Báo cáo ngắn: Triển vọng Ngành điện 2022

Báo cáo ngắn: Triển vọng Ngành điện 2022

Lượt xem: 978
  •  

Luận điểm đầu tư

Thủy điện tăng trưởng tốt, bù đắp cho suy giảm điện khí

Trong 11T21, tổng tiêu thụ điện đạt mức 235 tỷ kWh, tăng 4.2% n/n, thấp hơn mức tăng trưởng bình quân trong giai đoạn 2016-2020 (8.62%) do đợt bùng phát dịch lần thứ 4, ảnh hưởng đến các hoạt động sản xuất và dịch vụ. Điện khí bị ảnh hưởng nặng nề bởi đà tăng mạnh mẽ của giá khí đầu vào trên toàn cầu (143% n/n). Thủy điện tăng trưởng tốt nhờ điều kiện thủy văn thuận lợi bởi chu kỳ La Nina, dẫn đến việc EVN tăng mua từ các nhà máy thủy điện để tận dụng nguồn điện giá rẻ. Trong 10T21, sản lượng thủy điện, điện khí, điện than, điện năng lượng tái tạo, điện đốt dầu/ nhập khẩu lần lượt là 63.5 tỷ kWh, 22.4 tỷ kWh, 100.8 tỷ kWh, 24.1 tỷ kWh và 1.39 tỷ kWh, tương ứng tăng trưởng 7.8% n/n, -24.4% n/n, -2.9% n/n, 169.3% n/n và -61.7% n/n.

Nhu cầu tiêu thụ và giá bán điện sẽ phục hồi trong năm 2022

Cùng với việc kiểm soát được dịch COVID-19 và việc gỡ bỏ các chính sách phong tỏa ở hầu hết các tỉnh thành lớn, chúng tôi tin rằng nhu cầu tiêu dùng điện sẽ phục hồi bắt đầu từ năm 2022. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) dự báo rằng tiêu dùng điện sẽ tăng 8.2% trong năm 2022. Bên cạnh đó, sự suy giảm của hiệu ứng La Nina kể từ đầu năm 2022 (theo Tổ chức khí tượng thế giới) sẽ làm cho sản lượng thủy điện giá rẻ không còn dồi dào như năm 2020, dẫn đến giá mua điện của EVN sẽ tăng lên.

Tăng mua điện than để đáp ứng sự phục hồi của nhu cầu

EVN sẽ ưu tiên mua điện từ các nhà máy nhiệt điện than xuất phát từ dự báo giá điện than sẽ thấp hơn giá điện khí mua vào trong 2022. Hiện tại, than nhập khẩu chiếm 24% trong tổng lượng than tiêu thụ của Việt Nam, trong đó chủ yếu là than nhập từ Indonesia và Australia. Giá than tương lai Newcastle đã đạt mức 168 USD/tấn, tăng 101% kể từ đầu năm. Chúng tôi dự phóng rằng giá than nội địa sẽ tăng trong năm 2022 khi EVN ưu tiên mua điện từ các nhà máy điện than. Bất chấp xu hướng tăng của giá than, giá mua vào điện than được dự phóng nằm trong mức 1,300 - 1,569 đồng/kWH, một mức giá hấp dẫn so với điện khí có giá từ 1,800 - 2,800 đồng cho 1 kWh. Chúng tôi kỳ vọng các nhà máy nhiệt điện than sẽ có triển vọng sáng hơn điện khí trong 2022.

Năng lượng tái tạo đang trên đà tăng tốc

Theo sau Quy hoạch điện 8 (QHĐ 8), Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục phụ thuộc vào điện than và điện khí nhằm đảm bảo nguồn cung năng lượng phục vụ cho tăng trưởng kinh tế. Tuy vậy, hưởng ứng cam kết trung hòa khí thải (net-zero) của Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh Liên hiệp quốc về Biến đổi khí hậu năm 2021 (COP26), năng lượng tái tạo được chính phủ khuyến khích là đầu tàu cho việc mở rộng nguồn cung năng lượng ở Việt Nam, bắt đầu từ năm 2022.

Hiện tại, điện tái tạo chỉ chiếm 12% tổng nguồn điện của Việt Nam và cần từ 1 đến 3 năm để một dự án điện tái tạo vận hành thương mại, chúng tôi kỳ vọng các dự án năng lượng tái tạo có thể hái quả ngọt từ năm 2024.

Định giá

Hiện tại, cổ phiếu ngành điện đang giao dịch ở mức 13.8x PE trượt 12 tháng, gần vùng +1 độ lệch chuẩn so với trung bình 4 năm (14.0x). Nhìn vào định giá cao của các công ty trong ngành, chúng tôi thấy rằng thị trường đang đánh giá ngành điện một cách khả quan. ROE trượt 12 tháng của ngành đang ở mức thấp hơn 0.06 điểm so với năm 2020, được cho là vì kết quả kinh doanh của ngành trong 9T21 không đáp ứng được kỳ vọng.

Nhiệt điện Quảng Ninh (QTP)

Điện than kỳ vọng tỏa sáng trong năm 2022

Phong tỏa toàn quốc tác động xấu tới kết quả kinh doanh trong 9T21: Mặc dù sản lượng suy giảm trong 9T21 do các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt trên toàn quốc, lợi nhuận hoạt động 9T21 của QTP vẫn tăng 1.825 lần n/n do sự sụt giảm mạnh mẽ trong chi phí khấu hao. Trong 9T21, QTP ghi nhận LN ròng là 396 tỷ đồng, vượt 24.6% so với kế hoạch năm. Kể từ 4Q20, QTP đã giãn thời gian khấu hao từ 10 năm sang 15 năm cho lò hơi và tua bin.

QTP đã hồi tố chi phí khấu hao trong 4Q20. Theo dự báo, doanh thu và LN ròng của QTP có thể đạt lần lượt 8,339 tỷ đồng và 613 tỷ đồng, giảm tương ứng 9.18% n/n và 53% n/n, đồng nghĩa với việc doanh thu 4Q21 là 216 tỷ đồng (giảm 73% n/n) do hồi tố chi phí khấu hao trong 4Q20. Doanh thu và lợi nhuận ròng tăng trong năm 2022: Chúng tôi kỳ vọng doanh thu và lợi nhuận của QTP sẽ tăng trưởng trong năm 2022 nhờ sự phục hồi của nhu cầu tiêu thụ điện, kết hợp với chiến lược chuyển trọng tâm thu mua sang các nhà máy điện than của EVN trong năm 2022.

Doanh thu và LNST của QTP được dự báo có thể đạt lần lượt 10,358 tỷ đồng và 782 tỷ đồng, tăng tương ứng 24.2% n/n và 27.6% n/n trong 2022.

QTP sẽ thuận lợi cưỡi trên con sóng tăng trưởng của nhiệt điện than trong năm 2022: QTP có mối liên hệ mật thiết với EVN và Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) khi 2 cổ đông lớn của QTP, EVNGENCO 1 và Nhiệt điện Phả Lại lần lượt là công ty con của 2 tập đoàn này. Do giá than nhiệt tăng, giá CGM được dự báo sẽ tăng 15-20% trong 2022. Sản lượng thủy điện dự kiến giảm trong năm 2022 vì điều kiện thủy văn kém thuận lợi do sự suy yếu của La Nina. Cùng với giá mua điện khí tăng do đà tăng mạnh của giá khí toàn cầu 2022, chúng tôi tin rằng sản lượng và Qc của QTP sẽ tăng, hỗ trợ tăng trưởng lợi nhuận gộp.

QTP là một cổ phiếu đầy hứa hẹn nhờ nền tảng vững chắc và triển vọng tăng trưởng trong 2022: QTP đang giao dịch tại mức 7.2x PE trượt 12 tháng, thấp hơn nhiều so với mức trung vị 12.1x của ngành. Giá hiện tại bị tác động bởi lo ngại về nhu cầu tiêu thụ thấp gây ra bởi phong tỏa toàn quốc. Với nền tảng vững chắc và triển vọng tăng trưởng doanh thu trong 2022, QTP là một cơ hội tốt để nhà đầu tư cân nhắc trong 2022.

Nguồn: KIS

×
tvi logo