BMP: Lợi nhuận có thể phục hồi mạnh trong 2022, nhờ sản lượng tiêu thụ và biên lợi nhuận hồi phục
Chúng tôi nâng khuyến nghị đối với BMP từ Trung lập lên Khả quan, với giá mục tiêu 1 năm là 67.000 đồng/cp (trước đây là 52.700 đồng/cp). Với triển vọng lợi nhuận cải thiện trong 2022, chúng tôi điều chỉnh tăng 27% ước tính lợi nhuận ròng lên 439 tỷ đồng (+105% YoY) do sản lượng tiêu thụ hồi phục 15% và giá bán trung bình tăng 9%. Hoạt động kinh doanh hồi phục trong Q4/2021 với lợi nhuận ròng đạt 114 tỷ đồng, tăng đáng kể từ mức lỗ 26 tỷ đồng trong Q3/2021 do giá bán tăng và giá đầu vào điều chỉnh từ tháng 12 đến tháng 1.
Gần đây chúng tôi đã tham dự cuộc họp của BMP với những ý chính như sau:
Lợi nhuận ròng của BMP trong Q4/2021 đạt 114 tỷ đồng, tăng 3,2% so với cùng kỳ và phục hồi từ mức lỗ 26 tỷ đồng trong Q3/2021 do khu vực miền Nam mở cửa trở lại trong Q4 và giá bán tăng. Sản lượng tiêu thụ trong quý đạt 26 nghìn tấn, giảm -11% YoY nhưng tăng 114% QoQ. Công ty cũng tăng giá bán trung bình lên 54,5 triệu đồng/ tấn, +23% YoY và +14% QoQ do giá đầu vào tăng.
Biên lợi nhuận gộp cũng cải thiện lên 19,9% sau khi chạm đáy 4,5% trong Q3/2021, nhưng thấp hơn mức 22,4% trong Q4/2020 do chi phí nguyên liệu cao, do giá hạt nhựa PVC trung bình tăng hơn 50% YoY trong quý.
Lũy kế cả năm 2021, doanh thu và lợi nhuận ròng của BMP giảm -2,8% và -59% YoY ở mức 4,6 nghìn tỷ đồng và 214 tỷ đồng – hoàn thành 88% và 41% kế hoạch của công ty.
Kế hoạch kinh doanh sơ bộ năm 2022: Năm 2022, công ty đặt mục tiêu doanh thu 5,6 nghìn tỷ đồng (+ 23% YoY), dựa trên tăng trưởng sản lượng tiêu thụ 10%. LNTT ước tính đạt 560 tỷ đồng - tăng 109% YoY.
Capex 2022 ước tính khoảng 100 tỷ đồng, chủ yếu cho việc tự động hóa nhà máy Long An. Ban lãnh đạo cho rằng việc tự động hóa sẽ giảm chi phí sản xuất sau một năm vận hành. Năm 2021, công ty đã cắt giảm chi phí sản xuất xuống còn 31 tỷ đồng nhờ nhiều biện pháp trong đó có việc tự động hóa tại nhà máy Bình Dương.
Ngoài ra, công ty không có kế hoạch mở rộng công suất đáng kể, do công suất hoạt động năm 2022 ở mức vừa phải khoảng 70%. Về dài hạn, ban lãnh đạo đặt mục tiêu sản lượng tiêu thụ tăng trung bình 8 - 10% trong 5 năm tới và giữ vững vị thế hàng đầu tại Việt Nam.
KQKD sơ bộ tháng 1/2022: Ban lãnh đạo cho biết trong tháng 1/2022 BMP đạt 6.654 tấn sản lượng tiêu thụ, 342 tỷ đồng doanh thu và 29 tỷ đồng lợi nhuận ròng. Doanh thu và lợi nhuận ròng lần lượt giảm -9% và -17% YoY do Tết Nguyên Đán (Tết Nguyên Đán năm 2021 vào tháng 2). Mặc dù vậy, biên lợi nhuận ròng tháng 1 là 8,5% cải thiện so với mức 8,1% trong Q4/2021 và 4,7% trong 2021 do giá bán tăng và giá đầu vào điều chỉnh từ tháng 12 đến tháng 1. Ban lãnh đạo cho biết nhu cầu đang có dấu hiệu phục hồi sau Tết Nguyên Đán.
Ước tính lợi nhuận
Cho năm 2022, chúng tôi ước tính sản lượng tiêu thụ tăng 15% lên 107 nghìn tấn so với mức thấp năm 2021. Biên lợi nhuận gộp ước tính cải thiện từ 15,3% năm 2021 lên 21,3% năm 2022 do công suất tăng và giá bán trung bình tăng 9%.
Sau khi đạt đỉnh 1.850 USD/ tấn vào tháng 10, giá PVC đã điều chỉnh 27% xuống 1.350 USD/ tấn. Mặc dù giá PVC có thể tăng trong ngắn hạn do giá dầu tăng gần đây, diễn biến giá trong năm 2022 ước tính biến động ít hơn năm 2021. Công ty cũng đã tăng dự trữ hàng tồn kho giá thấp từ cuối 2021 đến đầu 2022. Do đó, chúng tôi giả định giá hạt nhựa năm 2022 sẽ tăng trung bình 3% YoY.
Chúng tôi ước tính doanh thu thuần của BMP đạt 5,7 nghìn tỷ đồng (+12% YoY) trong 2022, trong khi lợi nhuận ròng tăng gấp đôi lên 439 tỷ đồng (+105% YoY). Tỷ lệ lợi nhuận trên mỗi tấn sản phẩm là 4,1 triệu đồng/ tấn, gần bằng mức trung bình 5 năm qua.
Định giá và Quan điểm đầu tư
BMP đang giao dịch tại PE 2022 là 11,5x. Chúng tôi nâng khuyến nghị đối với BMP từ Trung lập lên Khả quan, với giá mục tiêu 1 năm là 67.000 đồng/cp dựa trên PE dự phóng không đổi là 12,5x. Rủi ro chính đối với khuyến nghị của chúng tôi là giá đầu vào tăng cao hơn ước tính.
Nguồn: SSI