ACB: KQKD Q3 chịu ảnh hưởng từ giãn cách xã hội kéo dài nhưng tăng trưởng dài hạn bền vững
Mặc dù tín dụng giảm (-1,5% QoQ) trong Q3/2021 do đại dịch, các nguồn thu nhập tại ACB duy trì mạnh mẽ (+27% YoY). Điều này giúp ACB có đủ nguồn lực để trích trước khoản thưởng cho Q4/2021 và trích lập thêm 820 tỷ đồng (+406% YoY) dự phòng nợ xấu trong khi duy trì lợi nhuận ròng không đổi so với cùng kỳ ở mức 2,6 nghìn tỷ đồng. Trong 9T2021, LNTT đạt 9 nghìn tỷ đồng (+40% YoY)- hoàn thành 85% kế hoạch tại ĐHCĐ và 75% ước tính của chúng tôi.
Với quan điểm thận trọng trong quản trị rủi ro, chúng tôi cho rằng chi phí tín dụng của ACB sẽ tiếp tục ở mức cao trong phần còn lại của năm 2021 và cả năm 2022. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng ngân hàng có thể duy trì NIM ở mức 4% do CASA đang dần được cải thiện và ngân hàng vẫn còn dư địa để tối ưu các chỉ tiêu về thanh khoản. Theo đó, LNTT 2021 và 2022 ước tính là 11,8 nghìn tỷ đồng (+23% YoY) và 14,7 nghìn tỷ đồng (+24% YoY).
Chúng tôi khuyến nghị MUA đối với ACB, và giá mục tiêu 1 năm ở mức 41.750 đồng/cp.
Rủi ro giảm đối với khuyến nghị: Nợ xấu mới hình thành cao hơn ước tính. Dự phòng cho Trái phiếu chính phủ trong trường hợp lãi suất tăng.
Thanh khoản tốt do xu hướng trái ngược giữa tăng trưởng tín dụng và huy động
• Dư nợ cho vay giảm -1,5% so với quý trước. Tổng dư nợ cho vay của ACB giảm trong Q3/2021. Tại thời điểm cuối tháng 9/2021, tổng tín dụng đạt 336 tỷ đồng (-1,5% QoQ và +8% YTD). Cơ cấu cho vay bao gồm: Khách hàng cá nhân (62%); SME (31%); Doanh nghiệp lớn (7%). Kết quả này khá ổn định so với Q2/2021. Theo ngân hàng, các doanh nghiệp gặp khó khăn nhất nằm trong các lĩnh vực dịch vụ, lưu trú và du lịch. Trong khi đó, nhóm khách hàng cá nhân chịu ảnh hưởng nhiều nhất là bên cho thuê nhà trọ.
• Huy đông tăng +3,2% so với quý trước. Trong 6T2021, ACB nới lỏng hệ số LDR để tối ưu hóa NIM. Tuy nhiên, LDR giảm còn 80,2% trong Q3/2021 do tiền gửi khách hàng và chứng chỉ tiền gửi tăng +2% và +18% so với quý trước, cùng với việc phát hành trái phiếu kỳ hạn 3 năm trị giá 8 nghìn tỷ đồng. Chúng tôi cho rằng ngân hàng tập trung ưu tiên các chỉ số thanh khoản hơn là mở rộng NIM trong đợt bùng phát Covid-19 gần đây. CASA tiếp tục cải thiện, tăng 4 bps lên 22,5%.
NIM giảm so với quý trước, phù hợp với xu hướng ngành. NIM tăng 24 bps so với cùng kỳ nhưng giảm 49 bps so với quý trước còn 3,97%. Ngoài việc giảm LDR như đề cập ở trên, NIM giảm so với quý trước còn là do lợi suất tài sản sinh lãi giảm. ACB giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng chịu ảnh hưởng bởi Covid từ 0,3%-0,8% đối với cho vay ngắn hạn và 0,5%-1% đối với cho vay dài hạn. Theo đó, thu nhập lãi thuần chịu ảnh hưởng 204 tỷ đồng (tương đương ~4,1% thu nhập lãi thuần quý, hoặc 0,24% tổng dư nợ cho vay). Ngân hàng cũng thoái thu lãi liên quan đến nợ tái cơ cấu với giá trị khoảng 120-150 tỷ đồng trong Q3/2021 theo ước tính của chúng tôi. Cả hai yếu tố này khiến lợi suất tài sản sinh lãi giảm 46 bps so với quý trước.
Nhìn chung, thu nhập lãi thuần đạt 4,5 nghìn tỷ đồng (+24,4% YoY hay -9% QoQ).
Mặc dù tăng +29% YoY, thu dịch vụ chịu tác động lớn từ đại dịch, giảm -28% QoQ. Điều này là do: (1) bancassurance đóng góp khoảng 50% thu nhập từ hoạt động dịch vụ (NFI) và (2) ACB tập trung hoạt động tại miền Nam hơn so với các ngân hàng TMCP lớn trong nước khác. Không như TCB và MBB - hai ngân hàng có thị phần APE (phí bảo hiểm quy năm) về bancassuarance được cải thiện, ACB lùi từ Top 2-3 trong 6T2021 xuống còn Top 6-8 trong Q3/2021. Theo chúng tôi, kết quả này chỉ là tạm thời do chúng tôi nhận thấy doanh thu bancassurance sẽ hồi phục từ tháng 10 khi các biện pháp giãn cách xã hội tại miền Nam được gỡ bỏ.
CIR tăng, do ngân hàng ghi nhận trước một phần chi phí nhân viên cho Q4/2021. Thông thường, chi phí thưởng và các khoản khác liên quan đến nhân viên được ghi nhận trong Q1 và Q4 theo quan sát của chúng tôi. Tuy nhiên, ACB đã ghi nhận khoản thưởng trong Q3/2021, khiến CIR tăng lên 40%. Mặc dù vậy, trong 9T2021, CIR (không gồm hoàn nhập dự phòng tài sản khác) vẫn cải thiện lên 36,5% từ 46,6% trong cùng kỳ năm trước.
Chất lượng tài sản giảm. Nợ xấu tăng 15 bps so với quý trước lên 0,8% và nợ nhóm 2 tăng lên 0,72% (so với 0,25% tại cuối Q2/2021). Tổng dư nợ cho vay khách hàng có ít nhất 1 khoản vay được tái cơ cấu tại ACB tăng lên 13,4 nghìn tỷ đồng (4% tổng dư nợ), từ mức 8,1 nghìn tỷ đồng (2,4% tổng dư nợ) trong Q2/2021. Trong số các khoản nợ tái cơ cấu Q3/2021, khách hàng cá nhân và SME chiếm khoảng 82%. Cần lưu ý rằng, con số mà ACB công bố là dư nợ tái cơ cấu đã tính cả các khoản nợ kéo theo và do đó không thể so sánh với con số dư nợ tái cơ cấu trực tiếp mà các ngân hàng khác công bố (dư nợ tái cơ cấu trực tiếp thấp hơn nhiều so với con số đã bao gồm cả các khoản kéo theo).
Chi phí tín dụng tăng lên 1,15% so với 0,32% trong 2020. ACB giữ chi phí tín dụng cao hơn tỷ lệ nợ xấu mới hình thành từ năm 2014. Chi phí dự phòng nửa đầu năm 2021 bao gồm 1,4 nghìn tỷ đồng cho nợ tái cơ cấu và 500 tỷ đồng cho nợ xấu. Ngân hàng duy trì quan điểm thận trọng trong Q3/2021 với 600 tỷ đồng dự phòng nợ tái cơ cấu và 200 tỷ đồng dự phòng nợ xấu. Theo đó, tỷ lệ chi phí dự phòng bao nợ xấu là 198% (so với 160% tính đến cuối năm 2020 và 208% tính đến cuối Q2/2021).
Ước tính lợi nhuận và Luận điểm đầu tư
Sau khi nghiên cứu KQKD Q3/2021 và thảo luận với ban lãnh đạo, chúng tôi điều chỉnh mô hình dự báo như sau:
Tăng trưởng tín dụng. Chúng tôi điều chỉnh giảm giả định tăng trưởng tín dụng 2021 từ 15% còn 13,5%, trong khi tăng đối với năm 2022 từ 12% lên 14%. Ngân hàng vốn có quan điểm thận trọng và chúng tôi cho rằng ngân hàng sẽ cho vay một cách có chọn lọc trong phần còn lại của năm 2021. Tăng trưởng dự kiến sẽ mạnh mẽ hơn bắt đầu từ 2022 khi tình hình phục hồi trở nên rõ ràng hơn.
NIM. Ngân hàng cam kết với Ngân hàng Nhà nước sẽ giảm lãi suất hỗ trợ cho khách hàng chịu ảnh hưởng từ Covid-19, ước tính giảm gần 700 tỷ đồng thu nhập lãi (0,2% tổng dư nợ cho vay hay 4% thu nhập lãi thuần hàng năm), trong đó 203 tỷ đồng đã được thực hiện trong Q3/2021. Tuy nhiên, chúng tôi tăng nhẹ giả định NIM từ 3,9% lên 4% do chúng tôi nhận thấy ngân hàng có thể tiếp tục hưởng lợi từ LDR thấp – tương tự 6T2021 và CASA tăng trong 2 tháng cuối 2021. Với đà cải thiện CASA hiện tại, chúng tôi cho rằng ngân hàng có thể hoàn thành kế hoạch CASA 24% vào cuối năm.
Về chi phí dự phòng rủi ro, ACB đã chứng minh được khả năng xử lý tài sản có vấn đề với chi phí tín dụng luôn ở mức cao từ 2020. Chúng tôi ước tính ngân hàng sẽ duy trì chi phí tín dụng 1,05% trong 2021 và 0,67% trong 2022 (so với trung bình 0,29% trong 2018-2020). Điều này đã bao gồm giả định cẩn trọng là ACB sẽ dự phòng 2,5 nghìn tỷ đồng và 1,5 nghìn tỷ đồng cho nợ tái cơ cấu trong 2021 và 2022.
CIR 2021 giả định là 35,4% so với mức cũ là 36,3%.
Theo đó, LNTT 2021 và 2022 ước tính đạt 11,8 nghìn tỷ đồng (+23% YoY) và 14,7 nghìn tỷ đồng (+24% YoY). Ước tính này không bao gồm hoàn nhập dự phòng hay việc các khoản lãi dự thu ngoại bảng quay trở lại nội bảng. Chi tiết điều chỉnh như sau:
ACB luôn chủ động dự phòng trước nợ có vấn đề, xây dựng bộ đệm dự phòng tốt. Ngân hàng hoàn toàn có thể đạt tăng trưởng lợi nhuận dài hạn ổn định 20%/ năm, theo quan điểm của chúng tôi, dựa trên CASA cải thiện, tăng trưởng bancassurance mạnh mẽ và CIR giảm. Mặc dù có quan điểm cẩn trọng, ACB có ROE cao thứ nhì trong số các ngân hàng thuộc phạm vi nghiên cứu của chúng tôi, ở mức 23% trong 2022. Do đó, chúng tôi nhận thấy PB 2022 ở mức 1,52x đang khá hấp dẫn, và khuyến nghị MUA đối với ACB, với giá mục tiêu 1 năm là 41.750 đồng/cp dựa trên các cơ sở định giá cuối 2022, tăng từ mức giá cũ là 40.000 đồng/cp.
Nguồn: SSI