BID: Quý 3 có thể là vùng đáy lợi nhuận trong 2021

BID: Quý 3 có thể là vùng đáy lợi nhuận trong 2021

Lượt xem: 193
  •  

Chúng tôi duy trì khuyến nghị TRUNG LẬP đối với BID, mặc dù nâng giá mục tiêu 1 năm lên 50.000 đồng/cp (từ 48.000 đồng/cp). KQKD Q3/2021 vượt ước tính của chúng tôi xét về tăng trưởng tín dụng, khả năng duy trì NIM ổn định (2,97%) và chất lượng tài sản. Ngân hàng đã xóa 5,4 nghìn tỷ đồng nợ xấu trong Q3/2021 và trích lập thêm 7,5 nghìn tỷ đồng chi phí dự phòng. Điều này khiến lợi nhuận trước thuế giảm 1% so với cùng kỳ còn 2,7 nghìn tỷ đồng nhưng các chỉ tiêu về chất lượng tài sản khá ổn định. Lũy kế 9T2021, lợi nhuận trước thuế của BID đạt 10,7 nghìn tỷ đồng (+52% so với cùng kỳ), hoàn thành 79% ước tính của chúng tôi.

Do dư nợ tái cơ cấu tăng gấp đôi trong Q3/2021, chúng tôi nhận thấy vẫn còn một số áp lực về chi phí tín dụng trong tương lai có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận ròng. Chúng tôi duy trì ước tính LNTT 2021 và 2022 là 13,5 nghìn tỷ đồng (+50% YoY) và 15,5 nghìn tỷ đồng (+14% YoY).

Yếu tố tăng đối với khuyến nghị của chúng tôi là nợ tái cơ cấu phục hồi tốt hơn ước tính, cũng như thương vụ phát hành riêng lẻ tăng 8,5% vốn điều lệ có tiến triển rõ rệt hơn. Với Bộ đệm vốn cải thiện có thể giúp ngân hàng tăng trưởng tốt hơn. Chúng tôi cũng kỳ vọng ngân hàng sẽ có thông tin về cổ tức cổ phiếu trong tháng 12. Rủi ro giảm đối với khuyến nghị của chúng tôi là tình hình kinh tế vĩ mô suy yếu.

Tổng quan Q3/2021

Tín dụng và huy động đều tăng trưởng khá. Trong Q3/2021, BID đã phát hành 7,4 nghìn tỷ đồng (+19,5% QoQ) trái phiếu cấp 2 để củng cố bộ đệm vốn. Giấy tờ có giá và tiền gửi từ khách hàng tăng thêm 9,6 nghìn tỷ đồng (+16,7% QoQ) và 16 nghìn tỷ đồng (+1,2% QoQ). Nguồn vốn này được sử dụng để cho vay khách hàng (+2,1% QoQ hay +27 nghìn tỷ đồng) và gửi tiền tại NHNN (+26,7 nghìn tỷ đồng) do thanh khoản vẫn dồi dào. Trong khi đó, ngân hàng giảm cho vay liên ngân hàng trong kỳ, với số dư giảm -11 nghìn tỷ đồng.

So với quý trước, tăng trưởng tín dụng của BID (+2,1%) cao hơn VCB (1,6%) và CTG (0,8%). Cụ thể, cho vay khách hàng cá nhân, SME và khách hàng doanh nghiệp lớn tăng lần lượt +14,8%, +9,8% và +2,7% so với đầu năm. Do đó, cơ cấu cho vay đã điều chỉnh đáng kể so với Q2/2021 và tỷ lệ cho vay bán lẻ trên tổng dư nợ tăng lên hơn 38% (so với 36% vào cuối năm 2020). Xét về tăng trưởng dư nợ theo ngành, ngành chế biến chế tạo, thương mại và dịch vụ là những động lực tăng trưởng chính. NIM đạt gần 3%, vượt qua mức NIM theo quý của CTG. Xu hướng NIM tại BID tương tự như các ngân hàng khác, tăng 40 bps so với cùng kỳ, nhưng giảm 31 bps so với quý trước.

NIM cải thiện so với cùng kỳ do chi phí vốn (- 109 bps YoY) giảm nhiều hơn so với lợi suất tài sản sinh lời (-62bps YoY). Trong khi đó, NIM giảm so với quý trước do thoái lãi dự thu liên quan đến nợ tái cơ cấu (1,8 nghìn tỷ đồng), và giảm lãi cho khách hàng chịu ảnh hưởng từ Covid-19 (1,9 nghìn tỷ đồng). Một nguyên nhân khác cũng khiến NIM giảm là do thanh khoản dồi dào, với tiền gửi tại NHNN lớn. Tuy nhiên, khi so sánh với CTG – ngân hàng có cơ cấu cho vay và huy động tương tự, chúng tôi nhận thấy NIM Q3/2021 của BID vượt CTG. BID thường có NIM thấp nhất trong số 3 ngân hàng TMCP quốc doanh, nhưng NIM lại tăng vào cuối 2020 do lãi suất huy động giảm 200-290 bps và xu hướng nợ xấu giảm. Trong khi đó, CTG có tăng trưởng tín dụng thấp hơn và nợ quá hạn tăng trong Q2/2021 khiến lợi suất tài sản trung bình giảm, ảnh hưởng đến NIM.

Theo đó, thu nhập lãi thuần của BID tăng mạnh 33% so với cùng kỳ, đạt 12,2 nghìn tỷ đồng trong Q3/2021.

Ngoại trừ thu nhập từ hoạt động dịch vụ (NFI), tất cả thu nhập ngoài lãi khác đều mờ nhạt. Trong Q3/2021, tăng trưởng thu nhập từ hoạt động dịch vụ của BID đạt 17% YoY. Các khoản thu dịch vụ bao gồm: tài trợ thương mại (25% tổng NFI); thanh toán (23%); ngân hàng số (21%); dịch vụ thẻ (7%); và khoản khác (24%). Lũy kế 9T2021, tài trợ thương mại (+32% YoY) và ngân hàng số (+45% YoY) là động lực tăng trưởng chính giúp thu nhập từ hoạt động dịch vụ tăng 30% YoY. Do mảng ngân hàng số duy trì tăng trưởng ấn tượng, chúng tôi nhận thấy CASA của BID dần cải thiện lên 18,5% trong Q3/2021 (so với 18% vào cuối năm 2020). Tuy nhiên, mức độ cải thiện CASA của BID tương đối chậm nếu so với CTG. Nhờ thu nhập hoạt động mạnh mẽ, BID đã trích một phần chi phí nhân viên, khiến CIR tăng lên 33% từ mức 24% trong Q2/2021. Điều này có thể khiến CIR trong Q4/2021 thấp hơn một chút so với CIR bình quan của Q4 trong vòng 5 năm qua (2016-2020) là 45,7%.

Mặc dù các chỉ tiêu về chất lượng tài sản ổn định, nợ tái cơ cấu cần được theo dõi thêm. Trong Q3/2021, BID đã xóa 5,4 nghìn tỷ đồng nợ xấu (0,4% tổng dư nợ cho vay vào cuối Q2/2021), khiến tỷ lệ nợ xấu không đổi ở mức 1,6%. Nợ Nhóm 2 cũng biến động quanh mức 1,1%. Trong khi đó, tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu (LLCR) cải thiện lên 140%, do ngân hàng trích lập dự phòng thêm 7 nghìn tỷ đồng. Lũy kế 9T2021, BID đã xóa 12,2 nghìn tỷ đồng nợ xấu (+34% YoY) và trích lập dự phòng thêm 23 nghìn tỷ đồng (+44% YoY). Mức độ trích lập dự phòng này vượt ước tính cả năm của chúng tôi. Những nỗ lực này đã giúp các chỉ tiêu về chất lượng tài sản cải thiện đáng kể.

Mặc dù vậy, chúng tôi cho rằng cần theo dõi sát dư nợ tái cơ cấu. Tại thời điểm cuối Q3/2021, nợ tái cơ cấu đạt 25 nghìn tỷ đồng, hay 1,9% tổng dư nợ (so với 9,4 nghìn tỷ đồng hay 0,7% tổng dư nợ vào cuối Q2/2021), và ngân hàng lên kế hoạch trích lập dự phòng 7 nghìn tỷ đồng nợ tái cơ cấu trong năm 2021.

Ước tính lợi nhuận và định giá

Do NIM được duy trì tốt hơn nhiều so với ước tính của chúng tôi và nợ tái cơ cấu đã tăng gấp đôi trong Q3/2021, chúng tôi điều chỉnh giả định về NIM và chi phí dự phòng. Chúng tôi cũng giả định BID sẽ duy trì tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu cao trong bối cảnh hiện nay, ở mức 120% và 130% trong 2021 và 2022 (so với 90% và 95% trong ước tính cũ). Mặc dù vậy, chúng tôi duy trì ước tính lợi nhuận ròng không đổi. Lợi nhuận trước thuế 2021 và 2022 ước tính đạt 13,5 nghìn tỷ đồng (+50% YoY) và 15,5 nghìn tỷ đồng (+14% YoY).

Chuyển cơ sở định giá đến cuối năm 2022, chúng tôi điều chỉnh giá mục tiêu 1 năm của BID lên 50.000 đồng/cp (từ 48.000 đồng/cp), dựa trên PB mục tiêu không đổi là 2,2x sử dụng BVPS 2022, tiềm năng tăng giá 16,3%. Chúng tôi duy trì khuyến nghị TRUNG LẬP đối với cổ phiếu.

Nguồn: SSI

×
tvi logo