Báo cáo cập nhật cổ phiếu STB 20/12/2021
DOANH THU VÀ LỢI NHUẬN CỦA TĂNG TRƯỞNG VƯỢT TRỘI TRONG 3 QUÝ ĐẦU NĂM 2021 NHỜ NỖ LỰC THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC TÁI CƠ CẤU
Luận điểm đầu tư
- Tăng trưởng tín dụng ổn định bất chấp dịch bệnh COVID-19 vào gia tăng nguồn thu nhập chính của ngân hàng trong 3 quý đầu năm 2021, đặc biệt vào quý II;
- Hoạt động tái cơ cấu đạt được hiệu quả: Chất lượng tài sản tốt, tỷ lệ nợ xấu và tài sản tồn đọng được xử lý nhanh;
- Doanh thu đột biến từ đấu giá thành công nhiều tài sản khổng lồ bao gồm 05 lô đất thuộc bất động sản KCN Sóng Thần, thu về gần 2.000 tỷ đồng;
- Bộ đệm dự phòng rủi ro đã được cải thiện.
CHIẾN LƯỢC GIAO DỊCH: MUA
Giá giao dịch hiện tại: 28.500 – 28.600 VNĐ/cổ phiếu
Giá dự báo: 33.100 – 33.200 VNĐ/cổ phiếu
Thời gian nắm giữ: <= 12 tháng Lợi nhuận dự kiến: +17,1%
STB là một trong những ngân hàng cổ phần tư nhân hoạt động hiệu quả trong ngành ngân hàng Việt Nam. Trong năm 2021, trong khi tình hình dịch bệnh bùng phát căng thẳng, STB vẫn tăng trưởng đều đặn trong 9 tháng đầu năm 2021, đạt hơn 3.249 tỷ đồng, tăng 40% so với cùng kỳ năm trước.
Chúng tôi nhận định rằng STB vẫn còn dư địa phát triển mạnh mẽ khi đang không ngừng nỗ lực thực hiện từng nội dung của Đề Án Tái Cơ Cấu Ngân Hàng.
Chiến lược tái cơ cấu cho thấy triển vọng tích cực
Chúng tôi nhận thấy hiệu quả sử dụng vốn của STB tăng lên, kéo theo thanh khoản tốt và chỉ số an toàn vốn CAR được duy trì trên 9% sau khi STB bán toàn bộ 81.562.287 cổ phiếu quỹ (tương đương 4,33% vốn điều lệ), thu về hơn 2.438 tỷ đồng, như vậy thặng dư vốn có được là 1.684 tỷ đồng.
Xét về góc độ tài sản, CTS nhận định chất lượng tài sản của STB được duy trì ổn định tốt. Cho dù quý II/2021 là giai đoạn bùng dịch Covid-19, LNST của STB đạt 1.113 tỷ đồng tăng gấp 4 lần cùng kỳ năm trước. Hơn nữa, CTS dự báo, tỷ lệ nợ tiếp tục giảm trong những năm tới khi STB liên tiếp xử lý các khoản nợ xấu tồn đọng, đấu giá thành công các khối bất động sản khổng lồ. Cụ thể, tại ngày 30/9/2021, tổng tài sản của STB đạt 494.295 tỷ đồng, tăng 0,4% so với đầu năm. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 4,8% đạt 356.440 tỷ đồng. Nợ xấu nội bảng của STB giảm 212 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ cho vay giảm từ 1,7% xuống 1,56%. Nợ nhóm 2 chỉ tăng thêm 915 tỷ đồng, tương đương 0,26% dư nợ. Tỷ lệ nợ nhóm 2 đến cuối quý 3/ 2021 ở mức 0,51%. Nợ tái cơ cấu do COVID-19 đến cuối quý 3/2021 của STB còn lại không đáng kể.
Hoạt động tiếp tục đạt hiệu quả cao
Về hoạt động năm 2021, chúng tôi dự báo thu nhập từ lãi thuần của STB sẽ tăng trưởng tương đối khả quan với tốc độ tăng 2 chữ số. STB đã thực hiện tốt Thông tư 14/2021/TT-NHNN sửa đổi bổ sung TT01/2020 về việc cơ cấu lại nợ và giảm, miễn phí cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Việc miễn, giảm lãi vay này tạo áp lực giảm cho tỷ suất sinh lời tài sản của ngân hàng, CTS dự báo NIM năm 2021F khoảng 2,98% tăng 0,27% so với năm 2020. STB vẫn duy trì tỷ lệ cho vay nhóm khách hàng ở khu vực phía Nam, chiếm 70% dư nợ.
Đặc biệt, khi Việt Nam bước vào giai đoạn “bình thường mới”, STB sẽ được hưởng lợi khi nền kinh tế tăng trưởng ổn định, nguồn vốn được đưa vào sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, trong năm 2021, NHNN hạ trần lãi suất tiền gửi cũng giảm bớt gánh nặng về chi phí huy động vốn cho ngân hàng. Chúng tôi nhận định, dù chính sách tiền tệ hỗ trợ của NHNN sẽ được duy trì với lãi suất điều hành thấp, nhưng lãi suất tiền gửi còn rất ít dư địa giảm, đặc biệt trong bối cảnh lạm phát. Do vậy, lãi suất cho vay sẽ tăng theo, tạo đà tăng trưởng tín dụng.
Chúng tôi nhận định doanh thu từ bán đấu giá thành công các tài sản bất động sản sẽ còn tăng lên vào những năm tới. STB đã bán đấu giá thành công 05 lô đất thuộc KCN Sóng Thần với giá 2.000 tỷ đồng. CTS dự báo sau khi trừ đi phí, thuế và thực hiện các thủ tục chuyển nhượng quyền sở hữu, sử dụng tài sản liên quan, STB sẽ ghi nhận doanh thu vào quý I/2022. Trước đó, nhiều lô đất lớn cũng đã được STB đấu giá thành công thời gian qua. Có thể kể đến, lô đất có tổng diện tích là 6.327 m2 nằm tại ngã tư đường Hòa Bình – Tô Hiệu, thuộc sở hữu của CTCP Đầu tư Xây dựng và Kinh doanh bất động sản Tân Phong.
Thông tư mới của NHNN là hỗ trợ tích cực
Vào đầu tháng 4/2021, NHNN đã ban hành Thông tư 03/2021/TTNHNN sửa đổi bổ sung TT01/2020 về việc cơ cấu thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi phí nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19. Theo đó, các ngân hàng bắt đầu phải trích lập bổ sung chi phí dự phòng rủi ro cho các khoản nợ được tái cơ cấu theo quy định về phân loại nợ của NHNN và phân bổ dần số tiền dự phòng phải trích bổ sung từ năm 2021 – 2023, cụ thể là 30% tính đến cuối 2021 và 60% đến cuối năm 2022 và muộn nhất là đến 31/12/2023 phải bổ sung 100% số tiền trích lập dự phòng bổ sung. Chúng tôi đánh giá thông tư mới sẽ giảm bớt áp lực phải trích một khoản lớn chi phí dự phòng rủi ro ngay trong năm 2021 cho các ngân hàng. Tuy nhiên với riêng STB, chúng tôi nhận thấy ngân hàng vẫn tuy trì tốc độ trích lập dự phòng rủi ro thích hợp trải đều từ năm 2021F - 2023F. Chúng tôi dự phóng chi phí dự phòng rủi ro sẽ tăng 14% 2021F, duy trì mức tăng 9% 2022F-2023F. Chúng tôi cho rằng, đây là mức trích lập hợp lý để STB duy trì tốc độ tăng trưởng bình quân từ 2,7%-3%/năm.
Rủi ro
Các khoản nợ xấu thực nếu tăng cao sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến lợi nhuận của ngân hàng trong khi tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu chưa thực sự quá cao.
Dự phóng và định giá
Chúng tôi ước tính lợi nhuận sau thuế 2021 của STB đạt khoảng 3.777 tỷ đồng, tăng trưởng 39.4% yoy; EPS 2021E và BVPS 2021E lần lượt là 2.003 nghìn đồng và 17.022 đồng (chưa tính yếu tố pha loãng do trả cổ tức bằng cổ phiếu hoặc phát hành thêm).
Chúng tôi sử dụng phương pháp định giá so sánh với P/E, P/B và định giá thu nhập thặng dư (RI) để định giá cổ phiếu STB. Qua đó, ước tính giá trị hợp lý của cổ phiếu STB là đồng 33.200 VNĐ/cổ phiếu, tăng 17,1% so với giá đóng cửa ngày 17/12/2021. Chúng tôi đã đưa ra khuyến nghị MUA đối với cổ phiếu STB, thời gian đầu tư 12 tháng.
Nguồn: CTS