Báo cáo lần đầu cổ phiếu VIB 17/12/2021

Báo cáo lần đầu cổ phiếu VIB 17/12/2021

Lượt xem: 194
  •  

Chúng tôi khuyến nghị MUA đối với cổ phiếu VIB với giá mục tiêu 54,800 đ/cp (+25.4% upside) dựa trên những luận điểm chính như sau:

Luận điểm đầu tư

1. Tăng trưởng tín dụng cao với động lực chính là mảng cho vay cá nhân.

2. NIM được kỳ vọng tiếp tục được nâng cao nhờ các mảng cho vay chủ lực có được lợi suất cao.

3. Thu nhập ngoài lãi gia tăng chủ yếu từ các mảng doanh thu từ phí, đặc biệt là banca và các hoạt động thu phí.

4. Chất lượng tài sản bị suy giảm nhẹ sau đợt giãn cách nhưng có dấu hiệu phục hồi khi nền kinh tế mở cửa trở lại.

Rủi ro đầu tư

Những hạn chế về nguồn vốn sẽ khiến việc phê duyệt hạn mức tín dụng cho VIB gặp nhiều thách thức. Ngoài ra, lạm phát cũng là một trong những yếu tố khiến NIM của ngân hàng bị suy giảm. Nhu cầu bán lẻ bị suy giảm khá nhiều sau đại dịch cùng với áp lực nợ khiến chi tiêu bị suy giảm, kéo theo đó là nhu cầu tín dụng của các máng bán lẻ không đạt được tăng trưởng như kỳ vọng.

Cập nhật kết quả kinh doanh

 Trong 3Q2021, VIB đạt tổng thu nhập hoạt động (TOI) đạt 3,080 tỷ đồng (+14.6% YoY), trong đó thu nhập ròng từ lãi (NII) đạt 2,678 tỷ đồng (+19.9% YoY); thu nhập ròng ngoài lãi (NoII) đạt 402 tỷ đồng (-49.6% YoY), chủ yếu đến từ việc giảm các khoản thu phí bancasurance và các khoản dịch vụ khác bị gián đoạn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Chi phí hoạt động trong kỳ ở mức 1,429 tỷ đồng (+27% YoY), giúp tỷ lệ CIR trong quý đạt mức 46.4%, cao hơn đáng kể so với so với mức 37.1% trong 6T2021 và mức hơn 40% trong năm 2020. Lũy kế 9T2021, VIB đạt tổng thu nhập hoạt động (TOI) 10,389 tỷ đồng (+32.4% so với cùng kỳ), trong đó NII và NoII lần lượt đạt mức 8,416 tỷ đồng (+41.8% YoY) và 1,972 tỷ đồng (+3.2% YoY). NII gia tăng chủ yếu đến từ NIM được cải thiện đáng kể từ mức 4% trong 9T2020 lên hơn 4.5% trong 9T2021 mặc dù tốc độ tăng trướng tín dụng chỉ đạt 10.5% trong 9T2021 so với mức 14.7% cùng kỳ năm 2020. Chi phí hoạt động đạt 4,135 tỷ đồng (+30.8% YoY), giúp tỷ lệ CIR được cải thiện nhẹ xuống mức 39.8%.

 Chất lượng tài sản có sự suy giảm nhẹ so với Q2/2021 cũng như thời điểm cuối năm 2020. Tỷ lệ nợ xấu NPL vào cuối Q3/2021 đạt 2.12%, cao hơn mức 1.69% vào cuối Q2 cũng như mức 1.74% vào cuối năm 2020 do ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch Covid-19 kéo dài suốt Q3/2021. Tỷ lệ nhóm 2 cũng gia tăng lên mức 3.34%, cao hơn mức 2.39% của Q2/2021 và mức 2.32% vào cuối năm 2020. Tỷ lệ bao nợ xấu (LLR) đạt 54.1%, thấp hơn mức 63.8% trong Q2 và mức 62% cuối năm 2020. Chi phí trích lập dự phòng trong 9T2021 đạt 915 tỷ đồng (+38.7% YoY).

 NIM của VIB trong 9T2021 đạt 4.57% cao hơn so với mức 4.07% trong năm 2020 nhờ chi phí vốn giảm mạnh từ mức 5% trong năm 2020 xuống còn 4.06%. ROE và ROA đạt lần lượt 29.4% và 2.3%, suy giảm mạnh so với mức 32.6% trong Q2/2021 và tương đương với mức của năm 2020.

Tăng trưởng tín dụng cao với động lực chính từ mảng cho vay bán lẻ

 Tỷ lệ cho vay bán lẻ của VIB gia tăng từ mức hơn 45% trong năm 2016 lên hơn 87% vào cuối Q3/2021 với tốc độ tăng trưởng CAGR hơn 32%. Trong đó cho vay BĐS và cho vay mua ô tô là 2 mảng chính chiếm hơn 76.5% tổng danh mục cho vay bán lẻ của VIB.

 Trong Q3/2021, tăng trưởng tín dụng của VIB đạt chỉ 2.7% do tác động của dịch Covid-19 khiến hầu hết các mảng cho vay của VIB tăng trưởng chậm lại so với Q2. Chúng tôi cho rằng, những tác động của dịch Covid-19 tới các mảng cho vay của VIB chỉ mang tính chất tạm thời, và sẽ được phục hồi trở lại trong Q4/2021, khi nền kinh tế được mở cửa trở lại và rủi ro giãn cách gần như là không còn khi tỷ lệ tiêm vắc-xin của Việt Nam đạt hơn 85% tổng số người trên 18 tuổi.

 Lũy kế 9T2021, tăng trưởng tín dụng của VIB đạt hơn 10.9%, hoàn thành 77% hạn mức tín dụng được cấp (14.1%). Chúng tôi kỳ vọng mức tăng trưởng tín dụng của VIB cũng như toàn ngành sẽ có sự bùng nổ trong Q4/2021 như đã diễn ra trong năm 2020 nhờ việc mở cửa trở lại nền kinh tế từ đầu Q4. Cụ thể, quý cuối năm 2020, tăng trưởng tín dụng của VIB đạt hơn 13.8%, bằng tổng tăng trưởng tín dụng 3 quý trước đó, do đó chúng tôi kỳ vọng Q4/2021, tăng trưởng tín dụng của VIB sẽ đạt khoảng 9.1% với kỳ vọng NHNN sẽ tiếp tục nâng “room” tín dụng của VIB, đưa tổng mức tăng trưởng tín dụng của VIB đạt 20% trong năm 2021. Trong năm 2022, với kỳ vọng dịch bệnh cơ bản được kiểm soát và nền kinh tế bắt đầu phục hồi, chúng tôi kỳ vọng mức tăng trưởng tín dụng của VIB sẽ đạt khoảng 27.9%.

NIM được kỳ vọng tiếp tục gia tăng nhờ chi phí vốn được cải thiện đáng kể

 NIM của Q3/2021 có sự suy giảm nhẹ so với Q2/2021 cũng như năm 2020 do ngân hàng thực hiện chính sách giảm lãi cho các khách hàng chịu ảnh hưởng bởi đại dịch. Hơn 95% khoản nợ tái cơ cấu của VIB nằm trong nhóm khách hàng bán lẻ, ảnh hưởng lớn đến thu nhập từ lãi của ngân hàng.

 Tuy nhiên, việc NHNN duy trì môi trường lãi suất thấp hỗ trợ nền kinh tế đã giúp chi phí vốn của VIB có sự sụt giảm đáng kể, do vậy mặc dù lãi vay có sự suy giảm nhưng NIM của ngân hàng vẫn ở mức cao so với năm 2020. NIM của VIB trong 9T2021 đạt hơn 4.4%, cao hơn mức 4.07% của năm 2020. Lãi vay trung bình đạt hơn 9.9% (loại trừ các khoản lãi chưa ghi nhận của các khoản nợ tái cơ cấu) trong Q3/2021. Chi phí huy động cũng giảm về mức 4.0% trong Q3.

 CASA có sự gia tăng nhẹ nhờ các kết quả khả quan trong việc chuyển đối số của ngân hàng. CASA đến cuối Q3/2021 đạt hơn 12.4%, vẫn còn thấp so với các ngân hàng tương đương như TCB VPB ACB hay MBB. Trong đó, khoản đóng góp CASA từ các hoạt động kỹ thuật số có sự tăng trưởng ấn tượng nhất, với tỷ lệ gia tăng từ mức 3% tại thời điểm cuối năm 2020 lên mức 4.9% vào cuối Q3/2021. Chúng tôi kỳ vọng đây sẽ là động lực chính giúp CASA vượt mức 15% trong năm 2025.

 Với việc môi trường lãi suất vẫn tiếp tục thấp nhờ chính sách tiền tệ nới lỏng, cùng với tỷ lệ CASA ngày càng được gia tăng, chúng tôi kỳ vọng chi phí vốn của VIB trong năm 2021 tiếp tục có sự cải thiện và đạt 4.14%.

Thu nhập ngoài lãi tiếp tục tăng trưởng cao nhờ phí bảo hiểm và phí giao dịch

 Trong cơ cấu thu nhập ngoài lãi, thu nhập từ hoạt động dịch vụ trung bình chiếm hơn 90% tổng thu nhập ngoài lãi. Trong đó, đóng góp đáng kể nhất đến từ các khoản thu phí thanh toán và phí dịch vụ bảo hiểm (bancassurance), chiếm hơn 70% tổng thu nhập từ dịch vụ.

 Có sự dịch chuyển cơ cấu trong tổng thu nhập dịch vụ, các khoản thu nhập từ phí thanh toán dần chiếm tỷ trọng cao hơn so với các khoản thu phí bảo hiểm. Hiện tại, VIB đang có số lượng thẻ lưu hành là 371 ngàn thẻ, với tỷ lệ khách hàng trên kênh số hóa đạt 55%, cao hơn gấp 5 lần so với thời điểm đầy năm 2020. Chúng tôi cho rằng nỗ lực chuyển đổi số và đẩy mạnh các mảng doanh thu từ thẻ tín dụng giúp mang lại nguồn phí ổn định và cao hơn. Ngoài ra, việc tập trung vào việc kinh doanh thẻ sẽ giúp VIB đạt được tệp khách hàng lớn hơn, đây được xem là tiền đề giúp ngân hàng đạt được mức CASA cao hơn trong tương lai khi mà mảng CASA digital đang có được sự tăng trưởng cao.

 Về mảng bancassurance, hiện tại VIB đang là ngân hàng có APE lũy kế cao nhất thị trường đạt 1,287 tỷ đồng, đồng thời năng suất của từng chi nhánh cũng đạt mức cao nhất hơn 771 tỷ đồng/chi nhánh. Điều này giúp VIB có được 12% thị phần banca toàn thị trường tại cuối Q3/2021.

Nguồn: MBS 

×
tvi logo