Báo cáo ĐHCĐ: Kỳ vọng tiếp tục mở rộng đội tàu
Chúng tôi đã tham dự ĐHCĐ trực tuyến của Tổng CTCP Vận tải Dầu khí (PVT) diễn ra ngày 15/06/2021. ĐHCĐ đã thảo luận về KQKD sơ bộ 6 tháng năm 2021, triển vọng cho năm 2021, triển vọng tăng trưởng trong dài hạn, kế hoạch mở rộng công suất và thoái vốn của Nhà nước. Nhìn chung, ban lãnh đạo lạc quan về triển vọng dài hạn dù những bất ổn liên quan đến dịch COVID-19.
Cổ đông đã thông qua kế hoạch cho năm 2021 với doanh thu đạt 6 nghìn tỷ đồng (- 18,7% YoY) và lợi nhuận ròng đạt 404 tỷ đồng (-51,4% YoY), chúng tôi cho rằng kế hoạch này khá thận trọng. Chúng tôi lưu ý rằng con số lợi nhuận thực tế của PVT đã cao hơn 1,7-2,2 lần so với mục tiêu của công ty trong 5 năm qua.
PVT đã công bố KQKD sơ bộ 6 tháng đầu năm 2021 với doanh thu đạt 3,5 nghìn tỷ đồng (+3,1% YoY) và lợi nhuận trước thuế (LNTT) đạt 420 tỷ đồng (+6,8% YoY). LNTT 6 tháng đầu năm 2021 đã hoàn thành 44% dự báo cả năm và phù hợp với kỳ vọng của chúng tôi.
PVT đang tiến hành thanh lý tàu chở dầu Athena trong nửa cuối năm 2021. PVT ước tính giá trị bán ra ở mức 6-10 triệu USD nhờ giá phế liệu tăng cao, cao hơn so với dự báo trước đây là 5 triệu USD, tương ứng khả năng điều chỉnh tăng dự báo hiện tại của chúng tôi khi chúng tôi chưa ghi nhận diễn biến này trong dự báo lợi nhuận năm 2021.
PVT thông báo về việc mua lại một tàu vận chuyển LPG siêu lớn (VLGC) trong quý 2- 3/2021. Điều này dẫn đến khả năng tăng đối với dự báo LNST dài hạn của chúng tôi, dù cần thêm đánh giá chi tiết.
Cổ đông đã thông qua mức cổ tức tiền mặt cho năm 2020 là 1.000 đồng/CP (lợi suất 4,7%), cao hơn dự báo hiện tại của chúng tôi là 700 đồng/CP. Theo Tổng Giám đốc PVT, công ty đang cố gắng vượt kế hoạch lợi nhuận năm 2021 để có thể chia cổ tức tiền mặt ở mức 1.000 đồng/CP cho năm 2021. PVT cũng đặt mục tiêu chia cổ tức 10- 15% mệnh giá trong dài hạn (bao gồm cổ tức tiền mặt và cổ tức cổ phiếu, tùy thuộc vào yêu cầu vốn đầu tư và lợi nhuận mỗi năm).
Thay đổi các vị trí quản lý chủ chốt. Tổng Giám đốc PVT, ông Phạm Việt Anh cho biết ông sẽ thôi giữ chức vụ TGĐ để chuyển sang đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT theo phân công của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) - cổ đông lớn nhất của PVT (sở hữu 51% cổ phần). Phó Tổng Giám đốc Ông Nguyễn Duyên Hiếu sẽ thay ông Phạm Việt Anh giữ chức vụ Tổng Giám đốc. Ngoài ra, ĐHCĐ đã thông qua việc thay thế 2 thành viên HĐQT và 1 thành viên Ban kiểm soát.
Cổ đông đã thông qua kế hoạch kinh doanh thận trọng cho năm 2021. PVT đặt kế hoạch doanh thu năm 2021 là 6 nghìn tỷ đồng (-18,7% YoY) và lợi nhuận ròng đạt 404 tỷ đồng (-51,4% YoY). Dự báo lợi nhuận ròng năm 2021 này tương ứng với 54% dự báo hiện tại của chúng tôi; tuy nhiên, chúng tôi lưu ý rằng PVT thường thận trọng trong việc đưa ra kế hoạch kinh doanh do con số lợi nhuận ròng thực tế thường cao hơn 1,7-2,2 lần so với con số kế hoạch trong 5 năm qua.
Tiềm năng lớn từ mảng hóa chất; PVT sẽ mua lại 1 tàu vận chuyển khí siêu lớn (VLGC) trong quý 2-3/2021. PVT đã mua 2 tàu chở hóa chất mới với giá tốt trong quý 1/2021 và các tàu chở dầu này đã đóng góp vào kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2021 đáng khích lệ của PVT. PVT kỳ vọng sẽ có nhiều cơ hội việc làm trong lĩnh vực vận chuyển hóa chất tại các thị trường quốc tế (chủ yếu từ Nhật Bản) - đặc biệt là trong giai đoạn 2022-2023. Do đó, PVT đặt mục tiêu tăng tỷ trọng đóng góp từ tàu chở hóa chất từ 13% hiện nay lên 40% -50% của tổng đội tàu chở dầu trong 5 năm tới. Ngoài ra, PVT thông báo sẽ mua 1 tàu VLGC (công suất lớn hơn 20-30 lần nhưng giá trị đầu tư chỉ cao hơn 3 lần so với tàu chở LPG thông thường) trong quý 2 - quý 3/2021 để vận chuyển LPG ra nước ngoài. PVT kỳ vọng VGLC này có thể mang lại lợi nhuận hàng năm là 100 tỷ đồng. Ngoài ra, TGĐ của PVT cho biết nhu cầu vận chuyển khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) rất lớn.
Kế hoạch đầu tư tàu chở dầu thô siêu lớn (VLCC) vẫn được duy trì. PVT vẫn có kế hoạch đầu tư vào 1 VLCC. Theo PVT, kế hoạch này không phụ thuộc vào việc đàm phán hợp đồng vận tải dài hạn với nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, mà dựa trên triển vọng giá tàu VLCC - hiện đang có nhiều biến động.
Thị trường quốc tế là động lực tăng trưởng dài hạn. Trong những năm gần đây, hoạt động kinh doanh của PVT đã ít phụ thuộc hơn vào thị trường trong nước. Hiện tại, 20% đội tàu chở của PVT hoạt động tại thị trường trong nước, trong khi 80% còn lại hoạt động trên thị trường quốc tế. Doanh thu từ nước ngoài và LNTT hiện chiếm lần lượt 60% và 50% tổng doanh thu và LNTT của PVT. Trong tương lai, PVT sẽ tập trung vào thị trường quốc tế đồng thời giảm sự phụ thuộc vào thị trường trong nước do việc vận chuyển dầu thô trong nước cho BSR dự kiến sẽ giảm với trữ lượng dầu thô giảm.
Kế hoạch thoái vốn của PVT tại các công ty con. Trong tương lai, PVT đặt mục tiêu giảm tỷ lệ sở hữu xuống 51% tại các công ty con như Gas Shipping (HSX: GSP - công ty vận chuyển LPG trong đó PVT hiện nắm 68% cổ phần), PVTrans Pacific (UPCoM: PVP - công ty vận chuyển dầu thô, 68% cổ phần) và PVTrans Vũng Tàu (vận tải sản phẩm dầu, 90% cổ phần). Thông qua việc thoái vốn này, PVT và các công ty con sẽ có thêm vốn chủ sở hữu để tài trợ cho việc mở rộng công suất trong tương lai.
Kế hoạch thoái vốn của Chính phủ. Trong kế hoạch 2016 - 2020, PVN đặt mục tiêu giảm tỷ lệ sở hữu tại PVT từ 51% xuống 36% vào cuối năm 2020, điều này đã không xảy ra. Hiện PVN đang xây dựng phương án thoái vốn điều chỉnh để trình Chính phủ thông qua.
PVT giải đáp thắc mắc của cổ đông liên quan đến thông tin tàu chở dầu của PVT liên quan đến công ty kinh doanh dầu bị cấm vận. Vào tháng 4/2021, có thông tin về việc các tàu chở sản phẩm dầu của PVT (PVT Aurora và PVT Dolphin) có liên quan với các nhà nhà phân phối dầu bị trừng phạt (do một quốc gia cụ thể, không phải do Liên hợp quốc trừng phạt) theo dữ liệu theo dõi tàu từ Lloyd's List. Theo PVT, các hợp đồng vận tải này vẫn phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế. Trả lời câu hỏi của cổ đông về việc làm thế nào để tránh vấn đề liên quan đến quản trị công ty này trong tương lai, PVT cho biết 1) sẽ điều tra khách hàng rõ ràng hơn để tránh các thương nhân kinh doanh dầu bị hiện bị trừng phạt và 2) trẻ hóa đội tàu chở dầu để đội tàu của PVT có đủ điều kiện hoạt động trong các phân khúc cao hơn là phân khúc tại thị trường Trung Đông.
Nguồn: VCSC