Báo cáo phân tích cổ phiếu HAX 06/01/22
QUAN ĐIỂM ĐỊNH GIÁ
Chúng tôi khuyến nghị MUA đối với cổ phiếu HAX với mức giá mục tiêu là 37,000 VND được xác định bởi phương pháp định giá P/E với P/E mục tiêu 2022 = 8.6x nhằm phản ánh (1) sự chuyển biển tích cực của ngành và sự tăng trưởng mạnh mẽ về mặt lợi nhuận doanh nghiệp và (2) mức P/E hợp lý tăng lên do bối cảnh lãi suất thấp.
DỰ BÁO KQKD
BSC dự báo KQKD của HAX trong GĐ 2021-2022 như sau:
- Năm 2021: DTT và LNST&CĐTS lần lượt đạt 5,801 tỷ VND (+4.2% YoY) và 116 tỷ VND (-7 % YoY), EPS FW2021 = 2,332 VND/CP, tương ứng với mức P/E FW2021 = 12.5x.
- Năm 2022: DTT và LNST&CĐTS lần lượt 6,317 tỷ VND (+8.9% YoY) và 208 tỷ VND (+80% YoY), EPS FW2021 = 4,208 VND/CP, tương ứng với mức P/E FW2022 = 6.9x.
Các giả định chính cho KQKD HAX gồm (1) Sản lượng xe trong 2021-2022 lần lượt đạt 2,463 (-1.6% YoY) và 2,586 chiếc (+5% YoY) và (2) Biên lợi nhuận gộp tăng mạnh từ mức 4.6% năm 2021 lên 6.0% 2022.
TRIỂN VỌNG ĐẦU TƯ
▪ Lợi nhuận 2022 đạt đỉnh lịch sử (208 tỷ VND, +80% YoY) nhờ (1) Nhu cầu bùng nổ sau dịch và kích thích bởi hỗ trợ phí trước bạ và (2) Biên lợi nhuận gia tăng do cạnh tranh suy giảm.
RỦI RO
▪ COVID-19 diễn biến tiêu cực làm nhu cầu mua xe ô tô sụt giảm.
▪ Trái phiếu HSBC có khả năng chuyển đổi thành cổ phần vào năm 2022 làm pha loãng EPS.
CẬP NHẬT DOANH NGHIỆP
▪ 9T2021, HAX ghi nhận DTT và LNST lần lượt đạt đạt 3,395 tỷ VND (-9.5% YoY) và 28 tỷ VND (-55.2% YoY) do sản lượng tiêu thụ xe giảm vì giãn cách xã hội từ T6-T10, đồng thời giảm tiền thưởng từ hãng do không đạt chỉ tiêu.
TỔNG QUAN DOANH NGHIỆP
Công ty Cổ phần Dịch vụ Ô tô Hàng Xanh - HAXACO (HSX: HAX) được thành lập vào ngày 15/10/1999 – tiền thân là một cửa hàng trưng bày và xưởng sửa chữa xe ô tô của Công ty Cơ khí Ô tô Sài Gòn (nay là Tổng Công ty Cơ Khí Giao thông Vận tải Sài Gòn - TNHH MTV – SAMCO). Sau 7 năm cổ phần hóa, HAXACO đã chính thức niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán HOSE từ năm 2006. Trải qua quá trình hoạt động hơn 22 năm, HAXACO đã liên tục phát triển và ghi nhận sự tăng trưởng cao về doanh thu, lợi nhuận…từ đó gia tăng vốn điều lệ lên gấp 110 lần so với thời điểm cổ phần hóa, đạt 495 tỷ VND tại tháng 12/2021.
CƠ CẤU CỔ ĐÔNG
HAXACO có hai cổ đông lớn, bao gồm ông Đỗ Tiến Dũng – chủ tịch HĐQT và vợ là bà Vũ Thị Hạnh – thành viên HĐQT với tổng số lượng cổ phiếu sở hữu lên tới 17.7 triệu, tương đương 35.74% cổ phần. Ông Dũng và bà Hạnh đã cho thấy sự gắn liền lợi ích với công ty khi liên tục gia tăng tỷ lệ cổ phần sở hữu qua nhiều năm, đồng thời giúp HAXACO đạt được nhiều thành tựu trong thời gian điều hành.
HOẠT ĐỘNG KINH DOANH
Phân phối xe sang thương hiệu Mercedes-Benz là hoạt động kinh doanh cốt lõi của HAXACO xuyên suốt từ năm 2000 - khi HAXACO được trở thành đại lý của Mercedes-Benz Việt Nam (MBV). Sau đó vào năm 2004, HAXACO chính thức trở thành nhà phân phối đầu tiên của MBV – thể hiện cho việc công ty được hãng đánh giá cao sau thời gian làm đại lý. Hiện nay, ngoài HAXACO còn có 3 nhà phân phối MBV độc quyền khác gồm: Vietnam Star, Andu và Vinamotor; các đơn vị này đều có chiến lược riêng trong việc kinh doanh và phân phối sản phẩm. Nhờ chiến lược phát triển đội ngũ nhân viên tư vấn bài bản cùng các chương trình đào tạo nâng cao nghiệp vụ và chế ngộ đã ngộ tốt, HAXACO đã liên tục gia tăng quy mô nhân lực và năng suất/người qua nhiều năm, từ đó chính thức trở thành nhà phân phối MBV có thị phần lớn nhất vào năm 2018 và tiếp tục duy trì vị thế cho tới hiện tại.
HAXACO hiện sở hữu 4 showroom ở TP HCM (HAXACO Điện Biên Phủ, HAXACO Võ Văn Kiệt) và Hà Nội (HAXACO Láng Hạ, HAXACO Kim Giang) và đang trong quá trình chuẩn bị đầu tư showroom mới ở Cần Thơ với vốn đầu tư hơn 180 tỷ VND, kì vọng hoạt động từ Q3/2022. Với quy mô 5 showroom, HAXACO hiện là nhà phân phối đứng thứ 2 về số lượng showroom quản lý, chỉ sau Vietnam Star với tổng 6 showroom.
TRIỂN VỌNG NGÀNH PHÂN PHỐI Ô TÔ
Nhu cầu tiêu thụ ô tô năm 2022 kỳ vọng hồi phục mạnh nhờ (1) dịch bệnh diễn biến tích cực với tỷ lệ bao phủ vaccine cao và (2) chính sách giảm 50% phí trước bạ kích thích người tiêu dùng.
Nhu cầu mua xe đã quay trở lại sau thời gian hơn 4 tháng giãn cách xã hội làm hạn chế khả năng mua sắm của người tiêu dùng, doanh số xe du lịch VAMA trong tháng 10/2021 (tháng đầu tiên thực hiện nới lỏng giãn cách) đã có sự tăng trưởng mạnh +133% QoQ, đạt 18,013 chiếc. BSC cho rằng trong năm 2022, dịch bệnh tại Việt Nam sẽ được kiểm soát tích cực nhờ (1) Kinh nghiệm đối phó với 4 làn sóng Covid-19 trong 2 năm 2020-2021 và (2) Tỷ lệ tiêm chủng vaccine Việt Nam đã đạt mức cao với 96.3% dân số trên 18 tuổi đã được tiêm ít nhất 1 liều vaccine; từ đó nhu cầu tiêu thụ xe ô tô sẽ có sự hồi phục mạnh so với mức nền thấp 2021.
Bên cạnh sự hồi phục sau dịch, phí trước bạ giảm 50% cũng là động lực thúc đẩy nhu cầu mua xe tăng trở lại. Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người tiêu dùng, ngày 26/11/2021, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 103 thực hiện giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, áp dụng từ ngày 01/12/2021 đến 31/05/2022. Hiện tại, mức lệ phí trước bạ cho ô tô 9 chỗ ngồi trở xuống là 10% giá bán xe, riêng Hà Nội là 12%, vì vậy sau cắt giảm người tiêu dùng có thể tiết kiệm đến 5-6% giá trị xe. Các thương hiệu xe hưởng lợi trực tiếp từ Nghị định bao gồm: KIA, Hyundai, Mazda, Mercedes, Peugeot, Toyota, Vinfast nhờ có nhiều mẫu xe được lắp ráp trong nước.
Nguồn cung xe khó tăng mạnh do tình trạng thiếu chip tiếp tục kéo dài
Vào thời điểm dịch bệnh bùng phát đầu năm 2020, nhiều hãng xe nhận thấy nhu cầu tiêu thụ ô tô sụt giảm nghiêm trọng nên đã thực hiện cắt giảm công suất và các đơn hàng chip bán dẫn; cho đến giữa cuối năm, nhu cầu tiêu thụ ô tô đã bùng nổ sau dịch khiến các hãng xe phải gia tăng mạnh công suất và đặt hàng lượng lớn chip, tuy nhiên vì thực hiện giảm đơn hàng trước đó nên sản lượng chip này đã được chuyển sang tiêu thụ bởi ngành Thiết bị điện tử - nhờ nhu cầu sử dụng gia tăng nhằm phục vụ việc học tập, giải trí tại nhà trong mùa dịch. Vì thế tình trạng thiếu chip bán dẫn toàn cầu xảy ra do nguồn cung không thể tăng tương ứng với nhu cầu lớn từ hầu hết mọi ngành: Thiết bị điện tử, 5G, ô tô…Hiện tại, tình trạng thiếu chip chưa có dấu hiệu cải thiện, thời gian đặt hàng cho đến lúc nhận chip (chip lead times) liên tục gia tăng và đạt mức cao nhất lịch sử 22.3 tuần vào tháng 11/2021 (+4 ngày sv tháng 10/2021). BSC cho rằng, tình trạng này sẽ tiếp tục kéo dài cho cuối năm 2022 vì (1) các nhà máy chip hiện tại đã tăng công suất lên mức cao nhất và (2) các nhà máy mới được đầu tư từ cuối năm 2020 chỉ có thể cung cấp sản phẩm từ đầu năm 2023 vì quá trình xây dựng cần từ 1.5-2.5 năm.
Nguồn: BSC