Báo cáo ngắn cơ hội đầu tư cp HPP 23/12/2021
KHUYẾN NGHỊ ĐẦU TƯ
Doanh thu và LNST của HPP ước tính cả năm 2021 sẽ có mức tăng trưởng tích cực. Cụ thể, doanh thu cả năm ước đạt 994.8 tỷ VND (+16.5% YoY) và LNST đạt 113.64 tỷ VND (+13.64% YoY). Dựa vào triển vọng kinh doanh và kết quả định giá, chúng tôi đưa ra khuyến nghị MUA với cổ phiếu HPP, mức giá mục tiêu 107,500 VND/CP, cao hơn 52% so với mức giá đóng cửa ngày 22/12/2021.
ĐIỂM NHẤN ĐẦU TƯ
Cùng với sự phục hồi của ngành vận tải biển và thủy sản, tiêu thụ sơn tàu biển của HPP được nhận định sẽ tăng trưởng tích cực trong năm 2022. Cụ thể, số lượng tàu sông và tàu biển đăng ký mới 9 tháng đầu năm 2021 tăng lần lượt 18% và 10.5%, cao hơn mức tăng năm 2020. Tác động tích cực của việc nới lỏng giãn cách cùng các đội tàu khai thác thuỷ sản, vận tải đường sông và ven biển hoạt động trở lại từ tháng 9 sẽ giúp tăng trưởng cả năm đạt lần lượt 12% YoY và 16.8% đồng thời tạo tiền đề tăng trưởng cho năm 2022.
Tiêu thụ sơn công nghiệp của HPP sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ gói đầu tư công quy mô 150 nghìn tỷ đồng nhờ vào kinh nghiệm cung cấp sơn cho các dự án đường bộ lớn trong nước như Ga Cát Linh-Hà Đông, cầu vượt Nguyễn Bỉnh Khiêm, Cầu Cửa Lục 1,… và sơn phủ cho các doanh nghiệp sản xuất nguyên vật liệu lớn như Hoà Phát, Tôn Hoa Sen, VNSteel,…
Theo báo cáo của hiệp hội Sơn và Mực in Việt Nam (VPIA), ngành sơn Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức 14% trong 10 năm tới nhờ vào vào việc đẩy mạnh quá trình đô thị hóa cùng đầu tư cơ sở hạ tầng. Với mức tăng trưởng EPS trung bình 5 năm là 12% và tỷ lệ chi trả cổ tức hàng năm 3,000 VND/cp, HPP là cổ phiếu giá trị thích hợp cho việc nắm giữ trong trung và dài hạn.
RỦI RO
Đòn bẩy tài chính cao trong khi khoản phải thu có xu hướng tăng mạnh trong 2 năm trở lại đây.
Dịch Covid-19 tái bùng phát và siết chặt giãn cách trở lại ở các tỉnh thành phố phía Bắc.
HOẠT ĐỘNG KINH DOANH
Sơn Hải Phòng (HPP) là một trong số 3 doanh nghiệp sơn đầu tiên tại Việt Nam với hơn 60 năm kinh nghiệm sản xuất và kinh doanh sơn phủ. Sản phẩm đầu ra của HPP được chia thành hai mảng chính là sơn phủ công nghiệp (sơn tàu biển, sơn sàn công nghiệp, sơn chống cháy, sơn kết cấu thép nhà xưởng, sơn thép mạ kẽm) và sơn phủ kiến trúc (sơn dân dụng, sơn Economy). HPP hiện có hơn 92 đại lý trên cả nước, tập trung ở các tỉnh miền Bắc và miền Trung. Ngoài ra, các sản phẩm sơn và nhựa Alkyd của công ty cũng được xuất khẩu sang các thị trường nước ngoài như Campuchia và Myanmar…
Trong giai đoạn 2016-2020, HPP đưa ra thị trường các sản phẩm mới như sơn tấm lợp (năm 2016), sơn sàn công nghiệp, sơn chống cháy (năm 2017), sơn Economy (năm 2018) và sơn thép mạ kẽm (năm 2019). Nhờ đó, chỉ sau 5 năm, HPP đã vươn lên dẫn đầu về mặt doanh thu trong số các doanh nghiệp sơn niêm yết. Năm 2020, doanh thu thuần của HPP đạt 854.21 tỷ đồng, tăng trưởng 7.33% YoY và cao gần gấp đôi đối thủ cạnh tranh là Sơn tổng hợp Hà Nội (HSP). 9 tháng đầu năm 2021, do ảnh hưởng của dịch bệnh và các đợt giãn cách kéo dài, các doanh nghiệp sơn có địa bàn hoạt động ở các tỉnh phía nam chịu ảnh hưởng tiêu cực nhất trong khi các doanh nghiệp ngoài bắc chịu ít ảnh hưởng hơn và vẫn tiếp tục ghi nhận tăng trưởng về doanh thu. Trong đó, doanh thu của Sơn Đại Việt (DVG) tăng 123% YoY, Sơn Đông Á (HDA) tăng 14% YoY và Sơn Tổng Hợp Hà Nội giảm 3% YoY. Với địa bàn hoạt động chính ở các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Thái Nguyên, Hoà Bình,… chúng tôi nhận định HPP sẽ không chịu nhiều ảnh hưởng từ dịch bệnh như năm 2020 và sẽ hoàn thành vượt kế hoạch đề ra cho năm 2021.
ĐIỂM NHẤN ĐẦU TƯ
Ba động lực tăng trưởng chính của HPP trong những năm tới bao gồm
(1) Mảng sơn tàu biển,
(2) Mảng sơn công nghiệp
(3) Định giá hấp dẫn trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng ổn định 2 chữ số duy trì trong nhiều năm.
1. Hưởng lợi từ sự phục hồi của vận tải biển
Ngành vận tải biển trải qua chu kỳ suy thoái trong giai đoạn 2016-2019
Đóng tàu là một trong những ngành ưu tiên của chính phủ Việt Nam, với hơn 20 nhà máy đóng tàu lớn trong nước thuộc sở hữu của Bộ Giao thông vận tải, Quốc phòng và Nông nghiệp. Trong đó có 9 nhà máy đóng tàu lớn được chia thành ba cụm: - 3 nhà máy ở Miền Bắc có thể đóng tàu có kích thước 30 - 70.000 DWT; - 4 nhà máy ở Miền Trung có thể đóng tàu cỡ 50 - 30.000 DWT; và - 2 nhà máy ở Miền Nam Nam có khả năng chế tạo tàu có kích thước 25 - 50.000 DWT.
Những năm vừa qua, đặc biệt là giai đoạn 2016 – 2019, ngành đóng tàu, vận tải biển gặp nhiều khó khăn do hoạt động đóng tàu và sửa chữa tàu biển bị ngưng trệ, các sản phẩm đóng mới vẫn chưa phát triển, chỉ tập trung vào sửa chữa và lên dock định kỳ. Cùng với đó, các doanh nghiệp vừa và nhỏ có xu hướng sử dụng sản phẩm sơn chất lượng kém với giá rẻ dẫn đến việc tiêu thụ sơn tàu biển của công ty chịu nhiều tác động tiêu cực.
Nhờ vào việc đẩy mạnh bán hàng cho các tàu cá ngư dân, tàu vận tải đường sông và ven biển, doanh thu từ mảng sơn tàu biển của HPP vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng 14%
Nắm bắt được tình hình trên, HPP đã chuyển hướng tiếp cận các đội tàu khai thác thuỷ sản, tàu vận tải nội địa bằng đường sông và vận tải ven biển với trọng tải 2000-5000 tấn. Theo số liệu của tổng cục thống kê (TCTK) (Biểu đồ 5), tổng số tàu khai thác thuỷ sản trên cả nước năm 2020 ước đạt 35,214 tàu, -0.47% YoY. Khu vực miền Bắc và miền Trung, địa bàn kinh doanh chính của HPP, là khu vực có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong cả nước trong giai đoạn 2016-2020, lần lượt +15.8%/năm và +4.63%/năm (Biểu đồ 5). Việc đẩy mạnh cung cấp sơn cho các tàu thuộc chương trình đóng mới tàu cá ngư dân, tàu kiểm ngư, tàu cảnh sát biển của Bộ tư lệnh Hải quân giúp sản lượng sơn tàu biển tiêu thụ tăng trưởng bình quân 14% năm. Ngoài ra, công ty vẫn duy trì cấp sơn bảo dưỡng cho những khách hàng tư nhân có đội tàu lớn như Vosco, Vinaline, Vận tải biển và xuất nhập khẩu HTK, Vận tải biểnTân Bình,...
Động lực tăng trưởng chính đến từ khu vực miền Bắc và miền Trung do ít chịu tác động của dịch Covid-19
Theo số liệu từ Cục Đăng Kiểm Việt Nam, số lượng tàu sông và dung tích tàu biển đăng ký mới 9 tháng đầu năm 2021 tăng lần lượt 18% và 10.4% so với 2020 (Biểu đồ 6). Với việc giãn cách xã hội được nới lỏng, các tàu khai thác thuỷ sản, vận tải biển và ven biển được hoạt động trở lại, chúng tôi ước tính tốc độ tăng trưởng cho cả năm 2021 đạt 12% YoY đối với tàu sông và 16.8% đối với tàu biển. Với ưu thế là doanh nghiệp chiếm thị phần đứng đầu cả nước về mảng sơn tàu biển, sản lượng tiêu thụ sơn của HPP sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ sự phục hồi của ngành vận tải biển đồng thời tạo tiền đề cho sự bứt phá trong những năm tiếp theo.
2. Đẩy mạnh giải ngân đầu tư công giai đoạn 2022-2023
Tiêu thụ sơn công nghiệp của HPP không chịu nhiều ảnh hưởng của dịch Covid nhờ tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công ở các địa bàn kinh doanh chính vẫn đạt tiến độ
Mảng sơn bảo vệ (sơn sàn công nghiệp, sơn chống cháy,…) trong năm 2020 đã thể hiện sự miễn nhiễm với đại dịch khi tiếp tục duy trì được mức tăng trưởng trên 10% về sản lượng tiêu thụ so với năm 2019. Nguyên nhân chính đến từ việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công triển khai các dự án giao thông và công trình trọng điểm. Năm 2021, làn sóng dịch Covid lần thứ 4 đã khiến cho các vùng kinh tế trọng điểm trong cả nước phải tiến hành giãn cách xã hội từ tháng 7. Cùng với đó là đứt gãy chuỗi cung ứng khiến cho giá cả nguyên vật liệu tăng cao, gây tác động tiêu cực đến tiến độ giải ngân vốn trong 11 tháng đầu năm. Tính đến cuối tháng 11, tổng mức đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước ước đạt 367 nghìn tỷ đồng, tương đương với 73.8% kế hoạch (-9.66% YoY). Mặc dù vậy, tỷ lệ giải ngân của các tỉnh thuộc khu vực Miền Bắc và Miền Trung vẫn duy trì ở mức cao, trung bình 80.17% và 62.7% do việc thực hiện giãn cách không bị siết chặt như khu vực Miền Nam (49.60%). Các tỉnh có tỷ lệ giải ngân vốn cao trên 80% như Quảng Ninh, Thái Bình, Thái Nguyên, Bắc Ninh,… đều nằm trong địa bàn hoạt động chính của HPP.
Với mục tiêu giải ngân trên 90% vốn trên kế hoạch đề ra trong năm 2021, tỉnh Hải Phòng và Bộ Giao thông vận tải dự kiến sẽ giải ngân thêm lần lượt 2,000 và 7,200 tỷ đồng trong tháng 12. Bên cạnh đó, gói đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông 150 nghìn tỷ được đề xuất giải ngân trong năm 2022-2023 sẽ giúp thúc đẩy sản lượng tiêu thụ sơn sàn công nghiệp và sơn chống cháy của HPP đáng kể do đây là hai sản phẩm có giá bán cao và mức độ tiêu thụ trên từng dự án lớn (Bảng 2). Theo thông tin được công bố, HPP đã ký mới hai dự án cung cấp sơn cho công trình Cầu Cửa Lục 1 của tỉnh Quảng Ninh với tổng chiều dài toàn tuyến 4,265 m và công trình Cầu Rào 1 của tỉnh Hải Phòng với chiều dài cầu chính khoảng 456.5m.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng nhận định việc tiêu thụ sơn tấm lợp và sơn thép mạ kẽm sẽ tăng trưởng khả quan trong năm 2021. Theo báo cáo của Hiệp hội thép Việt Nam (VSA), sản xuất thép 11 tháng đầu năm đạt 21,589 triệu tấn, tăng 20% YoY, sản xuất thép thành phẩm các loại 30,5 triệu tấn, +21% YoY. Với tệp khách hàng có thị phần tiêu thụ thép và tôn mạ lớn như Tập đoàn Hoà Phát (37%) VN Steel (14%), Tôn Hoa Sen (37%),… (Biểu đồ 8), Samhwa Hải Phòng dự kiến sẽ đem về 88 tỷ đồng doanh thu và 4.2 tỷ đồng lợi nhuận cho HPP trong năm 2021. Sang năm 2022, Hiệp hội thép thế giới (World Steel) dự báo nhu cầu tiêu thụ thép tại các nước phát triển sẽ tiếp tục tăng trưởng ở mức 4.4%, đạt mức trước đại dịch.
Nguồn: KBSV