ cấp lên các sản phẩm của Morocco và Nga làm ảnh hưởng đến giá phân DAP toàn cầu.

Nguồn: VCBS 

×
tvi logo