ACB: Kết quả kinh doanh sơ bộ Q3/2020 - Lợi nhuận vượt kỳ vọng của thị trường
Tóm tắt quan điểm đầu tư: ACB đã công bố kết quả lợi nhuận Q3/2020 tích cực – vượt ước tính của chúng tôi. Lũy kế 9 tháng đầu năm 2020, lợi nhuận trước thuế đạt 6,4 nghìn tỷ đồng, tăng 15% so với cùng kỳ - cho thấy lợi nhuận trước thuế trong Q3/2020 tăng trưởng mạnh mẽ ở mức +34% so với cùng kỳ hay đạt 2,6 nghìn tỷ đồng. Kết quả ấn tượng này được dẫn dắt bởi mức tăng trưởng tín dụng và tiền gửi lần lượt ở mức +10,6% và +8,5% so với đầu năm; NIM nới rộng 14 bps lên 3,5%; và kiểm soát chi phí tốt. ACB đã đạt 81% ước tính của SSI Research và 84% kế hoạch năm của công ty. Tuy nhiên, chúng tôi quan ngại về việc giảm tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu của ACB từ 175% cuối 2019 xuống 113% cuối Q3/2020.
Tin cập nhật
Tăng trưởng tín dụng tiếp tục được thúc đẩy nhờ cho vay tiêu dùng. Tại thời điểm cuối tháng 9/2020, tăng trưởng tín dụng ở mức 10,6% so với đầu năm, trong đó cho vay cá nhân tăng 12% so với đầu năm và cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) tăng 10,7% so với đầu năm. Do đó, cho vay cá nhân trong tổng dư nợ tăng lên 61% tại thời điểm Q3/2020. Các khoản cho vay sản xuất kinh doanh đã thúc đẩy các khoản vay cá nhân của ACB, chiếm tỷ trọng 47% trong tổng dư nợ cá nhân. Cho vay mua nhà và các khoản vay tiêu dùng khác lần lượt chiếm 30,5% và 17,7% trong tổng dư nợ cho vay cá nhân.
Tăng trưởng huy động vốn duy trì khả quan đạt mức +8,5% so với đầu năm, trong đó tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) cải thiện đáng kể lên 20% (so với mức 18% trong Q2/2020). Tỷ lệ CASA cải thiện ở cả khách hàng cá nhân và doanh nghiệp. Tỷ lệ CASA ở khách hàng cá nhân, doanh nghiệp SME, và các doanh nghiệp lớn lần lượt là 15%, 55% và 14%. Các sáng kiến trả lương qua ngân hàng ACB đã cho thấy hiệu quả khá tốt, và ACB dự kiến sẽ tiếp tục nâng tỷ lệ CASA trong tương lai gần.
NIM nới rộng lên 3,5% từ mức 3,36% trong Q2/2020. Điều này chủ yếu là nhờ chi phí vốn giảm với việc cải thiện CASA, cũng như lãi suất tiền gửi giảm 40 bps130 bps trong Q3/2020. Do đó, thu nhập lãi ròng đạt 3,5 nghìn tỷ đồng (+15% so với cùng kỳ), tổng thu nhập hoạt động đạt 4,2 nghìn tỷ đồng (+9% so với cùng kỳ).
Chất lượng tài sản giảm với tỷ lệ nợ xấu gia tăng lên 0,83% (so với mức 0,68% trong Q2/2020); tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu giảm xuống 113% (so với mức 144,1% trong Q2/2020). Chất lượng tín dụng là điểm quan tâm lớn nhất của chúng tôi đối với ACB trong KQKD Q3/2020. Chúng tôi đã kỳ vọng khả năng sinh lời cao sẽ giúp ngân hàng có khả năng xóa nợ xấu để cải thiện các chỉ số chất lượng tài sản. Chi phí dự phòng rủi ro nợ xấu trong Q3/2020 khoảng 171 tỷ đồng, tăng 157% so với cùng kỳ nhưng giảm 61% so với quý trước. Do đó, chi phí tín dụng cũng giảm xuống 0,24% từ 0,64% trong Q2/2020.
Số dư nợ tái cấu trúc đi ngang so với Q2/2020. Số dư nợ tái cấu trúc do ACB nắm giữ tại thời điểm cuối Q3/2020 là 9,1 nghìn tỷ đồng, chỉ tăng nhẹ từ 9 nghìn tỷ đồng trong Q2/2020. Lãi thoái thu liên quan đến các khoản nợ tái cơ cấu này là khoảng 300-400 tỷ đồng
Chuyển niêm yết sang sàn HSX. HSX đã nhận hồ sơ đăng ký chuyển sàn niêm yết của ACB, và ngân hàng dự kiến sẽ hoàn tất vào đầu tháng 12/2020.
(Nguồn: SSI)