Báo cáo ngắn: Triển vọng Ngành phân bón 2022
Luận điểm đầu tư
Khan hiếm lượng cung khiến giá bán tăng mạnh
Theo Cục Bảo Vệ Thực Vật – Bộ Nông Nghiệp và Cục Hải Quan, trong 9T21, sản xuất phân bón trong nước đạt 5.7 triệu tấn (+4.3% n/n), sản lượng xuất khẩu đạt 918,570 tấn (tương đương 333 triệu USD). Tại tháng 12, cùng chung xu hướng với giá ure thế giới, giá ure tại Việt Nam tăng 2.5 lần so với cùng kỳ năm ngoái và đạt ngưỡng 18,000 đồng/kg. World Bank dự báo mức tăng này có thể kéo dài đến hết nửa đầu năm 2022. Chúng tôi ước tính LNST công ty mẹ 9T21 của 9 công ty phân bón đầu ngành đạt +116% n/n, hoàn thành 87-400% kế hoạch.
Trung Quốc và Nga tạm dừng xuất khẩu phân bón
Cuối năm 2021, Trung Quốc và Nga – hai trong số ba quốc gia xuất khẩu phân bón nhiều nhất thế giới, ra quyết định tạm ngừng xuất khẩu phân bón để ổn định nguồn cung trong nước và kiểm soát lạm phát. Thị trường dự báo quyết định này có thể kéo dài đến hết quý 2/2022. Theo báo cáo của IndexBox, trong 2020, ba quốc gia xuất khẩu phân bón lớn nhất bao gồm Nga, Trung Quốc và Canada, chiếm 35% tổng sản lượng xuất khẩu phân bón toàn thế giới. Do đó, động thái trên của hai quốc gia tác động mạnh đến thị trường phân bón toàn cầu, và giá phân bón được dự báo sẽ tiếp tục đạt đỉnh trong nửa đầu năm 2022.
Ngành phân bón Việt Nam hưởng lợi trong ngắn hạn
Theo phân tích của Mordor Intelligence, ngành phân bón Việt Nam sẽ tăng trưởng 4.9% mỗi năm trong giai đoạn 2021 - 2026. Để đáp ứng nhu cầu trong nước, Nam Phi và Hàn Quốc đang tích cực tìm kiếm những nhà cung ứng mới, điều đó có thể giúp Việt Nam tăng sản lượng xuất khẩu phân bón. Điển hình là trong tháng 11, Hàn Quốc quyết định nhập khẩu 10,000 tấn urea từ Việt Nam. Chúng tôi kỳ vọng Việt Nam có thể tận dụng cơ hội hiếm có này để gia tăng thị phần trên thị trường quốc tế.
Nhu cầu dự trữ lương thực tăng cao
Bộ Nông Nghiệp Mỹ dự báo tổng sản lượng tiêu thụ gạo toàn thế giới trong niên vụ 2021-2022 đạt 510.9 triệu tấn, tương đương sản lượng tiêu thụ cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, sản lượng tiêu thụ của Ấn Độ - nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, có thể đạt 16.5 triệu tấn (-12% n/n). Trong khi đó, sản lượng xuất khẩu gạo của Việt Nam được dự báo đạt 6.3 triệu tấn trong 2022. Theo Hiệp Hội Lương Thực Việt Nam, sản lượng xuất khẩu gạo của Việt Nam trong 9T21 đạt 5.5 triệu tấn, tương đương 2.88 tỷ USD. Ngành nông nghiệp và phân bón có mối quan hệ tương hỗ với nhau, do đó kết quả này có thể được xem như một tín hiệu tích cực cho những công ty sản xuất phân bón nội địa.
Rủi ro Chính phủ có thể can thiệp vào giá bán phân bón
Gạo được xem như một mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là trong bối cảnh thiếu hụt lương thực “hậu covid”, do đó Chính Phủ có thể ban hành những quy định buộc các công ty sản xuất phân bón hạ giá bán để hỗ trợ người nông dân. Trong bối cảnh đó, mặc dù có lợi thế về gia tăng sản lượng, lợi nhuận của các công ty sản xuất phân bón có thể không đạt kỳ vọng vì giá bán không hấp đẫn.
Định giá
Ngành phân bón hiện đang giao dịch tại mức PE trượt 12 tháng là 8.8x, và 1.4x với chỉ số PB, nhỏ hơn hệ số PE trung bình 2 năm là 9.0x. Mặc dù mức định giá này có thể chưa thực sự hấp dẫn, nhưng lợi ích trong ngắn hạn đến từ sự tăng giá và mất cân đối giữa cung và cầu là những điểm sáng không thể bỏ qua. Bên cạnh đó, những rủi ro tiềm tàng như năng suất còn hạn chế và sự can thiệp của Chính phủ về chính sách giá là những yếu tố cần phải được cân nhắc.
Cổ phiếu khuyến nghị
Chúng tôi đánh giá tích cực về CTCP Phân bón Đạm Phú Mỹ dựa trên triển vọng kết quả kinh doanh trong năm 2022 với mức tăng trưởng khoảng 2% nhờ sự gia tăng về giá và sản lượng tiêu thụ.
Đạm Phú Mỹ (DPM)
Sản lượng phục hồi từ Quý 4/2021
Trung Quốc và Nga giảm sản lượng xuất khẩu. Động thái bất ngờ từ Trung Quốc và Nga có thể làm gia tăng sức cạnh tranh của các công ty sản xuất phân bón Việt Nam. Hàn Quốc và Úc được xem là hai quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trước quyết định trên của Trung Quốc. DPM, một trong những doanh nghiệp đứng đầu ngành phân bón, có thể tận dụng cơ hôi này để gia tăng thị phần phân bón trong nước lẫn xuất khẩu.
Kiểm soát chặt chẽ hơn từ Chính phủ. Từ tháng 7/2021, dưới áp lực từ việc giá phân bón tăng phi mã, Bộ Công Thương yêu cầu Tập Đoàn Dầu Khí Việt Nam tăng dự trữ phân bón để đảm bảo nguồn cung ứng không bị đứt gãy. Bộ cũng ban hành công văn đề xuất các biện pháp đối phó với tình trạng tăng giá và yêu cầu các doanh nghiệp trong ngành không đầu cơ tích trữ. Theo đó, Việt Nam có thể tạm dừng xuất khẩu phân bón để bình ổn giá cả trong nước. Đối với kịch bản xấu nhất, mặc dù DPM có thể gia tăng về sản lượng nhưng doanh thu lại sụt giảm do giá bán bị điều chỉnh.
Rủi ro từ việc biến động giá đầu vào. Trước nguy cơ từ biến thể Omicron, các quốc gia có thể xem xét việc đóng cửa trở lại nếu tỷ lệ tiêm chủng vắc xin chưa đạt yêu cầu. Điều này sẽ tác động đến việc giao thương hàng hóa và gia tăng về chi phí vận chuyển. Trong bối cảnh đó, doanh thu trong năm 2022 của DPM có thể không đạt như kỳ vọng.
Định giá. DPM hiện đang giao dịch tại mức PE trượt là 12.7x, cao hơn hệ số PE trung bình ngành là 11.4x. Chúng tôi cho rằng thị trường đang có những đánh giá tích cực về sự tăng trưởng của DPM trong giai đoạn từ quý 4/2021 đến năm 2022. Theo ước tính của Bloomberg, trong 12 tháng tiếp theo, DPM được định giá tại mức PE là 14.0x, cao hơn mức hiện tại. Cùng với sự sụt giảm trong chỉ số EPS, chúng tôi cho rằng giá trị cổ phiếu DPM là không hề rẻ.
Nguồn: KIS