Báo cáo phân tích cổ phiếu BID 30/12/21
Thông tin cập nhật
Kết quả kinh doanh tăng trưởng khả quan. Thu nhập lãi thuần của 9 tháng đầu năm 2021 tăng trưởng 43% so với 9 tháng đầu năm ngoái, với động lực chính đến từ việc giảm chi phí huy động vốn khiến NIM có sự cải thiện. Ngoài ra, Thu nhập ngoài lãi tăng 20% so với 9T2020.
Chất lượng tài sản cải thiện. Tỷ lệ nợ xấu giảm nhẹ so với quý 2, ở mức 1.61%. Tỷ lệ nợ nhóm 2 chỉ còn 1.1%, giảm 0.02% so với cuối năm 2020.
NIM duy trì ở mức ổn định nhờ giảm chi phí vốn cũng như đẩy mạnh cho vay bán lẻ. So với cùng kỳ, chi phí vốn đã giảm hơn 1%, mức giảm cao so với trung bình ngành.
Tăng vốn thông qua phát hành cổ phiếu trả cổ tức năm 2021. Vốn điều lệ của BID dự kiến sẽ được tăng lên hơn 50.5 ngàn tỷ đồng, tương ứng với mức tăng thêm 10,400 tỷ đồng trong năm nay. Nguồn vốn tăng thêm được tin rằng sẽ giúp BID quản trị rủi ro cũng như tạo tiền đề cho sự phát triển vững chắc sau này. Những vấn đề còn tồn tại, thách thức: Trong diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid 19 đang diễn ra, tỉ lệ bao phủ nợ xấu của BID hiện tại đã được cải thiện đáng kể nhờ động thái quyết liệt trong việc xử lý nợ xấu của ngân hàng. Chi phí dự phòng được dự báo trong các quý sau có khả năng ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh của BID, đặc biệt khi dư nợ tái cơ cấu đã tăng mạnh trong Q3/2021.
Định giá cổ phiếu: Tại mức giá hiện tại 34,500 đồng/ cổ phiếu, chúng tôi khuyến nghị MUA với cổ phiếu BID, với giá mục tiêu sau 12 tháng là 44,400 đồng/ cổ phiếu theo phương pháp kết hợp R/I và P/B.
Thành công trong việc quản lý nợ xấu trong thời điểm đại dịch
Lũy kế 9T2021, LNST của BID đạt gần 8,600 tỷ đồng, tăng 51.5% so với cùng kỳ năm ngoái. Thu nhập lãi thuần đạt hơn 12,200 tỷ đồng trong Q3/2021, tăng 33.5% so với Q3/2020. Mặc dù BID đã đưa ra các gói hỗ trợ cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, NIM vẫn duy trì ở mức ổn định (3.05%) và tổng thu nhập hoạt động 9T2021 đạt hơn 15,200 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ 2020.
BID đã xóa thêm hơn 5,400 tỷ đồng nợ xấu trong Q3/2021 và tăng chi phí dự phòng lên thêm hơn 7,500 tỷ đồng, đưa tỷ lệ nợ xấu tại thời điểm 30/09/2021 về mức 1.61%, giảm 0.15% so với thời điểm cuối năm 2020. Tỷ lệ nợ nhóm 2 chỉ còn 1.1%, giảm 0.02% trong khi tỷ lệ trích lập dự phòng/Tổng dư nợ đạt 0.73% so, tăng 0.03% so với 31/12/2020. Nhìn chung, chất lượng tài sản của BID đã được cải thiện rõ rệt trong năm 2021, khi lũy kế 9T2021, BID đã xóa bỏ hơn 12.2 ngàn tỷ đồng nợ xấu và trích lập dự phòng thêm khoảng 23 ngàn tỷ đồng, dư nợ vay tái cơ cấu tăng gần gấp đôi trong Q3/2021.
Chúng tôi dự báo chi phí huy động của BID sẽ giảm khoảng 0.14% trong năm 2021, từ mức 4.72% của năm 2020 xuống còn 4.58% cho cả năm 2021. Chi phí huy động giảm trong năm nay chủ yếu đến từ những đợt cắt giảm lãi suất huy động của NHNN cũng như tỷ lệ CASA của BID đã được cải thiện lên mức gần 18.5% tính đến cuối Q3/2020 so với mức 18.04% của năm 2020. Chi phí huy động giảm là động thái tích cực làm giảm bớt ảnh hưởng của các gói hỗ trợ lãi suất cho vay để giúp đỡ khách hàng trong dịch Covid-19, với mức giảm lãi suất trung bình lên tới 1%.
Trong Q3/2021, BID đã phát hành thêm hơn 7.4 ngàn tỷ đồng trái phiếu cấp 2 để nâng vốn, lượng trái phiếu cấp 2 phát hành mới này cao hơn 19.5% so với cùng kỳ. Thêm vào đó, BID cũng đã chốt quyền trả cổ tức bằng cổ phiếu vào 24/12/2021, với lượng cổ phiếu phát hành thêm lên tới gần 10,400 tỷ đồng, nâng vốn điều lệ của ngân hàng lên hơn 50.5 ngàn tỷ đồng. Trước khi phát hành, vốn điều lệ của BID đang đứng thứ 3 toàn ngành ở mức hơn 40 ngàn tỷ đồng, sau CTG (hơn 48 ngàn tỷ đồng) và VCB (gần 44.5 ngàn tỷ đồng). Đợt tăng vốn này dự kiến sẽ hỗ trợ rất lớn cho đà tăng trưởng của ngân hàng cũng như đáp ứng biên độ an toàn vốn tốt hơn trong thời gian tới.
BID hiện đang kinh doanh các sản phẩm bancassurance ở cả lĩnh vực nhân thọ và phi nhân thọ trong thời điểm hiện tại. Ở lĩnh vực phi nhân thọ, BIC đang duy trì kết quả kinh doanh tốt với mức tăng của LNTT Q3/2021 đạt 46% so với cùng kỳ. Trong khi đó, bên mảng bảo hiểm nhân thọ, các sản phẩm bảo hiểm và sản phẩm bán chéo của BIDV Metlife đang được khách hàng đón nhận nhiều hơn nhờ quy trình số hóa.
Tăng trưởng tín dụng và huy động ổn định
Tốc độ tăng trưởng tín dụng của BID trong Q3/2021 đạt 16.01% yoy, cao hơn CTG (13.21%). Mức tăng này cũng cao hơn so với quý liền kề Q2/2021 (13.89%) và cao hơn mức tăng trưởng tín dụng tính cho toàn năm 2020 là 8.71%. Dư nợ cho vay tăng nhiều nhất ở nhóm khách hàng cá nhân, chủ yếu là cho vay tiêu dùng.
NIM Q3/2021 đạt 3.05%, cao hơn so với cùng kỳ nhưng thấp hơn so với quý liền kề, chủ yếu là do giảm lãi suất cho vay cho khách hàng chịu ảnh hưởng từ Covid-19, và giảm một phần lãi dự thu liên quan tới nợ tái cơ cấu. Tuy nhiên, với sự hồi phục của nền kinh tế và nhu cầu tiêu dùng cuối năm, chúng tôi kỳ vọng NIM sẽ được cải thiện hơn trong Q4/2021.
Tổng tiền gửi huy động của Q3/2021 tăng hơn 14.4% so với cùng kỳ, đạt hơn 1,300 tỷ đồng. Đặc biệt, tiền gửi không kỳ hạn đã tăng gần 27% so với Q3/2020. CASA của Q3/2021 đạt 16.62%, tăng nhẹ 0.48% so với Q3/2020. Tỷ lệ CASA được duy trì với mức tăng ổn định chủ yếu đến từ sự phát triển của dịch vụ ngân hàng số. Cho đến Q3/2021, các kênh giao dịch số và tự phục vụ đã chiếm tới 91% tổng giao dịch toàn ngân hàng, đưa tỷ trọng giao dịch tại quầy giảm xuống 9% (2020: 13%). Số lượng người dùng cá nhân qua kênh Smart banking trên điện thoại tăng gần 39% so với năm 2020, đạt 6.1 triệu khách hàng, trong khi số lượng khách hàng doanh nghiệp sử dụng kênh iBank tăng gần 32% so với đầu năm, đạt 71,500 khách.
Thu nhập từ hoạt động dịch vụ của BID tăng 17% so với cùng kỳ, tập trung chủ yếu ở mảng ngân hàng số, tài trợ thương mại và bảo hiểm. Trong khi đó, CIR trong Q3/2021 tăng lên hơn 33% so với mức thấp kỷ lục của Q2/2021 là gần 24%, chủ yếu do mức tăng từ chi phí lương và phụ cấp cho nhân viên (tăng hơn 66% so với Q2/2021 và tăng hơn 72% so với Q3/2020. Tuy nhiên, theo dự báo của chúng tôi, CIR cả năm 2021 sẽ ở mức khoảng 30%, thấp hơn khoảng 5% so với năm ngoái.
Dư nợ tái cơ cấu của BIDV tiếp tục tăng mạnh trong Q3/2021 lên hơn 25 ngàn tỷ đồng, và BIDV dự kiến sẽ phải trích lập dự phòng bổ sung cho nợ tái cơ cấu. Trước đó, ngân hàng đã ước tính tổng mức dự phòng cho nợ tái cơ cấu trong năm 2021 sẽ lên tới 7 ngàn tỷ đồng, do vậy, chi phí dự phòng tại cuối năm 2021 dự kiến sẽ tiếp tục tăng mạnh để đảm bảo cho chất lượng tài sản của BID.
Dư địa tăng trưởng trong năm 2022
Năm 2021 chứng kiến cuộc đua tăng vốn điều lệ giữ các ngân hàng. Bước sang 2022, hoạt động nâng vốn điều lệ cũng như cải thiện hệ số CAR trong thời gian qua, cùng với sự “bình thường mới” của các tỉnh thành và gói hỗ trợ kinh tế được dự kiến triển khai trong thời gian tiếp theo sẽ giúp nhu cầu sản xuất kinh doanh dần phục hồi và mở rộng, tác động tích cực lên tăng trưởng tín dụng cũng như đem lại kỳ vọng cao hơn cho sự phát triển của ngành ngân hàng. Lãi suất huy động được dự báo sẽ có sự tăng nhẹ trong cuối năm 2022, tuy nhiên lãi suất cho vay của các ngân hàng được đoán cũng sẽ có sự cải thiện sau khoảng thời gian hỗ trợ cho các doanh nghiệp, khiến NIM của các ngân hàng sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao như hiện tại.
Cuối năm 2021, BID đã tăng vốn điều lệ thành công lên hơn 50 nghìn tỷ đồng, vươn lên đứng đầu toàn ngành ngân hàng. Ngoài ra, tính đến thời điểm cuối tháng 9 năm 2021, Tổng tài sản của BID cũng dẫn đầu 27 ngân hàng đang niêm yết trên sàn chứng khoán.
Chúng tôi tin rằng, với sự bổ sung mạnh mẽ về mặt tài chính trong năm 2021, Tỉ lệ hệ số an toàn vốn CAR của BIDV sẽ có sự cải thiện hơn trong năm sau. Điều này tạo tiền đề giúp mức tăng trưởng tín dụng của BID trong năm 2022 được dự đoán sẽ tăng lên 14%, và đồng thời gia tăng thêm doanh thu, lợi nhuận cho công ty.
Đồng thời, sự cải thiện về mặt chất lượng tài sản trong thời gian qua của BIDV được chúng tôi đánh giá cao. Sự chủ động trích lập dự phòng cũng như trích lập dự phòng bổ sung cho nợ tái cơ cấu của BID sẽ giúp giảm áp lực lên khoản Lợi nhuận trong các năm tới của doanh nghiệp.
Đặc biệt, khi nền kinh tế gặp ảnh hưởng xấu do tác động của diễn biến dịch bệnh, BIDV được chúng tôi tin rằng với sự bổ sung về tài chính cũng như chủ động chuẩn bị trong các khoản nợ xấu, sẽ khiến ngân hàng gặp ít biến động hơn các doanh nghiệp cùng ngành.
Mô hình dự phóng và Định giá
Năm 2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 và cũng như Thông tư 03 của NHNN trong việc trích lập dự phòng cho nợ xấu, chúng tôi ước tính chi phí dự phòng của BIDV đạt 30,000 tỷ đồng cho cả năm.
Ngoài ra, khoản chi phí này được chúng tôi hoạch tính sẽ tiếp tục tăng lên 34 nghìn tỷ đồng trong năm 2022 theo yêu cầu của NHNN và cũng như giúp BIDV có thể giảm thiểu độ rủi ro khi nền kinh tế xảy ra biến động trong tương lai. Ngoài ra, tăng trưởng tín dụng năm 2021 của BIDV được dự tính là 12% cho cả năm. Đồng thời, với sự thành công trong việc nâng vốn điều lệ lên đứng đầu toàn ngành ngân hàng trong tháng 12 năm 2021, hạn mức tăng trưởng tín dụng của BIDV được dự đoán sẽ tăng lên 14% trong năm 2022, nhằm đem lại thêm lợi nhuận về cho BID.
Chúng tôi định giá BID đạt giá mục tiêu là 44,400 VNĐ, dự phóng kết hợp 2 phương pháp định giá RI và so sánh P/B của các ngân hàng ở Việt Nam và những ngân hàng thương mại cổ phần khác có vốn hoá thị trường lớn và ROEA năm 2021 tương đương. Giá mục tiêu được tính theo phương pháp định giá theo P/B là 44,700 VNĐ (BVPS dự phóng là 17,663 VNĐ và P/B của BID là 2.x) và với phương pháp định giá RI kết quả là 44,100 VNĐ với Re 13.6% và tăng trưởng dài hạn là 6%.
Định giá theo giá trị sổ sách
Theo phương pháp P/B, chúng tôi sử dụng P/B bình quân các ngân hàng Việt Nam có vốn hoá lớn hoặc ROEA trên 20%. P/B trung bình ngành là 2.3. Ngoài ra, với lợi thế về mặt tổng tài sản và Vốn điều lệ của BIDV hiện tại, chúng tôi kì vọng P/B của BIDV có mức premium 20% so với toàn ngành.
Định giá theo phương pháp chiết khấu thu nhập thặng dư (RI) Chúng tôi sử dụng phương pháp này do phần lớn giá trị của ngân hàng phụ thuộc vào giá trị sổ sách tại thời điểm định giá vì vậy giá trị của ngân hàng được định giá sẽ phản ánh gần chính xác nhất giá trị sổ sách thực tế của ngân hàng và ít biến động khi thay đổi các điều kiện dự phóng. Lợi nhuận thặng dư cho cổ đông khá khả quan và tăng lên, đặc biệt là khả năng sinh lời trong những năm sau rất khả quan (tỷ suất sinh lời yêu cầu là Re là 13.6% và tốc độ tăng trưởng đều g là 6%).
Nguồn: MBS